Thursday, February 26, 2015

CÁI NHÌN THẨM THẤU




CÁI NHÌN THẨM THẤU


Hôm nay, mình được đi thăm Thầy cùng với sư em Pháp Liệu, sau khi hai anh em đưa các sư em ra phi trường đi Tiệp Khắc để hướng dẫn cho cộng đồng sinh hoạt những ngày xuân. Đến nơi mới biết Thầy cần nghỉ ngơi nên hai anh em ngồi uống trà nghe sư cô Thoại Nghiêm tâm sự. Sau đó, mình quyết định qua thăm Thầy. Đúng lúc hai sư em thị giả mặc đồ ấm thỉnh Thầy ra ngoài trời chơi. Pháp Đại đẩy Thầy và tất cả đệ tử gồm có sư cô Chân Không, Pháp Đăng, Pháp Liệu, Thoại Nghiêm, Định Nghiêm và Pháp Đại đi theo hai bên Thầy. Ngày thật đẹp, nắng tươi, trời xanh, mây trắng. Thầy đã hồi phục nhiều chức năng nên cái cảm giác cũng nhiều hơn kể cả ngứa ngáy, đau nhức trong thân mà những cảm giác vui, thích và những cái đẹp ở ngoài trời. Các sư em thị giả dự định đưa Thầy đi chơi mỗi khi trời nắng ấm.
Thầy trò đi thiền hành một vòng khá dài, những tia nắng ấm trong vắt, mắt Thầy cứ nhìn về phía trước nơi có một bầu trời xanh biếc và những đám mây trắng tinh. Còn riêng mình thì mình cảm thấy hạnh phúc được đi từng bước chân bên Thầy. Đây là giây phút hạnh phúc, nó sẽ trở thành huyền thoại. Đi một vòng trở lại nơi trung tâm Rehap, Pháp Đại mời Thầy ngồi chơi ngoài trời có nắng ấm. Sư em Định Nghiêm đề nghị sư anh Pháp Đăng thỉnh chuông cho Thầy nghe, vì Thầy rất thích nghe tiếng chuông. Nhớ năm xưa, Thầy đã kiên nhẫn ngồi 2 giờ tập cho sư chú Pháp Đăng thỉnh chuông ở cốc Ngồi Yên. Một bậc Thầy kiên nhẫn đầy tin yêu.
Sau khi về lại phòng để y tá chăm lo thức ăn cho Thầy, mình có cơ hội xoa bóp hai chân cho Thầy. Mình thưa Thầy: "Thầy có muốn con hát những bài hát ngày xưa do Thầy dạy lúc con được làm thị giả không?" Thầy gật đầu! Trong phòng chỉ có sư em Định nghiêm, sư em Pháp Đại và sư em Pháp Liệu, mình hát bài Ảo Hoá và Cửa Tùng. Mình hát hết cả tâm hồn, vừa nhìn Thầy, mình vừa hát, và Thầy cứ nhìn mình chăm chăm. Đôi mắt Thầy toả ra năng lượng bình an và hạnh phúc. Mình nắm tay Thầy, và Thầy dùng những ngón tay vuốt bàn tay của mình. Suốt thời gian 25 năm dài, Thầy đã không ngừng thương yêu, dạy dỗ, trông chờ nơi người đệ tử Tây Tây này, đến khi nằm trên giường bệnh, Thầy vẫn luôn biểu hiện trong tâm thức mình để hỗ trợ cho sự thực tập của người đệ tử. Hôm nay, hai con mắt ấy gói hết cả tình thương nhìn xoáy vào đôi mắt mình. Mình biết Thầy rất là hạnh phúc khi nhìn mình. Mình biết mặt mình rất tươi, tâm hồn mình rất thanh thản. Thầy nhìn qua sư em Pháp Liệu, và nét mặt của sư em cũng mỉm cười đầy thương yêu. Giây phút thiêng liêng này thật là ấn tượng, in sâu nơi tận đáy tâm hồn của mình. Thầy sẽ trở thành trời xanh, mây trắng sáng mãi trong tâm hồn của mình.
Chân Pháp Đăng
…………………………………………………………………………………
LỜI CÁM ƠN CỦA NGƯỜI ĐOẠT GIẢI OSCARS ĐẾN THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH

Oscar winner "Birdman" director Iñárritu thanks Thich Nhat Hanh

FYI... last Sunday night, director Alejandro González Iñárritu's latest film "Birdman or The Unexpected Virtue of Ignorance" won Oscars for Best Picture, Best Director, Cinematography, and Original Screenplay. In the film's credits, he thanked Thich Nhat Hanh for his mindfulness teaching.
CĐD
 
"You don't have to spend a lot of time in the presence of Iñárritu to know that he is an intense person with deep passion and a wildly reeling mind. To keep that mind in check, he meditates every day, often twice a day. "For me now [it] is not a choice, is not an option for me, it's just a way of living. [It] is a condition to try and help my brain which is always all around the place." So for 24 minutes every morning and often for another round in the afternoon, he tries to "touch base with something. And I think it helps me enormously," he says.

"I’m more aware of how my demons operate. It’s an observation. Meditation is nothing but to observe and concentrate deeply on something. By concentration you get some insight. By just observing. It’s literally observing, from my breathing to what I feel. And by observing it's like open a window in a dark room. Not until you open the window can you see clearly. Aah, there’s a red chair there. Nothing changed but you see clearly. It is just to be aware what is the furniture that is happening in those dark rooms. When you are aware you are a little more conscious. That consciousness prevents you from acting in an unconscious way. That’s the only difference. It’s such a simple thing and that’s why it’s so effective. It’s just a practice that anyone can do."

Iñárritu follows the teachings of Thich Nhat Hanh, the Vietnamese master of mindfulness. "It's like my island that I can touch, my own time and I feel completely by myself. It's very nice and gentle. It’s the most simple thing, like breathing. Literally just being aware of your breathing is a powerful thing." "

“Birdman” director gets congrats and thank-you from 

Thich Nhat Hanh

Monday, February 23, 2015

Sunday, February 22, 2015

Ngày Ấy Em Như Hoa Sen

Ngày Ấy Em Như Hoa Sen 

clip_image002


Tháng Ba về Huế đi qua thành Nội, gặp mùa sen nở, nhớ một bài hát cũ, nhớ chị, tôi đi tìm. Nhưng căn nhà của ba mẹ con chị trong ngôi hẻm nhỏ đã đổi chủ, không ai biết họ trôi giạt về đâu.

Ngày ấy chị hay mặc ái dào màu hồng cánh sen. Nhà cha mẹ chị mái ngói rêu phong cổ kính, thơm mùi hoa trái, có chiếc cổng vòm leo dây tơ hồng gần hồ Tịnh Tâm, nhìn ra sen xô sóng biếc. Có lẽ vì vậy khi lớn lên chị thích màu trắng, màu hồng. Anh Huân, anh họ tôi, quen chị đúng lúc mẹ anh, tức dì tôi, đi coi mắt người vợ tương lai cho con, cô gái cùng làng không nhan sắc nhưng nết na, chăm chỉ. Cha mất sớm, nhà đơn chiếc, anh tôi học chưa hết trung học đã đi lính, đóng quân ở phi trường Phú Bài. Dáng người cao ráo, trắng trẻo, vẻ trí thức. Tôi nhớ hình ảnh của anh mỗi lần đến thăm mẹ tôi, đi giày da đen bóng, mặc bộ đồ lính màu xanh xám, ủi hồ thẳng nếp, như vừa bước từ tiệm giặt ủi ra, cười nửa miệng. Hồi ấy đồng phục lính thật đẹp. Yêu chị, anh về năn nỉ gia đình từ hôn nhưng không được chấp nhận. Dì tôi một mình nuôi con trai độc nhất, cực khổ trăm bề, tính tình cứng rắn, thương con thì thương quyết không đổi ý. Thế là anh tôi có người vợ trẻ để ở quê, cưới hỏi đàng hoàng, làm dâu dì tôi hai mẹ con sớm hôm thủ thỉ, trong khi anh vẫn ở với người phụ nữ khác ở Huế.

Chị làm ở văn phòng đại học Luật, chạy xe Vélo Solex, xe PC, mặc áo dài, xõa tóc ngang vai. Anh tự học lấy bằng Tú tài, ghi danh học trường Luật, nơi có cây đa cao lớn phủ bóng mát rộng thật đẹp trên đường Lê Lợi, vì vậy hai người quen nhau, hẹn hò dưới bóng cây đa những trưa mùa hè mồi hôi ra như tắm. Anh Huân gọi chị là Tịnh Tâm, để nhớ mùa sen nở quanh căn nhà của cha mẹ chị, nhưng đó không phải là tên khai sanh. Tên cha mẹ đặt, sau khi họ gặp nhau, trở nên không có thật. Nhưng chị thì có thật trên đời, đi lại nói cười, ngoài hai mươi tuổi đã rơi vào mối tình cay đắng, bị cha mẹ từ bỏ, không lối thoát, ra ở riêng, đẻ hai đứa con cho anh, một trai một gái xinh đẹp, nhưng chúng không được gia đình thừa nhận, lớn lên lủi thủi, tình thương của người đàn ông không đủ bù đắp niềm tủi thân của những đứa trẻ ngoài giá thú.

Tuy thế tính chị vui vẻ ưa giao thiệp, thích gần gũi bà con, chưa thấy bóng người đã nghe tiếng cười nói. Những lần mẹ tôi dẫn tôi vào Huế thăm bà con bên ngoại, tôi được anh và chị đưa đến khoảng sân rộng trước chợ Đông Ba, buổi tối bày la liệt hàng quán, dưới những ngọn đèn dầu nhỏ, ngồi trong bầu trời của Huế thanh bình thuở ấy, ăn tô bún bò rắc ớt hiểm cay xé, đập lắc cắc hột vịt lộn trộn rau răm, húp tô cháo gà rải lá chanh xắt vụn li ti, rắc tiêu đen Gio linh thơm hăng hắc. Khi cao hứng anh gọi một ly la-de Con Cọp sủi bọt, đưa cho tôi nếm thử một hớp. Còn chị hát nho nhỏ khi đã yêu thì mơ mộng nhiều, mơ ngày mai pháo nhuộm đường vui. Mười bốn tuổi, ngồi bên chân cầu Tràng Tiền, ngước nhìn mấy vài cầu trắng đục vắt vẻo trong sương mù trên sông như thực như ảo, tôi thầm nghĩ: xã hội hiền lành quá, thiên nhiên đẹp đến nao lòng, họa có người điên mới đòi thay đổi nó. Đó là thời kỳ sau Tết Mậu thân, vết thương nhức buốt của Huế đang dần hồi phục, nhưng trên các bức tường gạch rêu phong cổ kính vẫn còn đọc được các khẩu hiệu sơn chồng lên nhau. Anh chị có khi còn dẫn tôi vào cà phê Na ở góc đường Trần Hưng Đạo, Huỳnh Thúc Kháng, lơ thơ ngọn đèn mờ, vẳng tiếng hát Duy Trác nhẹ như tơ, Hà nội ơi tóc thề thả gió lê thê, Anh Ngọc đậm đà, Thanh Thúy réo rắt, uống cà phê phin. Hay vào quán cà phê Góp Gió của sinh viên gần đường Huyền Trân Công chúa, có hàng cây đoác cao vút lao xao, nghe giọng Hà Thanh một dòng tràn ý biếc, Bích Chiêu, Anh Khoa, anh nói với người phu quét đường xin chiếc lá vàng, tán dóc với những bạn bè trường Luật của anh, cãi nhau về hiện tình đất nước, về đảo chánh, về chiến tranh, giữa khói thuốc mù mịt, làm tôi ho sặc sụa.

Những sinh viên phản chiến, cầm biểu ngữ xuống đường, có người còn nhét cuốn La Nausée của Jean- Paul Sartre trong túi, sau ngày hòa bình lập lại, bỗng biến thành gã đạp xích lô, người chạy xe ôm, kẻ lên chức tổ trưởng dân phố, có người hạ sơn ngồi bán thuốc tây ngoài chợ trời Tây lộc, gặp nhau không nhận ra nhau. Nhưng lúc ấy tôi còn nhỏ chưa biết thưởng thức cà phê, chưa quen đọc tirết học hiện sinh, chỉ bắt đầu khoái ăn bánh mì patê Pháp, uống trà Lipton. Sau tháng tư 1975, là sĩ quan, anh phải về quê quán cũ trình diện, một cách tự nhiên trở lại với người vợ chính thức của mình, để lại chị và hai đứa con nhỏ. Học tập cải tạo một thời gian ngắn, thêm một năm đi làm thủy lợi như thời vua Vũ bên Tàu, nhưng thô bạo hơn, làm cạn kiệt các dòng sông vốn khô hạn ở miền Trung, hoán đổi giang sơn, làm mất mùa liên tiếp, đói xanh mặt, anh mang gia đình vào Long Khánh lập nghiệp, làm rẫy cà phê. Còn chị, sau một lớp học tập chính trị, được tiếp tục đi làm, gọi là lưu dung, được trả lương tử tế, một tháng mười mấy ký gạo trộn khoai sắn. Mùa thu năm 1975, tôi vẫn còn gặp chị trước hành lang đại học Luật quét vôi trắng, chị đổi qua mặc quần đen satin Mỹ Á nhưng vẫn còn tà áo dài ủi thẳng nếp, tóc xõa ngang vai. Chị đã bán những chiếc xe PC Honda, Dame, Velo Solex, đi làm việc bằng xe đạp Phượng Hoàng trông như xe của các tay đua coureur đường dài của Pháp, sau yên chất thêm cây nước đá bọc mạt cưa trong bao tải nâu, bốc mùi ẩm mốc của thóc gạo cũ, bỏ mối cho các quán dọc bờ sông Hương, cà phê trên đường Trương Định, và quán Góp Gió lúc ấy đã đổi tên, dù buộc kỹ vẫn lỏng le rớt lên rớt xuống. Vài tháng sau mọi chuyện lại thay đổi, lương cán bộ không đủ sống, cơ quan cắt giảm biên chế, chị ở trong số những nhân viên bị cho thôi việc sớm. Từ đó, mặc dù tôi vẫn đi học ở Huế nhưng ít khi gặp chị.

Mỗi tháng một lần tôi mang ba lô túi xách lên ga Huế về quê. Xe lửa thời trước, khi tôi còn bé, mặc dù trang bị còn đơn sơ nghèo nàn, nhưng sạch sẽ và lịch sự. Đi xe lửa là một cái thú của người biết thưởng ngoạn. Nhưng chiến sự ngày càng ác liệt, các đường tàu bị gài mìn giật sập, xe lửa ngừng chạy, cỏ cao mọc lút thềm ga vắng, người bẻ ghi chết già trong thương nhớ. Cho đến sau hòa bình, đường tàu Thống nhất được xây dựng sớm, các nhà ga hoạt động trở lại với những toa tàu đóng ở Ấn độ mới toanh, ầm ì ra vào ga, nhưng cảnh tượng mau chóng trở nên hỗn loạn.

Một hôm, trời mưa sẫm tối, đang cắm cúi khệ nệ khiêng những túi xách trên vai băng qua khoảng sân hẹp của ga Huế, tôi nghe tiếng một người phụ nữ chào mời, em ơi em ơi để chị gánh giúp cho. Hồi đó ở sân ga có nhiều người làm nghề khuân vác thuê cho hành khách: những người lính lên tàu ra Bắc mang theo búp bê trẻ em, xe đạp chỏng gọng, đồ đạc lỉnh kỉnh làm quà, những người Huế bán cơ ngơi sự nghiệp gồng gánh vợ con chạy vào Nam, những người buôn hàng chuyến và hàng sỉ, dân kinh tế mới, đi thủy lợi, dân buôn vải lậu từ Lào, thuốc lá lậu từ Thái lan, trà lậu từ Bảo Lộc, thuốc tây lậu từ Miên, dân buôn trầm lậu từ Trường sơn. Phụ nữ xách đòn gánh đứng chờ đông như đạo quân tóc dài đi biểu tình, xắn quần quá gối, nhận tiền công rẻ mạt, nhưng họ vẫn ế khách, tranh giành dữ dội, có khi cấu cả móng tay vào nhau, vết rách dài như do bảo kiếm, vì người đi xe lửa cũng chẳng có nhiều tiền. Tôi không hiểu sao ngày ấy nhà ga được sắp xếp lạ lùng, ngớ ngẩn, có nhiều đoàn tàu xe lửa Nam Bắc chạy vùn vụt qua sân ga không dừng lại, trong khi hành khách và người khuân vác vẫn chạy đi chạy lại nhộn nhịp, kêu la í ới, lại thêm những người nhảy tàu trốn vé, những người buôn bán quẳng từng thùng hàng nặng kịch, kéo theo heo ca gà vịt ngỗng ngan trong rọ, lăn ầm ầm từ trên nóc toa xuống trước khi tàu vào ga, như một cơn bão, để trốn nhân viên kiểm soát, hay được móc ngoặc trước bởi chính các nhân viên ấy, tất cả có thể gây tai nạn khủng khiếp. Mà tai nạn hay xảy ra, mạng người cũng rẻ, trong một luồng chảy lịch sử vĩ đại mù lòa gồm nhiều vũng nước xoáy điên rồ, cát bụi người ngợm trộn lẫn vào nhau, số phận cá nhân như cọng rau cuống lá, nỗi bất hạnh dù lớn đến đâu cũng không đủ sức làm ai kinh ngạc nữa.

Nghe tiếng quen quen, tôi quay lại. Và nhận ra chị, quần bà ba đen, áo sơ mi màu cháo lòng bên trong, ngoài khoác cái áo lính nhảy dù rằn ri. Chị ôm lấy tôi, khóc như trẻ con. Tôi thấy nghẹn ở cổ. Nguôi ngoai, chị lại dẫn tôi về nhà, cho ăn uống. Các cháu đã lớn, nay biết giúp mẹ việc nhà. Cuộc sống cuối những năm bảy mươi khó khăn, chị siêng làm lụng, đầu tắt mặt tối, nên anh chị không gặp nhau nữa, cũng như những người quen biết khác thời đó, trước đây cùng nhau học một trường, từng bao dịp chuyện trò vui chơi đàn hát, mộng lớn mộng con, văn chương văn chiếc, nay có khi đi qua trước cổng nhà mà không ghé lại, không nỡ nhìn thấy người thiếu nữ xưa ta thầm yêu nay trong cảnh cơ hàn. Không biết chị có còn hát nhỏ một mình như ngày trước khi đã yêu thì lo sợ nhiều, lo chiều thu nắng nhạt màu tươi. Bẵng đi một thời gian, tôi về quê nghỉ hè ba tháng, khi trở lại Huế, xuống ga, nhìn thấy những người đàn bà mang đòn gánh đứng mời khách ở ngay cửa toa của đoàn tàu chưa kịp ngừng hẳn bánh, tôi liền nhớ đến chị. Khi tôi đến nhà riêng của mấy mẹ con chị trong ngõ Gia hội bùn lầy quanh năm, đứa con trai mở tấm phên cửa ôm lấy tôi, khóc kể lể. Rồi hai chúng tôi vừa đi vừa chạy vào bệnh viện trung ương Huế, đầu cầu sông Hương. Một tuần trước đó trong đêm tối trời, khi đang khuân đồ cho khách xuống tàu, tranh nhau chạy qua những đường ray chằng chịt, chị bị xe lửa cán qua nghiến nát bàn chân. Chị thoát chết, nhưng mất chân trái, cưa trên đầu gối. Sau giải phẫu, chị nằm nhiều ngày ở khoa chấn thương của bác sĩ Trần Tiễn Ngạc. Tôi đứng bên giường chị, trong khoảng tranh tối tranh sáng. Chị không khóc, tập vịn giường bước đi chập chững, khuôn mặt tuy đau đớn nhưng vẫn có nét bình thản. Không biết tôi đã nói gì lúc ấy, nhưng chị bảo: em đừng khóc, chị không buồn nữa em à, vì đời chị buồn đã lâu rồi. Chị chỉ lo mai đây không biết làm việc gì để nuôi hai cháu còn nhỏ. Nếu nghĩ ra được sinh kế, chắc chị sẽ gắng vui mà sống. Nói xong, chị lại kể chuyện pha trò để làm tôi vui. Tôi để thằng bé con chị về trước rồi ra đứng một mình trên lan can lầu bệnh viện nhìn xuống sông, trăng rằm lên cao, đỏ hồng, bát ngát, lát sau mây che xanh tái lại, rồi lại ló ra. Trời khuya, sinh viên và y tá đi thăm bệnh phát thuốc lần cuối, tôi chào chị ra về, hai chị em ôm lấy nhau, nước mắt tôi ứa ra. Đến chân cầu thang, tôi quay lại, định hỏi thêm một việc.

Chị đang ngồi trên giường quay mặt về cửa sổ, không thấy tôi, đưa chân trái bị thương tật lên xoa bóp. Đèn phòng đã tắt, nhưng đèn hành lang hiu hắt đỏ, trộn lẫn ánh trăng, làm thành một thứ ánh sáng xám, hắt bóng chị lên nền tường trắng im lìm. Chị đang gỡ từng tấm vải băng ra khỏi mỏm chân cụt trái, thời đó bông băng trong bệnh viện rất hiếm, chỉ dành cho bệnh nhân mới mổ xong hoặc các đối tượng đặc biệt. Tôi thoáng thấy màu đỏ như máu, sợ hãi, đứng sững, một lúc sau mới dám tiến lại gần. Thì ra đó là những tấm vải màu hồng cánh sen, có lẽ chị đã xé ra từ những tà áo dài lụa, cắt đều đặn rất khéo, trông như vải băng bó chuyên nghiệp. Trên nền vải drap trải gường nhàu nhỉ vàng ố, bên chiếc gối các con chị mang từ nhà lên, may bằng vải bao cát, tức là từ các bao đựng cát chất làm công sự chiến đấu của lính Mỹ, thứ hồi đó nhà nghèo hay dùng làm vải may quần phụ nữ, màu xanh xám xịt, xù lông, mặc vào rất ngứa, da nổi mẩn, nhưng phụ nữ lao động thời đó da cũng không cần trắng mịn lắm, những tấm vải lụa trông thật đẹp, thật bóng và mát mắt, hơi ngộ nghĩnh, yêu kiều, lạc điệu, thách thức, đáng thương.

Chị nhìn tôi, điềm tĩnh, không ngạc nhiên, đưa tay ngoắt tôi lại gần, mỉm cười, giống như khi chị đang ngồi làm việc sau chiếc bàn dài ở văn phòng của Luật khoa đại học đường, những ngón tay thoăn thoắt chạy trên bàn phím đánh máy, khi chị cần nói chuyện chúng vẫn làm việc không ngừng. Khuôn mặt chị ngẩng lên sáng ấm như trăng rằm mỗi khi anh Huân dẫn tôi đến đón, hai anh em đứng im một lúc ở cửa ra vào, có lẽ vì anh muốn ngắm chị lâu, khuôn mặt ấy vừa mừng rỡ vừa buồn rầu, vừa trách móc vừa khoan thứ, cho mối tình đầu đơn sai lầm lỡ.

Nguyễn Đức Tùng

 

Xem lại Tết xưa


Saturday, February 21, 2015

Friday, February 20, 2015

Băm lăm con dê - Nguyễn Dư



Băm lăm con dê - Nguyễn Dư
Dê có công làm cho làng nhậu, làng chơi Nam Bắc xích lại gần nhau. Thịt dê từ Bắc chạy vào Nam. Máu dê từ Nam loang ra Bắc. Ngày nay, cả nước gật gù kháo nhau « sống ở đời không dê cũng uổng ».
Mới ngày nào, dê ba miền nước ta còn lận đận vì lí lịch mờ ám.
Tài liệu của Uỷ ban Canh nông và Công nghiệp Nam kì ( Le comité Agricole et Industriel de la Cochinchine ), soạn thảo năm 1878, cho biết tiểu sử của dê trong Nam :
Người An Nam ( đúng hơn là người Nam Kì ) vốn không ăn thịt dê, không uống sữa dê. Nam Kì lại là xứ nhiều đồng lầy, dê dễ bị bịnh, dễ chết, cho nên chẳng ai nghĩ đến chuyện chăn nuôi dê. Trừ một vài đại gia thích dê, nuôi chơi dăm ba con.
Người Pháp có cho nhập dê vào Nam Kì để nuôi thử. Hi vọng trong tương lai Nam Kì sẽ phát triển ngành chăn nuôi dê (1).
Tại miền Trung, mãi đến năm 1931 người ta vẫn chưa để ý đến việc chăn nuôi dê. Đó đây thỉnh thoảng mới thấy lẻ tẻ vài con (2).
Năm 1891, miền Bắc có nuôi một giống dê nhỏ con, lông ngắn, thịt mềm, ít mỡ. Giống dê này được người Lào, người Mường nuôi rất nhiều.
Nói chung, người Việt ít khi ăn thịt dê vì thịt dê giá còn đắt. Chỉ có cỗ bàn, cúng giỗ ông bà, ăn uống ngày Tết, của nhà giàu mới có thịt dê.
Người Âu không thích thịt dê của ta vì họ cho rằng thịt chẳng bổ dưỡng gì.
Bác sĩ Courtois cảnh báo mọi người rằng dê nước ta hay bị dịch. Phải khám xét cẩn thận thịt dê trước khi ăn (3).
Miền Trung không nuôi dê nhưng năm 1883, ngày Ất Hợi, vua (Hiệp Hoà) nhận tôn hiệu. Ngày hôm ấy, làm lễ tấn tôn ở điện Thái Hoà, lúc đang bài ban có một con quạ bay đến đậu ở cây trước điện, kêu to 4 tiếng. Lại lúc tuyên chiếu, có đàn dê đi ngang qua bên ngoài cầu Kim Thuỷ, có người cho là điềm không tốt (4).
Thì ra, dưới thời Tự Đức trong hoàng thành có nuôi dê.
Vua quan vui thú bò dê,
Giang sơn nghiêng ngửa nhiều bề ai lo ?
Thịt dê là một đặc sản của triều đình. Có lẽ vì vậy mà dân chúng miền Trung không ai dám « phạm thượng » nuôi dê chăng?
Người miền Bắc có mẹo Cho dê uống rượu say rồi mới giết (Tứ dương ẩm tửu hoạch tuý nhi sát), được tranh Oger ghi lại. Không hiểu cho dê uống rượu với mục đích gì ?
Người thì nói : Dê ngà ngà say sẽ coi cái chết nhẹ như lông hồng. Đồ tể có xin tí huyết pha rượu tiết dê (một phần tiết, ba phần rượu) (5), dê cũng sẵn sàng nhắm mắt bỏ qua !
Có người lại cho rằng : Say cho đời lên hương ! Dê say thịt mới thơm. Mới bổ tì bổ phế. Bổ âm bổ dương. Bổ nháo bổ nhào.
Thế gian ba sự khôn chừa
Rượu nồng, dê béo, gái vừa đương tơ
Rượu vào, đi « dê gái tơ » thì ông trời cũng chẳng chừa được.
Điều đáng ngạc nhiên là miền Nam tuy hiếm dê nhưng phần lớn các chuyện dê của ta lại xuất phát từ miền Nam.
*
Cà dái dê
Trái cà tím trước kia được bà con trong Nam gọi nôm na là cà dái dê ( Tự vị Huỳnh Tịnh Của, 1895 ). Génibrel gọi một cách kín đáo là cà dê. Tên không hay, không đúng. Cà dái dê mới tuyệt vời, đúng là cà trông mặt đặt tên. Khen cho con mắt tinh đời và nhạy cảm của các bà ngày ngày xách giỏ đi chợ.
Miền Nam không nuôi, không ăn thịt dê. Vậy mà lại có cà dái dê. Giải thích thế nào đây?
Năm 1878, trái cà aubergine của Pháp (Solanum melongena) vẫn còn được người miền Nam gọi trống không là cà. Chưa có tên riêng. Nhưng miền Nam lúc này đã có đậu dái chồn (petite lentille), có cả củ dái chồn (Orchis morio) (1').
Tên dái chồn chứng tỏ rằng người miền Nam đã có thói quen trông mặt đặt tên cho rau trái bày bán ngoài chợ từ lâu rồi.
Khi người Pháp đưa dê vào chăn nuôi tại miền Nam thì các bà nội trợ đã nhanh chóng « nhìn ra » tên trái cà màu tím nằm chình ình ngoài chợ. Có thể suy đoán rằng cà (aubergine) đã được các bà (với sự đồng loã của các ông ?) cập nhật thành cà dái dê vào khoảng năm 1880.
Miền Bắc có cà dái dê muộn hơn miền Nam cả chục năm. Bác sĩ Courtois cho biết chính người Pháp đã gửi hạt giống cà tím ( aubergine ), cà chua ( tomate ), nghệ tây ( carotte ), bắp cải ( chou )… và nhiều loại rau ( salades ) từ Pháp sang trồng tại Bắc Kì vào khoảng năm 1890 ( 3 ).
Cà dái dê là thương hiệu của miền Nam. Bù lại, miền Bắc có thương hiệu thuốc tễ cứt dê. Thuở bé, mỗi lần nhức đầu xổ mũi lại được mẹ cho nhai vài viên cứt dê màu đen. Thuốc có vị ngon. Cam thảo ngọt thơm như vậy mà lại bị gán cho cái tên chẳng thơm tho chút nào.
Cà dái dê đã làm một cuộc « cách mạng văn hoá » đổ giường lệch chiếu trong Nam. Trông mặt mà bắt hình dong, dân gian được mắt trông tay nắn trái cà, vừa cảm nhận vừa nắm bắt được cái « vĩ đại » của dê.
Bà con bèn tôn dê lên hàng « quán quân dâm dục ». Ghi tên dê vào sổ đỏ « kỉ lục bậy bạ » !
Oan cho dê. Nhà nho không đánh giá dê là dâm. Sách Đại Nam dư địa chí ước biên của Cao Xuân Dục chỉ chép hươu rất dâm. Một con cái thường giao hợp với mấy con đực, gọi là tụ lộc (6).
Nhà nho muốn nói gì thì nói. Dân gian cứ nói theo dân gian. Cứ cho dê là biểu hiệu của dâm.
Miền Nam, miền Bắc có cà dái dê. Nhưng, giai thoại ca tụng cà dái dê được bình chọn là hot nhất Việt Nam lại là của cố đô Huế !
Thời Khải Định (1916-1925), trong số các cung nữ mới được tuyển vào Đoan Trang viện có hai cô thân mật với nhau như vợ chồng. Thường ngày hai cô lại hay dặn người đi chợ mua chuối và cà dái dê.
Lựa chuối chớ mềm và chớ ngắn
Chọn cà không cứng cũng không to
Một hôm ông thái giám già tò mò rình, đẩy cửa phòng vào thì bắt gặp hai cô đang hú hí lấy chuối lấy cà chơi trò âu yếm như là vợ chồng (7).
*
Râu dê
Thực dân Pháp còn mang vào nước ta chòm râu dê (barbe du bouc).
Có chắc râu dê là của Pháp không ? Tại sao Lãng Nhân lại kể rằng :
Trong thời gian Nguyễn Công Trứ làm tổng đốc Hải Dương, ông có bổ Nguyễn Quý Tân ( người tỉnh Hải Dương, đỗ tiến sĩ năm 1842), đi giáo thụ phủ Bình Giang.
Một hôm Nghè Tân sai con đến dinh Nguyễn Công Trứ xin cầm cố lấy chút tiền tiêu. Lại dặn con trao cho Nguyễn Công Trứ một bài thơ đường luật, mỗi câu có tên một con vật. Hai câu cuối là :
- Bôn tẩu làm chi cho rách gấu
Thà rằng ngồi đó vuốt râu dê
Nguyễn Công Trứ đưa tiền cho người con của Nguyễn Quý Tân, kèm bài thơ hoạ với hai câu cuối là :
- Xin đừng dở dói văn chương nữa
Bán chó sao ngoài lại thủ dê ?
(8).
Rõ ràng các cụ nhà ta đã có thú vuốt râu dê từ trước khi Pháp đô hộ nước ta. Nói có sách mách có chứng đàng hoàng !
Nói có sách nhưng sách nói có đúng không ?
Sử nhà Nguyễn chép :
Năm 1833, Nguyễn Công Trứ được thăng làm tổng đốc Hải An ( Hải Dương và Quảng An hay Quảng Yên ). Năm 1836 ông bị giáng bốn cấp và bị gọi về Kinh. Năm 1840 ông đi đánh thành Trấn Tây bên Cao Mên. Từ đó về sau, Nguyễn Công Trứ bôn ba ở An Giang, Quảng Ngãi, Thừa Thiên. Có lúc được thăng, có khi bị giáng. Năm 1848 ông xin về hưu trí, về sống tại quê nhà.
Nguyễn Công Trứ mất năm 1858, thọ 82 tuổi, tại làng Uy Viễn, tỉnh Hà Tĩnh.
Thời gian Nguyễn Công Trứ làm tổng đốc Hải Dương (1833) thì Nguyễn Quý Tân mới 19 tuổi, nếu có con thì con cũng chỉ được vài tuổi. Năm 1842, Nguyễn Quý Tân đỗ tiến sĩ, thành ông nghè thì Nguyễn Công Trứ đã bị cách chức tổng đốc Hải An từ 6 năm trước rồi.
Chuyện tổng đốc Nguyễn Công Trứ bổ nghè Tân đi giáo thụ phủ Bình Giang, cũng như chuyện nghè Tân sai con đến dinh tổng đốc Nguyễn Công Trứ để vay tiền chỉ là tưởng tượng, hư cấu.
Xét cho cùng, nghè Tân không đủ tư cách để xướng hoạ với một ông quan hơn mình 36 tuổi, một người từng trải, biết hưởng lạc, hưởng nhàn như Nguyễn Công Trứ.
*
Máu dê
Huỳnh Tịnh Của gọi mấy ông dâm dục quá độ là người có máu dê. Ngôn ngữ bình dân gọi hành động tán gái là dê gái.
- Tôi ngồi tôi nghĩ chỉn ghê thiệt cha con thằng Bùi Kiệm là hậu tổ máu dê trật đời  (Nguyễn Văn Tròn, Bùi Kiệm dặm, 1913 ).
Hễ trai ghẹo gái
Thì gọi máu dê
Con gái ghẹo trai
Dê chăng, xin xử !
Bùi Kiệm ghẹo Nga
Gọi là dê bấy.
Gái vậy quấy phải ?
Gái vậy dê chăng ?
Như gái đó thời,
Dê chăng xin xử ?

(Đ.T.B. và Đ.T.S., 1915)
Nguyễn Văn Tài (1916) cũng lên tiếng yêu cầu :
Cô bác liệu định,
Đoán tội công minh,
Luận phân cho cạn,
Huỷ án máu dê
( cho Bùi Kiệm ).

Dê hạng nặng là dê xồm. Nghe mà phát sợ ! Oan cho mấy con dê xồm hay dê xờm lông dài (Génibrel).
Dê xồm, dê cỏn, dê hoang,
Be be leo nhảy, khoe khoang to dài !
Băm lăm
Đặc biệt, trong Nam còn gọi mấy ông thấy gái như mèo thấy mỡ là mấy thằng cha băm lăm (35) (Tự điển Việt Nam, Khai Trí, 1971).
Giới bình dân méc rằng tên băm lăm xuất phát từ trò cờ bạc 36 con vật (Jeu des trente-six bêtes) nổi tiếng (tai hại) của ngày xưa, còn được gọi là trò chơi đề.
- Có vị cố lão kể chuyện : Ngày nọ Trần Bá Thọ, con Bá Lộc, cháu Bá Phước làm lễ tân quan, có người đến tặng một bức hoành đề hai chữ « Phước tôn ». Phước tôn có hai nghĩa : một là nghĩa cháu của Phước ; hai là nghĩa con chó. ( Xưa kia nhân dân thường chơi đề ba mươi sáu con (đề là một lối cờ bạc). Con thứ 36 là Phước tôn, nghĩa là con chó (9). )
Tóm tắt trò chơi đề hay 36 con vật như sau :
Tuy tên gọi là 36 con vật nhưng thật ra không có tới 36 con. Mấy con còn thiếu được thay bằng người hay đồ vật như bà vãi, hòn đá, cái thuyền v.v. Tên các con vật được ghi sẵn trên tờ giấy ( vé ) chơi đề. Mỗi con vật còn được đánh số để giới bình dân mù chữ dễ nhận ra, còn có thêm tên bằng chữ Hán để chiều lòng người có học. Con chó được gọi là con… Phước tôn. Con khỉ là Tam hộc v.v.
Mỗi ngày nhà cái chọn một tên, viết ra giấy, bỏ vào phong bì. Phong bì được để trong một cái giỏ, kéo lên treo giữa trần nhà. Người chơi lấy vé, chọn một tên, ghi số tiền đặt. Mỗi vé chỉ được chơi một tên. Ai muốn chơi nhiều tên khác nhau thì phải lấy nhiều vé. Buổi chiều nhà cái hạ giỏ xuống, mở phong bì, xướng tên con vật. Ai trúng thì được ăn gấp 30 lần số tiền đặt.
Trong số 36 con vật chơi trong Nam có lúc con dê được đánh số 20, con chó số 17 (10). Tờ vé chơi ngoài Bắc không đánh số, không có con dê (3'').
Tên và thứ tự các con vật trong hai danh sách của hai miền cũng khác nhau.
Hai tài liệu của ngày xưa chứng tỏ rằng tuỳ sòng bài, 36 con vật được chọn và đánh số không bắt buộc phải giống nhau. Trong Nam đã có lúc con dê được sòng bạc đánh số 35. Tiếng lóng của dân cờ bạc gọi con dê là con băm lăm. Ngoài Bắc không ai biết con băm lăm là con gì.
Chẳng bao lâu, dê sổng khỏi sòng bài, chạy vào xã hội. Mấy ông có máu dê được gắn nhãn hiệu có máu băm lăm. Lại thêm một đặc sản của miền Nam.
Dê nằm trong sách vở
Nhớ lại năm xưa cắp sách đến trường. Học nhiều chuyện xa lạ.
Phải duyên hương lửa cùng nhau
Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào
(Cung oán)
Tấn thư chép: vua Võ Đế có lắm cung nhân, mỗi khi muốn đến với cung nhân nào, vua ngồi trên xe nhỏ khảm châu ngọc có con dê kéo, để tuỳ ý dê muốn vào cung điện nào ; cho nên những cung nhân thường lấy lá tre rảy nước muối, rắc ở cửa viện, con dê ưa ăn vị ấy nó vào.
Đây dùng lá dâu, có lẽ vì vận trên phải ép mà để chữ dâu, chính lá tre mới đúng (11).
Trải qua dấu thỏ đường dê
Chim kêu vượn hú tư bề nước non
(Lục Vân Tiên)
Dấu thỏ đường dê là đường chật hẹp, gập ghềnh và hoang vắng. Vương Duy có câu Lộ kịch dương trường ác ( Đường khó khăn như ruột dê ) (12).
Hán Việt từ điển Đào Duy Anh giải thích hơi khác :
- Đường ruột dê (dương trường) là đường quanh co. Cửu bản dương trường là Leo chín lớp đèo quanh co như ruột dê. Nghĩa bóng chỉ đường đời nguy hiểm.
Đường đi quanh quẩn ruột dê
Chim kêu vượn hót dựa kề bên non
(Dân ca)

Ruột dê gập ghềnh, quanh co.
Chẳng cần phải mổ bụng dê, bụng ngựa ra xem, người xưa cũng biết là ruột dê, ruột ngựa thậm chí cả ruột người không có ruột nào thẳng đuột, ngay cán cuốc cả.
Thành ngữ Thẳng ruột ngựa của ta chắc chắn không có nghĩa là thẳng đuột như ruột ngựa (13).
Biết rồi, khổ lắm, nói mãi ! Dê tiếp đi !
Tự vị Huỳnh Tịnh Của có thành ngữ Bán chó treo dê, ám chỉ người gian tham, cuộc gian tham. Ba thế kỉ trước, thơ nôm của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có :
Lận thế treo dê mang bán chó
Lập danh cỡi hạc lại đeo tiền
Đinh Gia Khánh chú giải : Treo dê mang bán chó là viết thoát ý câu tục ngữ Treo đầu dê, bán thịt chó, ý nói : phô phang một đằng, làm một nẻo, khoe tốt nhưng lại làm xấu (14).
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) đã đưa « tục ngữ » vào thơ hay thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã trở thành tục ngữ của đời sau ?
Các cụ thấm nhuần chữ nghĩa thánh hiền cụ nào cũng thuộc lòng truyện Tô Vũ chăn dê (Tô Vũ mục đê). Đến khi kể lại cho con cháu nghe thì hỡi ôi mặt mày đứa nào đứa nấy ngơ ngác như chúa Tàu nghe kèn, như vịt nghe sấm. Tô Vũ là phim nào vậy, ngoại ?
Tô Vũ là một tôi trung của nhà Hán, bị Hung Nô bắt, đày ra đất Bắc chăn dê. Hẹn rằng bao giờ dê đực đẻ thì cho về. 19 năm sau Tô Vũ mới được tha, trở về với triều đình nhà Hán.
Vậy nên sinh tử dĩ chi,
Chăn dê trải mấy nan nguy chẳng chồn.
Kể đà mười chín năm tròn
Mao cờ mòn hết lòng son vẫn còn
(Chính khí ca)
Chuyện dê đực ( chữ Hán là đê ) đẻ con cũng tương tự như chuyện sừng ngựa hẹn quy kỳ. Thái tử Đan nước Yên bị bắt làm con tin ở nước Tần. Người Tần bảo khi nào ngựa mọc sừng mới được cho về.
Văn học hiện đại của ta có Bùi Giáng lận đận chăn dê suốt 15 năm trời ở núi đồi Trung Việt Nam Ngãi Bình Phú.
Những bận nào Tràlinh qua Đádừng Hòndựng
Dùichiêng về Phườngrạnh ngược Kherinh
Bao lần anh cùng chúng em lận đận
Bôn ba băng rú rậm luống rùng mình
Những bận nào Quế sơn Rùrì con suối ngược
Nước trôi nguồn nước lũ xuống phăng phăng
Những bận nào mịt mùng mưa gió ướt
Đẫm thân mình co rúm lạnh như băng

(Bùi Giáng, Nỗi lòng Tô Vũ)
Mười lăm năm trời! Tuy chưa lâu bằng đoạn đời khổ cực của Tô Vũ, nhưng cũng đã đằng đẵng bằng thời gian trôi nổi của cô Kiều :
Mối tơ vương xảy cuộc tang thương
Người má phấn bên trời lưu lạc
Gẫm duyên cô mười lăm năm chếch mác
Phận hồng nhan nhiều nỗi gian truân
Trêu ngươi thay mấy tạo nhân.

( Chu Mạnh Trinh, Thuý Kiều lưu lạc )
Dê là một trong ba con vật (tam sinh gồm trâu, dê, lợn) được dùng trong việc tế lễ ngày xưa. Ngày nay thì chín, tái, xào, lẩu con dê hay con nào khác đều bình đẳng trước… dzô !dzô !
Hà Nội có con dê ngộ nghĩnh.
Năm 2013, phố Tràng Tiền (Hà Nội) có bảng Bánh Trung Thu Bodega. Cái tên « vang bóng một thời ». Anh bạn cười bảo Bodega là Bò Dê Gà. Nghe vui vui. Nửa đùa nửa thật.
Lật Từ điển Hà Nội của Bùi Thiết ra thì thấy :
Bô Dê Ga (cửa hàng ăn) : Tại phố Tràng Tiền. Vốn là một cửa hàng ăn với các món ăn bằng thịt bò, dê, gà ngon có tiếng từ trước. Nay có tên là cửa hàng Bô Dê Ga (15).
Hoá ra anh bạn không nói đùa. Nói theo sách vở đàng hoàng. Theo Bùi Thiết thì Bò, dê, gà ngon có tiếng của ngày xưa bị « nói trại » thành Bô Dê Ga !
Khen cho mấy chú thực dân xa nhà, hòa nhập sao mà nhanh thế ! Cứ đà này thì tòa lâu đài ẩm thực của Pháp có ngày sẽ lung lay, sụp đổ vì 3 con bò, dê, gà của Việt Nam.
Nhìn quanh nước Pháp chưa hề thấy tiệm ăn lớn hay nhỏ, bình dân hay sang trọng nào lại đem khoe trên bảng hiệu là tiệm có bò, dê, gà hay cừu, cá, cua! Quý khách, « thượng đế »muốn biết món ăn có những gì, giá bao nhiêu, cứ xem thực đơn thì sẽ biết. Cũng như tại Việt Nam, chẳng lẽ lại khoe trên bảng hiệu là tiệm có rau muống, rau cải, rau cần ?
Thực ra thì Bô Dê Ga của Bùi Thiết chỉ là một hiểu lầm.
Bodega ( bô-đê-ga ) là tiếng Tây Ban Nha, có nghĩa là hầm rượu, là nơi tụ họp ăn uống, ca hát, nhảy đầm.
Thời Pháp, chủ nhà hàng Bodega muốn nhắm vào cộng đồng người Âu thích ăn uống, ca hát, vui chơi nên đã chọn cái tên Bodega « đậm đà bản sắc quê hương ». Không dính dáng gì với Bò Dê Gà của ta.
Bờ biển California nước Mỹ có mũi Bodega, vịnh Bodega nằm tại phía bắc San Francisco, nơi được Alfred Hitchcock chọn để quay phim Chim (The birds, 1963).
Bodega được Bùi Thiết « hiểu » thành Bò Dê Gà chứ không phải Bò Dê Gà của ta bị Tây « phát âm » ngọng nghịu thành Bô Dê Ga.
Bodega vui tươi, lãng mạn. Tên rất thích hợp với Karaoke. Với điều kiện là Bodega… không có mát xa (massage), đấm bóp.
Nguyễn Dư
(Lyon, Tết Ất Mùi, 2015)
(1) (1')- La Cochinchine française en 1878, Challamel, 1878, tr. 110, 183-184.
(2)- Bulletin des Amis du Vieux Hué, số 1-2, 1931, tr. 143.
(3) (3') (3'')- Docteur Edmond Courtois, Le Tonkin français contemporain,
Lavauzelle, 1891, tr. 255, 299, 342.
(4)- Đại Nam thực lục, tập 8, Giáo Dục, 2007, tr. 581.
(5)- Pierre Huard, Maurice Durand, Connaissance du Vietnam, EFEO, 1954, tr. 201.
(6)- Cao Xuân Dục, Đại Nam dư địa chí ước biên, Văn Học, 2003, tr. 623.
(7)- Phạm Khắc Hoè, Kể chuyện vua quan nhà Nguyễn, Thuận Hoá, 1995, tr.128-130.
(8)- Lãng Nhân, Giai thoại làng Nho, Nam Chi Tùng Thư, 1966, tr. 276-279.
(9)- Bảo Định Giang, Ca Văn Thỉnh, Thơ văn yêu nước Nam bộ nửa sau thế kỷ XIX,
Văn Học, 1977, tr. 11.
(10)- Dürrwell George, Ma chère Cochinchine, Mignot Editeur, 1911, tr. 232.
(11)- Ôn Như Hầu, Cung oán ngâm khúc, Tôn Thất Lương chú giải, Tân Việt, 1950, tr.52.
(12)- Nguyễn Đình Chiểu, Lục Vân Tiên, Nguyễn Quảng Tuân phiên âm và chú thích,
Văn Học, 2008, tr. 315.
(13)- Nguyễn Dư, Ngựa và Thẳng ruột ngựa, Chim Việt cành Nam, số 54 (1/2014).
(14)- Đinh Gia Khánh, Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, Văn Học, 1983, tr. 157.
(15)- Bùi Thiết, Từ điển Hà Nội, Văn Hoá-Thông Tin, 1993.

Bịt mắt bắt dê - Nguyễn Dư






Hầu như ai cũng biết trò chơi Bịt mắt bắt dê. Nhưng chơi như thế nào thì còn tuỳ. Ta có nhiều trò chơi Bịt mắt bắt dê khác nhau ! Ông bắt dê, bà bắt vế tuỳ lệ làng cho phép hay không !
Bịt mắt bắt dê là một trong « bách hí » của hội làng, được Phan Kế Bính cho biết cách chơi của những năm đầu thế kỉ 20 như sau :
Người ta sửa soạn một bãi đất rộng, chung quanh bắc gióng cho dê khỏi chạy ra ngoài. Trong thả độ dăm bảy con dê. Ai vào bắt dê phải bịt mắt cho kĩ. Bắt được con dê nào thì thưởng luôn con dê ấy (1).
Từ xưa, giải thưởng của hội làng khắp nơi thường chỉ là quan tiền, gói trà hay vuông lụa, treo trên ngọn sào. Bây giờ làng thưởng luôn con dê cho ai bắt được. Không biết có được mấy làng có đủ tiền để mua dăm bảy con dê làm giải thưởng ?
Gần đây, nhóm Phan Thanh Hiền nói là Bịt mắt bắt dê được chơi tại hội làng Đồng Kỵ, Phú Mẫn (Yên Phong).
Chơi cách khác :
Người ta sửa soạn sân rồi thả một con dê, cho một cặp trai gái bịt mắt, mặc áo tơi, đeo lục lạc, đi bắt dê. Dê cũng được mặc áo tơi, đeo lục lạc như người. Lúc chơi, người dê khó phân biệt. Trai gái lần mò, sờ soạng, ôm nhau sướng như được dê. Người xem càng khoái chí. Vỗ tay, hò hét. Bịt mắt bắt dê của làng Đồng Kỵ có thể nhiều người cùng đồng loạt vào sân để bắt dê (2).
Hội làng Đồng Quan có :
Bắt dê, bắt vịt, leo cầu
Lại đây anh kể trước sau mọi trò
(3).

Không biết Bắt dê có phải là Bịt mắt bắt dê không ?
Trừ hai hội làng của Phan Kế Bính và Phan Thanh Hiền, không nghe nói lễ hội truyền thống (4) hay hội hè đình đám (5) nào khác (kể cả của làng Đồng Kỵ !) chơi trò Bịt mắt bắt dê.
Thật ra, Bịt mắt bắt dê của Phan Thanh Hiền chỉ là mô tả lại tấm tranh dân gian Băng mắt bắt dê (được khắc in vào khoảng năm 1930) của Maurice Durand (6). Theo Durand thì Băng mắt bắt dê của Việt Nam là colin-maillard của Pháp.
Trò chơi colin-maillard chọn một người, bịt mắt lại, cho đi bắt những người đứng vây tròn xung quanh. Bắt được người nào và nói đúng tên người đó là thắng cuộc. Đến lượt người bị bắt phải bịt mắt đi bắt người khác. Trò chơi cứ tiếp tục như vậy.
Có người lại quả quyết rằng Bịt mắt bắt dê là trò chơi của hội tây.
Hà Nội từ ngày bị thực dân Pháp cai trị :
- Mỗi năm, ngày 14 tháng 7 nó mở hội « chính trung » để vui chơi, bày ra những trò nhục nhã. Nào, đào nhiều hố trong một khoảng đất, thả dê vào, rồi bịt mắt người ta cho vào đuổi, đó là trò bịt mắt bắt dê. Trò liếm chảo nó để đồng hào vào lòng chảo đầy nhọ nồi, ai liếm được hào thì lấy. Trò leo cột mỡ, trò chọc nồi (7).
Rất có thể Bịt mắt bắt dê đã được chơi lần đầu tiên tại hội tây Nam Định :
- Nhân dịp lễ quốc khánh Pháp 14 tháng 7 năm 1884, tổng đốc Nam Định bắt tất cả mọi nhà phải treo cờ Pháp. Nhà nào không treo sẽ bị phạt 50 quan tiền ! Để làm gương, tổng đốc treo trước cửa nhà mình một lá cờ An Nam và hai lá cờ Pháp « bảo hộ » hai bên.
Khắp tỉnh Nam Định, phố xá nhà cửa đâu đâu cũng phấp phới cờ Pháp. Cảnh tượng « vui »như Hội Tây của Nguyễn Khuyến.
Kìa hội thăng bình tiếng pháo reo
Bao nhiêu cờ kéo với đèn treo
Bà quan tênh nghếch xem bơi trải
Thằng bé lom khom nghé hát chèo
Cậy sức cây đu nhiều chị nhún
Tham tiền cột mỡ lắm anh leo
Khen ai khéo vẽ trò vui thế
Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu !
(Nguyễn Khuyến, Hội tây)
Đúng 7 giờ sáng, trong thành bắn 21 phát súng cà nông báo hiệu ngày hội bắt đầu. Tổng đốc cho tổ chức nhiều trò chơi : chọi gà, chọi trâu, chọi cá, đánh đu, leo cột mỡ, múa rối, hát chèo, bịt mắt bắt dê, bắt lợn dưới ao, bơi trải, tôm cá, xóc đĩa.
Buổi chiều, quan công sứ chiêu đãi. Ăn uống tại ngôi chùa lớn và đẹp nhất Nam Định… Tiệc tùng xong, quan Tây « nhắn nhủ » quan ta. Sau màn « ăn nói », các quan ngồi xem con gái múa hát.
Bịt mắt bắt dê chơi tại Nam Định được bác sĩ Hocquard mô tả chi tiết :
Sân chơi Bịt mắt bắt dê là một mảnh đất hình tròn, rộng khoảng 7, 8 mét. Xung quanh rào tre. Giữa sân dựng một cây sào, trên ngọn treo 4 quan tiền thưởng ( tiền thưởng không bằng một phần mười tiền phạt vì tội không treo cờ Pháp ! ). Sân chơi được đào hố, cắm cọc, đổ nước cho lầy lội. Người ta thả một con dê vào sân, cho một người bịt mắt vào bắt. Người chơi lần mò, vấp ngã, gây cười cho đám đứng xem. Ai nắm bắt được sừng dê thì thắng giải (9).
Theo Đào Duy Anh thì Bịt mắt bắt dê là một trò chơi của trẻ con. Tiếc rằng Đào Duy Anh không cho biết chơi ra sao (9).
Tranh Hàng Trống Lục hợp đồng Xuân vẽ cảnh ông bố ngồi uống trà ngoài hiên, xem đám con chơi Bịt mắt bắt dê ngoài sân. Đám trẻ chơi bằng dê thật. Sân chơi không có hàng rào. Đám trẻ con này bạo quá !
Còn nhớ Hà Nội thời 1950, lũ quỷ sứ chơi Bịt mắt bắt dê trên hè phố Lê Lợi. Một đứa bị bịt mắt đuổi bắt cả bọn đang reo hò tứ phía. Loạn xì ngầu.
Vô tình bọn trẻ đã nhắm mắt bắt chước người lớn gọi trò chơi là Bịt mắt bắt dê. Đúng ra phải gọi là… colin-maillard 100%.
Bịt mắt bắt dê là trò chơi của cả người lớn lẫn trẻ con, mỗi nơi chơi một cách, thì khó có thể là một trò chơi « dân gian, cổ truyền » được.
Xin bàn thêm : Mời các bạn cùng xem tranh Băng mắt bắt dê của Durand. Tên tranh đáng chú ý.
Có hai cách đọc chữ Băng :
1) Durand đọc theo chữ hán là băng (băng giá). Nhưng Băng (chữ hán) không đúng với nội dung của tranh. Vậy Băng phải được hiểu theo nghĩa khác. Hiểu theo nghĩa tiếng Pháp của người Việt !
- Băng (bande) là một dải bằng vải hay nhựa dùng để che đậy, hay dán dính đồ vật. Học trò dùng băng keo để dán giấy. Thợ điện dùng băng nhựa để quấn che chỗ nối giây điện…
- Băng (pansement) là bọc kín, che kín. Bác sĩ băng bó vết thương.
Người Pháp còn đưa vào nước ta nhiều băng khác. Cụ lớn cắt băng (ruban) khánh thành nhà băng (banque) ! Băng đảng (bande) xã hội đen tụ tập quanh mấy ghế băng (banc) trong công viên…
Chỉ có người Pháp mới biết băng mắt (bander les yeux) chơi colin-maillard. Cái tên Băng mắt bắt dê chứng tỏ rằng đây là một trò chơi của Pháp.
2) Chữ băng đọc nôm là bưng (hay bâng).
Bưng nghĩa là bịt (mắt), là che, là phủ bọc cho kín. Trời tối như bưng, bưng miệng cười khúc khích, bưng bít sự thực. Bưng mắt bắt chim (tục ngữ). Nghĩ đà bưng kín miệng bình (Kiều).
Trò chơi tên là Bưng mắt bắt dê. Về sau trở thành Bịt mắt bắt dê. Tên trò chơi chưa cố định vì trò chơi còn mới. Không phải trò chơi cổ truyền.
Sách Biên khảo về người Bắc kì (1908) của Gustave Dumoutier có đoạn :
- Người ta được thấy lại nhiều trò chơi của trẻ con Âu châu tại An Nam. Ca hát, đuổi bắt, dàn trận, đánh đu, đi trốn, nhảy xà, bắt dê, thả diều, lò cò, đánh khăng, đá cầu, chơi bi (bi được thay bằng hòn cuội) v.v.
Colin-maillard được (người An Nam) gọi là trò chơi bắt dê : người chơi đứng thành vòng tròn, người đi bắt dê bị bịt mắt, đứng giữa. Bắt được người nào và gọi đúng tên thì thắng cuộc (10).
Dumoutier công nhận rằng Bắt dê chính là Colin-maillard.
Ngoài ra, Bịt mắt bắt dê còn có vài điểm đặc biệt, đáng chú ý :
1- Xã hội phong kiến ngày xưa quan niệm Nam nữ thụ thụ bất thân. Đàn ông đàn bà đưa nhau cái gì và nhận cái gì của nhau, không được lấy tay mà trao cho nhau.
Trước thời Pháp thuộc, không thể có chuyện « đồi phong bại tục », cho trai gái lần mò nhau giữa thanh thiên bạch nhật, làm trò cười cho đám đông.
2- Xã hội phong kiến trọng chữ hiếu : Thân thể phát phu, thọ chi phụ mẫu bất cảm huỷ thương, hiếu chi thuỷ dã. Mình mẩy tóc da, cha mẹ sinh ra, chớ nên huỷ hoại, là hiếu trước tiên vậy.
Trai gái giả mù để vui chơi là vô luân, bất hiếu.
3- Cho dê mặc áo tơi như người, cho người đeo lục lạc như dê. Lẫn lộn người với súc vật. Tôn ti trật tự của phong kiến không cho phép « hài » như vậy.
Bịt mắt bắt dê không phù hợp với luân lí, đạo đức của phong kiến. Làng nào dám « chơi », dám coi thường « Khổng, Mạnh » như vậy ?
Nói tóm lại, Bịt mắt bắt dê không phải là trò chơi « truyền thống » của ta.
Tranh Oger (1909) có tấm vẽ một người đàn ông chơi bắt chạch trong chum. Đồng thời tranh Oger lại có tấm tranh Tết Du xuân vẽ một cặp trai gái quàng vai nhau cùng bắt chạch. Xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc đang thay đổi. Bên cạnh cái cũ, có cái mới.
Sau luỹ tre xanh, hội hè cũng rục rịch đổi mới. Có làng « cải tiến » trò chơi cổ truyền. Có làng cho trò chơi của Pháp « nhập tịch ».
Hội làng của Phan Kế Bính có leo cột ( mât de cocagne ), bịt mắt bắt dê ( colin-maillard ), nhảy bị ( course en sac ). Làng này là « làng tây ».
Ối dào ! Làng nào chả là làng !
Nguyễn Dư
(Lyon, Tết Ất Mùi 2015)
(1)- Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục (1915), Tổng Hợp Đồng Tháp, 1990, tr. 108.
(2)- Phan Thanh Hiền, Trần Mạnh Tiến, Huy Trang, Nguyễn Khánh Trâm,
Trò chơi dân gian Việt Nam, nxb TP Hồ Chí Minh, 1990, tr. 51.
(3)- Bùi Văn Cường, Phương ngôn, tục ngữ, ca dao, KHXH, 1987, tr. 79.
(4)- Thạch Phương, Lê Trung Vũ, 60 Lễ hội truyền thống Việt Nam, KHXH, 1995.
(5)- Toan Ánh, Hội hè đình đám, tập 1 (1970), tập 2 (1984).
(6)- Maurice Durand, Imagerie populaire vietnamienne, EFEO, 1960, tr. 47.
(7)- Hoàng Đạo Thuý, Thăng Long Đông Đô Hà Nội, Hội Văn Nghệ Hà Nội, 1971, tr. 83.
(8)- Docteur Hocquard, Une campagne au Tonkin, Arléa, 1999, tr. 290-300.
(9)- Đào Duy Anh, Việt Nam văn hoá sử cương, Bốn Phương, 1961, tr. 181.
(10)- Gustave Dumoutier, Essais sur les tonkinois, Imp. d'Extrême-Orient, 1908, tr. 52.
 *


Monday, February 16, 2015

Xuân Đã Về





Việt Nam những con đường… The road story Viet Nam







Vào tháng 9/2014, cậu thanh niên Georgy Tarasov cùng anh trai đã có 45 ngày du ngoạn khắp mọi miền Việt Nam, và quay phim lại suốt cuộc hành trình, từ thành thị cho đến nông thôn, miền núi cho đến vùng biển… kèm theo những tình huống vui nhộn.
Video đầy cảm hứng của anh đã được cộng đồng mạng chào đón nhiệt tình.
Hãy xem cảm hứng phiêu lưu của bạn có được khơi dậy không nhé!

10 loại thực phẩm tốt nhất để chống lại bệnh ung thư.

1. Mướp đắng: “loại dưa nhất phẩm”
Mướp đắng, còn được gọi là “loại dưa nhất phẩm” bởi nhà dược lý học Lý Thời Trân ở thời nhà Minh, là một trong số rất ít loại dưa chống ung thư. Y học phương Tây đã chỉ ra rằng mướp đắng chứa hàm lượng protein ký ninh đắng, có khả năng kích hoạt các protein tế bào miễn dịch để ức chế sự tăng trưởng của tế bào ung thư.

Mướp đắng có thể kích hoạt các protein miễn dịch để ức chế sự tăng trưởng của tế bào ung thư (Ảnh: wiki)

Mướp đắng có thể kích hoạt các protein miễn dịch để ức chế sự tăng trưởng của tế bào ung thư (Ảnh: wiki)

2. Cà tím: “cà tím tê buốt” là một loại thuốc tốt
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy cà tím có chức năng chống ung thư, đặc biệt là trong điều trị ung thư dạ dày và ung thư cổ tử cung. Cà tím chứa nhiều hợp chất alkaloid khác nhau, trong đó solanine và cucurbitacin đã được chứng minh là có khả năng chống ung thư.

Cà tím có chức năng chống ung thư, đặc biệt là trong điều trị ung thư dạ dày và ung thư cổ tử cung. (Ảnh: Flickr)

Cà tím có chức năng chống ung thư, đặc biệt là trong điều trị ung thư dạ dày và ung thư cổ tử cung. (Ảnh: Flickr)

3. Lá rong biển: có thể ngừa ung thư vú và ung thư tuyến giáp
Lá rong biển còn được gọi là “tảo bẹ” trong y học Trung Quốc; nó có thể ngừa ung thư vú và ung thư tuyến giáp. Giàu i-ốt nên tảo bẹ có thể ngăn chặn bệnh “cổ lớn (bướu cổ)”. Nó chứa sodium alginate, vốn có khả năng liên kết mạnh mẽ với các nguyên tố gây ung thư: strontium và cadmium, và thải chúng ra khỏi cơ thể; nó cũng có thể giết chết một cách có chọn lọc các vi khuẩn gây ung thư trong ruột.

(Ảnh: Flickr)
(Ảnh: Flickr)

4. Khoai lang: chứa chất chống ung thư tuyệt vời, nhưng đang dần bị lãng quên

Khoai lang gồm khoai lang vỏ đỏ, khoai loang vỏ trắng, và nhiều loại khác. Đây là một loại thực phẩm tuyệt vời cho việc loại bỏ bệnh tật, kéo dài tuổi thọ, giảm cân, và nó cũng có chức năng chống ung thư hiệu quả. Gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng dehydroepiandrosterone (DHEA – một một hóc môn dạng steroid) chứa trong khoai lang có thể ngăn ngừa ung thư ruột và ung thư vú.

Khoai lang có thể ngăn ngừa ung thư ruột và ung thư vú. (Ảnh: Flickr)

Khoai lang có thể ngăn ngừa ung thư ruột và ung thư vú. (Ảnh: Flickr)

5. Bí ngô: được biết đến như “dưa thần”

Bí ngô, được mệnh danh là “dưa thần,” có thể sử dụng không chỉ đối với thực phẩm, mà còn để chữa bệnh. Bí ngô có tác dụng tuyệt vời về phòng, chống béo phì, tiểu đường, tăng lipid máu, và cholesterol cao. Nó là đặc biệt giàu vitamin A, vitamin C, canxi và chất xơ, cũng như các thành phần chống ung thư.

(Ảnh: Flickr)
(Ảnh: Flickr)

6. Cám lúa mì: chất xơ chống ung thư tốt nhất

Cám lúa mì, là lớp vỏ lụa bọc ngoài của hạt lúa mì được xay ra trước khi hạt lúa mì được xay thành bột. Thường xuyên ăn cám lúa mì sẽ giúp bạn có làn da hồng hào và mái tóc sáng bóng. Vì vậy, ngày nay người ta thích ăn các loại thực phẩm ngũ cốc và lúa mì nguyên hạt. Giàu vitamin B, selenium, magnesium, và cellulose, cám lúa mì có thể ngăn ngừa và điều trị ung thư đại trực tràng, bệnh tiểu đường, bệnh tăng mỡ trong máu, bệnh tăng lipid máu, táo bón, trĩ, v.v…

(Ảnh: Flickr)
(Ảnh: Flickr)

7. Củ cải đỏ: “vị thần bảo vệ sức khoẻ” của các loại rau củ có thân và rễ

Có rất nhiều loại củ cải, và tất cả chúng đều có đặc tính chống ung thư. Có một câu nói trong ngành nông: “ăn củ cải trong mùa đông và ăn gừng vào mùa hè, người ta sẽ không cần gặp bác sĩ trong suốt cuộc đời.” Hà Lan tặng danh hiệu “rau củ quốc gia” cho củ cải đỏ, trong khi Nhật và Mỹ mệnh danh nó là “vị thần bảo vệ sức khoẻ.” Củ cải có chức năng chống ung thư, giảm đau ngực, làm tan đờm, lợi tiểu. vị cay của nó do chất dầu mù tạt cay, có khả năng kích thích nhu động ruột. Thành phần carotene trong củ cải có tác dụng chống ung thư tuyệt vời.

(Ảnh: Flickr)
(Ảnh: Flickr)

8. Kiwi: hàm lượng vitamin C đứng đầu trong các loại trái cây

Với vị ngọt, chua và thơm ngon, cây kiwi ban đầu mọc tại các khu vực miền núi thuộc miền nam Trung Quốc, nhưng hiện tại đã được cấy ghép rộng rãi khắp nơi thế giới. Quả kiwi chứa rất nhiều đường, protein, chất béo, vitamin, axit hữu cơ và các chất khoáng. Hàm lượng vitamin C của nó đứng đầu trong các loại trái cây, gấp 100 lần so với các loại trái cây họ cam quýt, gấp 30 lần so với cà chua, và nó được biết đến như “thuốc vitamin C tự nhiên;” nó cũng rất giàu vitamin P vốn có chức năng bảo vệ mạch máu. Do đó, quả kiwi có giá trị dinh dưỡng cao.

(Ảnh: Flickr)
(Ảnh: Flickr)

9. Súp lơ

Súp lơ chứa protein, chất béo, đường, vitamin, và nhiều loại khoáng chất như canxi, sắt, phốt pho, đồng, và mangan. Ăn súp lơ thường xuyên có thể làm tăng khả năng giải độc của gan và khả năng miễn dịch, giúp bạn tránh bị cảm lạnh, và ngăn ngừa bệnh còi. Súp lơ cũng chứa một loạt các dẫn xuất indole (indole: một loại hợp chất hữu cơ dị vòng thơm), có thể trung hòa các độc tố cũng như tạo thuận lợi cho sự bài tiết của các độc tố này, và rất tốt cho sức khỏe của bạn.

(Ảnh: Flickr)
(Ảnh: Flickr)

10. Trà xanh

Nghiên cứu trong nước và quốc tế cho thấy rằng trà, đặc biệt là trà xanh, có tác dụng chống ung thư rất đáng kể.

(Ảnh: Flickr)
(Ảnh: Flickr)

AIZHU LU, Vision Times
Dịch bởi Joseph, biên tập tiếng Hoa bởi Aizhu Lu