Nhà tôi có phòng cho khách Airbnb thuê, nhưng từ đầu dịch Covid19 (3-2020) đến nay bỏ trống. Vậy nên tôi đăng ký với thành phố Cologne mấy cái giường đó cho người tị nạn Ukraine.
Ngày hôm sau thành phố giới thiệu một cô Ukraine với tôi. Tôi để dành phòng cho cô. Nhưng cô và hai đứa con kẹt ở Rumani khá lâu. Cuối cùng cô nhắn tin là sẽ ở lại đó, để mau chóng quay về quê khi hết chiến tranh.
Tôi mới vừa kích hoạt lại căn phòng cho người tị nạn khác thì cậu Nguyễn Đình Thụ, một đồng hương ở đây gọi điện: "Anh ơi, em đang ở ga để đón một gia đình người Việt mới chạy từ Ukraine sang, anh có chỗ tá túc cho họ không?“
Một giờ sau, Thụ chở một cặp vợ chồng đến. Gia tài của họ mang thoát khỏi Kharkiv (Kharkov) chỉ nằm gọn trong ba cái valy nhỏ. Lê Thị Lan Phương và Cường, chồng cô, rời khỏi Kharkiv khá muộn, vì họ vẫn nghĩ là chiến sự chỉ vài ngày, họ vẫn có cơ hội ở lại tiếp tục làm ăn. Chín ngày sau khi thành phố bị dội bom, ngày 4.3 họ mới ra đi. Cả Phương và Cường đều coi Putin là kẻ giết người. Cho đến nay họ vẫn chưa hết bàng hoàng và chưa cắt nghĩa được lý do của sự tàn bạo này
Hai vợ chồng Phương hành nghề kinh doanh quần áo ở Kharkiv, có cuộc sống ổn định. Họ mua được căn hộ để ở. Đa số việc nhà và việc kinh doanh Phương đều thuê người Ukraine làm, vì họ chăm chỉ và thật thà. Các cháu từ bé đều gửi các bà tây chăm nên nói tiếng Ukraine và sống như họ. "Người Ukraine họ tốt lắm anh ạ“.
Phương rời quê hương Thái Bình sang Liên Xô theo dạng hợp tác lao động từ năm 1988. Cô làm việc trong một nhà máy dệt ở Donetzk. Sau khi Liên Xô tan vỡ, người Việt đổ ra làm nghề kinh doanh. Ở vùng Donbas, người Nga rất đông nên cô học tiếng Nga từ các đồng nghiệp và giao tiếp bằng tiếng Nga. Cho đến 2014, người Nga và người Ukraine chung sống với nhau yên ấm. Phương coi tất cả họ là người Ukraine, chẳng ai hỏi ai gốc nào. Người Việt làm ăn ở Donbas và Kharkiv vẫn "đánh hàng“ sang nhau.
Sau khi Nga chiếm Crimea tháng 2.2014 rồi đưa lính không đeo quân hiệu, bịt mặt vào giúp quân ly khai ở Donbas chiếm hai thành phố Donetzk và Luhansk thì tình thế thay đổi. Nội chiến nổ ra, biên giới hình thành. Việc buôn bán sang Donbas khó dần. Một số gia đình Donbas gửi con cái sang Kharkiv học, vì ở đó không có chiến tranh. Cậu con cả của Phương quen cô vợ hiện nay từ hoàn cảnh đó. Giờ đây hai cháu đã sang ở Ba Lan, có công ăn việc làm và đang tham gia các phong trào hỗ trợ cuộc kháng chiến ở Ukraine.
Từ 2019 đến nay quân ly khai không cho đi lại, giao thương của người Việt ở hai bên khó khăn hơn. Thâm chí có đám cưới mà bố mẹ cô dâu chú rể không sang được. Ông thông gia nhà Phương vẫn sống ở Donetzk và họ vẫn liên lạc với nhau qua mạng.
Phương kể rằng cũng có người Việt bên đó ủng hộ quân ly khai. Cô không thể hiểu nổi những đồng hương đã hưởng sự đùm bọc của đất nước này mấy chục năm nhưng lại ủng hộ Putin. Hóa ra cộng đồng người Việt cũng chia rẽ như người bản xứ trong vấn đề này. Tôi bảo: "Người Việt mình trong vụ Trump cũng chia phe chửi nhau rồi ghét nhau“.
- Em không quan tâm đến các chuyện chính trị kiểu đó, chỉ buồn vì sự chia rẽ ở Ukraine - Phương nói.
Sự chia rẽ đó hầu như đã chấm dứt vào rạng sáng 24.2.2022, khi bom đạn Nga bất thình lình dội xuống các thành phố và làng mạc Ukraine. Phương bảo : "Người Nga ở Kharkiv đông lắm, họ cũng không ngờ Putin phát động chiến tranh và ném bom vào họ“. Người dân bây giờ, bất kể nói tiếng gì, đều coi mình là người Ukraine, là nạn nhân của Putin.
Tôi hỏi Phương về liên hệ giữa bọn phát xít và tiểu đoàn Azov. Phương bảo: Azov chỉ đánh quân ly khai thôi. Ở Ukraine không có nạn phát xít đầu trọc đánh người Việt. Cương từng sống ở Nga, luôn bị ám ảnh bởi nạn khủng bố của bọn tân phát xít bên đó. Cương kể về sự tàn bạo của hiến binh OMON bên Nga.
-Cảnh sát Ukraine hiền lắm- Cương nói
Hàng ngày Phương và Cương lên mạng chỉ lùng tin chiến sự ở Kharkiv. Các em cho tôi xem những clip video bom nổ ở gần khu nhà cao tầng của họ rồi lo ngại - Chắc chắn là cửa sổ vỡ hết rồi anh ạ.
Hôm qua ông bảo vệ người Ukraine gửi Phương video về vụ pháo kích vào khu chợ của người Việt. Nhìn khu chợ của mình cháy rừng rực, Phương lặng người. Toàn bộ hàng hóa, vốn kinh doanh của bà con chắt cóp bao lâu nay mất hết. Nước mắt rưng rưng, cô gọi điện báo cho các bạn hàng khác về tổn thất này.
Phương và Cương đều gọi xứ họ sống là U: Ở bên U chúng em, dân U chúng em v.v...
Tôi bảo: Quê U là quê mẹ đấy! Anh chỉ mong khi chiến tranh chấm dứt, hai em lại quay về đó để góp phần xây dựng lại đất nước. Các em được U cưu mang hơn 30 năm qua, đó là quê hương thứ hai. Các em phải có nghĩa với U. Một số người coi chiến tranh là dịp để họ chạy sang Đức tị nạn, tìm dịp đổi đời lần thứ hai. Không ai lại bạc như vậy được.
- Vâng, chúng em vẫn chỉ mong quay lại U thôi anh- Phương nói- Chẳng phải chuyện nghĩa vụ gì cao siêu, nhưng chúng em coi những người bạn U, những người đã làm cho em, đã chăm con em như bà con. Đâu có dễ bỏ họ được.
Phương kể cho tôi nhiều chuyện nữa về xứ sở Ukraine của cô. Cô thích nhất nền nông nghiệp ở đó. "Ruộng đất bạt ngàn, lương thực hoa trái nhiều vô kể, rẻ lắm anh ạ. Em thích nhất là những cánh đồng hoa hướng dương ở quanh chỗ em“.
Rồi cô cho tôi xem video về những cánh đồng hoa hướng dương. Giờ tôi mới biết Ukraine là nước trồng nhiều hoa hướng dương nhất thế giới. Mỗi năm họ thu hoạch từ 15-16 triệu tấn hạt, sản xuất ra 5-6 triệu tấn dầu hướng dương. Ukraine cung cấp 46% sản lượng dầu và hạt hướng dương toàn cầu. Nga chỉ xếp thứ 2 với 23%. [1]
Hoa hướng dương đã trở thành biểu tượng quốc gia của xứ này. [2]
Tôi bỗng hiểu câu chuyện của bà cụ người Ukraine và anh lính Nga tại thị trấn Henitschek, gần thành phố Kherson trong ngày đầu tiên của cuộc chiến. Trong clip video được hàng chục triệu lần xem này, Bà cụ mắng người lính:
- Chúng mày đến đây để làm gì? Sao không ngồi ở nhà chúng mày? Hãy cầm lấy những hạt giống hướng dương này và nhét vào túi. Ít ra khi chúng mày chết thì cũng còn có những cây hướng dương mọc lên.
Câu nói của bà đã đi khắp thế giới. Jill Biden, vợ tổng thống Mỹ đã làm ngay cái khẩu trang có hình hoa hướng dương để bày tỏ tình cảm với đất nước Ukraine.[3]
Phương không quan tâm đến chính trị Mỹ nên không biết bà Jill Biden. Bà ta cũng chẳng biết cô người Việt ở Kharkiv này là ai. Nhưng cả hai người đều dẫn tôi đến với câu chuyện hoa hướng dương của bà cụ ở Kherson.
THỌNGUYỄN 18.03.2022
No comments:
Post a Comment