Saturday, November 29, 2014

Friday, November 28, 2014

Thursday, November 27, 2014

Tuesday, November 25, 2014

Nhập Bồ Tát Hạnh - Đức Dalai Lama giảng





Nhập Bồ Tát Hạnh - Đức Dalai Lama giảng - Ngày 1 - 24/09/2014




Nhập Bồ Tát Hạnh - Đức Dalai Lama giảng - Ngày 2 - 25/09/2014




Nhập Bồ Tát Hạnh - Đức Dalai Lama giảng - Ngày 3 - 26/09/2014




Friday, November 21, 2014

Tượng Quán Thế Âm trên sườn núi Sơn trà, Đà nẳng





Dưới chân tượng Quan Thế Âm trên Bãi Bụt
ở bán đảo Sơn trà

Đã rất nhiều năm, tôi mới trở lại bãi biển Mỹ Khê, Đà nẳng. Bãi biển vẫn còn, nhưng hẹp lại do thành phố đã cho đường lấn bải biển. Ít tham lấy đất một chút thôi, ta hẳn có được một bãi biển tuyệt vời bên cạnh một Đà nẳng đang đẹp lên. Thời còn học phổ thông, năm nào từ Huế cũng vào đây. Tôi thích nhất những lần đi tắm biển và một mình dạo chơi trên bãi biển này. Tôi đã có lần đi ven theo bờ đi mãi, đi mãi về phía bắc nơi có dãy núi Sơn trà, vừa đi vừa lắng nghe tiếng sóng rì rầm vừa chuyện trò với vỏ ốc cây rong.

Dãy núi Sơn Trà là nơi gặp gỡ của biển trời với đất liền trong một khoảng không yên tĩnh. Sơn trà ngày nay bên sườn núi trên bãi Bụt, một pho tượng Bồ tát Quán Thế Âm cao vời vợi đã được dựng nên ở nơi này. Pho tượng đã do hai nhà điêu khắc Thụy Lam và Châu Viết Thạnh thực hiện ròng rã trong sáu năm. Hỏi chuyện về cái tên Bãi Bụt là ngày xửa ngày xưa dân chài đánh cá đã tìm thấy một điềm lành là một pho tượng Phật đã trôi dạt về đây trên bão cát. Họ lập chùa thờ, và kể từ đó, dân chúng yên ổn làm ăn. Cái tên Bãi Bụt ra đời trong dân gian là từ đó. Tôi cũng nghe bạn bè ở Đà nẳng kể là người dân thành phố tin rằng cho từ khi pho tượng Quán Thế Âm được dựng nên nơi này, bão lớn nhiều năm nay không vào. Siêu bão Hải yến năm ngoái, sau khi gây ra bao thảm thương ở Philippines, đáng lý đã lao thẳng vào Đà nẳng. Nhưng khi đến nó đến gần bờ, siêu bão đã dần đổi hướng ra Bắc rồi tan đi khi cập vào Quảng Ninh.

Quán Thế Âm, suy ra từ tên gọi là Người lắng nghe nhận biết thanh âm - nhất là thanh âm khổ đau trong thế giới này để tìm cách cứu giúp bớt hết đau khổ, được an vui, Người đã có lời nguyền sẽ đi cứu khổ đó đây, sẽ không bao giờ thành Phật khi những thanh âm đó vẫn còn. Xưng tụng về Người, trong Kinh Pháp hoa, có đoạn:

Diệu âm Quán thế âm
Phạm âm, Hải triều âm
Thắng bỉ thế gian âm
Thị cố tu thường niệm


Bồ tát Quán Thế Âm được đức Thích ca nói đến ở Phẩm Phổ môn trong Kinh Pháp hoa như một thể hiện của lòng Từ bi - đem vui và cứu khổ. Cái thâm thủy của kinh này là tuy nói đến một vị bồ tát có phẩm hạnh từ bi bao la, nhưng lại muốn nói đến tất cả mọi người trong thế gian này thì ai ai cũng đều có Bồ Tát Quán Thế Âm ở trong chính mình. Thường tu niệm Diệu âm Quán thế âm là nhắc nhở phẩm hạnh bồ tát đó như tự nhắc nhở chính mình.

Tôi nghe nói đến pho tượng này từ nhiều năm nay và nay đã có dịp đến đây vào lúc trời đã về chiều. Pho tượng cao, hiền lành màu trắng, đẹp tuyệt vời. Tượng đứng trên sườn núi, nhìn ra biển khơi, một tay bắt ấn tam muội, một tay cầm bình nước cam lồ. Từ đây, trước mặt ta là Biển Đông. Chiều nay biển lặng yên. Bên phải là một bãi biển tuyệt đẹp viền quanh thành phố đâu đó đã lên đèn. Nhìn về phía nam, xa xa là Ngũ Hành Sơn.

Hôm tôi rời Hà nội vào đây, tôi đã đọc tin từ Làng Mai là thầy Thích Nhất Hạnh lâm bệnh nặng. Trước đó là một vài bản tin báo thầy đã qua đời. Khi vào đây, tôi được biết thêm thầy đang dần hồi phục. Trong những nhà sư Việt nam thời nay, thầy Nhất Hạnh là một nhà sư tôi rất quý mến. Thầy đã làm cho nhiều bản kinh “khỏ hiểu”, đầy “huyền bí” thành dễ hiểu cho mọi người, và từ đó lại đưa đạo Phật vào được lòng người. Trên thế giới, thầy có lẽ là người thứ hai sau Đạt lai Đạt ma phổ biến đạo Phật giáo một cách rộng rãi ở các nước Âu Mỹ. Làng Mai được thầy lập ra tại Pháp như là một suối nguồn tươi mát, như một dòng sông êm đềm tuôn chảy lời Phật dạy.

Trong những ngày qua, thế giới gửi tình thương yêu nồng nàng đến với thầy với ước mong thầy sớm bình phục qua những lời cầu nguyện. Tôi nghĩ điều quan trọng ở đây là chánh pháp đã đến với họ và qua đó tình cảm của nhiều người không phân biệt màu da đã gửi đến cho thầy.

Dưới chân tượng Quán Thế Âm này, cũng như những ngày qua lo lắng về sức khỏe của thầy, tôi gửi đến thầy lời cầu nguyên “Diệu âm, Quán thế âm. Phạm âm, Hải triều âm. Thắng bỉ thế gian âm.”


HM, 20/11/2014


Sutra of Golden Light


At the beginning of the Sutra of Golden Light, Buddha Shakyamuni, the Tathagata, the Arhat, the Fully Enlightened, calls to anyone experiencing misery and affliction, bad health, poverty, loss, abuse, ill will, fear, nightmares, or other harms. He says to make the mind virtuous and to come and listen. This “King of Glorious Sutras,” contains everything needed, from daily happiness to complete enlightenment. It contains a heart-rending practice of confession and rejoicing, profound teachings on dependent arising, reliable assurances of protection, guidelines for ideal government, and awe-inspiring stories of the Buddha’s previous lives, in which the Buddha shows how, even before he had completely eliminated the delusions, he liberated countless beings from the ocean of suffering through compassion and personal courage. One of Lama Zopa Rinpoche’s Vast Visions for the FPMT organization is for this powerful sutra to be recited around the world for world peace. On July 10, 2007, while attending the Deer Park Summer Course, student Beth Simon (now known as Ven. Lobsang Tendron) made this request to Lama Zopa Rinpoche: “Please tell me what would please you”. Rinpoche told Beth to recite the Sutra of Golden Light and to tell her friends to recite it. Rinpoche said, “This is what I want. This is what I ask. This will make me happy.” With that, Beth began to organize many helpful resources for those wishing to engage with Rinpoche’s request to recite this sutra.


Receive the Oral Transmission of the Sutra of Golden Light from Lama Zopa Rinpoche

During a retreat in Australia September-October 2014, Lama Zopa Rinpoche agreed to allow those who listen to a recording of Rinpoche giving the oral transmission to receive the transmission in full. You may receive this oral transmission by listening to the audio or from watching and listening to it on video. Below you will find the sutra broken up into three parts with audio and video for each part. You may also download it from the “Audio” section at the bottom of this page. You must listen to the entire sutra in order to receive the full transmission from Lama Zopa Rinpoche.

Part 1 Chapters 1-7

Part 2 Chapters 7-17

Part 3 Chapters 17-21

 

 

To these sentient beings I shall reveal this sutra called Sublime Golden Light, which rids one of every harmful misdeed, and expounds upon the profound.

 

Saturday, November 15, 2014

Mùi thơm của Mạ


Check out this SlideShare Presentation:

Sunday, November 2, 2014

Ngôi làng xa xưa của tôi - Trương Thìn




Ngôi làng xa xưa của tôi
Trương Thìn

Cha mẹ tôi nói nguồn cội của tôi ở núi Bạch Mã. Hai ông bà đi chơi núi về, mẹ có bầu và sinh ra tôi. Tôi cũng thích ý tưởng tôi có nguồn gốc Bạch Mã, tôi là con ngựa hoang màu mây trắng lang thang trên núi rừng nguyên sinh. Bạch Mã có suối đẹp, có nhiều loài chim tiếng hót vui tai, có nhiều loài hoa và có nhiều cây thuốc quý. Phải đến năm 16 tuổi tôi mới đạp xe cùng mấy bạn lên thăm Bạch Mã. Tôi đứng trên đỉnh cao. Phía sau lưng là trường sơn trùng điệp chờ mây, chờ những cơn mưa rừng. Phía trước mặt là biển đông sóng bạc đầu chờ nắng để bay lên. Phía trong lòng tôi thì không đơn giản như thế. Bạch Mã là con ngựa bay! Từ đỉnh núi bí ẩn này nó đang bay khắp mấy phương trời như một kẻ phiêu bạt. Bí ẩn gì nhỉ? Phiêu bạt về đâu? Tôi không thể trả lời được nên cứ đi mãi đi hoài.

Từ đỉnh Bạch Mã, xe hơi đổ xuống đường đèo quanh co, khi thì xuyên qua mây mù, khi thì nắng vàng rực, khi thì mưa rừng tầm tã. Dưới chân núi là đầm Cầu Hai, xa xa là biển xanh có nhiều tôm cá đặc sản rất ngon. Xe chạy về phía bắc theo quốc lộ 1 tới thành phố Huế. Xe qua cầu Trường Tiền, chạy về phía Mang Cá, chạy qua phường Phú Bình rồi qua cầu Bao Vinh để tới ngôi làng của tôi. Làng Bao Vinh của tôi là một ngôi làng nhỏ xíu bằng sải tay của tôi nhưng cả thế giới hội tụ trong đó. Tôi được ở bên dòng sông Hương, dòng sông này là dòng sông thời thơ ấu của tôi. Hàng ngày, cậu bé bốn năm tuổi đã biết ngắm dòng sông lấp lánh nắng trưa và nghe tiếng gõ chèo đuổi cá của những thuyền chài. Đêm đến nó ngắm trăng trên các đọt dừa rồi trăng tắm nước sông Hương làm sóng nước nhấp nhô vàng óng. Nó thích dòng Hương êm đềm trôi, nó càng thích hơn khi mưa đổ lớn, nước sông Hương đục màu, con đường làng ngập lụt để nó có dịp ngắm bèo trôi và lội nước!

Làng tôi là một bến cảng, thời đó nhiều ghe tàu rất lớn từ trong Quảng Nam, Quảng Ngãi chở muối ra bán. Thằng bé bốn năm tuổi rất thích leo lên mấy chiếc ghe đó, chạy nhảy từ đầu này đến đầu kia và luôn tưởng tượng những chuyến đi xa. Cậu bé không thể quên được hơi muối mặn trong các khoang thuyền. Cậu bé không thể quên được thú vui được lắc thúng làm dậy sóng và thúng lướt nhanh về phía trước.

Trước đó từ lâu đã có những con thuyền tới đây và vĩnh viễn thả neo ở đây, nên bên cạnh làng tôi có làng Minh Hương. Những người gốc Hoa từ lâu đã trở thành người Việt. Trong làng Minh Hương có dòng họ Trần nổi tiếng Trần Tiễn Thành là quan đại thần nhà Nguyễn và có thầy châm cứu nổi tiếng Trần Tiễn Hy. Cậu bé bốn năm tuổi đó đã nghe người lớn nói nhiều lần về cụ Trần Tiễn Hy châm cứu. Chữ châm cứu đã gieo vào đầu nó một cách mơ hồ. Mãi đến hai mươi năm sau tôi mới gặp vị thầy vốn thân thương đó và đến trên sáu mươi năm sau tôi mới biết tôi đã được gieo mầm châm cứu từ ngôi làng xa xưa của tôi.

Trong làng tôi lại có một tiệm thuốc bắc. Cậu bé bốn năm tuổi đó rong chơi từ đầu làng đến cuối làng và dường như ngày nào cậu cũng ghé qua tiệm thuốc bắc để ngồi xem bào chế thuốc. Ông cụ chủ tiệm là một người Hoa qua đây lâu đời. Ông cụ rất hiền lành, rất dễ thương. Cái làm cho cậu bé thích nhất, suốt đời còn nhớ là hai bàn tay của cụ bào thuốc. Cụ chăm chút ngâm thuốc, cụ cầm từng củ thuốc một cách trân trọng và những ngón tay rất nhẹ nhàng, rất lả lướt trên bàn thái. Cụ đã gieo cho thằng nhỏ một ấn tượng rất đẹp về ông thầy Đông y. Dĩ nhiên, tôi chẳng bao giờ quên những lát cam thảo, những quả táo cụ dành cho. Phải chăng vị ấy là người thầy đông y đầu tiên của tôi? Ngoài là một bác sĩ tây y tôi còn là một đông y sĩ. Tôi học đông y như để về nguồn của thời thơ ấu. Tôi đi mãi, đi hoài trên 60 năm vẫn chưa tới nguồn xưa, vẫn chưa thấy bàn tay nào đẹp bằng bàn tay của ông cụ ngày ấy!

Gần bên cạnh nhà tôi lại có một nhà bán vải của người Ấn Độ. Những người Ấn này từ đất nước xa lắm qua đây buôn bán làm ăn. Họ có lối sống rất lặng lẽ, rất ít nói. Nhưng thằng bé nhìn y phục đặc biệt của họ, nhìn đôi mắt hiền lành mà bí ẩn của họ đã có ấn tượng sâu sắc về người Ấn.

Mấy mươi năm sau này, ở Bangkok, tôi có thấy một người đàn bà Ấn Độ trong một công viên nước. Cô ta đẹp một cách lạ lùng, đẹp làm cho tôi bủn rủn tay chân, làm cho tôi mê mẩn nhìn, làm cho tôi biết sự quyến rũ mãnh liệt của sắc đẹp là như thế nào! Tôi lại có dịp qua Ấn độ. Tôi lại có dịp hiểu chiều sâu tâm linh của họ mà tôi đã cảm nhận mơ hồ từ thời thơ ấu. Có người lại dặn dò tôi đừng có say mê sắc đẹp. Đó là ông Phật. A! Ông Phật là người Ấn Độ! Từ thời thơ ấu, tôi đã thấy ông Phật hàng ngày. Ông Phật chỉ lặng lẽ mỉm cười bởi ông chỉ có thể như thế thôi đối với đứa bé bốn năm tuổi! Năm sáu mươi năm sau tôi vẫn chỉ thấy như thế thôi. Vẫn lặng lẽ mỉm cười.

Rồi người Pháp cũng tới làng tôi. Tôi thấy họ cầm súng dài uy hiếp những người trên ghe đò trước chợ Bao Vinh. Tôi lại nghe lính tây hãm hiếp phụ nữ ở các làng quê. Thằng bé bốn năm tuổi ấy đã biết đau lòng, đã biết bất mãn. Đau lòng hơn nữa, bất mãn hơn nữa khi anh cả của tôi bị mật thám bắt bớ đánh đập. Mẹ tôi khóc không biết bao nhiêu mà kể. Bà tìm mọi cách để xin con về. Hôm anh cả tôi được tha về, tôi thấy dây thép trói siết vào tay anh nay còn dấu hằn sâu. Năm tôi bảy tuổi, anh tôi bỏ nhà đi vào chiến khu. Khi đó, anh tôi trở thành thần tượng của tôi. Anh tôi đi làm cách mạng! Anh tôi đã tham gia cái gì đó rất tốt, rất hay, chống lại những người gây bao đau thương! Vậy là tôi theo phe anh tôi. Thằng bé bảy tám tuổi bắt đầu làm cách mạng! Tôi tưởng tượng thế nào là cách mạng và tôi lớn lên, tôi hành động theo sự tưởng tượng đó cho đến 30 năm sau. Vâng, tôi tưởng tượng anh tôi là thế này thế này, cách mạng là thế này thế này, tôi say sưa sống như thế ấy và khi đất nước thống nhất, tôi ngồi ráp hình ảnh thật của anh tôi với hình ảnh tưởng tượng của tôi sao không giống nhau! Hình ảnh cách mạng thật và cách mạng tưởng tượng của tôi sao không giống nhau!

Anh cả của tôi là người học rộng. Khi đi, anh để lại một khối sách tiếng Pháp mà tôi chỉ biết coi hình mà thôi. Cuốn nào cuốn nấy đều rất dày và có lẽ hay lắm. Cuốn sách nào cũng có chữ ký của anh và tên người yêu. Sau này tôi đem một cuốn cho thầy giáo Cao Hữu Triêm, thầy vui quá, thầy mừng quá, thầy cho tôi ngay mười điểm! Suốt đời tôi, đó lần duy nhất tôi được mười điểm! Anh tôi để lại nhà một cây accordeon, một chiếc harmonica. Anh tôi để lại một tâm hồn lãng tử. Từ đó tôi mày mò thổi kèn và kéo lung tung cây phong cầm và lắng nghe tiếng nhạc bất ngờ nổi lên. Cây kèn, cây đàn dường như chỉ là cái cớ còn âm nhạc là tự trong sự mơ mộng là tự trong sự tưởng tượng của tôi. Đến tuổi sáu mươi, bảy mươi tôi vẫn chơi nhạc như thời trẻ con ở ngôi làng xa xưa đó. Tôi ít thích hát nhạc của bất cứ nhạc sĩ nào bởi một lý do, đó không phải là nhạc từ trong tôi. Chị tôi thường dẫn tôi lên phố, tôi có dịp thưởng thức tiếng nhạc của đội kèn đồng và có khi tôi lén nhìn qua bức rèm để thấy các ông tây đang ôm các cô gái ẻo lả xoay tít trong tiếng nhạc khiêu vũ. Khi về nhà thằng bé bắt chước cả đội kèn đồng, nó làm nhạc trưởng vung cây gậy tọ tè ti ti rất oai vệ. Rồi nó tưởng tượng ôm eo các cô gái ẻo lả nhảy xoay tít theo điệu luân vũ. Tạ tà ta ta. Tạ tạ tà ta ta …

Tôi có hai chị, chị Mão thường bế bồng tôi. Mẹ tôi đi buôn ngoài chợ. Chị thay mẹ cho tôi ăn uống, cho tôi đi chơi. Đến chiều tối mẹ về, mẹ cho thằng Đá em bú sữa. Mẹ cười nói đã trên hai tuổi rồi mà vẫn còn đeo vú mẹ. Dường như mẹ thương em hơn thương tôi vì mẹ thường đánh đập tôi mà chẳng hề đánh đập thằng út. Chị Mão và chị Hợi đều rất dễ thương. Sau này cả thời tiểu học, trung học, đại học của tôi đều có bàn tay nuôi dạy của vợ chồng anh chị tôi. Thậm chí khi tôi đã có gia đình rồi, chúng tôi vẫn có duyên được ở nơi ngôi nhà của anh chị.

Ông nội chú của tôi là bác sĩ Trương Xuớng. Đôi khi tôi lên bệnh viện ở trong thành nội để thăm ông. Ông tôi hiền khô với nụ cười hiền khô! Sau này tôi có nghe nói ông muốn tôi kế nghiệp ông. Ông để lại cho tôi ấn tượng gia đình mình thuộc giới có học thức và có truyền thống tu hành. Ông tôi thanh cao lắm, cho đến khi tôi là một bác sĩ già mà vẫn chưa đạt đến phong thái như vậy! Rồi lính Nhật đổ về ngôi làng của tôi! Họ để lại rất nhiều đồ sành sứ rất đẹp. Rồi bỗng họ tan biến! Tôi nghe Nhật đầu hàng! Rồi lính Tàu ô lại đổ về ngôi làng của tôi. Họ để lại cho tôi ấn tượng của một đoàn quân ô tạp tới xâm chiếm sự bình an của làng tôi. Rồi bỗng nhiên họ biến đâu mất.

Đó là lúc tôi mới được năm tuổi. Tôi sinh năm 1940, ngày độc lập là 1945. Vậy là lúc đó tôi mới năm tuổi! Một hôm cậu bé năm tuổi đó đi theo đoàn người lên phố, vào thành nội, tới cột cờ trước cổng ngọ môn. Cậu bé len lỏi một mình về phía trước ngàn người để xem vua Bảo Đại thoái vị! Tôi quá nhỏ để biết vua Bảo Đại oai nghiêm như thế nào mà theo mẹ tôi kể thì cha mẹ tôi cũng như mọi người khác phải cúi rạp xuống đất không dám nhìn lên! Sự kiện đó đã gây cho thằng bé năm tuổi một căn bệnh rất lạ kéo dài suốt cả cuộc đời. Đó là không muốn gặp người có địa vị xã hội cao hơn tôi, đặc biệt không bao giờ tôi muốn gặp các ông lớn bà lớn. Cái mầm bệnh khúm núm di truyền từ cha mẹ tôi sẽ tái phát, sẽ làm cho tôi cúi rạp đầu xuống đất không dám nhìn lên! Thằng bé năm tuổi đã có ý muốn đi tìm một cõi khác. Và suốt đời nó đã sống trong cõi riêng của nó dù là đã năm mươi, sáu mươi, bảy mươi …

Dường như ít lâu sau tôi được đi học ở trường tiểu học Hương Trà. Tôi còn nhớ lần đầu tiên tôi dự lễ chào cờ. Tôi nắm bàn tay để ngang tai, nghiêm trang nhìn lá cờ đỏ sao vàng từ từ được kéo lên trong tiếng quốc ca. Chỉ mấy ngày sau, sân trường không còn lá cờ đỏ sao vàng ấy nữa! Nhưng chừng đó cũng dể lại trong tôi nhiều ấn tượng lạ thường. Lẽ ra khi nghe quốc ca, thằng bé năm tuổi đó hân hoan vui sướng thì nó lại sờ sợ thế nào ấy vì bài hát đầy máu, đầy hận thù. Suốt đời tôi không thuộc và không thích hát quốc ca đó, thậm chí bốn năm mươi năm sau tôi có cơ hội gặp gỡ nhạc sĩ Văn Cao tôi vẫn sợ và không muốn gặp!

Trước tôi, mẹ tôi sinh hai con trai, cả hai đều chết vì bệnh tật. Mẹ tôi sợ quá nên đặt tên tôi là Đá. Tôi là Đá anh còn em tôi là Đá em. Đá là sỏi đá tầm thường để ma quỷ không đặt ý tới! Mẹ tôi bảo tôi gọi cha tôi bằng chú làm như thằng bé nầy không có cha. Chưa đủ! Mẹ tôi còn bán tôi cho ông thợ rèn ở đâu dưới biển, tôi gọi ông bằng bọ một cách ngượng ngùng! Đó là cách cứu con của mẹ tôi!

Thằng bé bốn năm tuổi của tôi thích lang thang một mình trong ngôi làng nhỏ bé đó. Nó mơ mộng nhìn mây trời vẽ hình, khi thì con chim, khi thì con chó, khi thì con rồng bay. Nó ngạc nhiên thích thú cách trời vẽ tranh. Nó đã bắt đầu học vẽ tranh từ đó! Câu chuyện tôi kể như thế là cách đây trên sáu mươi lăm năm! Trong chừng ấy năm tôi đi tìm lại thời thơ ấu thơ mộng xa xưa của tôi. Tôi đã lang thang nhiều cảng để tìm lại bến ghe đò ngày xưa! Tôi đã vẽ tranh ngẫu hứng bừng cảm như mây trời ngày xưa! Tôi thổi saxophone, harmonica để được phiêu lãng như ngày xưa! Tôi lặng lẽ mỉm cười như ông Phật ngày xưa! Tôi làm bác sĩ như ông tôi ngày xưa! Tôi làm lương y bốc thuốc như lão y bào chế thuốc ngày xưa! Hành trình của tôi là quay trở về ngôi làng kỷ niệm xa xưa đó. Tôi đã đi mãi đi hoài suốt đời chưa tới nơi!

Nhưng không phải đơn giản như thế! Cũng từ cái thời thơ ấu ở ngôi làng xa xôi đó, sau này tôi có khát vọng rất dị thường. Đó là muốn có những cô gái ở nhiều nước tỏ lòng kính mến tôi, yêu tôi, khổ vì tôi. Đó là một bí mật! Bởi tôi không phải là người ham mê sắc đẹp thậm chí sợ sắc đẹp, dị ứng với sắc đẹp, vậy thì tại sao? Những người yêu đó đã chữa lành những vết thương của tôi thời thơ ấu nơi ngôi làng xa xôi ấy. Đó là những người yêu rất đáng yêu, rất đáng thương. Có người dường như không phải yêu tôi mà yêu tuổi thơ của tôi, không tìm tôi mà cứ mãi một mình đi tìm dấu chân tôi khắp thành phố cổ, dọc theo dòng Hương, trên những đỉnh núi, dưới những cơn mưa tầm tã, hay ở đâu đó nơi ngôi làng xa xưa của tôi và có khi nàng khóc như mưa vì tìm đâu chẳng thấy! Một ngày nào đó, nhà tôi và các con cháu, nhờ đã đọc những trang ngôi làng xa xưa này, sẽ gặp sẽ nhìn những người từng yêu tôi như những người thân yêu.

Mà dường như tôi không kể hết được dấu chân của con ngựa trắng từ đỉnh núi Bạch Mã lướt quanh ngôi làng xa xưa đó rồi bay qua bao nhiêu cõi trong đời. Mà dường như ngôi làng xa xưa ấy là tôi. Mà dường như biết ngôi làng xa xưa ấy là có thể biết tôi thế nào. Cách đây trên bốn mươi năm tôi đã từng kể cho người tôi yêu về ngôi làng xa xưa đó. Tôi tỏ tình bằng cách tặng nàng cả một thời thơ ấu của tôi. Bỗng dưng nàng khóc, khóc nhiều lắm, khóc một cách sung sướng rồi quyết định theo tôi suốt đời! Tôi là ngựa trắng, còn nàng là ngựa hồng, bay trên đỉnh núi Bạch Mã, bay lên trời cao nhìn khắp bốn phương trời, xa xa có ngôi làng xa xưa thân yêu của tôi!


Trương Thìn
8-10-2011