Monday, September 26, 2016

Monday, September 19, 2016

Bướm Bay Vườn Cải Hoa Vàng - Thích Nhất Hạnh



Mười năm vườn xưa xanh tốt
Hai mươi năm nắng rọi lều tranh
Mẹ tôi gọi tôi về bên bếp nước rửa chân
Hơ tay trên bếp lửa hồng
Đợi cơm chiều khi màn đêm buông xuống.

Tôi không bao giờ khôn lớn
Kể gì mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm ?
Mới hôm qua đây tôi thấy bướm bay từng đàn rộn rã trong khu vườn cải hoa vàng
Mẹ và em còn đó
Gió chiều như hơi thở
Mơ gì một mảnh tương lai xa xôi ?

Gió mang tiếng ca. Ngày ra đi em dặn:
"Nếu ngày về thấy khung trời đổ nát
Thì tìm em trong tận đáy hồn anh"
Tôi đã về. Có tiếng hát ca. Bàn tay trên liếp cửa
Hỏi rằng: "Có tôi hôm nay đây, tôi giúp được gì ?"
Gió thì thầm: em nên hát ca
Bởi vì hiện hữu nhiệm mầu
Hãy là đóa hoa, hãy là nụ cười
Hạnh phúc có bao giờ được dựng xây bằng vôi với gạch?

Hãy thôi là nguồn khổ đau cho nhau
Tôi tìm em. (Như đêm giông tố loạn cuồng
Rừng sâu đen tối
Những cành cây sờ soạng
Đợi ánh chớp lòa ngắn ngủi
Thấy cần được hiện hữu bên nhau, tìm nhau)
Em hãy là đóa hoa đứng yên bên hàng dậu
Hãy là nụ cười, là một phần của hiện hữu nhiệm mầu
Tôi đứng đây. Chúng ta không cần khởi hành
Quê hương của chúng tôi đẹp như quê hương của tuổi thơ
Xin đừng ai xâm phạm - tôi vẫn còn hát ca
Đầu còn gối trên thánh kinh, sáng nay tôi nghe xôn xao trong nắng mai vũ trụ đang được những con ong vàng siêng năng bắt đầu khởi công tạo dựng
Công trình xây dựng ngàn đời
Nhưng công trình em xem, đã được ngàn đời hoàn tất
Bánh xe mầu nhiệm chuyển hoài đưa chúng ta đi tới
Nắm lấy tay tôi, em sẽ thấy chúng ta đã cùng có mặt từ ngàn xưa trong hiện hữu nhiệm mầu.

Tóc mẹ tôi còn xanh và dài chấm gót
Áo em tôi phơi còn phất phơ bay trước dậu
Nắng sớm mùa Thu
Tôi ở đây. Chính thực là vườn xưa
Những cây ổi trái chín thơm
Những lá bàng khô thắm
Đẹp
Rụng
Còn chạy chơi la cà trên sân gạch
Tiếng hát vẳng bên sông
Những gánh rơm thơm vàng óng ả
Trăng lên, quây quần trước ngõ
Vườn cải hoa vàng, chính mắt tôi vừa thấy sáng qua.

Tôi không ngủ mơ đâu
Ngày hôm nay đẹp lắm thật mà
Em không về chơi trò bắt tìm nơi quá khứ
Chúng mình còn đây, hôm nay, và ngày mai nữa
Đến đây
Khi khát chúng ta cùng uống ở một giếng nước thơm trong

Ai nói cho em nghe rằng Thượng Đế đã bằng lòng cho con người khổ đau đứng dậy hợp tác cùng người?
Chúng ta đã từng nắm tay nhau từ muôn vạn kiếp,
Khổ đau vì không tự biết là lá là hoa
Em hát ca đi. Bông cúc cười theo em bên hàng dậu,
Đừng bắt chúng tôi nhúng hai tay vào vôi cát
Những ngôi sao trời không bao giờ xây ngục thất cho chính mình.
Để cho chúng tôi hát ca. Để cho chúng tôi là
những đóa hoa.
Chúng tôi đang ở trong cuộc đời
mắt chúng tôi chứng minh cho điều ấy.
Bàn tay cũng là hoa. Đừng biến bàn tay em tôi thành giây chằng
Thành khớp răng cưa
Thành móc sắt.
Hiện hữu không kêu gọi tình thương
Hiện hữu không cần ai phải thương ai
Nhưng em phải là em, là đóa hoa, là bình minh hát ca không đắn đo suy tính
Xin ghi vào đây một tân ước nữa của tất cả chúng ta
Và xin vẫn nghe lời tôi như nghe lời suối reo, như nhìn trăng sáng

Em về, đưa Mẹ về cho tôi thăm
Cho tôi hát em nghe, để tóc em sẽ dài xanh như tóc Mẹ.


Thích Nhất Hạnh

Sunday, September 18, 2016

Về Huế….thăm chùa !- B.S. Đỗ Hồng Ngọc


Về HUẾ… thăm Chùa
BS Đỗ Hồng Ngọc 
Đỗ Hồng Ngọc




Thiên Mụ Huế
Với tôi, Huế là về. Về Huế. Không phải đến. Không phải đi. Mà về. Mặc dù không sinh ra và lớn lên ở Huế. Chỉ nghe « về Huế » thôi mà đã thấy lòng xao xuyến, bâng khuâng, nao nao rồi.
Tôi có duyên với Huế. Năm 2008, dịp Tuần Văn hóa Phật giáo tổ chức tại Huế, tôi có buổi nói chuyện về Thiền và Sức khỏe tại chùa Từ Đàm. Một người bạn Huế nói anh đến đây như đến Tào Khê rồi đó. Run lắm chớ. Lo lắm chớ. Nhưng với cái nhìn từ y học, từ khoa học thực nghiệm, tôi thấy sáng rõ con đường Thiền Phật giáo mà không ngại sẻ chia. Chính lần nói chuyện này, về sau, tôi hoàn chỉnh và in thành cuốn Thiền và Sức khỏe để phổ biến rộng rải hơn. Nói là “Thiền và Sức khỏe”, thực ra, đằng sau đó, đã mở ra một cõi tâm linh đi về tuyệt diệu khi đọc giữa những dòng chữ vậy.
Mấy năm sau, tôi lại có dịp trò chuyện đề tài “Một nếp sống hạnh phúc” ở Huế với khá đông người tham dự. Có cả các Thầy, các Ni, các anh chị em trí thức, văn nghệ sĩ, nhà giáo, bác sĩ, sinh viên, bạn đọc… Người quen đã lâu, người mới biết, người chưa gặp bao giờ mà đã thân thiết từ lâu qua những trang sách. Dĩ nhiên, mọi người đến không phải để nghe “Một nếp sống hạnh phúc” chi đâu! Nếp sống hạnh phúc, đâu cần phải nói, phải nghe ở Huế. Về với Huế, tự dưng cũng đã thấy tràn một niềm vui đằm thắm, hiền hòa, một thứ hạnh phúc dễ thương với nắng, với gió, với dòng sông, với ngọn núi, với món ăn, cây cầu, con đường, bóng cây, bờ cỏ… Cho nên đến là đến với nhau, là tay bắt mặt mừng. Nay thì Huế đã có khác. Đường sá sạch đẹp hơn, thênh thang hơn. Phố xá sầm uất hơn. Xây cất triền miên hơn. Những cây cầu mới. Những khu “đô thị” mới. Những con đường mới…
IMG_h-Nep-song-HP-300x225
Người bạn Huế đưa đi thăm đường Trịnh Công Sơn trước hết. Con đường đẹp, nghiêng nghiêng từ cầu Gia Hội đổ xuống, ôm sát tả ngạn sông Hương, nhìn qua cồn Hến. Hình như lúc đó còn có hơi nhiều quán nhậu! Rồi đi ngược về Kim Long, vào thăm một cái làng mới có tên làng Phú Mộng. Kim Long thì đã nghe biết từ xưa: Kim Long có gái mỹ miều / Trẫm thương trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi. Còn Phú Mộng thì chưa. Nằm trong Kim Long êm đềm nhưng Phú Mộng có cái gì đó khác. Nó đẹp nhưng diêm dúa, nhiều tiệm ăn, nhà nghỉ, quán nhậu… Cái tên Phú Mộng nghe đã thấy hơi mệt rồi. Đi vào sâu thêm chút nữa thì có Bệnh viện tâm thần. Ngược lên phía trên đã có Thiên Mụ,  Huyền Không…
Trường Quốc học, trường Đồng Khánh (Hai Bà Trưng) vẫn uy nghiêm. Vẫn những cô gái huế đạp xe dịu dàng, bên cạnh những cô gái huế vù vù xe đời mới, che mặt, quần short, không kém Sài gòn, Đà Nẵng… Huế đang thay da đổi thịt, nhưng Huế sẽ vẫn giữ nét đặc thù của mình thôi, không lo.
Năm ngoái, lại có dịp về Huế. Lần này là buổi nói chuyện về đề tài: Đức Phật, bậc Y vương, tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán bên bờ Sông Hương, gần khu triển lãm Lê Bá Đảng. Lại là một dịp được gặp gỡ các Thầy, các bạn, đông vui. Tay bắt mặt mừng. Nghiền ngẫm Phật học nhiều năm, tôi càng thấy rõ Đức Phật là một bậc Y vương, đã đi từ “bệnh chứng” đến “chẩn đoán” tìm ra nguyên nhân, từ đó đưa ra những phương thức điều trị phù hợp, đâu đó chính xác như một khoa học thực nghiệm cho kiếp nhân sinh. Ở đây không chỉ chữa cái “đau” mà là chữa cái “khổ”. Con đường giải thoát chúng sinh.
IMG_h-Lieu-Quan-2-300x200
Vừa rồi, tôi lại có dịp về Huế. Lần này đi cùng anh em trong Nhóm học Phật chùa Xá Lợi. Chương trình sẽ đi thăm một số chùa Huế mà những lần trước không có đủ thời gian.
Hẹn cả nhóm đúng 6 giờ sáng có mặt ở sân bay Tân Sơn Nhất, vậy mà mới 4 giờ đã thức loay hoay. Không hiểu sao. Chắc tại nôn quá. Máy bay hoãn nửa giờ vì sân bay Huế sương mù dày đặc, không đáp được. Hoãn là chuyện thường ngày ở huyện mà! Tự dặn mình “ngoài không dính mắc là thiền/ trong không lay động là định” (Huệ Năng). Vả lại lâu lâu mới có dịp ngồi đợi ở sân bay coi người ta qua lại như coi trình diễn thời trang chớ chơi sao. Nhiều thứ thời trang bây giờ quái dị, như có người hình như chỉ mặc áo đi qua đi lại.  Rồi máy bay lại hoãn nửa giờ nữa. Rồi nửa giờ nữa. Cuối cùng cũng lên xe bus trung chuyển ra tàu bay thì một cô hành khách cùng đi chào hỏi có phải bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc không, rồi cô mở túi xách lấy cuốn Nghĩ Từ Trái Tim ra xin chữ ký! Ôi trời. Ngộ ghê. Cô nói nhóm cô đi Lào. Cô chỉ mang theo có mỗi cuốn này để đọc lại.
Đến Huế đã quá trưa nên bị bể kế hoạch, đành đi thăm Lăng trước. Cũng hay. Lần này có Trần Đình Sơn, Thanh Nguyên gốc Huế nên chuyện thăm chùa chiền lăng tẩm cung vua… hoàn toàn khỏi lo!
Trần Đình Sơn quyết định cho đi thăm Lăng Gia Long trước. Khá xa. Ít người thăm viếng so với các lăng Minh Mạng, Tự Đức… quen thuộc. Đường quanh co khúc khuỷu, sát bờ vực đầu nguồn sông Hương. Phong cảnh yên tĩnh. Một miền quê thanh bình.
Mỗi Lăng thể hiện tính cách của mỗi ông vua triều Nguyễn! Tự Đức thì có cái “bay bướm” của nhà thơ, “Minh mạng” thì nghiêm trang của nhà “quản lý”… Gia Long thì uy nghi, vừa trang nghiêm vừa thơ mộng. Đặc biệt ở Lăng Gia Long phảng phất nhiều nét Nam bộ… có lẽ do lúc còn bôn ba xuôi ngược ông đã gắn bó nhiều với miền Nam. Quanh lăng nào xoài, nào vú sữa…, trước lăng mênh mông một đầm nước um tùm lau sậy có nhiều cá lóc từ phương Nam được nuôi nơi đây, người giữ Lăng cho biết.
Điện Minh Thành ghi năm 1816. Vậy ra vừa đúng 200 năm! Khu lăng gồm 3 quần thể, giữa là lăng mộ, bên phải là điện Minh Thành và bên trái là Bi đình, có núi Thiên Thọ làm tiền án, sau có 7 ngọn núi làm hậu chẩm, bên trái và bên phải có 14 ngọn núi tả thanh long, hữu bạch hổ.
Người gác mở cổng khu lăng mộ cho đoàn vào viếng. Bên trong có hai ngôi mộ đá, xây cất hoàn toàn giống hệt nhau, song táng vua và hoàng hậu. Không ngờ từ thời đó, đã có sự bình đẳng giới tính hay vậy.
Một điều đáng ghi nhận khác: triều Nguyễn, khi lên ngôi thì hình như vị vua nào cũng lo trước hết xây cho mình một cái lăng để đợi ngày… băng hà! Phải chăng vị vua nào của triều Nguyễn cũng ý thức đời là vô thường, kiếp sống là giả tạm? Bởi vua chúa khi lên ngôi thì thường lo gồm thâu lục quốc, nhất thống giang hồ, muôn năm trường trị, cũng như lo xây tam cung lục viện, tìm thuốc trường sanh bất tử…?
Từ Lăng Gia Long về, cả nhóm đến thăm nhà một thân hữu xứ Huế, anh Ngô Tiến Nhân. Đó là một ngôi nhà rất đẹp, trên một đồi cao cạnh chùa Trúc Lâm.
Ở đó, đã có một số anh em thân hữu xứ Huế đợi sẵn, hẹn gặp nhau để hàn huyên vào một buổi chiều còn chút mưa vẫn mưa bay… Anh Lê Văn Lợi, anh Cao Huy Hóa, anh P, bác sĩ D…
Về Huế lần này tôi chỉ mang 2 cuốn sách mới vừa ra mắt ở Hội Sách ngày hôm trước. Cuốn Cõi Phật đâu xa để gởi anh Lê Văn Lợi, nhà Phật học, và cuốn Một hôm gặp lại gởi Phan Như, nhà thơ. Anh em trao đổi về con đường tu học Phật pháp, riêng bác sĩ Dũng, vừa Tây y vừa Đông y, đưa ra những “triết lý” về y học khá độc đáo, đã thể nghiệm trên bản thân như từng nhịn đói 49 ngày, sụt 20kg thể trọng nhưng vẫn bơi 3 vòng sông Hương! Anh Cao Huy Hóa kể hành trình viết báo Phật giáo của mình như thế nào…
Ngày hôm sau Huế vẫn mưa. Lai rai thôi. Làm như mùa này không mưa thì không phải Huế. Giữa tháng 2 âm lịch rồi chứ! Lạnh 17 độ. Nghe nói “tháng ba bà già chết rét” là vậy!
IMG_h-cafe-LQ-225x300



































Không gì sảng khoái hơn sáng sớm được ngồi bên bờ sông Hương, khu vực Trung tâm văn hóa  Phật giáo Liễu Quán, Lê Bá Đảng… nhâm nhi café và gặp gỡ bạn bè. Café Liễu Quán hay lắm. Dưới mỗi phin lọc có một khúc đèn cầy sưởi nóng! Tôi nghĩ nếu được đặt một cục than hồng thì thú vị hơn. Để nhớ TCS: ngoài phố mùa đông/ đôi môi em là đốm lửa hồng/ ru đời đi nhé…
Chương trình sáng nay đi Huyền Không Sơn Thương thăm thầy Giới Đức và khi về sẽ ghé chùa Thiên Mụ. Nghe nói sư Giới Đức sắp nhập thất 3 năm. Gần như là rửa tay gác kiếm, tuyệt tích giang hồ chớ gì nên phải cần gặp sớm! Sư vốn là một nghệ sĩ, một nhà thơ, nhà văn, nhà thư pháp nổi tiếng từ hơn bốn mươi năm trước: Minh Đức Triều Tâm Ảnh. Vẫn mưa lất phất. Khá lạnh. Mây mù trên đỉnh núi xa. Đường quanh co đèo dốc. Hình như Sư đang phải bận tiếp khách nên anh em đợi hơi lâu dưới quán lương đình. Không bỏ lỡ cơ hội, phải săn một ít hình ảnh chứ.
Lang thang chợt thấy một túp lều tranh, giữa lòng hồ lớn, có dòng suối róc rách, có nhịp cầu bắt ngang… Lạ nhỉ. Ai mà chọn một chỗ đẹp như tranh vầy! Làm nhớ  “Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước/ Em đến tôi một lần/ Bao lũ chim rừng họp đàn trên khắp bến xuân…” (Văn Cao). Lần theo chiếc cầu tre ọp ẹp nhiều đoạn như sắp gãy tìm chủ nhân. Chó bỗng sủa vang. Nhìn lên thấy một… sư trẻ râu ria rậm rạp, trông rất “tiên phong đạo cốt”. Chó dữ không thầy? Không. Nó hù thôi. Mời vào. Thì ra đó là thầy Chơn Quán, đệ tử của sư Giới Đức. Hùng và Thanh Nguyên không biết tự lúc nào đã theo chân nên cùng kéo vào thảo am. Hùng giới thiệu tôi. Sư mừng rỡ, ủa vậy hả? Rồi vội vàng châm nước pha trà mời khách phương xa, tuy chưa quen mà không hề lạ. Chơn Quán là đệ tử “chân truyền” về thư pháp của sư Giới Đức thì phải, lại phụ trách website của Huyền Không Sơn Thượng… nên không lạ gì với chúng tôi! Đúng là tứ hải giai huynh đệ.
Rồi Chơn Quán đích thân đưa bọn tôi lên cốc của sư Giới Đức. Tôi với Sư thì đã khá quen nhau. Sư cười: anh leo dốc cao vậy mà không thấy mệt hỉ? Rồi Sư… “tâm tình” một buổi, cùng trả lời những thắc mắc của anh em đặt ra về Phật pháp. Phải nói bây giờ Sư đã có cái nhìn rộng mở, xuyên suốt. Sư nói đã có lời nguyện từ khi xây dựng Huyền Không Sơn Thượng, nay đã gần như hoàn thành tâm nguyện. Giờ đến lúc phải nhập thất. Bỏ hết thơ văn, thư pháp, không tiếp ai, không điện thoại, không vi tính, hoàn toàn tĩnh lặng… Sư nói hôm nay vui quá. Chưa có hôm nào vui như vậy. Sư mời mọi người cùng chụp với Sư một tấm hình kỷ niệm…
IMG_h-HK-3-300x225
Rời Huyền Không Sơn Thương, đoàn về chùa Thiên Mụ. Đã quá trưa. Chùa đông du khách quá! Lễ Phật, tham quan các nơi rồi… kéo nhau xuống núi.
Vẫn mưa lất phất không ngơi. Sơn nảy ý đề nghị mọi người đi thăm chùa Túy Vân, một danh thắng cách Huế khá xa, miệt biển, không có trong chương trình. Vẫn mưa.
Buổi tối áp thấp nhiệt đới. Sóng trên sông Hương mạnh dần lên nên chương trình đi thuyền trên sông, nghe ca Huế phải hủy. Thế nhưng, không nghe ca Huế trên sông thì các bạn tổ chức cho nghe ca Huế trên bờ tại thính phòng Bảo tàng văn hóa do nhà thơ Võ Quê phụ trách!
Ngày mai, sẽ viếng các chùa Huế xưa…
Trước hết, viếng chùa Quốc Ân, Tổ đình thiền Lâm Tế, do Sư Nguyên Thiều khai sơn, năm 1682, thời chúa Nguyễn Phúc Tần. Một cõi Phật trang nghiêm, thanh tịnh. Lòng như nhẹ lâng. Mưa vẫn mưa bay. Rồi đến chùa Thuyền Tôn, do thiền sư Liễu Quán khai sáng từ đầu thế kỷ 17. Đây cũng là nơi đã nhiều lần mở các Đại giới đàn truyền giới cho hàng vạn tín đồ. Huế nay có Trung tâm Liễu Quán rất trang nhã bên bờ sông Hương và có giai phẩm Liễu Quán rất đẹp và giá trị. Ghé Ni viện Diệu Đức, được xây dựng từ năm 1932 bởi Sư bà Diệu Không, nay vẫn là một trung tâm đào tạo nổi tiếng cả nước.
Chùa Bảo Quốc có từ đời chúa Nguyễn Phúc Tần, nơi ngài Liễu Quán từng đến học đạo nhiều năm, sau này trở thành trường Cao đẳng Phật học, đào tạo tăng tài. Các Hòa thượng Trí Tịnh, Thiện Hoa… ở phương Nam cũng từng đến học nơi này. Bác sĩ cư sĩ Lê Đình Thám, hội trưởng An Nam Phật học hội, cũng sinh hoạt tại đây.
Chùa Bảo Quốc đã được Hoàng hậu Hiếu Khương cho tái thiết năm 1808 và sau này Bà Từ Dũ cũng đã hỗ trợ sửa sang.
Tiếp đó viếng chùa Tường Vân, Từ Hiếu, Từ Đàm, và hôm sau còn ghé thăm Trúc Lâm Bạch Mã… trên đường đi Đà Nẵng.
Rất tình cờ, không tính trước vậy mà đã có dịp viếng mười cảnh chùa Huế.
Đi sâu vào các chùa chiền xứ Thần kinh mới thấy Phật giáo từ xa xưa đã được vua chúa quan tâm hỗ trợ, đặc biệt chúa Nguyễn Phúc Tần, vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức… đã tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững, cũng đã được các Công chúa, Hoàng hậu… tích cực giúp đỡ xây dựng, trùng tu. Huế đúng là cái nôi của Phật giáo không chỉ của miền Trung mà gần gũi biết bao với miền Nam. Ngoài việc tu tập còn đào tạo tăng tài, ra báo, tổ chức hệ thống gia đình Phật tử. Đã có sự đóng góp không nhỏ của các Cư sĩ, Phật tử.  “Gốc sâu thì nhánh tốt/ Nguồn xa thì sông dài…”.
Ở chùa Bảo Quốc hiện nay còn thấy có trưng bày hình ảnh các vị Hòa thượng và cư sĩ Lê Đình Thám, cùng một bài Thi kệ của Thầy Phước Hậu.

“Kinh điển lưu truyền tám vạn tư,
Học hành không thiếu cũng không dư,
Năm nay nghĩ lại chừng quên hết,
Chỉ nhớ trên đầu một chữ NHƯ.”

Phải,  “Chỉ nhớ trên đầu một chữ Như”.
Vậy là đã đủ!
Hôm sau, rời Huế sớm để lên đường về Đà Nẵng.
Cứ như học trò xứ Quảng ra thi! Lại cà phê Liễu Quán. Lại sông Hương dùng dằng.
Con sông dùng dằng con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu.
(Thu Bồn)
Đỗ Hồng Ngọc

Tuesday, September 13, 2016

Bản Boléro của Ravel, một câu chuyện buồn - Thanh Hà




Nhạc sĩ Maurice Ravel (1875-1937)


Được sáng tác vội vàng năm 1928, lấy nguồn cảm hứng từ vũ điệu của Tây Ban Nha, bản Boléro đã thành công ngoài mong đợi Maurice Ravel. Đem về hàng triệu euro tiền bản quyền nhưng cũng là một tác phẩm bị lợi dụng nhiều nhất trong lịch sử âm nhạc thế giới.
Ngày 01/05/2016 bản Boléro hết thời hạn bảo hộ tác quyền. Trong suốt 88 năm qua, bản Boléro là một « thành trì kiên cố » về bản quyền vì tác giả Maurice Ravel (1875-1937) qua đời 11 năm sau khi để lại một tuyệt tác làm say đắm lòng người. Cho đến năm 1994, bản nhạc nổi tiếng này luôn dẫn đầu bảng xếp hạng thế giới về thu nhập tiền bản quyền.

Tháng 11 năm 1928, lần đầu tiên ra mắt công chúng tại nhà hát Opéra Garnier, vũ khúc 17 phút ấy qua phần thể hiện của vũ sư người Nga, Ida Rubinstein, cùng 20 vũ công và dàn nhạc Straram dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Walther Straram, đã gây nên một cơn sốt trong làng nghệ thuật Paris.

Thân hình mềm mại của Ida Rubinstein trong vai cô gái gitane, trên một chiếc bàn ở quán rượu, cùng với nền nhạc của làn điệu bolero, lập đi lập lại như nỗi ám ảnh dục vọng, đã khiến khán giả Paris đảo điên. Hai năm sau, Maurice Ravel điều khiển dàn giao hưởng Les Concerts Lamoureux để thể hiện nhạc phẩm đó. Tác giả đã ngạc nhiên trước « hiện tượng » Boléro.

Với bản Boléro, giới yêu nhạc ở Pháp như vừa phát hiện một nhạc sĩ tài hoa, cho dù, trước đó Maurice Ravel đã soạn những nhạc phẩm nổi tiếng cho dương cầm như Pavane pour une infante défunte- Vũ khúc cho nàng công chúa đoản mệnh (1899) ; Ma mère l’Oye –Mẹ Ngỗng (1908-1910) hay Le Tombeau de Couperin (1914-1917) …

Ravel cũng đã từng sáng tác cho các dàn giao hưởng những tác phẩm để đời như bản Rapsodie Espagnole (1907) hay Daphnis et Chloé (1909-1912) … Ông lại càng được chú ý sau khi phối khí một cách tài tình Tableaux d’une exposition – Bức họa từ một cuộc triển lãm (1922) do nhạc sĩ người Nga Modest Moussorgsky soạn vội để tưởng nhớ người bạn là họa sĩ và nhà điêu khắc Victor Hartmann.

Những tác phẩm ấy của Ravel đã được khán giả Mỹ yêu thích trước khi chinh phục được trái tim của người dân Paris.

Motif lập đi lập lại như một nỗi ám ảnh
Ravel sáng tác bản Boléro khi ông từ Hoa Kỳ trở về sau một vòng lưu diễn thành công rực rỡ. Tên tuổi của nhạc sĩ người Pháp này như thể gắn liền với vũ điệu đầy ma lực ấy cho dù như chính tác giả từng thổ lộ : về phương diện âm điệu, bản Boléro quá tầm thường, gần như không có gì mới lạ, « ngoại trừ cấu trúc và cách thể hiện bản nhạc ». Với ông, tác phẩm ấy thuộc loại nhạc « thử nghiệm (…) không đòi hỏi kỹ thuật điêu luyện ».

Lấy nguồn cảm hứng từ vũ điệu bolero 3 nhịp của dòng nhạc Tây Ban Nha, Maurice Ravel khai thác vỏn vẹn hai giai điệu để làm chủ đề chính cho bản nhạc. Mỗi điệu, được lập lại 9 lần trong suốt tác phẩm, trên nền nhạc đệm chủ đạo (ostinato) tương đối ngắn với chỉ vài nốt nhạc, nhưng được lập đi lập lại gần như đến độ máy móc tới 169 lần trong 17 phút.

Để tránh tạo nên một sự nhàm chán, dàn nhạc huy động ngày càng nhiều các nhạc công, nhạc cụ, tăng dần âm lượng cresendo để cuối cùng như cuốn hút người nghe vào một vòng xoáy bất tận.

Giai điệu thứ nhất, uyển chuyển, dịu dàng, mang một chút âm hưởng của xứ ngàn lẻ một đêm với tiếng sáo là chủ đạo.
Còn với mélodie thứ nhì, Ravel gieo những âm hưởng của dòng nhạc jazz mà ông du nhập từ Mỹ và ở đây tác giả đã chủ yếu khai thác những nhạc cụ tiêu biểu nhất của làng jazz như kèn saxophone hay trompette có âm cữ cao trong bộ đồng.

Hai giai điệu chính ấy được Ravel đan xen bằng một thứ keo sơn là nhạc tố ostinato được lập đi lập lại theo một nhịp điệu đơn giản, đều đặn đến gần như là nhàm chán. Đấy là sợi chỉ đỏ xuyên suốt bản Boléro mà Ravel đã trao cho cái trống nhỏ- caisse claire để hoàn thành nhiệm vụ.

Để toàn thể bản Boléro như một hơi thở rất dài, không hề bị ngắt quãng, với âm lượng lớn dần, Ravel sử dụng một dàn nhạc hùng hậu, biên chế dàn nhạc càng về cuối, càng dày đặc và đa dạng. Điệu nhạc tương đối chậm mà lôi cuốn ấy cùng với nghệ thuật vuốt âm glissando như cuốn hút người nghe vào một nơi vô định.


Boléro, nguồn cảm hứng vô tận
Ma lực của bản Boléro đã lan tỏa ra khắp hành tinh. Nhiều thế hệ nhạc sĩ và nghệ sĩ đã khoác lên tác phẩm của Ravel những làn điệu từ jazz đến reggae, từ điệu mambo đến hard rock, disco... Có những ban nhạc đã thể hiện bản nhạc quen thuộc đó với đơn thuần một cây đàn cello hay trong tiếng kèn harmonica hay với bộ đàn dây mandoline và ghi-ta. Người ta thường nói là cữ trung bình 10 phút, thì trên thế giới, đâu đó, bản Boléro của Ravel lại được trình diễn một lần.

Trong hơn tám thập niên qua, nhạc phẩm ấy từng là nguồn cảm hứng vô tận của các nhà biên đạo múa, mà có lẽ nổi bật nhất là sáng tác của vũ sư bậc thầy Maurice Béjart (1927-2007) năm 1961. Nghệ thuật thứ 7 cũng đã dành cho nhạc phẩm này những bộ phim như Les uns et les autres, của đạo diễn người Pháp Claude Lelouche hay Love Exposure của nhà làm phim Nhật Bản Sono Sion.

Boléro, 500 triệu euro bản quyền ?
Nếu như bản Boléro của Ravel là một chuỗi cresendo bất tận, những tranh chấp ầm ĩ về bản quyền, những vụ kiện tụng chung quanh nhạc phẩm lừng danh ấy tưởng chừng như cũng không có hồi kết. Đơn giản là vì trong hơn 8 thập niên qua, nhạc phẩm ấy đã đem lại từ 40 đến 500 triệu euro tiền bản quyền, tùy theo cách tính toán của các nhà điều tra.

Maurice Ravel sấu số. Sau khi đã sáng tác những tác phẩm để đời, một căn bệnh hiểm nghèo tấn công vào bộ óc của nhạc sĩ tài hoa đó. Ông mất dần trí nhớ, để cuối cùng, khi nhìn thấy một nốt nhạc nhưng đành tuyệt vọng hỏi bạn bè « Cái gì đây ? ». Cuối đời, ông không còn đọc và viết nổi đến chính tên họ của mình.

Ravel không vợ, không con. Qua đời ngày 28/12/1937, ông để lại toàn bộ di sản, bản quyền cho người em trai là Edouard. Năm 1954 Edouard Ravel bị tai nạn giao thông, phải đón một bà y tá về chăm sóc. Không biết thế nào mà khi Edouard Ravel mất năm 1960, Jeanne Taverne cùng chồng được hưởng trọn di sản của gia đình Ravel.

Hai người em họ của Ravel sống bên Thụy Sĩ đệ đơn kiện cặp vợ chồng bà Taverne. Vụ kiện kéo dài 10 năm để cuối cùng họ hàng của nhạc sĩ Ravel ra về tay không. Nhưng bỗng dưng, một cái tên mới lại nổi lên trong hồ sơ pháp lý liên quan tới bản Boléro : Jean Jacques Lemoine.

Cựu giám đốc đặc trách về mảng pháp lý của Cơ quan bản vệ tác quyền SACEM, Lemoine biết rõ hơn ai hết bản Boléro là một con gà đẻ trứng vàng và thế là trong bóng tối Lemoine dùng mọi thủ thuật pháp lý để loại bớt các đối thủ, và trở thành một trong những người “thừa kế ăn theo” của Maurice Ravel. Tiếp theo đó là hàng loạt các vụ kiện tụng giữa SACEM với nhà xuất bản sách nhạc, để rồi hai bên chia nhau tiền bản quyền, thu hẹp lại “phần bánh” của gia đình Taverne.

Với tiền bản quyền từ bản Boléro, Jean Jacques Lemoine lập nên một công ty bình phong đặt trụ sở tại Gibraltar, rồi thêm một chi nhánh khác ở quần đảo Virgin thuộc Anh Quốc, rồi lại thêm một đường dây ở Hà Lan, Monaco, Thụy Sĩ … Mạng lưới của Lemoine dày đặc và tinh vi để đánh lạc hướng nhân viên thuế vụ ở đủ mọi nơi !

Tác giả bản Boléro đã làm giàu cho rất nhiều người mà ông chưa bao giờ gặp mặt. Maurice Ravel chắc sẽ rất đau đớn nếu ông biết được rằng bản nhạc như gắn liền với tên tuổi của ông đã bị khai thác không thương tiếc. Một hồi kết không hay cho một nhà soạn nhạc tài hoa, cho một bản nhạc quá nổi tiếng đã đi sâu vào lòng người.

Thanh Hà

Saturday, September 10, 2016

Ân Phi Hồ Thị Chỉ, Vợ Vua Khải Định - phan ni tấn



Hai mươi lăm năm trước má và hai đứa em tôi qua Canada đoàn tụ gia đình có mang theo cây vĩ cầm và cuốn album hình gia đình . Đây là hai kỷ vật có mặt từ thời Bảo Đại theo người vượt không gian qua đây.
Cây vĩ cầm từng làm nên sự nghiệp cải lương tài tử  của ba tôi, nay theo năm tháng đã già như một... đồ cổ. Nhìn cây đàn mà tiếc một thời vang tiếng đã qua. Ba tôi mất, cây đàn bị bỏ quên lâu ngày dây đã chùng, trục đã lỏng; cây lông vỹ thì ôi thôi, những sợi cước bạc phếu đứt xác xơ.

blank

Còn cuốn album hình trắng đen chụp gia đình ba má và mấy anh em tôi từ thập niên 40 - 60 thì cũ rích, xục xịch, long gáy. Tôi mở ra xem thấy những kỷ niệm phôi phai tràn về. Lâu ngày thấy không có đứa con nào tỏ ra ân cần, gìn giữ cuốn album nên khi trở lại quê nhà ăn Tết má tôi đã lặng lẽ mang về. Đến khi tôi cần một số hình ảnh để dẫn chứng cho bài viết về gia phả bên ngoại mới hay cuốn album đã âm thầm "hồi hương".
Một hôm tình cờ tôi đọc được một "khám phá quan trọng" của con cháu tôi - như nó viết trong facebook - làm tôi khá giựt mình. Năm 1979 tôi xa gia đình ra nước ngoài, nó chưa ra đời, vậy mà cách hành văn của nó không bị ảnh hưởng đến ngôn ngữ của chế độ mới như hầu hết thế hệ thứ ba đều áp dụng. Nó viết thật hồn nhiên:
Một khám phá hết sức quan trọng, thú vị và đặc biệt với tôi.
Bà ngoại từ nước ngoài về, ở Sài Gòn vài ngày cho khoẻ với tôi rồi tôi cùng bà về lại quê hương Buôn Ma Thuột. Sáng nay soạn vali cùng bà, thấy cuốn album ngoại đem về vì "ở bên đó không ai coi, để nó hư hết", tôi mới lật ra xem. Thì ra đây là cuốn album nhân dịp lễ mừng thọ 84 tuổi của ngoại từ 4 năm trước.
Lật ra trang đầu tiên, tôi đã thấy vô cùng kinh ngạc: Hình một bà hoàng phi mà mỗi khi tôi google về hoàng cung ngày xưa là thấy bà ngay trang đầu tiên, để chung với hình của ngoại. Ở dưới ghi là "Ân phi Hồ Thị Chi, vợ vua Khải Định". Với cái máu nghiên cứu lịch sử bấy lâu cũng như sở thích tìm về nguồn cội của mình, tôi liền hỏi ngoại:
- Ủa ngoại ơi bà này là ai vậy ngoại, sao lại có hình ở đây?
- Bà ni là bà vợ vua Khải Định, bà cố bà tổ bà chi chi của ngoại đó.
- Hả??? Ngoại là cháu vua Khải Định hả ngoại???
- Tau cũng khôn biết nữa. Nhưng ngoài nhà thờ tộc thì có hình bà ni. Bà ni là cái
bà xa lắc rồi tau khôn có nhớ.
- (Lúc đó ba mình đứng đó nói thêm) Ờ đúng rồi bà này hồi đó ra Huế đi chạp thấy hình bà trong nhà từ đường nè.
Trời ơiiiiiiiii what the hell??? Thì ra bà Hồ Thị Chỉ này là tổ tiên của tôi. Vậy mà mỗi lần google trót dại "trời ơi mấy bà hoàng hậu hồi xưa sao xấu quá vậy trờiii?". Hôm nay google lại "Ân Phi Hồ Thị Chỉ" thì thấy bà thật sự là một người nổi tiếng, vì sử sách còn ghi lại nhiều. Nhưng wikipedia nói bà "bất hạnh, không có con", thì tôi nghĩ bà chỉ là bà cô của bà ngoại tôi thôi, có lẽ vậy.
Vậy là thêm một tình tiết mới về dòng họ của mình grin emoticon.  Hồi đó phát hiện ông cố ngoại (cha của bà ngoại) là ông quan ngự y của triều đình Huế là thấy sướng rơn luôn rồi, còn bây giờ phát hiện thêm mình có một bà tổ là bà Ân Phi "người tình vua Duy Tân, vợ vua Khải Định" nữa thì hồn vía lên mây hết luôn. Ôi vui quá xá là vui!!! Thôi wa chơi với ngoại tiếp đây".
 

Thấy con cháu "mừng rơn, vui quá là vui" làm tôi phì cười, vui lây. Cháu tên Lê Phan Hiên Vy, con út của đứa em gái thứ ba của tôi. Tôi nói với nó để thủng thẳng cậu viết một bài về "tổ tiên của mình" nghe, nó ok.  Nhưng tôi chưa kịp viết dòng nào thi hôm sau, cũng trên facebook, nó P.S (tái bút) làm tôi chưng hửng.

PS. Bà Từ Cung (mẹ của vua Bảo Đại) khi xưa chỉ là một bà cung nữ, nhưng lại có con với vua (à mà vụ có con thật sự với vua hay không thì phải confirm lại vì hồi đó ai cũng biết vua Khải Định là gay, có bao nhiêu phi tần mà chả có lấy mụn con. Có giả thiết nói vì vậy mà vua nhận bà Từ Cung lúc đó đang có thai nhận cái thai trong bụng là của mình để làm bình phong che mắt thiên hạ. Lúc bà Hồ Thị Chỉ vào cung thì vua Bảo Đại được xem như là con của bà Hồ Thị Chỉ. Quyền của bà ngang với hoàng hậu (Ân Phi là bậc nhất trong Cửu Phi của Vua), bà rất được nể trọng vì thông thạo tiếng Pháp, am hiểu văn hoá lịch sử, thường là phiên dịch cho nhà vua và cùng vua dự các buổi yến tiệc quan trọng tiếp đãi triều thần trong và ngoài nước. Ấy vậy mà sau khi vua Khải Định băng hà, vua Bảo Đại lật lại mọi thứ, đày bà về lại quê nhà sống hiu quạnh còn cho mẹ mình tức bà Từ Cung lên ngôi Hoàng Thái Hậu. D ù sao tính ra bà cố tổ của tôi cũng có chút ân tình nuôi nấng vua Bảo Đại ngày nhỏ. Nghĩ mà cay đắng cho bà biết bao!
 

Thật ra, đối với tôi, nhìn lại 13 triều đại nhà Nguyễn sao mà xa xôi quá, mờ mịt quá, hun hút trong quá khứ như hư ảo. Ngay cả triều vua Bảo Đại (1925 - 1945) thuộc thế kỷ 20, cận đại vậy mà cũng đã quá xa vời. Dù vậy, hồi nhỏ lũ trẻ tụi tôi hay đi ngang biệt điện Bảo Đại (Bungalo) hái điệp ăn, bắt kiến dương hay ve sầu về chơi, lần nào cũng bị con chó cọp của vua rượt chạy có cờ. Có lần ba tôi kể mỗi lần lên Ban Mê Thuột đi kinh lý hay nghỉ mát, vua Bảo Đại đều sai cận thần bí mật tới nhà tìm ba tôi đi săn cọp beo cho vua. Vua thích da cọp rằn ri, da beo bông đốm dùng để bọc bộ salon.. Nguyên bộ da cọp có cả đầu cọp với cặp mắt mở trừng, nanh cọp nhọn hoắc, đuôi cọp dài ngoằn trải dài trong phòng khách biệt điện Bảo Đại là do ba tôi và mấy người bạn săn được. Sau ngày mất nước, nghe nói trong một cơn hỏa hoạn biệt điện hoàn toàn bị thiêu rụi.  
Ngày nay, người và vật đã đi vào thiên cổ. Nhưng nói cho cùng, thâm tâm tôi vẫn ngậm ngùi thương tiếc bà Đệ nhất Ân phi Hồ Thị Chỉ đầy bất hạnh của chúng tôi. Bà Hồ Thị Chỉ là cháu nội của Hầu tước Hồ Đắc Tuấn và Quận chúa Công nữ Thức Huấn (con gái của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, hoàng tử thứ 10 của vua Minh Mạng). Mặc dù bà chỉ còn là kỷ niệm của một thời xa lắc xa lơ; nhưng bà vẫn sống trong cùng thời đại của chúng ta, gần gũi với chúng ta, cùng nổi trôi theo vận nước với chúng ta. Bà sinh năm 1902 từng là tiểu thư quận chúa , tài sắc vẹn toàn, nhưng duyên phận trớ trêu nên cuộc đời bà nhiều gian nan, trắc trở. Khi thất sủng, ba sống lây lất, đơn độc như chiếc bóng và chết như một thân phận dân dã  bình thường.
Bà mất năm 1985 tại Huế, hưởng thọ 83 tuổi. Ngày nay, nhà Từ Đường gia tộc họ Hồ được xây cất trong một phần đất thuộc thôn Dương Xuân Thượng, phường Thủy Xuân, thành phố Huế.
Riêng nhà Từ Đường của họ Hồ bên ngoại tôi ở làng Hương Cần, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên cũng có di ảnh bà Ân phi Hồ Thị Chỉ. Căn từ đường này do ông Jean Maury, chồng của bà Hồ Thị Thơm (chị ruột của má tôi), xây lên từ thời Pháp thuộc như một kỷ vật thiêng liêng của dòng họ Hồ.
Nhân nói đến bà cố tổ Hồ Thị Chỉ, tôi lại nhớ đến một người phụ nữ khả ái, xinh đẹp, có học thức mà tôi hân hạnh quen biết gần đây. Chị họ Hồ tên Giáng Châu thuộc dòng dõi hoàng phái. Theo học ban triết trường Đại học Văn Khoa Huế. Tôi vốn thích nghe giọng Huế líu lo như chim hót của những cô gái Huế; gặp Giáng Châu, nghe giọng nói nhỏ nhẹ, ôn tồn, êm ả của Giáng Châu làm hồn tôi lâng lâng như mây trôi. Thú vị nhất là Giáng Châu cùng họ, cùng làng quê quít Hương Cần Thừa Thiên với má tôi. Ông nội của Giáng Châu xưa là quan Thống Chế, trong khi ông ngoại tôi là Ngự y của triều Khải Định.
Khi gởi nhạc mp3 của tôi cho Giáng Châu nghe, tôi có nhắc đến bà cố tổ Ân phi Hồ Thị Chỉ của chúng tôi, chị tỏ ra hào hứng:
Thưa anh, tôi biết bà Ân Phi Hồ Thị Chỉ con gái của đại thần Hồ Đắc Trung, bà ấy là Ân Phi của vua Khải Định. Mà anh có biết me tôi và ông Bảo Đại là anh em cô cậu ruột không? Bà Từ Cung là chị ruột của ông ngoại tôi đó. Giờ mình tính sao đây? Nhạc của anh rất hay , tôi thích lắm!
Truy cho cùng, Giáng Châu và tôi tuy không cùng huyết thống, nhưng lần đầu tiên gặp gỡ, tiếp xúc nhau, thảo luận về gia tộc họ Hồ, chúng tôi đều cảm thấy gần gũi nhau, quí mến nhau như anh em thân thích từ thuở nào.

 Phan Ni Tấn 





Bà Hồ Thị Mai (ngoài cùng bên trái), vợ Phan Ni Tấn (thứ 2 từ trái) - Hình chụp Dec-2006

Wednesday, September 7, 2016

Andrea Bocelli : Đam mê êm đềm nhạc tình La tinh


 

Các cô gái ngất lịm đi, cánh đàn ông thì bật khóc vì xúc động khi giọng ca của ông vang lên vài nốt nhạc đầu tiên. Trên kệ sách tràn ngập những giải thưởng âm nhạc danh dự, Andrea Bocelli, mệnh danh « thiên thần mù », đã bán được 80 triệu album trên toàn thế giới qua giọng hát thánh thiện của mình.
 
Tại ngôi làng nhỏ thuộc vùng Toscane, nước Ý, cậu bé Andrea được sinh ra và lớn lên giữa thiên nhiên xinh đẹp và đắm chìm với vô vàn giai điệu dân dã nơi đây. Không may bị mù từ năm 12 tuổi, điều đó không ngăn cản cậu bé Andrea tìm đến âm nhạc. Cùng năm đó, Andrea đã giành giải thưởng âm nhạc đầu tiên với bài hát « O sole Mio ».
 
Tuy biết chơi nhiều loại nhạc cụ, nhưng giọng hát tựa như nhung của cậu bé, là tài năng thiên phú không thể nào phủ nhận. May mắn sinh thành từ cái nôi của nhạc kịch Ý, thuở ấu thơ, người mà ngày hôm nay là một trong những ténor nổi tiếng nhất hành tinh, đã luôn mơ ước đi theo bước chân của những bậc tiền bối như Mario del Monaco, hay là Franco Corelli.
 
Niềm đam mê ấy cứ âm ỉ, âm ỉ hoài, để rồi một ngày ông đã quyết định giã từ dãy hành lang thênh thang của tòa án, nơi ông làm việc với tư cách là luật sư, để chạy theo tiếng gọi của nghiệp cầm ca. Andrea Bocelli theo học nhiều bậc thầy về ca hát trước khi chinh phục thần tượng của mình: giọng ténor opéra Franco Corelli, người đã nhận ông làm học trò.
 
Sau này, trên tạp chí Euro news, khi được hỏi về người có ảnh hưởng lớn đối với cuộc đời mình, Andrea Bocelli tâm sự : « Về mặt âm nhạc, hay chính xác hơn là về mặt thanh nhạc, người đã truyền cảm hứng cho tôi chính là Franco Corelli, một giọng tenor vĩ đại người Ý đến từ Ancone, nói một cách văn chương chính ông ta đã làm tôi bị sét đánh. Tôi nghe ông ấy hát và mê mẩn ngay lập tức. Một thứ tình đầu, mà tôi nghĩ rằng, đó là khởi nguồn sự nghiệp âm nhạc của tôi hôm nay ».
 
Năm 1992, ngôi sao nhạc rock Zucchero Fornaciari có lời đề nghị ca sĩ « vô danh », là Bocelli lúc ấy, ghi âm phần demo cho bài hát « Miserere » mà sau này, Zucchero sẽ song ca cùng Luciano Pavarotti. Sau khi nghe bản thu âm, Maestro Pavarotti cảm nhận ngay rằng Bochelli chính là người kế vị của mình.
 
Từ đây, Andrea Bochelli đã nhận được lời mời tham dự nhiều Festical âm nhạc danh tiếng như Festival Pavarotti de Modène, song ca cùng Pavarotti, Bryan Adam. Đặc biệt tại Festival de San Rémo, người ca sĩ « nhìn bằng trái tim » ấy đã khiến hàng triệu khán giả lặng mình với ca khúc « con te partiro » ( có tựa đề tiếng Anh « Time to say good bye ») hát chung với ca sỹ soprano người Anh Sarah Brightman.
 
Bài hát mang lại thành công rực rỡ không chỉ trong phạm vi nước Ý mà còn lan rộng tại Pháp, Bỉ, Đức,… Sarah Brightman nhớ lại : « Tôi đã có nhiều kỷ niệm đẹp khi hát với Andrea » « Time to say good bye luôn luôn có vị trí đặc biệt trong trái tim tôi ».
 
 
Phong cách âm nhạc Andrea Bocelli nằm giữa hai dòng chảy : âm nhạc cổ điển mang tính hàn lâm và dòng nhạc đại chúng. Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều chê bai định hướng âm nhạc đa hệ của ông, giọng ca vàng Bocelli vẫn chạm tới hàng vạn trái tim người hâm mộ hơn 10 năm qua. Nhiều sản phẩm âm nhạc đều đặn ra đời từ buổi đầu khởi nghiệp cho tới nay từ phong cách cổ điển tới phong cách pop, từ những vở nhạc kịch trứ danh : « la Bohème », « Tosca », « Carmen »,… cho đến những bài hát đôi với Celine Dion hay Jennifer Lopez. Trong album đầu tay « Romaza », một lần nữa , giọng hát nhung lụa ấy đã làm tan chảy cả thế giới qua bản tình ca « Vivo per lei », song ca với nữ ca sĩ Pháp Hélène Ségara.
 
Trong bảng xếp hạng của tạp chí Hoa Kỳ « Watch and Listen », một tạp chí chuyên về bình luận âm nhạc thế giới, « Vivo per lei » do Andrea Bocelli và Hélène Ségara trình bày đã lọt vào top 50 những bài hát hay nhất mọi thời đại. Năm 2016 ca khúc gặt hái hơn 45% số lượng bình chọn, vượt qua « Imagine » của John Lenon (25%) và « Like a Rolling Stone » của Bob Dylan (17%).
 
Ông cho rằng nhạc pop mang lại sự nhẹ nhàng. Người ca sĩ được tự do phiêu diêu tình cảm, tâm trạng của mình, khác với những khuôn khổ và chuẩn mực có phần khắt khe hơn của nhạc kịch. Tuy nhiên, âm nhạc cổ điển vẫn luôn là nguồn cội trong con người ông.
 
Khi nhìn nhận về sự tồn tại của thể loại nhạc bác học này, Bocelli lạc quan « Vào thời của chúng ta, nhạc kịch và những giọng hát như của tôi luôn có vị trí nhất định. Tôi đã sống trong những giai đoạn của Rock, Soul và Pop. Đó là những thể loại âm nhạc mà chúng ta thấy nhiều trên báo chí, nhưng tôi tin rằng, ở đó luôn luôn tồn tại một chỗ đứng cho âm nhạc cổ điển, và chỉ một mà thôi ».
 
Giọng ca Bocelli ngân lên, là lúc chúng ta như được dìu dắt đến một thế giới khác, nơi chỉ có tình yêu và âm nhạc : là tự tại và thanh tao. « Giọng ca nhìn bằng trái tim » ấy còn là một nhân cách đẹp, một con người giản dị như bao con người khác.
 
«…Có những lúc, sự hồi hộp trong lúc biểu diễn cũng xảy ra với tôi. Ví dụ như khi tôi gặp Đức giáo hoàng hay gặp tổng thống. Đặc biệt, lần mà tôi gặp Muhammad Ali. Đối với tôi, đó là giây phút rất xúc động, vì Muhammad Ali là một trong những vị anh hùng lúc bấy giờ, người đàn ông đã từ bỏ tước hiệu toàn cầu vì một lý do cao thượng (phản đối chiến tranh Việt Nam). Đứng trước mặt ông, trong ngôi nhà của ông, trước mặt một người quá mạnh mẽ, ngay cả trong lúc bệnh tật, người đàn ông mà sau những ngày im lặng đã nói với tôi rằng : Hãy hát cho tôi nghe. Lúc ấy thật cảm động ! »
 
Cuộc đời và con đường âm nhạc đối với Andrea Bocelli là một câu chuyện tuyệt đẹp. Với nghị lực phi thường và giọng ca thiên phú, Andrea Bocelli trở thành sứ giả tình yêu của cuộc đời. Những bản tình ca « thương hiệu » Bocelli như « Time to say good bye », “Vivo per lei” hay Besame mucho » và hình ảnh người ca sĩ mắt nhắm mơ màng luôn đọng lại trong lòng công chúng một hương vị ngọt ngào, dịu dàng.
 
 
Hoài Dịu
 
Besame Mucho, một trong những ca khúc tuyệt đỉnh của dòng nhạc trữ tình La Tinh từng được Andrea Bocelli ghi âm vào năm 2006. Đầu năm nay, danh ca tenor người Ý trở lại với một album mới mang tựa đề Passione (Đam Mê), đưa bao tình nhân vào cõi hương trầm, nơi thì thầm của dư âm, bóng hình lạc chốn xa xăm cho nhạc tình thêm sâu đậm.
 
Tập nhạc Đam Mê có thể được xem như là phần tiếp nối của các album trước như Romanza (Chuyện tình) và Amore (Tình Yêu). Album này cũng đánh dấu 20 năm sự nghiệp của Andrea Bocelli, kể từ cái ngày anh đoạt giải nhất tại liên hoan ca nhạc San Remo, ra mắt album đầu tay với tựa đề Biển đêm yên tĩnh (Il Mare Calmo della Sera).
 
Đúng với tên gọi của nó, album đề tựa Đam Mê bao gồm tất cả là 18 ca khúc kinh điển của dòng nhạc lãng mạn trữ tình, thể hiện qua 5 thứ tiếng khác nhau là Anh, Ý, Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Trong số 18 ca khúc này, có 4 bản song ca ghi âm với các giọng ca tên tuổi ăn khách hiện giờ.
 
Chẳng hạn như Jennifer Lopez song ca với anh nhạc phẩm Quizas, Quizas, Nelly Furtado trong bản nhạc Corcovado, Chris Botti hát chung bài When I Fall In Love và một bài song ca ảo La Vie en Rose - Cuộc đời màu hồng, trong đó giọng ca của Andrea Bocelli nhờ vào công nghệ âm thanh thời nay mà hòa quyện với tiếng hát của Edith Piaf, nhân 50 năm ngày giỗ của nữ danh ca người Pháp.
 
 
Tập nhạc mới của Andrea Bocelli đan xen nhiều thể loại : bán cổ điển, nhạc nhẹ, pop jazz và La Tinh. Nếu như trước đây, danh ca tenor người Ý đã từng thể hiện rất thành công nhạc phẩm tiếng Pháp Les Feuilles Mortes (Autumn Leaves trong tiếng Anh, còn lời tiếng Việt là Tình như lá rụng), thì lần này Andrea Bocelli chưa đủ say đắm, đậm đà trong Cuộc đời màu hồng, cách vuốt chữ chưa đủ quyến rũ mượt mà như ông hoàng Elvis trong bản nhạc Love Me Tender.
 
Đổi lại chất giọng tenor pinto của Andrea Bocelli, nhờ có âm vực sâu rộng, một làn hơi khỏe khoắn, cách nhã chữ đầy đặn, thật sự phát huy trọn vẹn trong cách thể hiện các bản nhạc La Tinh, trong cả hai thể điệu rumba và bossa nova, cho dù người yêu nhạc vẫn cảm nhận là anh hát tiếng Ý và tiếng Tây Ban Nha thoải mái hơn là tiếng Bồ Đào Nha.
 
 
Nhịp điệu càng khoan thai, tiết tấu càng chậm rãi, giọng ca của Andrea Bocelli càng tràn đầy sinh lực. Sức sống ấy tuy chưa hừng hực dục vọng cuồng nhiệt đam mê như Luis Miguel (chẳng hạn như trong bản Perfidia), nhưng đủ mạnh để thắp sáng ngọn nến con tim, để rồi trong những đoạn cao trào bùng cháy lửa tình trong đáy tâm hồn. Xúc cảm qua lối diễn đạt của Andrea Bocelli là một niềm đam mê êm đềm, không đốt hết luồng sinh khí trong ngắn ngủi khoảnh khắc, mà tựa như sóng ngầm xuất phát từ đáy sâu, từ từ dâng cao đến tột đỉnh triều cường.
 
Với một cách thể hiện như vậy, thử hỏi Andrea Bocelli làm sao mà không thành công. Từ khi tên tuổi của anh được gắn trên Đại lộ Danh vọng (Hollywood Walk of Fame) vào năm 2010, giọng ca tenor người Ý đã bán hơn 80 triệu album trên toàn thế giới. Tính đến nay anh đã ghi âm trong phòng thu 14 album đan xen nhạc pop với cổ điển. Bên cạnh đó, anh cũng đã thu thanh 9 vở kịch opera.
 
 
Về điểm này, các nhà phê bình trung thành với truyền thống nhạc kịch opera cho rằng Andrea Bocelli chẵng những non nớt tay nghề, mà còn chưa vững kinh nghiệm sàn diễn bằng các giọng ca tenor bậc đàn anh như Pavarotti, Dominguez và Carreras. Điều này cũng dễ hiểu vì những nghệ sĩ hát opera ngoài việc ca hát, còn phải biết diễn kịch.
 
Chính cái kinh nghiệm đứng trên sân khấu giúp cho cách thể hiện của họ trở nên tinh tế, sắc sảo hơn. Trong trường hợp của Andrea Bocelli, do bị khiếm thị, cho nên anh chủ yếu ghi âm các vở kịch opera trong studio, chứ ít khi nào mà được diễn trực tiếp toàn bộ tác phẩm trên sân khấu. Dù muốn hay không thì Andrea Bocelli khó mà rung cảm tùy hứng, theo phản hồi trực tiếp từ phía khán giả.
 
Gần đây, danh ca tenor người Tây Ban Nha Placido Domingo có trình làng một tập nhạc bao gồm là các bản tình ca vang bóng một thời. Placido Domingo hát nhạc nhẹ nhưng với kỹ thuật luyện thanh của nhạc kịch opera. Trong khi Andrea Bocelli, khi hát nhạc bán cổ điển, thường chọn lối thể hiện thuần chất nhạc nhẹ. Có lẽ cũng vì thế mà đối với đa số người nghe, các bản nhạc của anh dễ lọt tai hơn.
 
 
Còn trong thể loại La Tinh, ngoài việc đòi hỏi nơi người diễn một cách hát tròn vành rõ chữ, ít có nuốt chữ nén câu như trong tiếng Pháp, các bản nhạc La Tinh còn rất quan trọng trong lối hòa âm phối khí. Chẳng hạn như phiên bản Besame Mucho của Cesaria Evora phá cách trong lối phân đoạn ngắt câu, hòa âm tối thiểu, phối khí mộc mạc, trong khi phiên bản của Andrea Bocelli thì lại dào dạt du dương, quyền quyện lớp lớp.
 
Trên tập nhạc Passione (Đam Mê), danh ca tenor người Ý chọn lối thể hiện các bản nhạc tình La Tinh đúng với phong cách của người Nam Mỹ : Rumba trữ tình ở chỗ tha thiết lã lơi, bossa nova lãng mạn trong cách nhấn nhịp mềm mại, đảo phách khoan thai. Nguyên dàn kèn đồng hợp với bộ gõ, vĩ cầm réo rắc nhung nhớ, ghi ta lưu luyến thẫn thờ.
 
Nói rằng tập nhạc này hay hơn các album trước có lẽ cũng không đúng, vì điều đó còn tùy theo cảm nhận của người nghe, nhưng tập nhạc này hợp với gu nghe nhạc của người Việt. Nghe album này, ta có cảm tưởng lạc vào cõi ngầm, nơi đam mê thổn thức tiếng thầm, nơi con tim mệt nhoài say đắm.
 
Tuấn Thảo

Saturday, September 3, 2016

Friday, September 2, 2016

Gửi Người Yêu Dấu - Thơ & Nhạc: Yên Sơn – Ca sĩ: Thanh Ngọc








có những lúc anh ngồi một mình
nghe tâm tư xôn xao từ đáy lòng
kiếp trước đã yêu nhau không trọn vẹn
sao không theo nhau hôm nay để lỡ hẹn

tình mình lặng lẽ như một dòng sông thu
chở tháng năm qua những thăng trầm
chở dấu yêu qua những vui buồn
nhưng cuối cùng cũng trở về bến mơ
này em yêu dấu, em có buồn không
tình yêu ngang trái… vẫn gánh tình chung
người yêu hỡi anh nhớ em vô cùng
phương trời xa xôi em có chờ mong
đời lặng lẽ như một dòng sông vắng
tình ngang trái tình càng mỏng manh
người yêu dấu hỡi! Đừng buồn nghe em
tình yêu ngang trái… lỡ rồi em ơi