Sunday, December 18, 2016

Cúng Dường Và Tán Thán Người Xuất Gia cần phải cẩn trọng





Quý vị có biết rằng đôi khi sự tán thán làm hại người hơn cả sự phỉ báng! Người bị phỉ báng, tuy giận lắm, nhưng đối với người có chí khí, càng bị chê bai chừng nào họ càng nỗ lực, tinh tấn để đạt đến những thành tựu cao siêu. Biến những lời phỉ báng thành một thứ trợ duyên thượng thặng. Một khi được ca tụng, tán thán họ sẽ nghĩ: “Ồ! Nhiều người ca ngợi mình quá, có lẽ mình không tệ”, và họ sẽ mãn nguyện với những gì họ có được rồi không thèm trau dồi để tiến xa hơn nữa.
Cho nên tán thán rất dễ làm hại người. Vì vậy, đối với giới trẻ, với người mới học, chúng ta tuyệt đối không nên tán thán, không nên cúng dường quá nhiều. Bởi vì tiền tài nhiều, danh vọng lên cao, lập tức sẽ sa đọa ngay. Những Pháp sư trẻ, phát tâm bồ đề xuất gia, thường bị tín đồ ca ngợi, cúng dường làm cho Pháp sư trẻ đọa lạc. Như vậy sự đọa lạc của họ là do tín đồ gây nên. Sau này, những vị Pháp sư đó bị quả báo thì tất cả những người ca ngợi, cúng dường không thể thoát nạn bị đọa.
Vậy đối với những ai chúng ta nên mạnh mẽ cúng dường? Đó là những vị giảng sư, Pháp sư “Bát phong xuy bất động” (tám luồng gió của được, mất, khen, chê, vinh, nhục, khổ, vui không làm họ lay động). Những người này dù chúng ta có tán thán họ cũng không sanh lòng vui mừng, chúng ta phỉ báng họ cũng không sanh tâm phiền muộn. Vì tâm của họ luôn giữ sự bình lặng an nhiên. Những người như vậy mới thật sự xứng đáng cho chúng ta tán thán. Vì sao? Vì sự tán thán không làm hại họ, cho nên chúng ta phải tuyên dương khiến cho nhiều người biết đến và tin tưởng họ. Nhờ vậy họ có thể độ được nhiều chúng sanh.
Nhân đây nói đến “cúng dường”. Thọ nhận cúng dường không phải là chuyện đơn giản. Trong nhà Phật thường nói: “Một hạt gạo của thí chủ lớn như núi Tu Di, đời này mà không liễu đạo, phải mang lông, đội sừng để trả”. Cho nên người không tu làm sao dám nhận sự cúng dường và hưởng thụ sự cúng dường? Làm kiếp người, ai có thể biết được phước báu của mình được bao nhiêu? Ngay cả chư Phật, Bồ Tát cũng không hưởng thụ sự cúng dường. Nhưng nếu có người đến cúng dường với lòng chân thành, muốn gieo trồng ruộng phước, đương nhiên chúng ta không thể từ chối, tuy nhiên sau khi thọ nhận của cúng dường, chúng ta nhất định phải luân chuyển sự cúng dường đó.
Trong thời cận đại, Ngài Ấn Quang Đại sư là hình ảnh mẫu mực rất tốt cho chúng ta. Đệ tử quy y ngài nhiều đến nỗi không thể tính đếm được. Tất cả những tài vật do đệ tử cúng dường, Ngài đều đem ra ấn tống kinh sách để “cúng dường” lại cho mọi người, Ngài lập ra “Sở Hoằng hóa” ở Tô Châu Trung quốc để ấn tống và lưu hành kinh sách. Sau khi tôi tu học Phật pháp, tôi hoàn toàn noi gương của ngài, nghĩa là có bao nhiêu tiền cúng dường, tôi đều đem ra in kinh sách để phân phát khắp nơi cho mọi người. Tôi nghĩ: “Nếu kiếp này không liễu đạo, tôi cũng không phải mang lông đội sừng để trả. Vì sao thế? Vì những người nhận kinh sách trả nợ dùm cho tôi”.
Đem tài vật của những người cúng dường triển chuyển bố thí cúng dường, như vậy, cái phước của những người cúng dường và người nhận sẽ trở nên rộng lớn vô lượng vô biên. Làm như thế mới gọi là như pháp. Nếu dùng tài vật của người cúng dường để hưởng thụ cá nhân thì tuyệt đối không thể như Pháp. Cho dù dùng tài vật cúng dường của thí chủ để xây chùa, xây đạo tràng cũng phải vì mục đích hoằng pháp lợi sanh. Được như vậy người bố thí cúng dường mới thật sự có công đức. Nếu như ở trong chùa mà không tu hành, cũng chẳng hoằng pháp, ngôi chùa đó sẽ trở thành nơi tranh chấp. Cho nên cất chùa xây đạo tràng phải đặc biệt cẩn thận!
Thầy Lý Bỉnh Nam thường nói rằng:
“Khi xây chùa, mọi người là Bồ Tát, sau khi cất xong rồi thành La Sát!”.

Vì sao? Bởi vì tranh dành quyền lợi – biến chất rồi! Sự phát tâm ban đầu đem quăng lên tận chín tầng mây cao!
Cúng dường Pháp sư phải hết sức thận trọng. Phật dạy chúng ta: “Tứ sự cúng dường”. Tứ sự là gì?
1 / Ẩm thực: Pháp sư là người sống ở thế gian, không thể không ăn cơm, cho nên chúng ta cúng dường ẩm thực cho Pháp sư để duy trì mạng sống của họ
2 / Y phục: Pháp sư cũng cần có áo quần để mặc. Nếu áo của Pháp sư cũ rách, ta nên cúng dường cho họ một bộ, khi thấy còn tốt thì không cần thiết cúng dường.
3 / Y dược: Khi Pháp sư có bịnh, chúng ta cúng dường thuốc uống để chữa bịnh cho họ.
4 / Ngọa cụ: Pháp sư cũng cần có chỗ nghỉ ngơi, chúng ta cúng dường giường, mền, v..v…
Thời nay có người đem nhà cửa hoặc những vật quý giá dâng cúng cho Pháp sư khiến cho Pháp sư sống thật sung sướng đến nỗi Tây phương Cực Lạc cũng không muốn đi nữa. Vì ở thế gian này cũng tốt quá rồi, đến Tây phương để làm gì? Cái tâm mong thành Phật đạo, liễu sanh thoát tử tan thành mây khói. Điều này đối với việc thành tựu cho pháp sư, đào tạo Pháp sư thật là một tai hại lớn không gì bằng!
Pháp sư xuất gia nghĩa là “cắt ái ly gia”, không có nhà, chúng ta lại tặng cho họ cái nhà, tức là kéo họ về nhà trở lại. Như vậy là hại chết họ rồi, họ có đủ quyền lực, tài sản, thế là không còn ý chí của người xuất gia, chẳng khác gì người phàm tục! Ai đã hại họ? Chính là tín đồ đã hại Pháp sư! Những tín đồ này không biết rằng hành động như vậy là phá hoại Phật Pháp, tổn hại Tam Bảo. Mà họ lại nghĩ rằng mình đã tạo rất nhiều công đức, làm được nhiều việc tốt! Than ôi! Khi mạng chung, đọa xuống địa ngục gặp Diêm Vương, chừng đó còn chối cãi gì được nữa!
Đứng về mặt tu phước trong nhà Phật, chúng ta cần phải có trí tuệ chân chính và điều này cần phải giải thích rõ ràng. Nhiều Pháp sư không dám nói rõ vì sợ khi nói rõ thì Phật tử, tín đồ không cúng dường nữa. Riêng đối với tôi, tôi chỉ muốn lên Thế giới Cực Lạc ở phương Tây, tôi không muốn ở đây lãnh tội, cho nên tôi hết sức chân thật nói với quý vị rằng: “Tôi không sợ quý vị không cúng dường cho tôi, không cúng dường cũng tốt vì rằng tôi không phải lo lắng đủ điều”.
Chính vì vậy tôi lập “Hội Phật Đà giáo dục Cơ Kim” chuyên in tặng kinh sách. Tôi dặn dò ông Giảng cư sĩ, phụ trách cơ quan ấn tống kinh sách, luôn áp dụng một nguyên tắc như sau: “Tiền cúng dường nhiều, in sách nhiều, tiền cúng dường ít in sách ít, không có thì không in, vậy là tốt nhất!”. Bởi vì khi sự cúng dường nhiều lại phải bận tâm lo nghĩ nên chọn bộ sách nào in trước? In như thế nào? Ngược lại, nếu không có cúng dường thì không phải bận tâm, thanh nhàn biết bao! Cho nên mọi người cần phải hiểu.
Không cầu cúng dường, không cầu đạo tràng, điều gì cũng không cầu, tâm sẽ thanh tịnh, đó chính là đạo tâm. Chính mình tu tâm thanh tịnh, giúp người khác tu thanh tịnh tâm. Tuyệt đối xa lìa danh vọng lợi dưỡng, như vậy mới là Phật pháp chân chính. Muốn thành tựu cho các Pháp sư trẻ, muốn lo lắng cho họ, phải chấp nhận cho họ chịu cực khổ một chút. Đừng nên nói là thấy họ cực khổ ta không đành. Nếu như vậy là hại chết họ đó! Lúc Phật Thích Ca còn tại thế, tất cả đệ tử của Ngài chỉ ăn một bữa, ngủ dưới gốc cây, cuộc sống khổ cực thiếu thốn như vậy. Nếu ta nhìn thấy, thật không nhẫn tâm, rồi đem họ về nhà. Như vậy làm sao họ có thể thành đạo được? Trong kinh Phật dạy chúng ta rằng: “Dĩ khổ vi sư” nghĩa là lấy cái khổ làm thầy của mình. Thông thường trong cuộc sống đau khổ, người ta mới có tâm đạo chân chính, mới có tâm niệm cương quyết, vượt ra khỏi thế gian này.
Cho nên khổ là tốt! Chúng ta không kham nổi khổ cực, nhưng khi thấy người khác chịu đựng khổ cực ta phải sanh lòng cung kính, đừng nên gây chướng ngại và lôi kéo họ trở lui. Chúng ta phải chân thành, dựa trên thực tế mà đào tạo Pháp sư, thành tựu Pháp sư. Làm được như thế chúng ta mới có thể mời được Pháp sư, mới có Pháp sư chân chính, tốt lành đến hoằng pháp lợi sanh.

Trích lời dạy của HT. Tịnh Không

Saturday, December 17, 2016

Riêng Một Góc Trời - Tuấn Ngọc


Riêng Một Góc Trời - Tuấn Ngọc

Sunday, December 11, 2016

Công phu 108 tiếng chuông Thiên Mụ


“Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương”.

Công phu 108 tiếng chuông Thiên Mụ
Đã hơn 300 năm qua, tiếng chuông Thiên Mụ vẫn đều đặn giữ nhịp thời gian. Nhưng, chuông ấy mỗi ngày hai buổi được gõ như thế nào thì mấy ai biết ?

Tương truyền về linh khí
Chùa Thiên Mụ (còn gọi là Linh Mụ) tọa lạc trên một ngọn đồi xã Hà Khê (cũ) mặt nhìn xuống dòng sông Hương, như thể đầu rồng ngoảnh lại, cách Cố đô Huế về phía Tây khoảng 5 km. Sách Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An viết năm 1553, đã mô tả về ngôi chùa: Chùa nằm phía Nam xã Hà Khê huyện Hương Trà, ở trên đồi núi, dưới giáp dòng sông, cảnh đẹp vượt hẳn ba nghìn thế giới, gần gang tấc với thiên trì. Khách tản bộ đăng lâm bỗng chốc phát lòng lành, tiêu tan tục lụy...”.
Tương truyền, năm Tân Sửu (1601), chúa Nguyễn Hoàng, nhân buổi dạo chơi phong thủy, thấy vùng đồng bằng xã Hà Khê, có một ngọn đồi cao nổi lên như hình rồng quay đầu nhìn lại, phía trước trông ra sông dài, phía sau có hồ lớn, cảnh trí rất đẹp, hỏi người dân địa phương, người ta cho biết: Ngọn đồi này linh lắm, xưa có bà lão mặc áo đỏ quần xanh, ngồi trên ngọn đồi nói rằng: “Rồi sau sẽ có vị chân Chúa đến đây sửa núi lập chùa để tụ linh khí, giữ bền long mạch”.
Nói xong bà lão biến mất. Chúa Nguyễn Hoàng cho rằng đất này có khí thiêng mới lập chùa gọi tên là chùa Thiên Mụ. Đến đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), ông là một cư sĩ tại gia thọ giới với ngài Thạch Liêm hòa thượng, phái Tào Động, pháp danh là Hưng Long, rất chú trọng đến việc chăm lo kỷ cương phép nước, khuyến khích xây dựng chùa chiền, chấn hưng Phật giáo.
“Bách bát hồng thanh”
Chùa Thiên Mụ hiện có hai quả chuông. Một quả chuông được đúc vào năm Canh Dần (1710) đặt trong một ngôi nhà bát giác phía bên phải tháp Phước Duyên (nhìn từ trong ra). Chuông cao 2,50m, đường kính miệng 1,40m, cân nặng 3.285 cân (tương đương 1.986 kg). Trên chuông có khắc bài minh của chúa Nguyễn Phúc Chu “chú nguyện mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an”. Tương truyền trong ngày rằm Phật đản, chú nguyện đúc chuông có hàng trăm quan viên Phật tử đến quy y, thọ giới đã phát tâm thả vào vạc đồng sôi rất nhiều vật quý giá... bằng một niềm tin bất hoại.
Công phu 108 tiếng chuông Thiên Mụ (1)
Tháp Phước Duyên.

Chính vì vậy chiếc chuông đã mang trong mình cả những giá trị tâm linh và một hàm lượng hợp kim đặc biệt tạo nên âm thanh ngân nga siêu thoát. Đến thời vua Thiệu Trị, vua đã cho xây tháp Từ Nhân (sau đổi tên thành tháp Phước Duyên) cao bảy tầng và xây đình Hưng Nguyện, viết văn bia để lưu giữ công đức xây tháp và đình. Vua cũng cho xây dựng hai tiểu đình trước Nghi môn để dựng bia đá khắc bài minh Thiên Mụ chung thanh và đưa chùa Thiên Mụ vào danh mục 20 cảnh đẹp chốn Thần kinh.
Trong bài minh, có đoạn: “Bách bát hồng thanh tiêu bách kết/Tam thiên thế giới tỉnh tam duyên... (Một trăm lẻ tám tiếng chuông tiêu tan trăm nỗi oan kết muộn phiền/Ba ngàn thế giới tỉnh ba duyên...” (ngộ lý duyên khởi của nhà Phật). Chuông này hiện nay chỉ được đặt như một pháp khí của chùa mà không đánh. Còn chiếc chuông đang làm nhiệm vụ giữ nhịp thời gian của “tiếng chuông Thiên Mụ” hiện nay được đúc vào năm Gia Long thứ 14 (1815), đặt trên lầu chuông bên trái cổng Tam Quan, để đi vào điện Đại Hùng.
Trong thời đại phong kiến, người đánh chuông chùa Thiên Mụ do Tăng cang (chức danh do triều đình phê chuẩn) của chùa phân công. Kế tục hạnh nguyện và giữ hồn cho tiếng chuông Thiên Mụ hiện nay là các nhà sư trẻ đang tu học tại chùa. Thượng tọa Thích Trí Tựu cho biết từ xưa đến nay, chuông chùa vẫn được đánh mỗi ngày hai thời (hai lần), vào lúc 19 giờ 30 và 3 giờ 30 sáng. Mỗi lần đánh trong thời gian một tiếng đồng hồ (60 phút) bằng 108 tiếng chuông để xóa đi 108 nỗi phiền muộn trong thế gian.
Theo giáo lý nhà Phật, chúng sinh trong tam giới (gồm dục giới, sắc giới và vô sắc giới) đều có chung bát khổ (sinh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ, oán tằn hội, ái biệt ly khổ và cầu bất đắc khổ). Từ căn bản của 8 điều khổ sẽ dẫn đến 108 nỗi phiền não được chia nhỏ theo trạng thái tâm lý và tình cảm. Trong mỗi tiếng chuông của người thiền giả đều mang theo tâm nguyện từ bi gửi gắm đến chúng sinh giải tỏa mọi muộn phiền đau khổ.
Công phu gõ chuông Thiên Mụ
Cái khó của việc gõ chuông Thiên Mụ là không phải bất kỳ ai cũng làm được. Tiếng chuông đầu tiên phải cất lên đúng vào lúc 3 giờ 30 mỗi sáng, đều đặn trong một tiếng đồng hồ và phải đủ 108 dùi (lần gõ). Với người tu luyện chưa có đủ công phu thì chắc chắn sẽ không làm chủ được bản thân để mỗi sáng thức dậy đúng và đủ thời gian để đánh đủ 108 tiếng chuông trong thời gian 60 phút mà không phải canh đồng hồ hay dùng bất cứ phương pháp nào để giữ nhịp.
Mỗi sáng sau khi thức dậy tĩnh tọa hành thiền, người đánh chuông bước xuống khỏi thiền sàn và đi trong bước chân thiền từ tăng phòng đến tháp chuông, đánh tiếng đầu tiên đúng vào lúc 3 giờ 30, không được sai lệch. Giai thoại thiền môn kể rằng, cố hòa thượng Thích Đôn Hậu (1) là một thiền sư gắn liền nhiều nhất với hạnh nguyện đánh chuông.
Công phu 108 tiếng chuông Thiên Mụ (2)
Tháp Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu.

Lúc sinh thời, những khi còn khỏe, hòa thượng vẫn thường thức dậy đánh chuông hằng đêm và tiếng chuông của ngài có âm thanh vang vọng thanh thoát một cách lạ thường. Những người cao niên ở các làng xung quanh khu vực chùa Thiên Mụ như Nguyệt Biều, An Ninh Thượng, Long Hồ, Ngọc Hồ, Lựu Bảo, Xuân Hoa... cho biết, khi nào hòa thượng đi vắng hay đau ốm là biết liền. Bởi tiếng chuông được người khác thay thế là biết ngay; âm sắc và nhịp điệu của tiếng chuông sẽ khác hẳn.
Tiếng chuông Thiên Mụ ngoài âm sắc của tiếng đồng được chế tác bằng một kỹ thuật đúc truyền thống hoàn hảo, nó được vang xa nhờ vào vị trí đặt chuông trên đồi cao, lại có dòng sông Hương trải dài như một chất dẫn truyền tự nhiên huyền diệu... Nhưng trên tất cả những yếu tố ấy còn có ẩn chứáa một âm sắc vi diệu khó diễn đạt từ chính công phu thiền định và hạnh nguyện từ bi được chuyển tải trong mỗi tiếng chuông của người hành đạo.
Ngày nay, trước hàng vạn tạp âm của nhịp sống đô thị, tiếng chuông Thiên Mụ hằng đêm vẫn giữ nhịp thời gian, gửi vào trần thế tiếng thiền vi diệu.

S.T.

Saturday, December 10, 2016

Wednesday, December 7, 2016

Thanh Trang: Duyên Thề


“Ðàng sau bất cứ một tác phẩm nghệ thuật nào cũng có cái mà tôi cho là quan trọng hơn cả: con người. Bởi đàng sau những bài hát toàn là những mẩu đời, những tình người có thật. Ai khác ra sao tôi không biết, nhưng riêng tôi khi viết bài hát, không có lời lẽ nào thuộc dạng hư cấu, vẽ vời hay tưởng tượng.” – Thanh Trang

 

duyen-the-1_zpsxjn5yrq4.jpg

 

duyen-the-2_zpsyh8logbk.jpg

 

duyen-the-3_zpsr4pjasms.jpg

 

duyen-the-4_zps1cjl9sdx.jpg

 

Duyên Thề – Sáng Tác: Thanh Trang

Trình Bày: Thái Thanh

 

Mời đọc thêm:

 

1/

Tiểu sử của Nhạc Sĩ Thanh Trang

(Nguồn: http://cothommagazine.com)

• Tên thật: Nguyễn Thanh Trang
• Sinh năm 1942
• Nguyên quán: Thái Hà Ấp, Hà Nội, vào Nam năm lên 8 (1950) do thân phụ thay đổi nhiệm sở.
• Tiểu học: trường “Jaureguiberry” (sau 1956 đổi thành “St-Exupery”) trên đường “Thevenet” (sau đổi thành đường Tú Xương, con đường yên tĩnh, có những hàng cây thật đẹp, nằm sâu trong ký ức cậu học trò nhỏ, sau này sẽ làm nền cho bài hát “Những con đường thành phố tôi yêu”.)
• Trung học: Lycée Chasseloup Laubat (sau đổi tên ra “Jean Jacques Rousseau”), tốt nghiệp Trung Học ban “Sciences Expérimentales”.
• Vào Ðại Học Luật Khoa năm 1961. (Bài hát “Duyên Thề” viết khi ở năm thứ 2 Luật Khoa).
• Tốt nghiệp Cử Nhân Luật Khoa năm 1963. Xong Cao học Kinh Tế năm 1966. Thời gian sinh viên, cộng tác với Nhật Báo “Tự Do” và một số nhật báo, tạp chí văn học khác; bút hiệu “Thanh Nguyễn” (bút hiệu sau nay vẫn tiếp tục xử dụng trên các nhật báo ở Nam Cali như Người Việt, Viễn Ðông, hoặc các Tạp chí Thế kỷ 21, Văn Học, Hợp Lưu…)
• Nhập ngũ năm 1968 (cùng lượt với Lê Tất Ðiều, Dương Kiền, Dương Cự v.v..).
• Rời Thủ Ðức, cuối năm 1968 lên giảng dạy Luật và Kinh Tế tại trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt (những bài “Tình Khúc Mùa Ðông” và “Huyền” viết vào thời điểm này).
• Cuối 1969, du học tại Hoa Kỳ môn “Development Economics”, Ðại học Vanderbilt tại Nashville, Tennessee (Luận án tốt nghiệp: “The absorptive capacity of Foreign Aid”)
• Trở về nước năm 1973, tiếp tục giảng dạy Kinh Tế ở Võ Bị Quốc Gia và Viện Đại Học Đà Lạt (Phân Khoa “Chính Trị Kinh Doanh”) cho đến tháng Tư năm 1975 khi đơn vị di tản về Sài Gòn. Bị đưa vào trại tập trung của Cộng Sản từ sau ngày Việt Nam Cộng Hòa thất thủ cho đến năm 1982.

ThanhTrang-NhaTrang86.jpg

(Nha Trang 1986)
• Tái định cư tại Hoa Kỳ vào giữa năm 1990 theo diện “Political Refugee”. Hiện cư ngụ tại Covina, California.

 

2/

Trịnh Thanh Thủy phỏng vấn Thanh Trang, người nhạc sĩ của dòng nhạc tiền chiến cuối

 

Tôi có người bạn nhỏ tuổi độ hai mươi, sống trong nước ngày hôm nay, mà lại rất yêu mến nhạc tiền chiến. Cậu hay sưu tầm và tìm nghe những tình khúc nhẹ nhàng, êm ả, trong sáng của những tháng ngày xưa cũ. Tôi rất lấy làm ngạc nhiên khi thấy cậu khác hẳn bạn bè đồng trang lứa, những người trẻ chạy theo mốt nhạc thời trang của dòng nhạc lai Hàn, lai Tàu, pop hoặc rap thời đại. Cậu làm tôi nhớ đến một nhạc sĩ tôi quen đã lâu, người lớn lên vào thập niên 60 cũng rất yêu dòng nhạc tiền chiến. Đó là nhạc sĩ Thanh Trang với hai ca khúc nổi bật nhất của ông, “Duyên Thề” và “Tình khúc mùa đông”.

 

 

Bài hát đầu tiên “Duyên Thề” ông sáng tác vào năm 20 tuổi với giai điệu dìu dặt, lãng đãng.

 

Có người bảo nghe như nhạc thánh ca. “Một vì sao sáng trong đêm lặng lẽ, nhạc buồn xa vắng, mênh mông trần thế, ánh mắt sáng ngời, lòng trời u tối không gian xa vời…”. Ca từ đẹp, chất chứa cảm xúc lao xao, nhớ nhung, tha thiết. Trong khi tiếng hát Anh Ngọc hay Tuấn Ngọc đã “Mắt đã một chiều thu hoen lệ sầu …ru hồn người đắm say” hay “ Anh lãng du đêm dài cùng khói mây” với ca khúc * “Tình khúc mùa đông” của ông sáng tác vào năm 1968, thì cái nhan đề bài này bị người ta đổi thành “Tiếc thu”.

 

TinhKhucMuaDong_zpsoxdtecwv.jpg

 

Tình khúc mùa đông

Trình bày: Thanh Lan

 

Tình cờ nó trùng tên với bài “Tiếc thu” của Hoàng Dương. Sau đính chính mãi “Tình khúc mùa đông” mới được người ta ghi đúng như nhan đề nguyên thủy. Ông còn nhiều bài hát nổi tiếng khác được sáng tác trước và sau 1975.

 

Thập niên 1960, của miền Nam Việt nam là thời bắt đầu hưng thịnh của nhạc vàng. Thời của những dòng nhạc mới khai sinh với những ca khúc đầu tay của Lê Uyên Phương(Buồn đến bao giờ/1960), Từ Công Phụng (Bây giờ tháng mấy/1960), Ngô Thụy Miên (Chiều nay không có em/1963), Vũ Thành An( Tình Khúc Thứ Nhất/ 1965),Trịnh Công Sơn (Ca khúc TCS/1967). Chen lẫn vào đấy, dòng nhạc mang âm hưởng tiền chiến của Thanh Trang cũng buông hứng, khơi dòng và êm đềm chảy.

 

Trịnh Thanh Thủy: Anh bắt đầu đến với âm nhạc như thế nào?

 

Thanh Trang: Vốn đam mê âm nhạc, năm 14 tuổi tôi học guitar với nhạc sĩ Vĩnh Lợi. Đời thầy gian khổ lắm. Thầy có bài hát duy nhất, lời của Nguyễn Thành Vinh, đó là bài “Luyến quê”. Thưở ấy, tôi học trường Tây, nên hay mua sách nhạc Pháp về nghiên cứu thêm về nhạc lý và kỹ thuật sáng tác. Khi có đủ căn bản, tôi bắt đầu viết ca khúc đầu tay “Duyên Thề”. Xong, tôi tìm nhạc sĩ Phạm Duy xin thỉnh ý về bài hát mình vừa làm. Nghe xong nhạc sĩ Phạm Duy nói: “Đây là Hà Nội của mình đây!”. Ông thêm “Các cậu làm nhạc thế này thì anh còn gì để chỉ dạy cho các cậu nữa”. Hôm sau ông đưa bài “Duyên Thề” cho Kim Tước hát lần đầu trong ban Hoa Xuân. Trong thời gian du học ở Mỹ, tôi có học thêm về phối âm và sáng tác ở đại học Peabody ở Nashville, Tennessee là thủ đô lừng danh, cái nôi của country music, Hoa Kỳ.

 

TTT: Xin cho biết quá trình sáng tác một ca khúc của anh.

 

TT: Trước hết phải có hứng và có đề tài mình muốn nói. Tôi thường viết về một kỷ niệm, một buổi chiều, mùa thu, xuân, hay hạ, hoặc một chuyện tình buồn, vui. Đó là cái ý. Sau tới giai điệu sẽ được thể hiện như thế nào. Nói đến một nhạc phẩm phải nhắc đến hai phần chính là giai điệu và ca từ. Thời đó, từ 1955 trở đi có một ca sĩ kiêm nhạc sĩ Pháp là George Brassens và một người nữa ngồi xuống định nghĩa thế nào là một bài hát. Ông Brassens cho rằng, trong 1 bài hát giai điệu là chính, còn lời là phụ. Còn người kia thì ngược lại. Theo tôi khi làm 1 bài hát, cần có 1 giai điệu hay để người nghe thích nhớ và hát. Được điều đó rồi, ca từ cũng phải hay và khớp với giai điệu cho người nghe dễ nhớ. Như thế ca khúc mới dễ đi vào lòng người. Nói đến người nghe. Một người nghe có trình độ hiểu biết về âm nhạc, họ để ý nghe rất kỹ nhất là giai điệu. Còn người không rành rẽ họ chỉ cần nghe lời. Nếu lời đúng tâm trạng họ thì họ thích và hát tới hát lui, lúc ấy âm nhạc chẳng có nghĩa lý gì đối với họ cả. Thành ra những tác phẩm nào chiều theo thị hiếu quần chúng có đau khổ, nghịch cảnh, lừa dối, phản bội, lấy được nhiều nước mắt thì được nhiều người ưa chuộng.

 

thanh-trang3.jpg?w=300&h=200

 

Khi tôi sáng tác, tôi viết với cảm xúc thực. Tất cả những bài hát của tôi bao giờ cũng có cái lõi của cuộc sống thực, không có hư cấu. Ví dụ cụ thể như bài hát tôi viết cho ca sĩ Anh Ngọc “Một đời tôi hát”. Hôm Anh Ngọc qua Cali, tôi đi thăm ông và trên đường về một ý tưởng chợt đến với tôi “Người ca sĩ hát cả đời những bài tình ca cho công chúng nghe, nhưng chính bản thân họ và bài hát có liên hệ gì nhau không?” Thế là tôi viết: “Một đời tôi hát những bài tình ca cho người, một đời tôi hát những lời buồn vui cho đời” . Tôi quen Anh Ngọc lâu, hiểu và biết cuộc đời thật của ông nên tôi sống với tâm trạng của ông, xúc động và viết bài ấy cho ông chứ không phải thương vay khóc mướn.

 

TTT: Theo anh, thế nào là một bài hát hay?

 

TT: Một bài thơ hay qua thời gian, 10 năm, 100 năm vẫn hay, vẫn còn giá trị như Kiều chẳng hạn. Một ca khúc cũng vậy, giai điệu, ca từ không cần bí hiểm hay sáo rỗng mà gần với lòng người. Tuy nhiên chính vì gần lòng người mà định nghĩa này là một con dao hai lưỡi. Vấn đề nằm ở chỗ, người là người nào? Thí dụ một người có trình độ âm nhạc cao và kiến thức rộng nghe một ca khúc hợp với trình độ của họ, họ sẽ thấy hay và thích nó. Ngược lại, người có trình độ thấp hơn sẽ nghiêng về phía những nhạc phẩm được viết dễ hiểu, hợp với kiến thức thấp hơn của họ. Vì thế sự hay hoặc dở tùy thuộc vào trình độ và kiến thức thẩm âm của người nghe.

 

Ví dụ ngày nay ở Hoa Kỳ, thanh thiếu niên trẻ rất thích nhạc Rap. Nhạc Rap xuất xứ từ người da đen. Ray Charles là một nhạc sĩ Pop Music. Khi người ta phỏng vấn ông cách đây mấy năm khi ông còn sống về nhạc Rap thì ông bảo “Rap là thứ rác rưởi”. Nếu bảo rằng Rap là rác rưởi, tại sao biết bao nhiêu người trẻ lại thích. Khỏi cần trả lời vì “Ngưu tìm ngưu, mã tìm mã”. Do đó cái định nghĩa về cái hay của tôi rất nguy hiểm. Nếu nói một tác phẩm để đời, ta sẽ nói đến để đời là đời nào. Thời dân trí cao như thời xưa ở VN, người nghe nhạc phần lớn là người có học, khi đó tân nhạc chưa phổ biến, mấy ai có tiền mua nổi cái radio, toàn người có tiền và trình độ cao nghe nhạc. Do đó nếu người nghe nhạc thuộc giai tầng xã hội cao, gìn giữ được các tác phẩm để đời giá trị, nó sẽ còn mãi. Ngược lại, nếu giai tầng thấp ưa thích những nhạc phẩm bình dân thì tác phẩm để đời chỉ toàn là rác rưởi. Các thanh niên trẻ bây giờ chạy theo thời trang thích cái gì đơn giản, dễ hiểu, không cần sâu sắc, ý nhị như xưa. Có thể vì kỹ thuật càng cao, tâm hồn càng nhỏ lại, xã hội trọng vật chất, tinh thần càng teo tóp và biến mất. Vì thế, nếu dòng nhạc tiền chiến có phai đi trong lòng người, tôi không thấy thắc mắc gì cả, do mọi sự đều theo luật biến thiên của vũ trụ. Mỗi thời có một lối suy nghĩ, xu hướng, cung cách nghe nhạc khác nhau, như lẽ tự nhiên của Dịch, của trời đất.

 

TTT: Theo anh, thế nào là một nhạc sĩ có thực tài?

 

TT: Một nhạc sĩ có thực tài là nhạc sĩ có các tác phẩm để đời hay và có giá trị sống mãi theo thời gian, lâu mà vẫn còn người ưa thích, như tôi đã nói bên trên. Công chúng nghe mãi nhạc phẩm của họ mà không biết, cũng như không cần biết tác giả là ai. Tỷ như bài “Ai về sông tương” của Thông Đạt, lên mạng thấy có 49 ngàn người nghe. Không ai biết Thông Đạt và Văn Giảng là ai, trong khi hai ông là một. Nhạc sĩ Thông Đạt đã dùng tên này cho những bài tình ca như “Ai về Sông Tương”, “Đôi mắt Huyền”..v.v..Tên Văn Giảng ông dùng cho các ca khúc quân hành như: Lục Quân Việt Nam” (Đường trường xa muôn vó câu bay dập dồn), Thúc Quân, Đêm Mê Linh..v..v..

 

Nếu chúng ta để ý, ở hải ngoại, các show ca nhạc hay các chương trình TV phát sóng, ngay cả trong nước, phần lớn các ca sĩ đều hát lại nhạc vàng trước 75 hay nhạc tiền chiến. Loại nhạc mà ngày xưa chúng ta vẫn nghe. Ai đã làm ra những ca khúc giá trị sống mãi như vậy, họ là những Nguyễn Văn Khánh, Hoàng Giác, Tô Vũ , Đoàn Chuẩn, Vũ Thành, Hoàng Trọng…v..v..

 

Hơn nữa, theo tôi quan niệm “Hữu xạ tự nhiên hương” tức “Hay không cần quảng cáo” vẫn đúng. Ngày nay người ta nhờ kỹ thuật điện toán, internet để quảng cáo cho một ca sĩ hay ca khúc, nhiều đến mức lạm dụng. Tỷ như các nhạc sĩ Tô Vũ, Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Từ Linh thời tiền chiến, thời mở đầu của nền tân nhạc VN, đâu có ai quảng cáo hay làm show cho họ. Cũng không có màn đưa tiền cho ca sĩ hát để quảng cáo cho một nhạc phẩm mới ra lò. Các nhạc sĩ ngày ấy phần lớn đều nghèo. Khán thính giả, nghe thấy hay thì thích. Chỉ có những năm gần cuối thập niên 60 mới có chuyện nhạc sĩ nhờ báo chí, truyền thông hay đưa tiền cho ca sĩ nổi tiếng hát để phổ biến và quảng cáo ca khúc ra công chúng.

 

TTT: Xin anh chia sẻ một vài kỷ niệm vui buồn từng có với bạn bè trong thế giới âm nhạc

 

TT: Trong văn nghệ có nhiều chuyện buồn cười như thế này.

 

Từ lâu tôi thích một bài hát “Hẹn Một Ngày Về của nhạc sĩ, giáo sư Lê Hữu Mục, “Về đây trong hoa lá/ Hỡi cánh chim giang-hồ..Huế, lờ lững dòng Hương/Năm tháng còn vương lời ai mong chờ..”.Người nghe tưởng trong đấy là một chuyện tình nhẹ nhàng diệu vợi. Ngày đó tôi viết cho tờ “Tự Do”, có một người quen với ông LHM làm chung. Tôi bèn hỏi nhỏ “Hồi trước ông LHM làm bài HMNV hay quá, ông ấy làm trong trường hợp nào vậy?”. Người ấy bảo “Tại ông ấy yêu một cô gái Huế và cô bảo, anh làm bài hát tặng em đi, em sẽ đền đáp tấm lòng anh, nên ông làm bài đó đấy”. Từ đó tôi đinh ninh, à ra là vậy. Sau có duyên gặp lại ông ở Mỹ, tôi đem chuyện xưa ra hỏi. Ông kể “À có gì đâu, hôm đấy, một ngày mùa hè ở Huế, đã bãi trường. Tôi có thằng bạn dạy Anh Văn ở Quốc Học về lại Hà Nội, tôi muốn về cùng mà không được. Chúng tôi hẹn nhau mùa thu sẽ gặp lại. Sau khi nó đi, ở Huế, trời nóng, ngồi trần xì cái quần đùi, nhìn xa xa là bờ sông Hương, tôi nhớ đến nó bèn sáng tác bài này.” Nghe xong tôi chưng hửng. Do vậy, giữa tâm trạng của người viết và người nghe có khi thật là khác nhau !!!

 

Cũng thời niên thíếu, tôi rất yêu thích những bài hát của cố nhạc sĩ Vũ Thành như “Nhặt cánh sao rơi”, “Nhớ bạn”.  Tôi để ý thấy trong những bài hát của mình,  ông Vũ Thành chả bao giờ dùng chữ “em” khi nói đến hình ảnh một người con gái.  Chữ “em” hiếm hoi mà ông xử dụng thì lại để chỉ … Hà Nội, trong bài “Giấc mơ hồi hương” ! Có lần ngồi chuyện vãn với ông, tôi có nêu nhận xét ấy.  Mẩu đối thọai như sau; (ông nói trước) :

– Cái bài “Nhặt cánh sao rơi “ ấy mà. .

– Dạ. . !

– Ngày ấy tôi có cô em họ. Chiều chiều hai anh em thường theo nhau ra bờ sông, ngồi trên bãi cát ven sông. Có lần, lúc đêm đã xuống, có một ánh sao đổi ngôi, tôi chỉ về hướng ấy và nói: “Người bên phương Tây họ bảo là khi thấy sao đổi ngôi, mình ước gì thì đuợc nấy “ ! Cô em của tôi nghe có vẻ tin tưởng lắm, nói: “Lần sau thấy sao đổi ngôi thì em sẽ ước! “ Tôi nói:”Ừ mà ước nhanh nhanh một chút,  bởi sao rơi thì nó nhanh lắm !” Mấy hôm sau, cũng một buổi chiều như thế, hai anh em lại ngồi trên bờ cát ở ven sông, và khi đêm vừa xuống thì chợt có ánh sao đổi ngôi! Cô em tôi lúc ấy thần hồn nát thần tính, buột miệng nói cái câu mà hàng ngày cô vẫn nói với ông Bố: “Mời Thầy xơi cơm!”

 

Kể xong thì cả ông lẫn tôi đều cười. Ông cười không dòn rã như tôi bởi đối với ông thì đấy là kỷ niệm cũ kỹ, và cười khẽ xong mấy tiếng thì vẻ mặt ông lại lắng xuống, xa vắng…

 

Tác giả không có kỷ niệm như ông đã kể thì lấy đâu ra bài “Nhặt cánh sao rơi “ ? Mà ai có yêu thích những bài hát của Vũ Thành, (ông viết chỉ dăm ba bài để lại với đời thôi), nhất là bài “Nhớ bạn”, thì nếu để ý sẽ thấy ngay là bóng dáng người thiếu nữ ông gọi bằng “bạn” trong những bài đó chẳng ai khác hơn là cái cô “Mời thầy xơi cơm” nọ!

 

Cảm ơn anh, Chúc anh sáng tác ngày càng sung mãn hơn nữa.

Trịnh Thanh Thủy

 

* Bài Viết về "Tình Khúc Mùa Đông" - Thanh Trang

Dalat 1968.
Rời khỏi quân Trường Thủ Đức vào giữa tháng 10, cuối tháng đó tôi đã có mặt ở Dalat để trình diện tại Trường Võ Bị Quốc Gia với chức vụ Giáo Sư Kinh Tế. Qua tháng 11, mùa Đông ở vùng này, người bạn gái tôi quen ở trường Luật từ nhiều năm trước, lúc bấy giờ làm việc tại Sài Gòn, cùng với cô em gái lên thăm tôi. Hai chị em ở lại đấy một tuần lễ. Thị Xã Dalat xem trên bản đồ thì với các vùng phụ cận, Ấp này Ấp nọ, trông có vẻ rộng, thế nhưng những khu vục có nhà cửa phố xá xây cất từ sang trọng đồ sộ cho đến “coi đuợc” về mặt xây cất thì cũng “vầy vậy thôi” chứ chả có thấm tháp gì so với Thị Xã Đà Nẵng chẳng hạn! Có những sĩ quan cao cấp trong QLVNCH lên đấy tham dự các lớp học quân sự chuyên ngành chừng dăm bữa nửa tháng đã có lần đùa với tôi rằng những khu phố chính của Dalat, xung quanh chợ Hòa Bình, chỉ cần hít một hơi thờ cho sâu, đi giáp hết một vòng rồi thì mới cần hít thở bình thường trở lại !

Kể như thế là để dẫn đến sự thể là khi người bạn gái của tôi lên thăm thì chúng tôi thường quanh quẩn nơi khu phố xá trên và dưới chợ Hòa Bình, rồi vài đọan quanh bờ hồ Xuân Hương, chỗ có ngôi nhà “Thủy Tạ”, rồi dắt nhau lên mấy ngọn đồi tiếp giáp với bờ hồ, từ đấy có thể ngó vè phía Giáo Hoàng Chủng Viện, Viện Đại Học Dalat và khu trường Yersin ở hướng Đông Bắc. Chẳng đi đâu xa hơn như Hồ Than Thở, “Thung Lũng Tình Yêu”, v.v… Phần vì trời lạnh, phần vì trong ngày có những giờ giấc tôi vẫn phải ra vào quân trường, và chủ yếu cũng vì khi người ta yêu nhau và có nhau bên cạnh thì hình như cũng chả cần đến ngọai cảnh cho lắm! Đi lang thang đây đó là khi người ta buồn tình đời gì đầy kìa!

Gần nhau như thế khoảng một tuần thì đến ngày tạm biệt. Cô ấy về lại Sài Gòn rồi thì tôi bắt đầu có những mối băn khoăn lớn. Quen biết, gần gụi với nhau đã nhiều năm thì tất nhiên cũng phải nghĩ đến chuyện chừng nào thì lấy nhau làm vợ làm chồng. Tôi là đàn ông con trai, năm ấy mới có hai mươi sáu thì chả có làm sao cả, thế nhưng người ta là con gái, mà con gái trên hai mươi lăm thì người ta rất “làm sao” từ cữ tuổi ấy trở đi!

 

Trước kia còn quanh quẩn với nhau ở Sài Gòn thì không nói làm gì, nhưng bây giờ đã là một sự “đôi ngả đôi ta” về mặt khoảng cách; và tôi lúc ấy cũng đã bắt đầu suy nghĩ cho thật kỹ về kế họach nhà trường gửi các Giáo Sư của mình đi ngọai quốc du học. Không phải tu nghiệp mà là du học, bởi trình độ giảng dạy cho Sinh Viên Sĩ Quan về mặt văn hóa trong bốn năm đã tương đuơng với bậc Đại Học trong toàn quốc.

Những ngày như thế thì chiều đến, sau giờ làm việc ở quân trường, tôi mới bắt đầu lang thang ở những quán cà-phê nổi tiếng phía bên trên khu chợ Hòa Bình! Bắt đầu lang thang đến khu nhà “Thủy Tạ” ven hồ. Bắt đầu lang thang lên mấy ngọn đồi giáp ranh với bờ hồ, nhìn ngang ngó ngửa giữa trời mây non nước trong tư thế “trầm ngâm”. Lúc bấy giờ đã qua tháng Mười Một trong năm. Có nghĩa là ban ngày trời dã lạnh thì đêm đến lại lạnh hơn, và sương sớm hay sương khuya cũng dày đặc hơn.

 

Một đêm như vậy, tôi trở về khu Cư Xá dành cho Sĩ Quan Độc thân là cái Khách Sạn Thủy Tiên II mà chính phủ đã trưng dụng! Người cùng phòng với tôi là một anh Kỹ Sư Điện mà trùng hợp thế nào trước đấy cùng chung Đại Đội với tôi ở Thủ Đức, cùng về trình diện một ngày với tôi ở quân trường, được bổ nhiệm làm Giáo Sư trong Khoa Điện, rồi cũng lại đuợc sắp xếp cho ở cùng phòng với tôi tại khu Cư Xá Sĩ Quan! Suốt mấy tuần liền anh ấy mất ngù triền miên. Hỏi lý do thì khai ra rằng “vì nhớ cô bồ ở Sài Gòn”. Tôi hỏi :”Thương nhau nhiều không ?” Đáp :”Tụi tôi thương nhau lắm! Trước sau gì cũng lấy nhau!” Tôi nói :”À, thương nhau và gắn bó với nhau cỡ đó rồi có mất ngủ thì ít ra cũng còn có lý“! Vậy thì nếu như anh bạn cùng phòng có mất ngủ vì nhớ người yêu thì riêng tôi lại chả có sao cả, tôi vẫn ngủ bình thường ! Bây giờ nhìn lại thì tôi mới sực nhớ ra là suốt một cuộc đời, dù trong hòan cảnh nào đi nữa tôi cũng không bị chứng mất ngủ. Kể cũng lạ! Có điều là khi nào “trâm ngâm” hay “tư lự” thì tôi “trầm ngâm”, “tư lự”. Nhưng bình thường ra thì tính tôi thích trào lộng. Một hôm như thế, tôi hỏi anh bạn cùng phòng :”Này ! Cậu thương cô bồ của cậu như thế! Nhưng cậu có chung tình với cô ấy không?” Đáp :”Chung chứ sao lại không chung?” Tôi hỏi:”Anh em đàn ông con trai với nhau tôi hỏi thật: Vậy chứ có bao giờ cậu nằm mơ thấy mình giao du thân mật với một người con gái khác hay không ?” Bấy giờ đến lượt anh ta trâm ngâm vài giây nhưng rồi gật gù, trả lời :”Cũng có!” Tôi nói :” ! Thế thì có khi nào cậu nghĩ rằng cô bồ mạ cậu thương nhớ đến mất ngủ hàng đêm thì có khi chính những đêm cậu mất ngủ cô ấy lại mơ dung dăng dung dẻ với một anh nào khác?”  Anh bạn cùng phòng nhìn tôi đăm đăm, nói hấp tâp :”Ờ nhỉ? Ờ nhỉ?. Rồi với nét mặt cau có:”Nhưng ông ăn nói cái kiểu ấy thì tôi lại càng thức trắng đêm thêm! “ Tôi đâm chột dạ vì hình như mình có sơ hở điều gì đấy cho nên vội vàng trấn an anh bạn :”Ấy chỉ là giả thuyết thôi cậu ạ! Miễn sau này người ta chịu lấy cậu là đuợc, còn họ có mơ thấy ai khác thì tốt hơn cả là mình cứ coi như không biết cho nó khỏe cái tâm thân!” Anh bạn lại càng cau có :”Đâu có đuợc!”

 

Không đầy nửa năm sau thì anh bạn ấy đuợc biệt phái trở về Sài Gòn. Tôi đi du học trở về nước vào năm 73, một buổi chiều đi ngang khu Bưu Điện Sài Gòn, thấy có ai đứng một bên đuờng kêu tên mình ơi ới. Hai bên cùng băng qua đuờng để tay bắt mặt mừng với nhau thì đấy không ai khác hơn anh bạn cùng phòng năm xưa như vừa mới kể. Người đi bên cạnh anh ấy mà anh ấy giới thiệu là vợ thì cũng không ai khác hơn cô gái mấy năm xưa khiến anh chàng mất ngủ triền miên ở Dalat! Trông mặt là tôi nhận ra liền, bởi anh chàng kia để hình cô nàng nơi bàn ngủ đầu giường tại căn phòng của khu Cư Xá Sĩ Quan độc thân của Trường Võ Bị Quốc gia khi xưa!

Anh Kỹ Sư tên Đức, người bạn tôi vừa kể ở trên là người đầu tiên nghe bài “Tình khúc mùa Đông” qua tiếng đàn ghi-ta của tôi ngày ấy. Một đêm, khoảng hai ba giờ sáng tôi chợt thức giấc, lấy giấy kẻ nhạc ra, bật đèn lên để viết các nốt nhạc cho đoạn giữa của bài hát. Hình như trong giấc ngủ thì tâm trí của con người ta vẫn tiếp tục làm việc. Trọn ngày hôm sau, dù là đi đâu hay đang làm gì thì đầu óc tôi cũng cứ quanh quẩn với phần lời hát. Khuya đến, tôi ngồi chép lại toàn bộ lời hát như trong ngày mình đã tạm coi như ưng ý. Xong rồi thì lôi đàn ra đàn từ đầu đến cuối để coi xem lời hát và giai điệu đi với nhau ra sao. Ở giường phía bên kia, anh bạn cùng phòng nằm nghiệng, một tay chống cằm, lắng nghe. Nghe xong thì anh ta lò dò buớc đến bên cạnh tôi, cầm bản nhạc lên đọc lời và yêu cầu tôi đàn lại cho anh ta nghe! Nghe xong anh ta kết luận :”Thế này thì ông lại càng làm tôi nhớ cô bồ của tôi thêm nữa! Ở chung phòng vói ông thật là tai họa !”

 

Cách đó ít ngày tôi gừi bài hát cho Mai Hương ở Sài Gòn. Mai Hương là người đầu tiên hát bài này trong ban nhạc của Nhật Trường bên Đài Quân Đội. Sau Mai Hương thì đến phiên Nhật Trường hát . Nhật Trường hát xong rồi thì tìm người liên lạc với tôi để xin đuợc xuất bản!

 

Ngày Nhật Trường lái chiếc xe “Simca 1000” đến tận nhà tôi ở ngôi biệt thự thuộc khu Anh Phú, trên đuờng đi Thủ Đức, để giao tận tay cho tôi mấy chục bản đặc biệt, để có dấu mộc và chữ ký của tác giả, thì ít hôm sau tôi đã lên máy bay Boeing rời khỏi nước, đi du học. Người vợ của tôi lúc ấy, và cả cho đên bây giờ, là nhân vật nữ trong bài “Tình khúc mùa Đông”.

Thanh Trang
Nam Cali, mùa Đông 2008

Tuesday, December 6, 2016

Bao Giờ Biết Tương Tư - Phạm Duy và Ngọc Chánh

“Ngày nào cho tôi biết,
Biết yêu em rồi, tôi biết tương tư…”
Sinh tại Sài Gòn, từ năm 6 tuổi, Ngọc Chánh đã học đàn guitar với một người bạn có ngón đàn Flamenco điêu luyện rồi học thêm với một nhạc sĩ người Philippines. Năm 1960, Ngọc Chánh bắt đầu con đường âm nhạc với cây đàn dương cầm cùng ban nhạc chơi cho một vũ trường ở hồ tắm Cộng Hòa.
Năm1962, ông về chơi cho vũ trường Melody, vũ trường Lai Yun và về làm trưởng ban nhạc vũ trường Mỹ Phụng ở bến Bạch Đằng với Xuân Mỹ (saxo), Hoàng Liêm (guitar) và một nhạc công đánh trống gốc Hoa. Năm 1964, ông về làm trưởng ban nhạc của vũ trường Eden Rock trên đường Tự Do. Trong thời gian này, ông thành lập ban nhạc Shotguns gồm những người bạn sinh hoạt văn nghệ trong Biệt đoàn Văn nghệ gồm Pat Lâm (ca sĩ), Hoàng Liêm (guitar), Elvis Phương (ca sĩ), Đức Hiếu ( trống), Duy Khiêm (bass) và chính ông (keyboard) để chơi nhạc ngoại quốc cho các câu lạc bộ của quân đội Mỹ.
Năm 1969, Ngọc Chánh thành lập Trung tâm băng nhạc Shotguns, thu âm ở một phòng thu trên đường Bùi Hữu Nghĩa. Vì cộng tác chặt chẽ với nhạc sĩ Phạm Duy nên Ngọc Chánh đã nhờ Phạm Duy đặt lời cho bản nhạc “Bao giờ biết tương tư” (năm 1972) ông đã viết cho phim “Điệu ru nước mắt” dựa theo tác phẩm của nhà văn Duyên Anh. Ca sĩ Anh Khoa đã hát rất thành công bản nhạc này đúng ý ông nhất.
Nhạc sĩ Ngọc Chánh còn viết bản nhạc “Vết thù trên lưng ngựa hoang” cho bộ phim cùng tên của đạo diễn Lê Hoàng Hoa. Lúc đầu, ông định nhờ nhà văn Duyên Anh viết lời, nhưng sau đó đã để cho Phạm Duy viết lời. Duyên văn nghệ giữa Ngọc Chánh và nhạc sĩ Phạm Duy còn mang lại cho nền tân nhạc Việt Nam một bài hát nữa là “Tuổi biết buồn” cũng do Phạm Duy đặt lời.
Ca khúc “Bao giờ biết tương tư” trong phim “Điệu ru nước mắt” là lời tâm tình của một chàng trai biết thế nào là nỗi sầu tương tư khi tình yêu đến. Mãi đến khi đã thật sự yêu nàng, chàng mới biết thế nào là nỗi nhớ da diết mà người ta thường gọi là nỗi tương tư của một người phải xa cách người yêu để từng ngày qua là một ngày mong chờ được nhìn thấy bóng dáng của nàng.
Tâm hồn chàng đã trống vắng như một tờ giấy trắng tinh khôi chỉ mong được lấp đầy bằng những lời yêu thương, nhưng nỗi sầu muộn đã làm cho nụ cười tắt trên môi và dòng nước mắt hoen mờ đôi mi. Một ngày kia, tình yêu đã trở lại, tà áo và đôi bàn tay thân thuộc của nàng đã làm vơi hết nỗi sầu tương tư, nhưng tình yêu tha thiết trong tâm tưởng của chàng không thể nào thốt lên thành lời. Thiên đường mở ra trước mắt chàng là cõi tình với tình yêu đầy sức cám dỗ như trái táo trong Vườn địa đàng thuở xưa đã mang lại niềm hạnh phúc tuyệt vời pha lẫn đắng cay, và chàng vẫn bước vào dù biết rằng ở cuối con đường, tình yêu chỉ là một giấc mộng đẹp sẽ chóng tàn.
Bao Giờ Biết Tương Tư
(Tác giả: Phạm Duy và Ngọc Chánh)
Ngày nào cho tôi biết, / Biết yêu em rồi tôi biết tương tư / Ngày nào biết mong chờ, / Biết rộn rã buồn vui đợi em dưới mưa…
Ôi biết đem tin này, / Vắng như lòng giấy, tình yêu lấp đầy / Rồi biết quên câu cười, / Biết cho đôi dòng lệ rơi.
Tình yêu đã trở lại, / Đôi mắt đêm ngày vơi hết đọa đầy / Tà áo em phơi bầy, / Ngón tay em dài, tiếng yêu không lời.
Ngày nào lòng tôi đã / Biết vui biết buồn, ôm mối tương tư / Ngày nào cánh Thiên Đường / Đã mở hé tình yêu là trái táo thơm / Tôi ghé răng cắn vào / Miệng môi ngọt đắng, tình yêu cuối đường / Là trối trăn cuối cùng, / Giấc mơ não nùng vội tan.


BAO GIỜ BIẾT TƯƠNG TƯ - Ngọc Lan

 


Bao Giờ Biết Tương Tư - Khánh Hà

 


Bao Giờ Biết Tương Tư - Anh Khoa

 


 BAO GIỜ BIẾT TƯƠNG TƯ - Trần Thái Hoà

 



Saturday, December 3, 2016

BAO NĂM TÌNH LẬN ĐẬN - NGUYỄN TẤT NHIÊN



BAO NĂM TÌNH LẬN ĐẬN

(Bài phỏng vấn của tuần báo Tuổi Ngọc trên số 141 phát hành ngày 5-8-1974 khi anh là sinh viên trường Luật do Trần Hoài Thư sưu tầm từ thư viện đại học Cornell, được trích lại từ tạp chí Thư Quán Bản Thảo số 45 tháng 1-2011.)
Tuổi Ngọc: Bạn làm thơ nhiều ?

N.T.N: Thưa, ít. Bởi tôi rất quí chữ nghĩa, nên lúc nào cũng tự khó khăn với chính mình. Thứ nữa, tôi rất sợ làm độc giả thất vọng hay nói cách khác, tôi rất sợ bị chê !
T.N: Có bài thơ nào bạn cho là ưng ý nhất ?
N.T.N: Thật tình mà nói, bài nào vừa viết xong tôi cũng ngỡ là ưng ý nhất, chỉ sau thời gian thấy chán nhiều hay chán ít, thế thôi. Tuy nhiên, tôi có yêu một bài thơ làm hồi năm 1970, nhan đề Linh Mục,được anh Nguyễn Đức Quang phổ nhạc lần đầu tiên. Bài thơ ấy tôi muốn ví cái hiền lành cái thánh thiện của mình năm 18 tuổi như một vị linh mục. Mà, thi sĩ là một hình thức “linh mục” đi rao giảng lời tình.
T.N: Những bài thơ đã phổ nhạc có phải là những bài thơ bạn ưng ý ?
N.T.N: Thưa, không. Như đã nói, tôi chi yêu một bài thơ cũ, Linh Mục. Thuở ấy, tôi thiệt thà đôn hậu lắm. Thuở ấy nhà tu sáng chói trong tôi. Thuở ấy…
T.N: Thuở ấy, có phải bạn sắp nhắc tới tên một người con gái ?
N.T.N: Vâng, thuở ấy, tôi yêu người con gái tên Duyên, ngồi cùng lớp. Tình yêu học trò thời trung học tôi trong sạch, ngu ngơ, dễ thương quá. Bây giờ, nghĩ lại, tiếc hoài. Cũng nên mở dấu ngoặc nơi đây. Duyên sắp có chồng !
T.N:Trường hợp nào thơ Nguyễn Tất Nhiên gặp Phạm Duy ?
N.T.N: Tình cờ, khá tình cờ. Hãy xem là “duyên văn nghệ” giữa một già một trẻ.
T.N: Nguyễn Tất Nhiên có in một tập thơ ?
N.T.N: Vâng, tập Thiên Tai, năm 1970, ngồi lớp 12B. Tôi nhớ rằng mình đã bỏ học gần trọn năm với tập thơ này, chỉ vì Duyên. Tập thơ vừa in xong thì bão lụt miền Trung ầm ầm, quả là Thiên Tai ! Nhân đây, tôi muốn nhắc đến hai người ơn. Anh Đinh Cường đã đem tên Đinh Cường của mình ký hẳn hoi lên bìa “chùa” vẽ cho thằng con nít tôi, hồi đó. Cha Lê Hoàng Yến, giám đốc trường trung học Khiết Tâm – Biên Hòa - đã tận tình giúp đỡ, thương mến tôi, trong khi, chính những thầy tôi lại lơ là, khi dể.
T.N: Tại sao tập thơ tình lại có nhan Thiên Tai ?
N.T.N: Người tình là Thiên Tai. Ngày xưa tôi nghĩ vậy !
T.N: Và dự định về một tập thơ kế tiếp ?
N,T.N: Đó là chuyện năm tới. Tôi đang nghĩ tới một tập mới với tựa Thơ Nguyễn Tất Nhiên.
T.N: Bạn đã gặp may mắn hay trở ngại nào ở tập thơ thứ nhất ?
N.T.N: Như cái nhan đề của nó vậy. Và còn ảnh hưởng về sau này. Cũng nhân đây, tôi muốn ngỏ lời cám ơn các bạn nhỏ của tôi ở Ngô Quyền, Biên Hòa. Đã tiếp tay giúp tôi trong những sinh hoạt văn nghệ. Và cũng là một lời xin lỗi. Mong các bạn nhỏ hiểu giùm, đợi một ngày gần đây.
T.N: Nguyễn Tất Nhiên có viết văn ? Dự tính của bạn ở ngòi bút viết văn này ?
N.T.N: Vâng, tôi có viết văn, nhưng chưa tự tin lắm nơi ngòi bút lúc này. Dự tính ư ? Phải nói là ý muốn thì đúng hơn ! Tôi muốn trải hết lòng mình, đời mình ra giấy trắng chữ in. Tôi muốn thấy những quyển truyện đời tôi được tiểu thuyết hóa trưng bày đầy các nhà sách, mà đọc giả chỉ cần khen: “văn thằng ấy viết dễ thương quá” đủ rồi.
Trong tập truyện sắp in, tôi viết ở trang đầu: “ Tôi viết văn vì, thơ chưa nói hết. Nếu có sự lựa chọn giữa tác phẩm và hạnh phúc, tôi sẽ là kẻ vói tay về phía hạnh phúc, nhưng hạnh phúc mãi tan tành nên tác phẩm rơi rớt lại trần gian!”
T.N: Bạn cho bạn ngọc biết qua về đời sống riêng của bạn một chút nếu tiện, chẳng hạn như sinh hoạt chính hàng ngày ?
N.T.N: Học Luật. Cô đơn. Túng thiếu. Lang thang. Khổ tâm. Sinh hoạt chính hàng ngày: buồn bã và tìm cách đùa bỡn trên nỗi buồn của mình. Lúc gần đây, có thêm một đam mê mới: Kịch Nghệ. Anh Lê Cung Bắc là người khuyến khích và hướng dẫn tôi trên địa hạt này.
T.N: Đọc Tuổi Ngọc. bạn thấy cần đóng góp một ý kiến gì chăng?
N.T.N: Đã có hàng khối ý kiến của bạn ngọc rồi. Nói năng chi cũng thừa !
T.N: Cuối cùng. Nguyễn Tất Nhiên, bạn còn muốn nói thêm gì chăng?
N.T.N: Có lẽ, nên thôi. Bởi tôi sắp sửa đề cập tới nàng con gái khác, trong bài “Hai năm tình lận đận”. Nàng con gái khác nữa. trong bài “Cô Bắc Kỳ nho nhỏ”…
Trong khi, tôi muốn lúc nào tôi cũng một tên Duyên !






HAI NĂM TÌNH LẬN ĐẬN

1.
hai năm tình lận đận
hai đứa cùng xanh xao
mùa đông, hai đứa lạnh
hơi thở dài như nhau (?)

hai năm tình lận đận
hai đứa cùng hư hao
(em không còn thắt bính
nuôi dưỡng thời ngây thơ
anh không còn lýnh quýnh
giữa sân trường trao thư!)

hai năm tình lận đận
hai đứa đành xa nhau
em vẫn còn mắt liếc
anh vẫn còn nôn nao
ngoài đường em bước chậm
trong quán chiều anh ngóng cổ cao…

2.
em bây giờ, có lẽ
toan tính chuyện lọc lừa
anh bây giờ, có lẽ
xin làm người-tình-thua
chuông nhà thờ đổ mệt
tượng Chúa gầy hơn xưa
Chúa bây giờ, có lẽ
rơi xuống trần gian, mưa
(dù sao thì Chúa cũng
một thời làm trai tơ
dù sao thì Chúa cũng
là đàn ông… dại khờ!)

anh bây giờ, có lẽ
thiết tha hơn tín đồ
nguyện làm cây thánh giá
trên chót đỉnh nhà thờ
cô đơn nhìn bụi bặm
làm phân bón rêu xanh
(dù sao cây thánh giá
cũng được người nhân danh!)

3.
hai năm tình lận đận
em đã già hơn xưa!...

(1972)
(trích tập Thơ Nguyễn Tất Nhiên)