Sunday, June 28, 2015

Người tu và Danh vọng

Chợt nhớ trước đây có lần tôi được đọc một câu chuyện, tên gì tôi chẳng nhớ rõ, nhưng đại khái câu chuyện kể về một vị thầy sau thời gian tu hành nghiêm mật trên núi nên bèn hạ sơn hoàng đạo dưới chốn kinh kỳ. Sau một thời gian hoằng hóa độ sinh, thầy được mọi người biết tiếng và ngưỡng mộ vô cùng vì đức hạnh và sự uyên bác kinh luật của ngài. Được vua sắc phong làm quốc sư, và mỗi lần thầy thuyết giảng đều được ngồi trên những pháp tòa trang nghiêm, bằng gỗ trầm thơm. Sau một thời gian hoàng đạo ở chốn kinh kỳ, thầy ra đi để tìm cách độ những người ở các nơi khác. Một hôm ngang qua một dòng suối thầy xuống tắm và đắm chìm trong cái sảng khoái giữa dòng nước mát, cảnh vật thiên nhiên xinh đẹp của núi rừng. Đột nhiên thầy giựt mình vì nghe những tiếng la ó của một bọn trẻ. Chúng nó thì cũng ngạc nhiên vì bất chợt trông thấy thầy nên bật la lên:
"Ê tụi mày ơi! Xem kìa, có ông thầy chùa đầu trọc đằng kia."

Khi vừa thoáng nghe, cơn giận từ đâu tràn đến và như xâm chiếm toàn bộ cõi lòng thầy. Thầy thấy mình bị xúc phạm, bị hủy nhục và chê bai. "Ta đây là đường đường một vị quốc sư, ngay cả vua cũng phải kính nể quỳ lạy, người người ai ai cũng tôn kính đảnh lễ, mà nay tụi nhóc này dám nói mình là thầy chùa đầu trọc". Nhưng rồi chỉ trong khoảng khắc sau đó, thầy chợt nhiên bật cười với chính mình vì sự giác ngộ kịp lúc:
"Mình là thầy chùa có đầu trọc, thì tụi nhỏ gọi là thầy chùa đầu trọc, chứ có gì đâu mà phải buồn, phải giận trong lòng."

Bỗng chốc thầy thấy được cái vô thường và giả tạo của cuộc đời. Những cái danh vị của quốc sư, của hòa thượng, những sự cung kính, khen ngợi, đảnh lễ, cúng dường từ mọi người bỗng trở thành huyễn hoặc và giả tạm. Cái còn lại trong thầy là sự an nhiên, như như tự tại của một người thoát khỏi mọi phiền trược tranh đua của cuộc đời. Câu chuyện tôi chỉ nhớ được đến đó, nhưng nó đã gợi cho tôi những hình ảnh và ý nghĩa thật đẹp của nội dung câu chuyện, về cái tâm tham danh vọng, chấp chước của người tu đối với cuộc đời.

Thật ra những ước vọng thầm kín trong mỗi con người là thích được người khác chú ý, tôn trọng và kính nể; dù người đó là một người thường hay một người tu. Có những danh vọng và chức vị nhỏ người ta muốn được tôn trọng và kính nể theo mức độ nhỏ; có danh cao, chức lớn thì người ta cũng muốn người khác biết đến và kính nể nhiều hơn. Thế nên theo thời gian tu hành nhiều năm, có phẩm bậc cao hơn thì người tu muốn được xem trọng cũng là chuyện thường tình; nhưng nếu lấy Phật pháp làm thước đo cho việc này, thì việc mong muốn được người tôn kính và trọng nể nhiều hơn qua lâu năm tu hành; thì đây quả là một mong muốn của bản ngã do thiếu chất liệu tu hành mà ra.

Khi người ta không có sự tu và hành trì thật sự thì người ta sẽ thấy cái danh vọng này là thật có, thấy có mình đáng hưởng cái danh này và thấy cuộc đời là thật và thường tại. Chỉ có cái nhìn và thấy như vậy thì người ta mới ham cái danh hão huyền để phải buồn, phải vui và tìm cầu chạy theo nó. Còn nếu luôn luôn nghĩ đến sự tu hành, nghĩ đến sự khổ não của chúng sinh mà hằng khởi những niệm từ, tâm bi mong cứu độ mọi loài, thường nghĩ đến giải thoát thì người ta sẽ đâu ham những cái danh giả tạo mà người khác ban tặng cho. Dù tôi vẫn biết tự trong thâm tâm và đáy lòng rằng, tôi còn rất ham thích những cái danh vọng của chức vị nọ kia, và các phẩm bậc của người tu, nhưng tôi mặt khác lại sợ nó vì những tác động tâm lý tiêu cực, để từ đó nó đưa đẩy tôi đi vào con đường sai lạc.

Nếu có những hành động nào cao cả và đẹp đẽ nhất trong sự gạt bỏ và chối từ danh vọng cuộc đời, để tôi lấy đó làm gương mà noi, thì đó là hành động ra đi của đức Phật trong quá khứ và đức Dalai Lama trong hiện tại. Có ai có danh vọng và quyền lực hơn đức Phật thuở bấy giờ, có ai có đầy đủ cuộc sống và sung sướng như Ngài vậy mà Ngài vẫn chối từ và thản nhiên ra đi. Trong kinh Tứ thập nhị chương đức Phật nói:
"Ta coi ngôi vị vương hầu như bụi qua kẻ hở; coi vàng ngọc châu báu như ngói gạch; coi lụa là như vải thô; coi đại thiên thế giới như hạt tiêu... ; coi thịnh suy như cây bốn mùa".

Đức Dalai Lama thì ngài cũng tỏ vẻ thản nhiên không kém khi rời ngôi vị lúc bỏ xứ ra đi. Gần đây ngài lại tuyên bố sẽ từ chức, một khi dành lại được độc lập cho Tây Tạng, trên hết dù được hàng bao nhiêu triệu người tôn sùng như là một hóa thân của đức Bồ tát Quán thế âm, ngài vẫn luôn luôn tỏ ra bình dị và tầm thường như một người tu tầm thường. Trước mọi người bao giờ ngài cũng nói rằng: "Tôi chỉ là một tu sĩ bình thường, như mọi người chứ chẳng khác." Như vậy mới thấy rằng một vị chân tu thật sự bao giờ cũng luôn luôn hạ mình xuống trước mọi người, nâng mọi người lên được qua lời nói và việc làm khi có thể; và hay thay là chính khi những vị ấy hạ mình xuống thì các ngài càng được người khác tôn sùng và nâng lên cao. Còn với tôi một người thiếu sự tu học và hành trì thì không hiểu sao lại cứ thích và tham những danh vọng hảo huyền, cầu sự cung kính tôn trọng của mọi người. Nếu có những ân phước nào lớn nhất, nếu có những nguồn cảm hứng nào thiêng liêng nhất cho tôi ngưỡng mộ nhìn lên để học theo những công hạnh và đức độ của các ngài, thì đó chính là đức Dalai Lama, một bậc thầy vĩ đại của nhiều người và cũng là thầy của tôi, người tôi hằng tôn sùng.
Nhân danh các điều thiện, các điều lành lợi ích cho mọi loài ấy, bản ngã dẫn ta đi và đi mãi với những cái tốt và đẹp nhất cho mọi loài. Nhưng để rồi một ngày nào đó khi ta trong một lúc tu hành quán chiếu lấy chính mình, mới chợt nhận ra rằng tất cả những ý tưởng, niệm lành cho người, cho mọi loài trước kia của mình chỉ là cái thực chất của bản ngã, nó mang mặt nạ vì lợi ích cho Phật pháp và chúng sinh ở bên ngoài. Xét và tìm đến cái bản ngã sâu tận bên trong của con người, thì ta mới có thể thấy nó luôn luôn gian manh và quỷ quyệt, nó có đủ mọi ma chước để quyến rũ và dẫn dụ những người tu đi vào con đường sai lạc và sa đọa. Thế nên tôi cũng hay dặn lấy chính tôi rằng: "hãy coi chừng cái bản ngã của ngươi."

Nếu những người tu hành vì lòng từ bi thương xót thật sự với những nỗi khổ đau và mê lầm của cuộc đời, nên xông xáo lao vào cõi trần tục này để cứu độ mọi người, thì cái động cơ tâm lý ấy quả thật đáng tán thán và đảnh lễ. Nhưng nếu để lao vào cuộc đời này với mục tiêu có được những danh vọng, sự tôn kính và cúng dường thì dù những việc làm Phật sự, hoằng pháp lợi sinh kia mang ý nghĩa cao cả bao nhiêu đi nữa cũng là vô ích, vì nó đưa đẩy người tu ấy vào đường danh lợi khác gì thế gian.
Ngày nay, những người tu có thể nhân danh những cấp bằng cao học, hay tiến sĩ để vươn mình ra đời, làm việc phật sự lợi ích cho chúng sinh. Nhưng liệu những cấp bằng cao học, tiến sĩ ấy có đủ làm đại diện duy nhất cho tâm Bồ đề , tâm từ bi thương xót muốn thật sự cứu độ các chúng sinh hay không? Xã hội con người ngày nay là xã hội của danh và vọng, ai không có danh vọng người đó không được tôn trọng và nể vì, thế nên con người ta đua nhau truy tìm nó và gán lên người đủ thứ các chức vị, thanh danh. Nếu để đi vào cuộc thế và song song hành đạo giữa những người có nhiều danh vọng, mà người tu phải phương tiện dùng cái danh học, danh tu của mình để cảm hóa và nhiếp phục mọi người thì điều ấy chẳng trái; nhưng nếu lấy đó làm phương tiện tiến thân để có lợi, được danh, thì thật là sai hẳn cái mục tiêu mà người tu ấy ấy phát nguyện lúc ban đầu.

Đức Dalai Lama nói:
"Nếu một người tu mà trải qua bao tháng năm hành đạo không thấy mình tầm thường hơn, giản dị hơn và khiêm tốn hơn thời gian ban đầu, thì có lẽ là người tu đó đã đi lạc rồi!"


S.T.



Ngày ấy .... tuổi học trò

http://st01.freesocialmusic.com/mp3/2011/07/18/1178050012/131095890012_7482.mp3


Ngày ấy ....
tuổi học trò


Em trở về đứng trước sân trường
Tìm lại một thời dĩ vãng
Năm tháng trôi qua, thầy cô bè bạn
Dẫu xa rồi tất cả vẫn trinh nguyên.

Tuổi học trò và ngày tháng bình yên
Bao kỉ niệm cứ về theo nỗi nhớ
Lớp học ngày xưa... thời gian trăn trở
Đưa em đi tìm lại cuộc đời mình.

Cây phượng già vẫn đứng lặng im
Để nỗi suy tư chìm vào năm tháng.
Chợt nghe đâu đây trong lời thầy giảng
Tình yêu thương tha thiết mặn mà.

Bạn bè giờ cũng đã chia xa
Chẳng tìm thấy một bóng hình quen thuộc.
Thầy dạy em tình yêu đất nước.
Và những bàn chân nối tiếp lên đường.

Em trở về tìm lại những yêu thương
Góc hạnh phúc đã dâng lên đầy ắp
Sao vẫn thấy ở trong từng ánh mắt
Bóng dáng ngày xưa và mơ ước học trò...




Nguyễn Viết An Hòa


Thursday, June 25, 2015

CA SĨ PHI NHUNG

CA SĨ PHI NHUNG


Nếu cuộc đời Phi Nhung là cuốn phim buồn như chị nói thì ở phần cuối, chị đã tạo nên những mảng màu tươi sáng, đầy hy vọng cho người thân và cho chính mình.


Đầu thập niên 1990, khi đến một cửa hàng băng đĩa nhỏ tại tiểu bang ở California (Mỹ), khách hàng là người gốc Việt thường thấy cô nhân viên có gương mặt lai Tây tích cực quảng bá băng cho một cô ca sĩ mới không để hình lên băng đĩa. Không ai ngờ rằng cô nhân viên kia đang tự tiếp thị cho chính mình. Cô không dám lộ mặt vì sợ khi biết sự thật, khách sẽ đổi ý không mua.
Hai mươi năm trước, khi mới vào nghề, Phi Nhung không chỉ thiếu tự tin mà còn nhút nhát như thế. Xuất phát điểm trên con đường âm nhạc gần như từ con số 0, nếu không nhờ những may mắn và biết nắm lấy cơ hội có một không hai, chắc giờ đây chị vẫn là cô công nhân chăm chỉ.
"Ca sĩ miệt vườn" Phi Nhung.
Làm trụ cột gia đình ở tuổi 11
Phi Nhung không ngăn được nước mắt khi nhớ lại câu chuyện về sự ra đời của mình 43 năm trước. Bởi sự kiện này gắn liền với những kỷ niệm buồn, với người mẹ vắn số.

Mẹ Phi Nhung khi ấy là một thiếu nữ miền sơn cước Pleiku, vì lầm lỡ mà mang thai với lính Mỹ. Ông bà ngoại vì xấu hổ nên bắt con gái phá thai. Bị đánh đến ngất đi nhưng bà kiên quyết giữ giọt máu của mình, trốn vào chùa sinh con. Sau đó, bà kết hôn với người chồng quê Cam Ranh, Khánh Hòa, gửi con gái cho bố mẹ nuôi nấng.
Cô bé càng lớn càng lộ rõ những nét rất Tây, đi đâu cũng bị người ta xì xầm to nhỏ là “đứa con lạc loài” nên sớm hiểu được nỗi buồn thân phận. Mỗi lần mẹ về thăm, Phi Nhung chỉ đứng đằng xa nhìn chứ không muốn lại gần. Chỉ đến khi được mẹ đón về ở cùng gia đình riêng tại Cam Ranh, cô mới thực sự cảm nhận được tình mẫu tử.

Phi Nhung thời bé.

Từ đó, niềm vui của cô bé Phi Nhung chưa đầy 10 tuổi là những buổi chiều ngồi ngắm biển. Mảnh đất Cam Ranh đã nuôi dưỡng tâm hồn thơ trẻ bằng gió biển và vị mặn của nước mắt. Cô bé bắt đầu mê làn điệu dân ca ngọt ngào qua tiếng hát của mẹ. Niềm vui đoàn tụ ngắn ngủi như cái chớp mắt. Chỉ một năm sau, năm 1982, mẹ Phi Nhung qua đời vì tai nạn giao thông.
Ban đầu tôi không khóc, lén giở tấm vải, sờ chân mẹ và gọi. Không nghe trả lời, tôi hiểu ra tất cả. 5 chị em tôi đứng bên xác mẹ nhưng có lẽ chỉ mình tôi thấm thía hết sự ly tan vì các em còn quá nhỏ, cô em út mới ra đời vài tháng. Mẹ tôi mất không bao lâu thì bố dượng đi tìm hạnh phúc mới. Tôi và các em chuyển về Gia Lai để nương nhờ bên ngoại. Nhà quá nghèo, tôi phải nghỉ học để học may, trở thành trụ cột nuôi năm đứa em” - Phi Nhung lặng lẽ lấy tay lau nước mắt.
Khi nỗi đau mất mẹ còn chưa kịp nguôi ngoai, Phi Nhung lại phải tiễn bà ngoại về thế giới bên kia. Nhưng cũng lúc này, mới 11 tuổi, chị lại tỏ ra mạnh mẽ lạ kỳ. Chị ý thức rằng nếu không vắt sức làm việc thì cả sáu chị em sẽ chết vì đói.
Với khối lượng hàng may gấp đôi một người bình thường, đôi khi mệt quá, Phi Nhung ngủ gục bên bàn may, tỉnh dậy ăn vội chén cơm rồi lại hì hụi làm.
Lấy âm nhạc làm bạn
Năm 1989, khi mới 17 tuổi, Phi Nhung tìm đường sang Mỹ để kiếm tiền lo cho các em. Những ngày đầu đặt chân đến tiểu bang Florida, chị ở nhờ nhà người bà con trong 3 ngày, sau đó tự tìm chỗ trọ.
Một mình nơi xứ người, tôi cảm thấy rất đơn độc, không biết phải bắt đầu từ đâu. Đêm đến, tôi không ngủ được vì lo lắng về tương lai, nghĩ đến năm đứa em nhỏ. May mắn, tôi được một tổ chức từ thiện hỗ trợ việc học tiếng Anh trong 6 tháng và học khóa về dọn vệ sinh để được cấp chứng chỉ, có thể đi làm ở khách sạn. Thời gian còn lại, tôi làm bồi bàn cho một nhà hàng Việt Nam.
Cơ cực, nghèo khó từ bé nên tôi không nề hà bất kỳ công việc gì, làm việc chăm chỉ, lại thật thà nên chủ quán thương. Ngoài thời gian làm ở quán, tôi còn nhận thêm việc may vá quần áo.
Sau một thời gian đã quen đường sá và cuộc sống tại Mỹ, tôi xin vào hãng làm công nhân sản xuất đèn cầy rồi đóng hộp thực phẩm. Ngày nào cũng làm hai việc cùng lúc nên một ngày tôi chỉ ngủ khoảng 3 tiếng đồng hồ. Nhiều lúc cảm giác kiệt sức và cô đơn. Tuy nhiên, khi cầm những đồng tiền công vào cuối ngày, tôi lại cố gắng vượt qua.

Mười tám tuổi, tôi không dám mơ về những bộ cánh đẹp, son môi hay kiểu tóc mới. Tóc dài, tôi còn tự cắt cho đỡ tốn
” 
chị nhớ lại.

Vất vả và cô đơn, Phi Nhung chỉ biết chọn âm nhạc làm bạn. Trên xe hay căn phòng trọ của chị đều có băng đĩa nhạc quê hương. Giai điệu của Mưa nửa đêm, Ngẫu hứng lý qua cầu, Bông điên điển giúp chị vơi đi nỗi nhớ nhà diệu vợi.
Gặp được ân nhân
“Nếu không tình cờ gặp Trizzie Phương Trinh, có lẽ giờ này tôi vẫn là cô công nhân nghèo khó. Cô ấy và gia đình không chỉ cho tôi một mái ấm, mà còn cho tôi tình thương” - Phi Nhung nhắc về ca sĩ Trizzie Phương Trinh với lòng biết ơn vô hạn.
Vợ cũ ca sĩ Bằng Kiều chính là người đã mở trang mới đầy tươi sáng trong cuộc đời của chị. Trong một lần đi hát thiện nguyện cho nhà thờ, Phi Nhung gặp Trizzie Phương Trinh, lúc ấy đã là ca sĩ được nhiều người biết tới tại hải ngoại.
Phi Nhung mỉm cười nhớ lại: “Nghe tôi biểu diễn trong dàn đồng ca, Trinh bảo giọng tôi rất truyền cảm, khuyên hãy theo nghiệp hát. Tôi có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến việc trở thành ca sĩ nên nghe cô ấy ngỏ lời giúp thì rất hoang mang suy nghĩ.
Thương cho hoàn cảnh mồ côi, một mình tha hương của tôi nên cô ấy đưa tôi về ở nhà mình tại California, giới thiệu show diễn, mối quan hệ cho. Đến những bộ váy áo đi diễn, tôi cũng phải mượn Trizzie. Thời gian đầu, tôi chủ yếu đi hát tại quán nhỏ, những buổi tiệc cuối tuần với mức cát-xê khoảng 100 - 200 USD/đêm.

Với Phi Nhung, Trizie Phương Trinh là người bạn tri kỷ, là ân nhân của cuộc đời

Phi Nhung chinh phục khán giả không phải ở giọng hát kỹ thuật mà bằng chính sự giản dị, cảm xúc trong giọng hát ấm áp. Chị thể hiện cảm xúc thật từ nỗi lòng của đứa con xa xứ, mồ côi và nhận được sự đồng cảm của người nghe.
Bên cạnh đó, gương mặt lai Tây nhưng lại chọn dòng nhạc quê hương cũng giúp Phi Nhung nổi bật trong số rất nhiều ca sĩ đi cùng con đường. Chỉ một năm sau, với tính chịu thương chịu khó, Phi Nhung có mặt trên từng cây số các show diễn.
Một trong những bài hát tạo nên bước ngoặt cho chị là ca khúc Sông quêsong ca cùng Thái Châu. Cũng năm 1994, Phi Nhung ra mắt album đầu tay Những đóm mắt hỏa châu.
“Ban đầu tôi không dám in nhiều, chỉ khoảng 1.000 bản. Tôi thường mang theo đĩa của bên người để bán sau khi hát xong. Đĩa của tôi bán rất chạy, mang theo bao nhiêu là hết sạch” - Phi Nhung chia sẻ.
Trong vòng 4 năm, từ 1994 đến 1998, Phi Nhung cho ra mắt liên tục hơn 15 CD để đáp ứng nhu cầu khán giả. Chị hay được người trong giới gọi là “nữ hoàng băng đĩa” vì lượt phủ sóng dày đặc, có nhiều CD nhất trên thị trường. Ngoài những ca khúc hát riêng, sự kết hợp ăn ý của Phi Nhung với Mạnh Quỳnh, Trường Vũ, Như Quỳnh cũng giúp chị ngày càng được yêu mến.
Vì giọng hát đầy bản năng và thiếu kỹ thuật thanh nhạc nên dù đã là “con cưng” của nhiều hãng đĩa thì đến năm 1997, Phi Nhung mới trở thành ca sĩ của Trung tâm Thúy Nga. Để nhận được lời đồng ý, chị đã kiên trì gửi hàng chục CD nhạc tự thu âm. Bên cạnh đó, chị còn mua nhiều sách, đĩa nhạc về để tập hát và bổ sung kiến thức chuyên môn.
Năm 2005, Phi Nhung bắt đầu trở về Việt Nam biểu diễn, thỏa lòng mong chờ của khán giả yêu mến chị hàng chục năm qua. Chị ký hợp đồng độc quyền với công ty Rạng Đông phát hành rất nhiều album, xuất hiện trong nhiều chương trình.
Gắn bó với dòng nhạc trữ tình quê hương, Phi Nhung không ngại đến những vùng sâu vùng xa hẻo lánh, đặc biệt là các tỉnh miền Tây, mà không tính đến cát-xê nhiều hay ít. Khán giả yêu mến gọi Phi Nhung là “ca sĩ miệt vườn”, thường đứng chờ sau mỗi buổi diễn để tặng trái cây, gà vịt rồi mời chị về nhà ăn cơm.

Mới đây, Phi Nhung mở quán cơm chay để có thêm tiền lo cho 18 đứa con nuôi.


Không có duyên làm vợ
- Nhìn lại những gì mình có được hôm nay, chị nghĩ do nỗ lực hay do may mắn nhiều hơn?
- Tôi nghĩ may mắn chỉ là phần nhỏ. Nhiều lúc nhìn lại quá khứ tôi vẫn rùng mình, không hiểu sao mình có thể vượt qua tất cả. Có lẽ tình thương và trách nhiệm với 5 đứa em chính là động lực lớn nhất. Ông trời cũng công bằng, lấy đi của mình cái này lại cho mình cái khác. Một kẻ tay ngang như tôi lại có cơ hội trở thành ca sĩ nổi tiếng. Nhờ những trải nghiệm sống đó, tôi thấy mình có mắt nhìn người rất tốt.
- Gần 20 năm theo nghề, chị đã chịu không ít thiệt thòi, chèn ép và điều này đã rèn giũa nên một Phi Nhung cứng cỏi, khác xa sự hiền lành trước đây?
- Chuyện giành bài, chèn ép ca sĩ mới, giành giờ… tôi đã gặp nhiều. Tôi từng chờ cả giờ đồng hồ để được hát nhưng sau đó đành ngậm ngùi đi về vì một ngôi sao đến trễ giờ. Ban đầu tôi khóc nhiều nhưng rồi cũng quen. Đúng là showbiz không dành cho người “yếu bóng vía”.

- Chị từng có nhiều mối tình đẹp nhưng hiện tại vẫn cô đơn. Chị nghĩ lý do gì khiến đàn ông không gắn bó lâu với mình?
- Những người đàn ông tôi từng quen đều rất thương tôi, muốn tôi trở thành người phụ nữ của gia đình. Trong khi đó, tôi vẫn chọn ca hát là đam mê lớn nhất nên đành dang dở tình duyên. Đến giờ tôi vẫn có người để ý nhưng không còn trẻ để tìm hiểu. Vả lại nếu tôi tiến tới thì quả là bất công cho họ, bắt họ phải cùng lo cho 18 đứa con nuôi. Thôi thì để họ tìm hạnh phúc với người phụ nữ khác.


Sông Quê _   Nhạc : Đinh Trầm Ca _ Song ca:  Phi Nhung,Thái Châu.  

             https://www.youtube.com/embed/-OGHx0LAPr4


Phi Nhung và những đứa con "mồ côi"



Friday, June 19, 2015

LÁ TRƯỜNG SINH Nguồn gốc, thân thế và tên gọi - PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.

 
          Cây trường sinh là một loại thảo mộc thích hợp với khí hậu đại dương và nhiệt đới. Nó được tìm thấy nhiều trên đảo Madagasca, đảo Reunion, các quốc gia Nam Mỹ, Đông Nam Á, trên các hải đảo trong biển Caribbean và Thái Bình Dương.
 
Tên khoa học của cây trường sinh hay sống đời là Kalanchoe pinnata thuộc gia đình Crassulaceae. Ngoài ra nó còn những tên khoa học khác như: Bryophyllum pinnatum, Bryophyllum calicinum, Bryophyllum germinans, Verea pinnata, Cotyledon calycina, Cotyledon calyculata, Cotyledon pinnata, Cotyledon rhizophilla, Crassula pinnata, Crassula floripendia, Sedum madagascariense.
 
Người Việt Nam gọi là cây trường sinh hay sống đời vì cây nầy không bao giờ chết. Thông thường lá cây rụng xuống đất thì rã mục và hòa lẫn với đất cát thành phân. Lá cây trường sinh khi rụng xuống đất thì ra rễ và ra nhiều cây trường sinh con. Đó là nguồn gốc của tên Trường Sinh của nó.
 
Các nhà làm vườn rất sợ sự xâm lấn đất nhanh chóng của cây trường sinh. Gió thổi, cuốn lá trường sinh từ nơi nầy sang nơi khác để có nhiều cây trường sinh con mọc lên từ các răng quanh rìa lá. Nhưng nếu nhìn sự sinh tồn của cây trường sinh bằng cái nhìn triết học y dược thì ta mới thấy được sức đề kháng dị thường của loại thảo mộc đặc biệt nầy trong môi trường sống. Tên gọi cây trường sinh dựa vào sức sống ngoan cường của chính nó. Nó còn được gọi là:

– lá bỏng vì lá dùng để chữa phỏng lửa hay nước sôi rất hay.
– lá cầm máu hay lá thuốc hàn vì cầm máu rất nhanh.
– lá Quan Âm vì có khả năng chữa trị được nhiều thứ bịnh như Đức Bồ Tát Quán Thế Âm cứu độ vậy. Người Tây Ban Nha gọi là Angelica (Thiên Thần Diệp).
 
Người Trung Hoa gọi là:
 lạc diệp sinh căn vì lá rụng thì ra rễ và sinh ra nhiều cây con.
– đả bất tử có nghĩa là đánh cũng không chết. Người Trinidad gọi cây trường sinh là "Never Dead".
 
Ở Ấn Độ cây trường sinh mọc rất nhiều ở vùng Bengal. Tiếng Phạn (Sankrit) gọi là Parnabija có nghĩa là cây có nhiều rễ. Rễ ra nhiều từ kẽ lá chớ không phải dưới gốc cây. Chữ Parnabija cũng đồng nghĩa vớidhanvantari có nghĩa là "thiêng liêng, thần diệu". Như vậy cây trường sinh là "thiên thảo" vì một lý do nào đó.
 
Nhân loại không hẹn nhưng lại gặp nhau trong việc đặt tên cho cây trường sinh qua hiệu năng trị liệu của nó.
 
Người Phi Luật Tân gọi cây trường sinh là katakata-ka tức cây kỳ diệu.
 
Người Nam Mỹ gọi nó là Angelica (Thiên Thần Diệp), Siempre Viva (sinh diệp), Hoja de aire (không thảo). Ở Trinidad người ta gọi cây trường sinh là Never dead (bất tử), Wonder of the world (kỳ quan thế giới). Một vài quốc gia Trung và Nam Mỹ gọi lá trường sinh là good luck leaf (lá may mắn), miracle leaf (lá thần diệu), love leaf (lá tình yêu). Ngoài ra cây trường sinh còn được gọi là Goethe’s plant(1).
 
Trong tiếng Anh có nhiều tên gọi dành cho cây trường sinh như air plant (không thảo, dịch từ hoja de aire),cathedral bell (vì hoa cây trường sinh giống hình cái chuông), mother of thousands (mẹ hàng ngàn con vì sự sinh sản của cây con quá nhiều), life leaf (dịch từ Siempre Viva), live forever (trường sinh, sống đời).
 
Nhiều tên gọi khác nhau dành cho cây trường sinh cho thấy loại thảo mộc nầy có một vị trí đặc biệt trong đời sống của các dân tộc và bộ lạc sống trong vùng khí hậu nhiệt đới và đại dương. Có 600 loại cây thân thuộc với cây trường sinh dòng Bryophyllum hay Kalanchoe thuộc gia đình Crassulaceae nhưng chỉ có Kalanchoe pinnata lá hình bầu dục, rìa có răng cưa và hoa giống như cái lồng đèn có dược tính tốt mà thôi.

 
Đặc điểm cây trường sinh
 
  Cây trường sinh là một loại cây nhỏ, mình xốp và dòn, cao lối 1m. Ở Madagascar có những cây trường sinh cao đến 6m. Lá cây trường sinh dầy, màu xanh, hình bầu dục. Hai bên rìa lá có nhiều răng cưa với lằn viền màu tím nhạt. Khi lá rụng xuống đất, rễ mọc ra từ các răng cưa. Hoa trường sinh giống như cái chuông màu đò tím nhạt. Hoa kết thành chùm như những cái chuông hay bóng đèn nhỏ kết thành một lồng đèn cao 60cm – 70cm trông đẹp mắt. Hoa trường sinh rất lâu tàn.
 
Cây trường sinh được trồng bằng lá, hột hay chặt cây già ra làm nhiều khúc rồi đặt xuống đất trồng như trồng tre, mía hay khoai mì (sắn). Cây con sẽ mọc lên từ những mắt cây. Trường sinh không cần nhiều nước. Nếu được tưới mỗi ngày lá sẽ dầy và mộng nước. Nếu cây không có nước, lá vàng và rất chát.
 
Lá trường sinh thay đổi 3 vị trong ngày:
– Vị chua trước khi mặt trời mọc.
– Vị chát sau khi mặt trời mọc. Lá vàng và lá xanh trên đọt luôn luôn chát.
– Vị lợ khoảng 3 hay 4 giờ sau khi mặt trời lặn.
 
Lá chua dùng để uống hay dùng ngoài da để cầm máu hay trị phỏng lửa và nước sôi.
Lá chát chỉ dùng ngoài da. Uống lá chát có hại cho tim vì gây khó thở. Súc vật ăn cỏ ngoài đồng, ăn nhằm lá trường sinh chát nên khó thở. Lá vàng vì thiếu nước hay lá trên đọt của cây trường sinh mọc thiên nhiên luôn luôn chát. Khi lá vàng và chát, không thể phục hồi cho lá xanh và chua trở lại bằng cách tưới nước hay bón phân tro.
 
Lá trường sinh thay đổi vị 3 lần trong ngày. Hoa phù dung (Hibiscus mutabilis) thay đổi sắc 3 lần trong ngày nên được gọi là phù dung tam sắc túy.

 
Trường sinh diệp trị liệu
 
Người Ấn Độ và các bộ lạc sống dọc theo thung lũng Amazon ở Nam Mỹ đã dùng lá trường sinh để trị bịnh từ lâu. Người Âu Châu biết đến lá trường sinh qua những kinh nghiệm trị liệu cổ truyền của các dân tộc miền khí hậu nhiệt đới và đại dương, nơi có nhiều cây trường sinh. Cây trường sinh được vào danh sách thực vật học Anh vào thế kỷ 18. Nhà văn Von Goethe cũng có trồng cây trường sinh. Những tên gọi lá trường sinh, lá Quan Âm, Angelica, miracle leaf, life leaf, "katakata-ka"... không phải là tên gọi ngẫu nhiên mà căn cứ vào tính năng trị liệu bao quát của loại dược thảo đặc biệt nầy.
 
Người Việt Nam dùng lá trường sinh trị đau mắt, ho, cảm, phỏng lửa, phỏng nước sôi, cầm máu.
 
Người Trung Hoa dùng lá trường sinh trị thổ huyết, đau mắt, mũi, tai, cuống họng, cầm máu.
 
Ở Ấn Độ, Nam Mỹ, Phi Luật Tân lá trường sinh có công dụng rộng lớn như trị các chứng bịnh về máu như huyết tiện, xuất huyết, thổ huyết, kinh nguyệt, trĩ, huyết áp, bịnh lao, tiểu đường, sạn thận, đau răng, đau mắt, đau mũi, loét dạ dày (dùng chút muối khi dùng lá chua), ung thư, viêm, sốt, nhức đầu, viêm bàng quang, suyễn, bịnh ngoài da, cước khí, động kinh, kiết lỵ, tiêu chảy, táo bón, chống kết sạn, thông đại tiểu tiện. Lá trường sinh kích thích tử cung nên người ta khuyên phụ nữ mới sinh không được dùng.
 
Việc nghiên cứu lá trường sinh hiện nay được các nước Ấn Độ, Brazil, Nhật, Pháp, Trung Hoa, Phi Luật Tân, Hoa Kỳ tiến hành. Kết quả những cuộc nghiên cứu và thí nghiệm trên chuột cho thấy lá trường sinh kháng trùng, kháng khuẩn, kháng nấm, kháng dị ứng, kháng histamine. Dùng lá trường sinh trị suyễn, kiết lỵ, tiêu chảy, sốt Dum Dum (2) có kết quả tốt. Sốt Dum Dum (leishmaniasis) là một loại bịnh nhiệt đới gây tử vong và khó trị nhưng có thể trị khỏi bằng thuốc chế từ lá trường sinh. Khả năng cầm máu của lá trường sinh làm cho các nhà khoa học đặc biệt quan tâm đến dược tính và khả năng trị liệu rộng rãi của nó.
 
Lá trường sinh có alkaloids, triterpene glycosides, flavonoids, steroids, lipids, bufadienolides. Bufadienolides có tác dụng như digoxin C41H64O14 và digitoxin C41H64O13 dùng để chữa bịnh nghẽn tim. Bufadienolideschống kết bướu, kháng khuẩn, ngừa ung thư. Chất nầy có trong nọc độc của con cóc (Bufo fowleri, gia đình:Bufonidae) và cây hành biển (Urginea maritima dùng làm thuốc thông phổi). Chất độc nằm trong nhựa mủ trên da sần sùi của con cóc (thiềm thừ) được gọi là thiềm tô dùng làm thuốc trị ung độc trong Đông Y.

Thân cây trường sinh có ác xít arachitic, behenic, cinnamic, coumaric, ferulic, oxalic, palmitic, protocatechuic, succinic, syringic, cafeic. Ngoài ra còn có astragolin, beta amyrin, benzenoids, bryophynol, bryotoxin C, bufadienolides, campesterol, cardenolides, clerosterol, clionasterol, codisterol, epigallocatchin, flavonoidsglutinol, friedelin, hentriacontane, isofucosterol, kaempferol, oxaloacetate, patuletin, peposterol, phosphoenol pyruvate, pyruvate, pseudotaraxasterol, quercitin, steroids, stigmasterol, taraxerol, triacontane.

Lá trường sinh chua hay chát đều cầm máu và trị phỏng rất tốt. Uống lá chua để trị các bịnh về máu khác nhau như kinh nguyệt quá đa, xuất huyết nội, huyết tiện, thổ huyết, bịnh trĩ, hạ huyết áp và cholesterol. Lá chua trị được táo bón, kiết lỵ và tiêu chảy nghĩa là có khả năng giải quyết hai chứng bịnh trái ngược nhau: táo bón và tiêu chảy, kiết lỵ, Nếu trị phỏng kịp thời bằng lá trường sinh thì người bịnh không bị đau nhức và không bị vết phỏng. Lá trường sinh hạ sốt, hạ huyết áp, nhuận tiểu, trị ho, sạn thận, kháng khuẩn, kháng nấm, kháng dị ứng, kháng histamine... với kết quả khả quan. Về liều lượng không nên dùng quá 5 gram cho mỗi ký lô trọng lượng.
 
 
***
 
Sau đây tôi xin trình bày vài câu chuyện về lá trường sinh:
 
Năm 1977 tôi về quê nội. anh cả tôi định làm thịt hai con gà (một con trống và một con mái) nhốt chung trong một cái lồng làm bằng tre. Hai con gà nằm ủ rũ vì bịnh, miệng nhểu đầy nước dãi. Tôi nói anh tôi đừng giết chúng, để tôi chữa chúng bằng lá trường sinh. Tôi giã lá trường sinh, vắt nước nhỏ vào miệng hai con gà rồi dùng tay nhét xác lá giã nhuyễn vào miệng chúng. Sau trên hai tiếng đồng hồ hai con gà vẫn nằm bất động nhưng chưa chết. Trời sụp tối, tôi đạp xe về nhà và dặn anh tôi tiếp tục chữa hai con gà như tôi đã làm. Sáng hôm sau tôi đạp xe đến nhà anh tôi để xem hai con gà ra sao. Tôi vui mừng khi thấy hai con gà đứng trong hai cái lồng khác nhau. Sau khi lành bịnh, hai con gà có vẻ khác thường. Chúng thường mổ lá trường sinh để ăn. Con gà trống không buồn chạy khi trời mưa. Con gà mái đẻ 49 trứng. Có phải chăng vì lá trường sinh có khả năng kích thích sinh dục mà người Mễ Tây Cơ gọi cây trường sinh là cây tình yêu (love plant)?
 
Đầu năm 1978 một người bạn ấu thời của tôi đi học tập về. Anh ghé nhà thăm và trò chuyện với tôi trước khi về nhà. Anh lo lắng về bịnh suyễn của mẹ anh giữa lúc anh khốn đốn mặc dù trước kia anh từng điều khiển Chi Y Tế trong một quận trong tỉnh Bình Dương. Đó là sự lo âu tự nhiên của người học tập vừa mới được tự do khi nghĩ đến trách nhiệm của mình đối với gia đình. Tôi nói sơ qua về lá trường sinh và đề nghị anh cho mẹ anh thử nhằm phá vỡ một trong những sự lo âu chồng chất của anh. Bạn tôi không còn cách nào hơn là nghe theo tôi. Nhà anh chật hẹp nên anh phải trồng cây trường sinh trước sân nhà tôi rồi hái lá về cho mẹ anh dùng. Anh xác nhận việc trị liệu có kết quả.

Một hôm tôi đi thăm mộ của một người bạn ở Nhị Bình. Bà cô của bạn tôi mời tôi ở lại ăn cơm. Trời nhá nhem tối bỗng bà la thét ầm ĩ rồi nằm dãy dụa, rên siết thảm thiết dưới đất. Vì trời tối bà đụng phải nồi thịt kho đang sôi. Cả nồi thịt kho nóng bỏng đổ vào chân bà. Trong lúc mọi người bối rối chưa biết phải làm gì thì tôi hỏi con trai bà có trồng cây trường sinh nào quanh nhà không. Anh xác nhận "có" và chạy ra hái lá đem rửa vội và rồi dùng cối giã nát lấy nước phết trên vết phỏng rồi lấy vải mùng cắt nhỏ để băng xác lá trường sinh vào vết phỏng. Đêm hôm ấy bà ngủ yên. Khi mở băng, nơi bị phỏng còn vết đỏ nhưng không bị phồng lên.

Một buổi sáng năm 1982 có hai ông già đến nhà tôi. Một ông 82 tuổi và một ông 77 tuổi. Cả hai đều là bạn già quen nhau trong lúc đi lễ tại nhà thờ Bình Nhâm, xã sinh quán của Á Thánh Gẩm và gia đình Nguyễn Hiệp. Ông thứ nhất là em của một viên chức cao cấp ở Trung Việt thời Quốc Trưởng Bảo Đại và là ký giả của tờ Le Journal d' Extrême Orient ở Sài Gòn. Ông thứ hai xanh xao yếu đuối. Trông ông chao đảo và mất tinh thần khi được bác sĩ cho biết ông bị bịnh ung thư. Ông lo sợ vì tuổi già, tiền hưu trí không có lại mắc phải bịnh ngặt nghèo. Trước kia ông là nhân viên thâm niên của bộ Giáo Dục và là thầy học của nhiều viên chức cao cấp trong chánh phủ Sài Gòn. Không biết tại sao ông tin lời của ông già thứ nhất để đến gặp tôi trong khi ông ra bến xe để đi xuống bệnh viện Chợ Rẫy tái khám bịnh. Ông già thứ nhất biết tôi vì tôi chữa cho ông khỏi chứng lãng tai cách đó vài tháng. Sau vài phút nói chuyện, tôi cho rằng ông bị huyết tiện (hematuria). Sau 4 ngày chữa trị tôi không thấy ông đến nên thầm nghĩ rằng việc trị liệu không có kết quả nên ông không đến. Trên một tháng rưỡi sau ông đến xin lỗi và cho biết bịnh ông đã khỏi. Ông vội vã về Thủ Thừa chở gạo nên không đến thông báo cho tôi được. Ông cho biết ông có thể chở 60 ký-lô gạo từ Thủ Thừa về Bình Nhâm bằng xe đạp.

Một buổi sáng cũng vào năm 1982 có một thanh niên xanh xao, môi đen thâm đến nhà nhờ tôi chữa bệnh tim của anh theo lời giới thiệu của bác sĩ D. tại địa phương. Anh thành thật cho tôi biết bịnh của anh ở vào thời kỳ bị "thầy chê". Tôi ở vào tâm trạng vô cùng bối rối. Ai cũng không dám chữa cho anh ấy thì tôi làm sao lại dám. Bác sĩ D. là người quen biết với tôi. Tôi có giúp cho ông một chuyện với kết quả tốt ngoài ước muốn của ông khiến ông tin tưởng tôi. Ông không chữa cho người thanh niên bị bịnh từng được bác sĩ C. ở Sài Gòn chữa trong nhiều năm qua mà lại giới thiệu cho tôi. Quả tình tôi lo ngại vì nhiều lý do khác nhau. Tôi sống trong cảnh thiếu thốn ngặt nghèo. Tôi không nhận sự báo đáp tiền bạc của người bịnh đến với tôi. Nhưng nếu có chuyện gì không may xảy ra thì họa đến với tôi trùng trùng.

Sự từ chối của tôi làm cho người thanh niên thất vọng. Anh khóc và quỳ xuống lạy tôi. Tôi kéo anh đứng dậy và tự thấy có tội làm cho người thanh niên tuyệt vọng. Tôi đứng trước bàn thờ và cầu nguyện để được phép chữa người thanh niên bị bệnh nghiêm trọng nầy. Tôi cũng cầu xin nếu chữa không lành bịnh thì cũng đừng có chuyện bất lành nào đến với tôi. Khấn nguyện xong tôi ngồi yên vài phút cho tâm hồn thật lắng đọng và bình thản trước khi bắt tay vào việc chữa trị. Một lần nữa tôi khuyên anh dùng lá trường sinh. Ngày hôm sau anh trở lại với sự tin tưởng và lạc quan. Anh cho biết lần đầu tiên anh có một giấc ngủ thật yên. Sau ba tuần lễ anh cỡi xe đạp đi Sài Gòn để nhờ bác sĩ C. xem bịnh tình của anh như thế nào. Lộ trình khứ hồi gần 50km. Để cho bác sĩ giữ tính khách quan, tôi dặn người thanh niên đừng nói gì về việc gặp tôi. Bác sĩ C. ngạc nhiên và cho rằng bịnh của anh giảm 90%. Anh mừng quá chạy thẳng đến nhà tôi để báo tin mừng.

Trong những người mà tôi kể qua bây giờ chỉ còn người thanh niên bịnh tim nầy còn sống mà thôi.

Thời gian trôi qua nhanh. Cây trường sinh vẫn trường sinh. Con người có trường thọ nhưng không trường sinh. Tôi viết bài nầy để nhớ lại:
– Anh tôi, kỹ sư Phạm Đình Trị, người đã phổ biến Cây Sống Đời lần đầu tiên trên báo Tin Sáng.
– Những người bịnh kể trên đã đem lại cho tôi những tin vui làm cho tôi tìm thấy hạnh phúc trong tâm giữa lúc lâm vào cảnh túng quẫn ngặt nghèo.

Dẫu rằng ai có nghìn vàng
Đố ai mua được một tràng mộng xuân

Tôi không mua một tràng mộng xuân. Tất cả những tin vui mà các vị kể trên mang lại đều là thật. Các vị ấy cám ơn tôi. Họ không ngờ rằng chính tôi cám ơn lại họ vì tôi đã tìm một hạnh phúc không chân dung làm cho tôi sung sướng và lạc quan để thấy được rằng có một loại hạnh phúc độc lập với danh, lợi và sự dồi dào vật chất.

– Kỷ niệm hai lần nói chuyện về Châm Cứu và Thuốc Nam tại Lái Thiêu năm 1982. Sau buổi nói chuyện lần thứ nhất tất cả cây trường sinh trước sân nhà tôi đều bị nhổ sạch. Đó là vụ trộm thuốc trường sinh đáng yêu mà tôi được biết khi còn ở quê nhà.

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.
 
__________________
(1) Johann Wolfgang von Goethe (1749 - 1832) là nhà văn, nhà soạn kịch và nhà vạn vật học Đức. Ông là tác giả của The Sorrows of Young Werther, Faust, Roman Eligies, Metamorphosis of Plant v.v. Ông đã trồng cây trường sinh và viết về loại thảo mộc nầy trong sách thực vật học của ông. Các nhà thực vật học Âu Châu đã biết cây trường sinh vào thế kỷ 18.

(2) Tên một thành phố ở Ấn Độ. Chứng bịnh nầy là bịnh miền nhiệt đới do nhiễm trùng Leishmania làm sưng lá lách, mất máu, da nhăn và chết. Nó được biết dưới tên y học "bịnh Kala azar" (tiếng Ấn Độ "'kala":đen, "azar":thuốc độc) hay Leishmaniasis hay Dum Dum fever

Saturday, June 13, 2015

CÂU CHUYỆN VỀ NHÀ THƠ PHÙNG QUÁN (1932-1995)

CÂU CHUYỆN VỀ NHÀ THƠ PHÙNG QUÁN (1932-1995)


Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêụ
Tôi muốn làm nhà văn chân thật, chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.
 Nhớ chị Bội Trâm - Đám cưới và đêm tân hôn



Bữa trước mình ra Huế, anh Ngô Minh nhắc mình, nói mi mần chi thì mần, cố sắp xếp thời gian viếng mộ anh Quán chị Trâm. Anh Ngô Minh nhắc hơi thừa, mình đã viếng mộ anh Quán chị Trâm cách đó mấy ngày, trước khi bù khú với anh em văn nghệ Huế.



Nhờ sáng kiến của Ngô Minh, những người yêu mến Phùng Quán đã nhiệt tình hưởng ứng, khu mộ vợ chồng nhà thơ Phùng Quán đã được cất lên phía tây làng Thủy Dương (quê Phùng Quán) phía Nam thành phố Huế, đã trở thành một địa chỉ văn hóa của thành phố Huế cho khách thập phương, thật tuyệt vời.



Mình nhớ năm 1995, ngày đưa anh Quán về trời, an táng ở quê chị Trâm thuộc Nhổn huyện Từ Liêm. Đám tang giữa mưa xuân.Từ khi đầu đám cho đến khi hạ huyệt mình không khóc. Nhưng khi hạ quan tài, thấy cái huyệt ngập nước, quan tài lún dần trong nước mình đã bật khóc. Chị Bội Trâm cũng xỉu đi, có lẽ chị không chịu nổi khi thấy anh Quán phải nằm trong nước. Liền mấy năm sau đó, ngày giỗ anh Quán nào chị Trâm cũng nói chuyện với mọi người ước nguyện của chị là đưa anh Quán về Thủy Dương quê anh.


Chị nhắc đi nhắc lại hoài nghe thật sốt ruột. Từ khi anh Quán mất, chị mỗi ngày mỗi héo đi. Gặp mình lần nào cũng nói chuyện anh Quán, chỉ nói chuyện anh Quán không nói chuyện nào khác. Chị nói anh Quán đã cho chị sống như chị muốn, giờ anh mất rồi, chỉ một ước nguyện cuối cùng là đưa anh về Thủy Dương, mai mốt chị về trời, chị cũng muốn về Thủy Dương với anh Quán. Rồi ngước lên bàn thờ rưng rưng nhìn anh Quán, chị chép miệng nói biết hoàn cảnh mình không nhờ con được, chị đành trông cậy hết vào bạn bè.



Hai chục năm sau ước nguyện của chị Bội Trâm mới thành. Thực ra việc đưa anh Quán về quê không khó. Họ hàng nhà anh Quán đã xin làng Thủy Dương một mảnh đất làm khu mộ, bất kì khi nào chị Trâm muốn anh Quán về quê họ cũng sẵn sàng. Nhưng khi chị Trâm còn sống không ai nỡ đưa anh Quán về quê, chị ở Hà Nội anh nằm ở Huế sao đành. Ngày giỗ tết chị phải về Huế thắp hương, đường xá xa xôi rất vất vả cho chị. Hơn nữa khi chị Trâm còn sống, nếu đưa anh Quán về quê thế nào chính quyền cũng ra tay giúp đỡ, điều mà anh Quán không muốn. Cho nên hai năm sau ngày chị Bội Trâm về trời anh Ngô Minh mới bàn với họ hàng anh Quán đưa anh chị về Huế.


Anh Ngô Minh là người có công rất lớn trong việc đưa chị Trâm anh Quán về Huế, tạo nên khu mộ vợ chồng nhà thơ đầu tiên của cả nước. Vợ chồng về trời được xây mộ bên nhau thì nhiều nhưng đó là do con cái dựng nên, việc vợ một nhà nhà thơ được bạn bè và họ hàng nhà thơ kính cẩn rước về quê ở trong khu mộ của nhà thơ là chuyện xưa nay hiếm. Có lẽ chị Bội Trâm là người duy nhất được hưởng cái phúc này, bởi vì chị là vợ nhà thơ xưa nay hiếm.




Gia đình Phùng Quán

Chị Trâm bằng tuổi anh Quán, năm 23 tuổi chị là cô gái xinh đẹp phố Hàng Cân, là giáo viên văn trường Chu Văn An, trường học danh giá ở Hà Thành. Năm 1955 chị gặp và yêu anh Quán ngay trong năm đó, năm mà anh Quán vừa mang cái án Nhân văn giai phẩm. Anh Quán bị đuổi ra khỏi quân đội, năm trước vừa về Văn nghệ quân đội ở 4 Lý Nam Đế năm sau đã bị buộc phải rời khỏi 4 Lý Nam Đế.

Cuốn sách 
Vượt Côn Đảo được giải thưởng, nổi tiếng như cồn khắp cả nước cũng không cứu được anh, Hội nhà văn khai trừ anh khỏi hội. Từ nhà văn quân đội danh giá Phùng Quán bỗng trở thành kẻ vô gia cư, một homeless hưởng trợ cấp của Hội nhà văn mỗi tháng 25 đồng, tiền cơm bụi cho loại nhà văn bị treo bút. Thế cũng gọi là may, nhiều người bị tù đày, bị đuổi ra khỏi thành phố và không một xu trợ cấp.



Chuyện chị Bội Trâm yêu Phùng Quán gian nan thế nào có thể viết cả một cuốn sách. Chị Trâm không kể cho ai nghe, lần nào mình hỏi chị cũng chép miệng nói cực lắm em à, nhắc lại thêm buồn. Nhưng anh Quán thì kể, kể rất nhiều, cứ mỗi lần hai người cãi nhau, giận nhau vì chuyện gì đó anh Quán thường đem chuyện chị Trâm quyết lấy anh kể cho mọi người như là lý do vì sao họ không thể chia tay nhau được.


Thời đó nghe mấy tiếng “bọn nhân văn” ai nấy đã dựng tóc gáy nổi da gà, việc chị Trâm quyết yêu anh Quán đúng là chuyện lạ. Nhà trường kiểm điểm, gia đình ruồng bỏ, họ hàng bà con ai ai cũng phản đối. Mẹ chị uất quá, vừa khóc vừa mắng chị, nói lấy chồng như thế thì thà nhảy nhảy xuống giếng cho xong. Chị Trâm vẫn không nao núng, nói con đã yêu anh Quán nên con không thể yêu người khác. Nếu bố mẹ không cho con lấy, con xin vâng lời, nhưng con sẽ không lấy người đàn ông nào khác nữa. Cuối cùng bố mẹ chị cũng phải xuống thang cho cưới.


Thực ra anh Quán chị Trâm được đăng kí kết hôn thôi còn lễ cưới đã không xảy ra. Trăm sự vì cái tên Phùng Quán. Họ sợ cái tên Phùng Quán có trong thiệp cưới liệu có mấy ai dám đến dự? Bạn bè anh Quán hầu hết đã cắt đứt quan hệ, lặn một hơi không sủi tăm, anh này chê anh kia hèn nhưng hễ gặp anh Quán anh nào cũng mắt trước mắt sau chuồn lẹ. Bạn bè văn nghệ vẫn gần gũi với anh Quán trong những ngày hoạn nạn như nhà thơ Tạ Vũ, nhà báo Xuân Đài, họa sĩ Lê Huy Quang, nhà báo Xuân Trung… thật là hiếm.

Phông chính đám cưới thời đó thường có đôi bồ câu cắp mỏ nhau, tên cô dâu chú rể được treo lên đấy. Nếu đám cưới xảy ra, bà con hai họ thấy cái tên Phùng Quán, “phần tử chống Đảng”, liệu có ai dám bước vào hôn trường nữa không? Hơn nữa đang khi chính quyền đang phê phán bọn nhân văn mà một phân tử nhân văn lại tổ chức đám cưới ngay trước mũi chính quyền, khác nào thách đố nhau.


Nghĩ vậy nên họ không làm đám cưới, chỉ gửi cầu trau báo hỉ, cũng chỉ báo hỉ tên chi Trâm: “Trầu cau chạm ngõ của cô Trâm”, ngay cái từ cưới cũng không dám dung, chỉ dám nói “ra riêng”. Anh Ngô Minh tìm được cái thiệp báo hỉ do họa sĩ Lê Huy Quang vẽ, “mặt trước là hai bông hoa do bạn thân, họa sĩ Lê Huy Quang vẽ, mặt sau có đôi chim bồ câu và mấy chữ của Phùng Quán viết tay . Đây là thiếp báo tin gửi cho cô giáo Mai Thị Từ của chị Trâm :” Chúng em đã ra ở riêng ngày 12-1-1962. Chúng em nhờ những bông hoa này mang tin vui đến với cô. Mong cô chia vui và mừng cho hạnh phúc của chúng em”.


Anh Ngô Minh đã nói về đám cưới anh Quán chị Trâm thế này: “Chị Vũ Bội Trâm có lẽ là người con gái Việt Nam duy nhất lấy chồng không có lễ tơ hồng, không đám cưới, không được mặc áo cưới, không lên xe hoa, không có đưa dâu, không có phòng tân hôn sang trọng, không chụp ảnh, quay phim…như các đám cưới bình thường khác…” Nghe mà ứa nước mắt. Vợ chồng Phùng Quán tổ chức tiệc cưới tại nhà bà Tưởng Dơi, mẹ nuôi của Phùng quán.

Bữa tiệc có vợ chồng Tạ Vũ và hai nhà báo Xuân Đài, Xuân Trung. Anh Ngô Minh kể Phùng Quán ra chợ mua hai con gà, ra Hồ Tây câu trộm ít cá, cùng với mấy lít rượu kí nợ nhà bà Hai Hạnh…thế là thành bữa tiệc. Mình hỏi anh Quán, anh cười, nói đâu có, mọi việc do bà mẹ nuôi lo cả. Sau này mới cá trộm rượu chịu văn chui chứ khi đó chẳng dám làm gì, chỉ biết trông vào 25 đồng trợ cấp của Hội nhà văn, cực lắm.



Sau bữa tiệc là đêm tân hôn. Nhà bà Tưởng Dơi nhỏ hẹp, chỉ hơn chục mét vuông chỉ có hai cái giường đơn, loại giường tập thể hồi đó rộng chừng một mét, dài chừng mét sáu, anh Quán một giường, bà Tưởng Dơi một giường. Bữa đó Tạ Vũ say, phải ngủ lại không về được, bà Tưởng Dơi phải nhường giường cho họ, bà nằm võng. Vì nhà chỉ hơn chục mét vuông, để có khoảng không mắc võng, hai cái giường phải xếp lại gần nhau. Đêm tân hôn vợ chồng Phùng Quán nằm sát giường vợ chồng Tạ Vũ.


Họ nằm im bên nhau, không dám ôm nhau, không dám hôn nhau dù là cái hôn rất khẽ. Họ nằm ngửa, tay nắm chặt tay thở đều cố làm như mình đang ngủ ngon, kì thực trắng đêm không ai chợp mắt.

Đó là đêm tân hôn có một không hai khắp thế gian này.

Nhớ chị Bội Trâm, thời rượu chịu cá trộm văn chui



Mình kể chuyện chị Bội Trâm làm vợ cho nhiều cô, bà nghe. Ai cũng cảm  phục tấm lòng của chị nhưng khi hỏi họ:  nếu rơi vào hoàn cảnh như chị Bội Trâm thì cô bà có làm được như chị không, đa số đều trả lời không, không dám và không muốn. Mình cho chị Trâm biết, chị cười, nói chị cũng không dám và không muốn, chẳng qua trời khiến thì chị phải sống thôi. Mình hỏi nhỏ chị, nói em hỏi thật chị nhé, sống với anh Quán chị có thấy hạnh phúc không. Chị im lặng hồi lâu rồi thì thầm, nói nhiều lần anh Quán hỏi chị vậy, lần nào chị cũng chỉ một câu trả lời: "nếu không hạnh phúc em đã bỏ anh lâu rồi."


Mình cũng đã nghe nhiều cô, bà nói với mình như vậy, bà xã nhà mình cũng nói với mình như vậy, hi hi… Nhưng làm được như chị Bội Trâm khó có ai dám. Suốt cả cuộc đời ngụp lặn trong túng thiếu ( cả tình cảm lẫn vật chất) để tìm kiếm hạnh phúc, trong số phụ nữ mình quen biết chắc chỉ có chị Bội Trâm, không còn ai.


Cưới xong anh Quán phải đi lao động cải tạo ở Thái Bình, Thanh Hoá, Việt Trì. Chẳng ai buộc anh phải đi cải tạo cả, Hội nhà văn, Bộ văn hóa muốn Phùng Quán trở thành nhà văn tốt nên động viên anh đi thôi, hi hi. Thời đó nó hồn nhiên như thế, nhà văn tài không quan trọng bằng nhà văn tốt,  nhà văn tốt là nhà văn biết ba cùng với nông dân. Bác Tô Hoài kể Phùng Quán trở thành “vua phân bò” từ đó, những ngày ba cùng ở Thái Bình anh nhặt phân bò tài đến nỗi hố  ủ phân vừa đào xong đã đầy, dân không kịp đào hố ủ cho Phùng Quán.


Mọi người phong Phùng Quán là “vua phân bò”, anh phấn khởi lắm, nói nhờ rứa mà văn Phùng Quán khỏi bị thối như phân. Anh còn xung phong lên rừng núi Thái Nguyên suốt  ba năm liến, một mình canh mấy hecta ngô khoai sắn của cơ quan. Mình hỏi anh Quán, nói anh xung phong thiệt à? Anh cười cái hậc, nói người ta gợi ý mình xung phong thì mình xung phong chớ răng. Chẳng ai ép mình, chỉ nói tùy đồng chí thôi, nhưng thời đó cái chữ tùy dễ sợ lắm.
 

Trong suốt mười năm sau ngày cưới, chị Trâm ở nhà mẹ phố Hàng Cân, anh Quán đi cải tạo lao động thỉnh thoảng về nhà mẹ nuôi là bà Tưởng Dơi, vợ chồng lại gặp nhau ở đấy,  bí mật lén lút như đang yêu vậy. Ngay cả khi có hai mặt con, cái Quyên và thằng Quân, anh chị cũng chỉ dám hẹn hò gặp nhau ở nhà bà Tưởng Dơi, chưa dám công khai cho mọi người biết, “phần tử chống đảng” dễ sợ vậy đó.


Anh Quán đi cải tạo chị Trâm một mình nuôi hai đứa con, đến khi anh Quán trở về, chị còn phải nuôi thêm anh Quán. Nuôi thêm anh Quán tức là nuôi thêm bạn bè của anh Quán nữa. Từ khi trường Chu Văn An  thương tình  cho  vợ chồng anh Quán ở tạm nơi chứa đồ mộc thí nghiệm của nhà trường, có chỗ chui vào chui ra, nhà chị không khi nào ngớt khách, luôn luôn có ít nhất một bạn anh Quán ăn ở trong nhà anh chị. Lương giáo viên cấp 3 chỉ dùng được một tuần là hết, thỉnh thoảng anh Tuân Nguyễn, anh Xuân Đài lấy một phần lương của họ đưa cho chị Trâm nhưng cũng chỉ như muối bỏ bể, không ăn thua.




Nhiều lần tan lớp chị Trâm đứng ở cổng trường, ngẩn ngơ không biết phải đi đâu, làm gì có được một, hai đồng đi chợ. Tất cả những gì bán được đều đã bán, tất cả những ai vay được đều đã vay, phòng tài vụ đã cho ứng trước mấy tháng lương rồi, không thể ứng thêm được nữa. Khi đó chỉ có khóc, trông chờ ông Bụt hiện ra hỏi vì sao con khóc, chẳng có cách nào khác. Chị Trâm không khóc, ông Bụt cũng không hiện ra, nhưng lần nào cũng vậy, cái số “có quí nhân phù trợ” đã giúp chị qua được cơn bĩ cực. Thế nào rồi cũng có người đi qua, khi thì bạn chị khi thì bạn anh Quán, nói đứng làm gì đó hả con kia, sao trông cái mặt như mặt mất sổ gạo thế hả? Rồi người đó dúi cho một hai đồng, rất nhiều lần như thế.


Cũng rất nhiều lần cầm một hai đồng về nhà chị thấy trong nhà vài ba người khách, bữa cơm rượu hèn lắm cũng phải mất năm sáu đồng. Chị cứ xách giỏ đi liều ra chợ, hy vọng cái số “ có quí nhân phù trợ” sẽ giúp chị. Nếu hỏi nếu chẳng ai giúp thì sao, chị cũng chỉ biết cười trừ, chị hoàn toàn không có câu trả lời. Trời đã trả lời giúp chị, đúng vậy, trời đã giúp chị, chưa khi nào chị phải xách giỏ không trở về.


Một lần  bà hàng cá thấy chị đứng tần ngần trước mớ cá chép, lật đi lật lại cái đầu cá mà không dám hỏi giá, hỏi làm sao khi túi chị chỉ còn có hơn một đồng. Mãi rồi chị cũng phải đứng dậy bỏ đi. Bà hàng cá liền gọi giật hỏi nhỏ, nói "vợ Phùng Quán phải không"? Và rồi con cá chép hai cân  có người mua bốn đồng rưỡi không chịu bán đã lọt vào cái giỏ nhựa rách của chị. Chị xách con cá ra khỏi chợ không biết mơ hay thực nữa, lâu lâu lại nhìn vào giỏ, chỉ sợ con cá tự dưng biến mất.


Anh Quán nghe chị Trâm kể cảm động lắm, quyết ra Hồ Tây câu trộm một con cá chép hai cân trả ơn bà hàng cá. Không câu được cá chép hai cân, bù lại anh câu được sáu con cá mè và hai con cá chuối, con nào con ấy cỡ một cân. Chị mang hết ra tặng lại bà hàng cá. Bà hàng cá mừng lắm, trả chị mười hai đồng, nói ơn nghĩa là đây, em giúp chị có cá bán buôn là may cho chị lắm rồi. Từ nay chị em mình dựa vào nhau mà sống. Nghề cá trộm của Phùng Quán bắt đầu từ đó.


Còn văn chui thì thế nào? Chị Bội Trâm mỉm cười, nói cũng nhờ bác Thanh Tịnh cả đấy. Trước đó anh Quán chẳng dám nghĩ đến cái nghề văn chui đâu, nhờ bác Thanh Tịnh bày cho đấy.


Chuyện là thế này.

Xưa làm ở Văn nghệ Quân đội, Phùng Quán vẫn hay hầu rượu hầu trà Thanh Tịnh, họ là đồng hương Thừa Thiên- Huế. Sau vụ Nhân văn giai phẩm, Thanh Tịnh là người duy nhất trong Văn nghệ quân đội vẫn quan hệ với Phùng Quán (là nói thời kì đầu, về sau còn có Tào Mạt), ông vẫn hay đến nhà Phùng Quán chơi, thân thiết cả hai vợ chồng.


Một hôm chi Bội Trâm đạp xe về phố Hàng Cân, dọc đường gặp Thanh Tịnh đang đi bộ trên vỉa hè, bác vẫy chị dừng xe, nói tao nghe nói thằng Quán rượu chè ghê lắm, tiền rượu chịu lên bạc nghìn có phải không? Chị giật mình ngạc nhiên, nói đâu có anh, anh Quán có rượu chịu nhưng chỉ năm bảy chục một trăm đồng là anh í trả thôi mà. Thanh Tịnh lắc đầu nhăn mặt, nói cô còn bao che cho chồng nữa. Chúng nó bảo tiền rượu lên tới ngàn hai rồi đó, có bán nhà cô chú cũng không đủ trả.


Chị Trâm thất sắc chạy về nhà bà chủ hàng rượu, cái cột nhà vạch vôi chi chít, cứ một lít là một vạch, có đến hàng trăm vạch như thế, tính ra chừng bốn trăm đồng. Chị thở phào nhẹ nhõm, bốn trăm còn hy vọng trả được chứ nghìn hai thì chắc chết. Bà chủ chỉ cho chị Trâm ba cột khác đầy vạch, nói còn ba cột năm ngoái đây nữa cô Trâm ơi. Chị hoa mắt, suýt té xỉu. Chị về nhà ngồi khóc một mình không biết ngỏ cùng ai. Anh Quán hiếu khách. Hễ  có khách là có rượu, ngày nào cũng vài ba khách, tích tiểu thành đại giờ lên đến ngàn hai trăm đồng. Thất kinh. Cái nhà mặt tiền phố Huế  lúc đó cũng giá nghìn hai trăm đồng chứ bao nhiêu đâu.


Vừa lúc Thanh Tịnh đến chơi, thấy chị khóc ông mắng át đi, nói khóc có ra tiền ra bạc được không? Lôi đống bản thảo thằng Quán cho tao xem may ra có thể in được cái gì. Chị Trâm càng khóc to hơn, nói anh ơi anh Quán bị treo bút, ai cho in mà in. Thời buổi nhất thân nhì quen này lấy tên người lạ người ta không in cho đâu. Anh Tịnh cốc đầu chị Trâm, nói vợ chồng chúng mày ngu lắm, không cho lấy tên thằng Quán thì lấy tên bạn bè thằng Quán, ít nhất cũng có tên tao. Tao cho nó mượn tên cả đời.


Anh Quán về nhà, chị Trâm kể cho anh nghe, anh nhảy lên hú mấy tiếng, nói sáng kiến sáng kiến, Thanh Tịnh muôn năm! Hôm sau anh Quán ôm chồng kí sự Vĩnh Linh đất lửa đến nhà Thanh Tịnh, nói chọ ni được mấy trăm đồng? Thanh Tịnh ngắm nghía gật gù, nói chọ ni được chừng tám trăm. Mày về viết thêm cuốn Nghệ thuật viết tấu và đọc tấu nữa, ráng bôi ra hơn trăm trang cũng được bốn trăm đồng, vừa đủ trả nợ tiền rượu. Anh Quán nói cuốn ấy có đặt người ta mới in, mình tự viết không ai in cho đâu. Anh Tịnh cú đầu anh Quán, nói ngu lắm. Mày không nhớ tao là cây tấu nổi tiếng à. Nhà xuất bản văn hóa đặt tao viết cả năm rồi nhưng tao nhác chưa viết được, mày viết đi.


Mấy tháng sau hai cuốn sách lấy tên Thanh Tịnh ra đời, Thanh Tịnh tự đến Nhà xuất bản lấy nhuận bút đưa cho chị Trâm. Anh Quán biện mâm rượu nhỏ đội đến nhà Thanh Tịnh, anh quì sụp xuống vái Thạnh Tịnh ba vái, nói sư huynh đã chỉ cho em con đường sống, đội ơn sư huynh suốt đời. 


Cái nghề văn chui của Phùng Quán cũng bắt đầu từ đó, cũng từ đó anh Quán chị Trâm sống trong nơm nớp lo sợ. Lo bà chủ hàng rượu đòi nợ bất ngờ, chưa bao giờ bà đòi nợ anh Quán cả nhưng phàm đã mắc nợ không thoát được sự lo. Lo nhất vẫn là lo trộm cá bị bắt, văn chui bị phát hiện. Ba chục năm sống trong nơm nớp, nghe tiếng chó sủa lạ cũng giật mình thon thót, khổ thân anh Quán chị Trâm.


Sau ngày anh Quán mất, mình nghĩ chị Bội Trâm sẽ khó khăn về kinh tế nên cố tìm mọi cách tái bản sách anh Quán để chị có thêm đồng vào đồng ra. Bộ Tuổi thơ dữ dội được Nhà xuất bản Kim Đồng in thành 6 tập rất đẹp, nhuận bút tính kịt tường, mình mừng lắm vội vàng đem lên cho chị.

Chị Trâm ôm bộ sách đặt lên bàn thờ, nói "anh ơi, nhà Kim Đồng vừa in Tuổi thơ dữ dội đẹp chưa này. Mình đưa nhuận bút cho chị, chị đặt lên bàn thờ, nói Lập nó đưa nhuận bút đây anh, nhiều thế này em tiêu làm sao hết. Vừa nói xong chị bật khóc, ngồi run rẩy bên bàn thờ không nói được câu nào nữa."



Sau rồi chị tâm sự, nói ngày anh Quán mất, anh em bạn bè cúng rất nhiều tiền, đến mấy chục triệu chứ không ít. Một mình chị Trâm chỉ tiêu hết 5 ngàn một ngày, lương hưu tiêu hảy còn thừa, chị không biết làm gì với mấy chục triệu tiền cúng. Mình cười, nói chị lo bò trắng răng, lo gì lại lo thừa tiền. Chị xua tay, nói không không, ý chị không phải vậy. Mình hỏi sao. Chị ngồi thừ hồi lâu rồi khẽ thở dài, nói mấy chục năm sống với anh Quán không một ngày nào chị không mơ có được nhiều tiền nhưng không bao giờ có. Bây giờ có nhiều tiền rồi anh Quán lại bỏ chị mà đi.


Chị ngồi run rẫy bên bàn thờ, ngước nhìn anh Quán, nước mắt dàn dụa.


Sự tích chiếc xe trâu của Phùng Quán
Nguyễn Quang Lập


Nhà thơ Phùng Quán (1932-1995)

Những năm tám mươi mình ở quê, mỗi lần ra Hà Nội mình thường trọ hai nơi, một là nhà Phạm Xuân Nguyên, hai là nhà Phùng Quán. Chỉ hai nơi đó là mình cảm thấy hoàn toàn tự do như ở nhà mình. Nhà thằng Nguyên bằng cái lỗ mũi, chưa đầy chục mét vuông. Vợ chồng nó còn trẻ, có mình chúng nó như bị cấm đoán chuyện vợ chồng, rất khổ nhưng chúng nó vẫn vui vẻ. Mình cũng ái ngại lắm. Thường trước khi ngủ mình nốc rượu thật say, một là để ngủ cho ngon, khỏi phải tưởng tượng lung tung, hai là ngầm thông báo cho chúng nó là mình say rồi, “chết” rồi, muốn làm gì thì làm, hi hi.

Lúc đầu cứ ra Hà Nội là mình tấp vào nhà thằng Nguyên. Một hôm, anh Quán đến chơi nhà thằng Nguyên gặp mình ở đấy. Tàn cuộc anh kéo mình ra ngõ, nói mày vô nhà lấy đồ anh chở lên nhà anh. Mình ngạc nhiên, nói răng rứa anh. Anh cười, vỗ nhẹ vai mình, nói mày có vợ rồi mà tồ lắm. Mày nằm chềnh ềnh ra đó, tụi nó biết mần ăn ra răng. Mình ok liền, vui vẻ theo anh về nhà. Bây giờ mình mới để ý chiếc xe đạp của anh Quán, nó to quá cỡ, trông thô kệch kinh hồn, chưa bao giờ mình thấy chiếc xe đạp nào to kềnh càng và thô kệch như xe này, ống tuýp khung xe to hơn cổ tay, nan vành xe chiếc nào chiếc nấy to bằng đầu đũa, không thèm nói ngoa.

Anh Quán nói đó là xe trâu, người Nga dùng nó làm xe thồ, chở vài tạ vẫn chạy tốt. Mình hỏi sao anh mua xe này. Anh cười cái hậc, nói tiền đâu mà mua, có tiền cũng chẳng có mà mua, xe này khắp Hà Nội bói không ra một chiếc. Mình nói ủa, rứa răng anh có. Anh nói người ta tặng. Mình hỏi ai tặng, anh nói Lênin. Mình cười phì, nói anh không biết nói trạng. Lênin chết năm nào, anh sinh năm nào mà bảo Lênin tặng anh chiếc xe đạp này. Anh cười hì hì, nói rứa mới tài.

Mình không hỏi nữa vì biết thế nào anh cũng kể, tính anh thích kể có đầu có đuôi, ít khi kể gọn lỏn một câu. Anh hay kể mấy chuyện liên quan đến sự viết của anh. Anh kể cái truyện Vượt Côn Đảo tất nhiên anh bịa, hồi đó nghe người ta kể lại một phần anh bịa ra chín phần. Cho đến ngày anh ngồi kể cho mình nghe, khoảng năm 85 – 86 chi đó, anh vẫn chưa biết Côn Đảo méo hay tròn. Trong đó có mấy câu anh tả con đường từ nhà tù ra bãi dương (trường bắn) được lót xương của các tù nhân bị án tử hình. Là anh bịa ra thế để nâng cao lòng căm thù Đế quốc thực dân chứ xương người làm sao lót được đường. Chẳng ngờ trong hồi ký của một ông ở tù Côn Đảo về (ông này nổi tiếng lắm, không dám nêu tên, hi hi) khi viết về con đường này cũng tả y chang như anh tả, cũng con đường lót xương các tù nhân, he he.

Cũng chuyện tù Côn Đảo, trong Trường ca Võ Thị Sáu (thực ra là bài thơ dài, in nguyên một trang báo Tiền phong) anh viết tuổi 16 chị Sáu vẫn hái hoa lê-ki-ma cài tóc. Buổi sáng ngày bị hành hình, chị đã ngắt một nhành hoa lê-ki-ma cài lên mái tóc, trên đường ra pháp trường chị vừa đi vừa hát. Anh đâu biết lê-ki-ma là cây gì, nghe cái tên đẹp thì tưởng hoa của nó chắc đẹp lắm. Sau này mới biết lê-ki-ma thực ra là cây quả trứng gà, hoa đã xấu lại đầy nhựa, “ngắt một nhành hoa cài mái tóc” có mà dở hơi. Ai dè bác Nguyễn Đức Toàn lấy cảm hứng từ bài thơ của anh để viết bài Biết ơn Võ Thị Sáu (chắc khi đó bác Toàn cũng không biết cây lê-ki-ma là cây gì): Mùa hoa lê-ki-ma nở ở quê ta miền đất đỏ / Thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng / Đã chết cho mùa hoa lê-ki-ma nở… Chị Sáu đã hy sinh rồi / Giọng hát vẫn như còn vang dội vào trái tim… Anh Quán cười khà khà, nói sau này hễ viết về chị Võ Thị Sáu thì người ta lại bê nguyên chi tiết này vào, vui quá là vui.

Đến ngày thứ ba anh Quán mới kể sự tích chiếc xe trâu. Bữa đó trời mưa, anh đi đâu về, chạy rật rật vào nhà, miệng nói tay chỉ, nói Lập Lập mày bê chiếc xe đạp vào nhà cho anh. Mình chạy ra, vừa nhấc lên đã lè lưỡi, nặng quá là nặng. Mình vừa thở vừa nói xe này đúc bằng sắt hay sao, nặng như chiếc xe máy. Anh Quán cười nhẹ, nói thì bằng sắt chứ sao, có tí nhôm nào đâu, có rứa mới gọi là xe trâu. Anh lôi chai rượu vừa kiếm đâu về rót ra hai ly, nói uống đi. Xe này anh kiếm được thời viết văn chui đấy, chuyện hay lắm.

Anh kể đâu như năm 69 – 70, bé Đỗ Quyên, con gái đầu của anh, đang học cấp I. Mùa hè thì không sao, cứ đến mùa đông là nó thường xuyên đi học muộn. Trời rét mướt cả nhà ngủ khì trong chăn ấm, đến khi tung chăn vùng dậy đã bảy, tám giờ rồi. Con gái bị cô giáo phê bình liên tục, anh xót lắm, nghĩ bụng không biết làm thế nào kiếm được cái đồng hồ báo thức. Đồng hồ báo thức Liên Xô hồi đó bán phân phối giá 20 đồng, đối với anh Quán là cả một món tiền to. Nhưng giá có kiếm được 20 đồng cũng chả đến lượt anh, sổ gạo còn hồi hộp sợ có ngày bị cắt mất, anh đâu dám mơ được phân phối đồng hồ.

Đến chơi nhà Trần Dần, anh thấy có tờ họa báo Phụ nữ Liên Xô, vừa lật vài trang chợt thấy thông báo thể lệ cuộc thi viết về Lênin. Ngó xuống phần giải thưởng, giải khuyến khích là đồng hồ báo thức, bút máy và một vài thứ khác. Lập tức anh về nhà viết ngay, quyết giành cho được cái giải khuyến khích. Chừng hai ngày anh viết xong cái truyện Như con cò vàng trong cổ tích. Tất nhiên anh không lấy tên thật. Anh thư vào Nghệ An cho chú em họ đang làm công nhân lâm trường gì đấy, xin phép được lấy tên anh ấy. Sở dĩ anh lấy tên chú em họ, vì chuyện thi cử anh không dám mượn tên mấy ông bạn nhà văn anh vẫn mượn tên, hơn nữa lấy tên một người thuộc giai cấp công nhân chắc người ta sẽ ưu tiên hơn.

Mới gửi thì thấp thỏm lắm, thỉnh thoảng có bưu tá gọi ra ngõ lấy thư, trống ngực đập to hơn trống làng, cứ tưởng bở thư chú em họ báo tin giải thưởng. Hơn nửa năm vẫn biệt vô âm tín, tuyệt vọng luôn. Trách mình to đầu mà dại, tự nhiên đơm đó ngọn tre, đấu với các anh tài của cả 12 nước Xã hội Chủ nghĩa, cái giải rút cũng đừng có mà mơ.

Một hôm rượu say anh ngủ như chết, chị Trâm, vợ anh, véo cho cái rõ đau. Anh giật mình mở mắt, chị Trâm cầm tờ giấy báo trúng giải chú em họ vừa cầm ra đưa qua đưa lại trước mắt anh, ối cha mẹ ơi giải nhất! Anh tự véo đùi mình hai ba cái để xem mình tỉnh hay mơ. Chú em họ mặt nhăn như bị, nói anh mần ri chết em rồi. Anh hỏi sao. Chú em họ kể giấy thông báo về buổi sáng, buổi chiều đã ồn khắp lâm trường, một ngày sau thì ồn ra cả tỉnh. Một ông công nhân ở nơi khỉ ho cò gáy bỗng nhận cái giải nhất của Liên Xô, lại giải nhất viết về Lênin thế mới kinh. Đài lâm trường, đài huyện, đài tỉnh đua nhau nói râm ran. Các nhà báo kéo nhau về lâm trường ầm ầm, chú em họ hãi quá, nửa đêm nhảy tàu ra nhà anh.

Chuyện nghiêm trọng. Việc này nếu lộ ra chẳng những anh mất toi cái giải nhất mà việc viết văn chui của anh hơn chục năm qua nhất định bị lật tẩy, khéo không tù tội như chơi. Anh lạy lục chú em họ đã thương thì thương cho trót, cố làm sao đừng để chuyện này lộ ra. Anh diễn giải phân tích cái truyện, đặt ra đủ loại câu hỏi rồi trả lời, để chú em họ đối phó với đám nhà báo. Chú em họ cay đắng ra về, thôi thì đâm lao phải theo lao, nếu lộ ra anh Quán chết thì anh cũng chết theo, chẳng phải chuyện chơi.

Được hơn một tuần, nửa đêm chú em họ lại mò ra, lôi trong bị ra cái đồng hồ báo thức và năm chục đồng đưa cho anh Quán, nói của anh đó, anh cầm đi rồi tha cho em, hai ba tuần nay vợ chồng em mất ăn mất ngủ, kiểu này rồi cũng “tăng xông” đứng tim mà chết, chẳng sống được đâu. Hỏi thì chú em họ kể, hết lâm trường mít tinh biểu dương đến huyện, sở hội họp khen ngợi. Lại còn Tỉnh ủy gọi lên chiêu đãi, tặng 50 đồng; Ủy ban tỉnh gọi lên chiêu đãi, tặng đồng hồ báo thức. Hai vợ chồng chú em họ sợ hết hồn, cứ mỗi lần có trát gọi là tim họ nhảy lên sau gáy, mặt mày xanh như đít nhái.

Rồi cũng qua. Ngày anh Quán đưa chú em họ đến Đại sứ quán Liên Xô nhận chiếc xe đạp là ngày cuối cùng trong suốt ba tháng trời căng thẳng hồi hộp. Anh nấp sau gốc cây bên kia đường, đối diện cổng Đại sứ quán, căng thẳng đến độ mồ hôi đầm đìa toàn thân, ướt sũng cả áo quần, chỉ sợ đến phút chót mọi việc bị lật tẩy. Chờ suốt ba tiếng đồng hồ mới thấy chú em họ đẩy chiếc xe đạp đi ra. Anh ôm chầm lấy chú em họ nghẹn ngào không nói được. Hồi lâu mới nấc lên, nói em ơi, ơn em đời đời kiếp kiếp. Anh theo Vệ quốc quân vào sống ra chết không biết bao nhiêu lần, chưa lần nào anh sợ như lần này.
Nghe đến đây tự nhiên mình muốn khóc.

Nguyễn Quang Lập