THÀNH NỘI MỘT THUỞ TRONG TÔI
Bùi Kim Chi
Thời thiếu nữ của tôi gắn liền với thành nội. Nơi này tôi đã sinh ra và lớn lên. Tôi yêu thành nội bởi thành nội đã đi vào cuộc đời tôi với nhiều sắc màu . Những sắc màu ấy đã quanh quẩn bên tôi, thầm thì sẻ chia những buồn vui của tôi suốt thời con gái và nó đã lớn dần trong tôi cho đến tận bây giờ. Khi thương cảm, khi thoáng qua, khi ngậm ngùi, khi nhớ nhung nuối tiếc không nguôi với sáng, trưa, chiều, tối nội thành. Tất cả đều ánh lên một vẻ đẹp lạ lùng : trang nhã, kiêu sa, lấp lánh điệu sầu và buồn lê thê của thời gian, không gian phủ lên bốn mùa của Huế. Riêng tôi, mỗi mùa thương nhớ của Huế ở nội thành đều mang một màu sắc khác nhau gợi nhớ một thời dịu dàng tóc xỏa ngang vai của con gái và nét ngu ngơ đa tình của con trai …
Thành nội mùa xuân. Một góc hoàng cung nhuộm vàng nắng xuân. Nắng xuân thành nội lao xao rồi lả lướt theo gió đưa hoàng cung trầm mặc bổng sáng rực niềm kiêu hãnh về một quá khứ xa xưa … Mỗi giai đoạn, mỗi thời khắc người thành nội đều nghĩ và nhớ về hoàng cung một cách khác nhau nhưng tất cả đều đẹp và cùng đến một điểm chung. Êm đềm. Dậy sóng. Mùa xuân thành nội rực rỡ sắc màu. Gió ru hồn hoa, hoa lả lướt nương gió thắm ngát hương. Nắng xuân từ từ nhả khắp nơi. Một dải lụa mềm. Vàng ươm. Vườn nối tiếp vườn thấp thoáng những hàng chè tàu xanh trải dài theo nắng. Không khí mát mẻ trong lành. Một khoảng trời dịu ngọt rộn tiếng chim ca. Thiên nhiên và con người đã vẽ lên bức tranh xuân thành nội nguyên trinh, trang nhã, đáng yêu. Gió xuân hây hây làm hồng má thiếu nữ thành nội . Con gái thành nội ở một chừng mực nào đó là một thiếu nữ đằm thắm, dễ thương, kín đáo nhưng lãng mạn và quyến rũ. Dưới nắng xuân - nắng mới của thời khắc giao mùa, con gái thành nội hiện ra như một nàng thơ mảnh mai, yểu điệu là đề tài hấp dẫn của thi nhân, họa sĩ qua các ngõ hoa yên ả nội thành. Mùa xuân, thành nội có nhiều nhà vườn đẹp. Hoa lá khoe sắc. Lá dễ thương khoác chiếc áo màu lục non làm nền cho hoa rực rỡ vươn cành mời gọi khách tao nhân viếng nội thành. Tôi có cảm tưởng, mỗi khu vườn hoa kiểng của thành nội là một “bến đợi” trỗi tình thơ. Hoa đang chờ người thưởng lãm. Hoa đang đợi một bóng xưa ghé về. Nắng xuân thêu hoa như bờ neo cuộc đời của một thời vương giả rồi từ từ chuyển vào miền hoa mộng của một mùa trăng …
Thành nội xôn xao đón hạ về. Sáng thành nội, nắng chao nghiêng thả dải lụa vàng buộc những hàng cây. Cây hát. Cây làm dáng xòe lá trốn nắng thầm thì với gió tỏa hương bay qua các ngõ hoàng thành. Trưa hạ. Thành nội nắng. Thành nội nóng. Tôi ngẩn ngơ đứng giữa nắng trưa hè. Người ta bảo tôi điên. Không. Tôi không điên. Tôi tỉnh và đang đắm hồn theo những hàng phượng đốt lửa đỏ rực trên trời để nghĩ về một mùa thi thuở còn đi học. Giật mình. Mãi đến bây giờ vẫn còn sợ - sợ hỏng thi ; để nhớ về những buổi chia tay đằm thắm với lời hẹn ước dễ thương của “ngày đó chúng mình”, ngày chúng ta đi nhẹ vào đời của nhau. Thành nội mùa hạ đẹp nhất vẫn là những đêm trăng. Trăng từ hoàng cung ra đến dân giã. Cũng vẫn chỉ là trăng. Nhưng với tôi, trăng bước vào ngưỡng cửa hoàng cung trăng bỗng trở nên kiêu sa, quyến rũ, lộng lẫy mang mang điệu sầu của một thời vàng son xa xưa còn đọng lại. Trăng ngoài đời thì khỏi phải nói. Lung linh sắc màu, gợi cảm. Mỗi màu sắc mang một mảnh hồn riêng. Dưới trăng hạ, người nội thành bỗng trở thành nhà thơ. Tỉnh, say rồi say và tỉnh để thưởng cảnh và say tình. Trăng - Thơ - Tình đan xen, cuộn vào nhau làm cho hồn con trai, con gái thành nội mang một chút nghệ sĩ lãng đãng rong chơi với cõi người. Mùa trăng, thành nội là hoa, là lá, là núi, là đá, là sông, là gió, là mưa trong một vũ khúc đẹp làm say lòng người. Trăng điệu đàng mơ hồ thoáng nét duyên dìu hoa đi chầm chậm. Trăng thay áo cho lá. Trăng làm núi lên cao. Trăng lao xao tiếng đá buồn. Trăng lấp sông bằng lá. Trăng chở gió đi tìm mưa … Ôi ! Trăng thành nội. Nhưng mùa hạ ấy đã xa, có còn chăng chỉ là kỷ niệm để tôi phải khóc khi nhớ về, phải buồn khi ngắm trăng treo ở một miền đất xa …
“Mùa thu thả chiếc lá vàng”. Chiếc lá vàng bay là hình ảnh đẹp của mùa thu. Mùa thu thành nội đẹp nhờ lá vàng. Đường chiều vương gió Lê Huân, Đoàn Thị Điểm, Đinh Bộ Lĩnh, Âm Hồn, Đinh Công Tráng, Lục Bộ nao nao lá vàng bay. Lá lặng lẽ giã từ cành, nơi lá đã trải lòng suốt mấy mùa thơ. Tôi đã từng lang thang cùng lá vàng bay trên đường, suốt thời con gái. Trước mắt tôi, lá reo chào đón người đồng điệu. Quanh tôi, lá lượn, lá chao nghiêng như “cuộc đời buồn” của người thiếu nữ qua tranh. Dưới chân tôi lá nở hoa vàng. Thương cho một mảnh hồn hoa tàn tạ. Mùa thu lá vàng bay đẹp nhưng buồn. Ai đó, đã có thời gian sống ở thành nội sẽ mãi không quên hình ảnh “những cánh bay” trên đường đi học. Dịu dàng. Lung linh dưới sương thu. Con gái thành nội là hoa, là lá bốn mùa. Trời thu, gió ôm hoa nắng trong tay thổi vào cánh hạc. Cả một trời áo trắng điểm hoa vàng xôn xao. Nón nghiêng che. Để rồi:
“ Sao em biết anh nhìn mà nghiêng nón ?
Trời mùa thu mây che có nắng đâu ?
Nắng sẽ làm phai mái tóc xanh màu
Sẽ làm khô làn môi em dịu ướt
Còn tia tắng anh, có sao đâu mà em cúi đầu từ khước?”
(Thơ Trần Quang Long)
Dễ thương chưa ! Ơi, “Cánh hạc bay thành nội”.
Con gái thành nội dễ thương nhưng hay làm “điệu”. Cái “điệu” hiền hiền nhưng “từng bước, từng bước thầm” réo gọi hồn người …
Mùa thu thành nội. Mùa của nhớ thương chất ngất. Mùa của mây trắng. Gió nhẹ. Nắng buông lơi. Mùa của khói hương bay mênh mang nỗi niềm riêng. Nỗi niềm ấy là một con đường dài quá khứ không bao giờ quay lại để ta phải đếm nhịp thời gian đi tìm và gọi mãi “Tiếng thu”…
Mùa đông. “Hạt mưa rơi nhuộm tím bầu trời”… Tiếng hát của ca sĩ H.C trong một chiều đông ở Huế ngày xưa đã làm cho tôi nao lòng mỗi khi nghĩ về… “Mưa Huế buồn quá !”. Một người bạn phương nam của tôi bảo thế. “Ừ. Buồn chi lạ”. Chị tròn mắt: “Sao lại chi lạ ?”. “Ừ. Rứa đó”. Nói chung là buồn”. Thành nội vào đông. Buổi sáng. Mưa giăng khắp lối. Mưa nhỏ lệ nước xuống hoàng cung, mưa phủ nhà vườn, mưa thả giọt sầu làm mờ các ngõ nội thành. Mưa dẫn lối cho người thành nội dầm mưa tìm đến nhau ở những quán café dễ thương - café Dung, café Tôn … để cùng trải lòng qua tách café đắng. Đây là một cái thú của người thành nội khi nội thành khoác áo vào mưa. Mua rả rích. Mưa nổi bong bóng. Mưa xối xả. Mưa ào ạt. Mưa cuồn cuộn như xé lòng. Mưa dầm dề kéo dài ngày làm cho không gian mờ nhạt và thời gian như ngừng lại. Buổi chiều màu khói hương. Trời lạnh. Mưa nhẹ bay. Hoàng cung ngậm ngùi nhìn mưa trong chiếc áo rêu mờ long lanh. Mưa gõ cửa thời gian. Hoàng cung như bừng dậy với những mùa đông năm xưa… Ấm áp nhưng “lạnh lùng”. Cây ơi ! cây có nhớ những đêm trăng hè yên ả, cây lá nũng nịu đón gió thu về ? Bình an. Cây ơi ! Cây có đang thay lá đợi chờ, mong một mùa đông qua ?. Người ơi ! người có buồn khi trong ta là sợi nhớ sợi thương đong đầy kỷ niệm ? Trời về đêm. Mưa nặng hạt đưa hồn người vọng theo tiếng mưa rơi. Mưa lách tách buồn tênh trên mái ngói. Mưa dòn dã như pháo nổ trên mái tôle. Mưa ngừng giây lát rồi ào ào như thác đổ. Mưa … mưa … mưa … Mưa đông của Huế ! Mưa lẫn trong gió. Gió dìu mưa đi khắp nội thành. Nhẹ nhưng buốt người. Trời lạnh lắm, cái lạnh không dễ thương chút nào nhưng là dấu ấn của những chiếc “lồng ấp” trong tay bà, tay mẹ. Mong một chút ấm từ bàn tay đến ấm lòng. Mùa đông uống hết những giọt sầu của người thành nội để trời đông giăng mắt một màu tím buồn … mơ màng gọi nắng xuân về …
Thành nội,
Xuân đến trong môi
Hạ về trong mắt
Thu mang nỗi nhớ
Đông buồn lê thê …
Tứ thời thành nội. Cả một thời hương sắc nội thành giờ trỗi dậy trong tôi như đã hẹn muôn đời.
B. K. C
(Đồng Nai)
No comments:
Post a Comment