Saturday, March 29, 2025

NGUYÊN SIÊU: 50 NĂM NHÌN LẠI - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG ĐẦY THỬ THÁCH (1975-2025)

 

NGUYÊN SIÊU: 50 NĂM NHÌN LẠI - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG ĐẦY THỬ THÁCH (1975-2025) | trích trong tuyển tập "50 Năm Nhìn Lại PGVN tại HK, 1975-2025" | Ấn bản song ngữ, phát hành nhân Đại lễ Phật Đản do GHPGVNTNHK tổ chức tại DC, tháng 4, 2025.


MỞ ĐẦU CHO MỘT CHẶNG ĐƯỜNG

Sáng đầu tuần thứ hai, cánh cửa thư viện vẫn im lìm, bất động, không giống như những ngày trước đây. Tiếng gõ máy chữ, tiếng lật trang sách, tiếng mở tủ thư viện... cùng hình ảnh anh em học tăng chăm chú học bài nay đều vắng bặt. Sự im lặng ấy dường như mang theo một điều gì đó bất thường, len lỏi vào tâm thức mỗi người dưới mái trường Cao Đẳng Chuyên Khoa Hải Đức Nha Trang.

Dãy nhà trai đường, Cư Xá Tăng Sinh Viên, từ đầu đến cuối không còn những hình ảnh thân thuộc mỗi sáng. Những ngày trước, khi hiệu lệnh chấp tác vang lên, anh em học tăng liền cầm chổi quét rác trong khu vực của mình, do Ban Lãnh Chúng phân công. Những chiếc lá vàng khô rơi rụng suốt ngày đêm—lá bồ đề lớn bằng bàn tay, lá khế vàng cong quẹo dưới nắng hạ, lá me nhỏ li ti phủ đầy mặt đất—tất cả như những chứng nhân lặng lẽ của thời gian, chứng kiến bao thập niên trôi qua từ ngày thành lập Phật Học Viện Trung Phần Hải Đức Nha Trang.


Giờ đây, thân cây me với lớp vỏ sần sùi, tán lá rộng che mát một góc trời. Quét rác, tưới cây xong là đến giờ ăn sáng, rồi ai nấy ôm kinh sách vào thư viện, lớp học, tuân theo thời khóa biểu quy định. Không ai dám làm gì ngoài chương trình, bởi lẽ lúc nào cũng có Ôn Đỗng Minh thăm hỏi. Dù bận rộn với hãng xì dầu, Ôn vẫn luôn hiện diện trong tâm thức anh em học tăng. Giống như Ôn Già Lam, vị cha già tận tụy chăm sóc đàn con qua bao Phật Học Viện: Bảo Quốc Huế, Phổ Đà Đà Nẵng, Hải Đức Nha Trang, Quảng Hương Già Lam Sài Gòn...


Đó là những ân tình hướng thượng, những tình cảm thiêng liêng trong hành trình đào tạo Tăng tài để phụng sự Tam Bảo, phụng hiến cho đạo pháp và nhân sinh. Một kiếp người—ân đền nghĩa trả—nhiều lương duyên, nhiều hữu hạnh.


Cái bất thường ấy cứ kéo dài từng ngày, cho đến khi có tin Ôn Già Lam – Giám Viện Phật Học Viện – về thăm trường. Anh em học tăng vui mừng khôn xiết, nét mặt ai nấy đều rạng rỡ. Bởi lẽ giờ đây, ngoài quý Ôn, họ còn biết nương tựa vào ai? Sống hay chết, vui hay buồn, tu hành hay hoàn tục—tất cả đều ẩn mình dưới bóng những cội tùng già sừng sững trước thời gian. Dù cuộc đời có giông bão, dù mưa to gió lớn đến đâu, những cội tùng ngàn năm trên núi tuyết vẫn bền bỉ che mưa chở nắng, kiên gan cùng tuế nguyệt, mãi mãi bất hoại.


Ôn về, lời nói được truyền tai nhau, như một sức mạnh nhiệm mầu làm sống dậy tinh thần sau những ngày hiu hắt, im lìm... Tình thầy trò, nghĩa ân sư trở nên gần gũi hơn bao giờ hết. Đặc biệt là khi Ôn Thiện Siêu – Viện Trưởng, Ôn Đỗng Minh – Phó Viện Trưởng, Ôn Tuệ Sỹ – Giám Học Học Vụ và Ôn Trừng San – Giám Sự Viện cùng ngồi chung bàn tại phòng khách hậu Tổ, dùng cơm trong bầu không khí đậm đà, thân thương. Khi ấy, thật thấm thía câu ca dao Việt Nam:

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức.”


Chỉ khi trải qua gian nan mới thấy rõ lòng người—ai trung trinh, ai thay đổi, ai một dạ sắt son hay ai nhẹ dạ chạy theo huyễn danh, sắc tướng, những phù hoa tạm bợ của thế gian mộng mị. Điều này càng được khẳng định rõ nét trong buổi họp chúng, nơi đầy đủ mặt từ Ban Giám Đốc đến anh em học tăng.


Ôn Già Lam cất lời:

“Hôm nay tôi về đây, về thăm viện, thăm quý Thầy, thăm anh em học tăng... Trải qua bao nhiêu thời gian kể từ ngày thành lập Viện Cao Đẳng Hải Đức Nha Trang, tôi vì bận Phật sự nên không thường về được. Trên đã có Thượng Tọa Thiện Siêu – Viện Trưởng trông coi, bên cạnh lại có Thầy Đỗng Minh, Thầy Tuệ Sỹ, Thầy Trừng San Giám Sự, nên tôi cũng yên lòng.


“Nhưng hôm nay, tôi muốn nói điều này để quý Thầy và anh em học tăng hiểu rõ. Bây giờ tôi đã là Hòa Thượng, thì dù tôi có ngồi dưới nhà bếp, quý Thầy vẫn gọi tôi là Hòa Thượng; hay có ngồi trên phòng khách, nơi hội họp để uống trà, dùng cơm như hôm nay, quý Thầy cũng gọi tôi là Hòa Thượng—không có gì sai khác cả.

“Dù hôm nay ở đây, hay mai kia mốt nọ dòng đời có thay đổi, thế sự xoay vần, thiên biến vạn hóa, thì tôi vẫn luôn ở bên cạnh quý Thầy, bên cạnh anh em học tăng để cùng nhau làm đạo. Ở trong nhà Như Lai, tôi sẽ không bao giờ xa cách.


“Với cảnh đời hôm nay, riêng tôi, tôi chấp nhận chịu nhục để quý Thầy và anh em học tăng được sống, được gìn giữ giềng mối của Đạo, của Phật Pháp trước cuộc đổi thay, thăng trầm, dâu bể này.”

“Một lòng tưởng niệm Phật Đà,

Một đời con nguyện ở nhà Như Lai.

Con nguyện mặc áo Như Lai,

Ngồi tòa pháp tọa Như Lai muôn đời.”


Nghe vậy, Ôn Thiện Siêu – Viện Trưởng – cũng cất lời, lời nói thâm trầm trong tư duy và lịch nghiệm của bậc Tôn túc, một thạch trụ vững vàng trong chốn Thiền môn. Giọng Ôn nhỏ nhẹ, ấm áp, nhưng rõ ràng như lúc Ôn giảng bài trong lớp học. Anh em học tăng ngồi dưới lắng nghe, mà trong khoảnh khắc ấy, dường như tâm thức mỗi người ngừng trôi, trái tim ngừng đập, mạch máu cũng như lặng thinh, nín thở.


Người viết lại những lời này, người đọc có thể không tin. Nhưng những ai có mặt trong buổi họp chúng hôm ấy mới thấu hiểu được nỗi lòng của quý Ôn, mới cảm nhận hết những suy tư vô giá, không ngằn mé của anh em học tăng trong giây phút hiện tiền này.

Ôn Thiện Siêu dạy:

“Ở đời, người ta thường nói: Tấn vi quan, thối vi sư. Nhưng suốt đời tui chỉ làm Thầy dạy học, nên tui nghĩ về tự thân mình thế này: Tấn vi sư, mà có thối thì cũng vi sư. Có tiến tới thì làm Thầy, mà có thối lui thì cũng làm Thầy, chứ biết làm gì bây giờ! Vì mình ăn cơm Phật, nên suốt đời chỉ làm việc Phật.”


Đứng trước những thăng trầm, bĩ cực của thế gian, anh em học tăng giờ đây mới thực sự nghe được tiếng hống sư tử trong chốn Thiền môn mà kính phục, mà quy ngưỡng, để nhận ra chính mình là Thích tử Như Lai. Những bậc Thầy trên dòng chảy của lịch sử Phật giáo Việt Nam, muôn đời làm rạng ngời Phật Việt.


Ôn lặng lẽ đưa mắt nhìn khắp anh em học tăng, rồi dừng lại, cúi xuống trong dáng dấp Từ Bi muôn đời của bậc chân tu.

Có tiếng động nhỏ bên cạnh Ôn Già Lam. Anh em học tăng ngước đầu nhìn lên, thấy Ôn Tuệ Sỹ khẽ kéo vạt áo nhật bình bạc màu muôn thuở cho ngay ngắn, rồi chắp tay thưa:

“Kính bạch quý Ôn, từ nãy giờ con lắng lòng nghe quý Ôn dạy mà thầm nghĩ: từ thế hệ của quý Ôn nhìn xuống, vẫn còn có chúng con luôn sát cánh để cùng quý Ôn làm việc. Nhưng từ thế hệ của chúng con nhìn xuống, cho đến bây giờ vẫn chưa thấy ai, hoặc có mà còn đang ẩn núp đâu đó, chưa tìm ra. Vì vậy, mong quý Ôn cứ yên tâm. Bên cạnh quý Ôn đã có chúng con. Dù cho trời long, đất lở, chúng con vẫn luôn hiện diện nơi đây, không bao giờ rời bỏ quê hương và dân tộc, không bao giờ để đạo pháp bị nhiễu nhương, lung lạc bởi thế lực cường quyền, bởi sức mạnh tà ngụy của ma quân.”


Anh em học tăng sửng sốt, chỉ biết nhìn nhau, không ai dám thốt lên một lời nào trước sự uy dũng, khẳng khái của Ôn Tuệ Sỹ. Giờ đây, khi hồi tưởng lại, những lời thơ của Ôn trong Giấc Mơ Trường Sơn lại càng thấm thía hơn bao giờ hết:

“Mười lăm năm một bước đường

Đau lòng lữ thứ đoạn trường cha ơi!”


Hay:

“Một lần định như sao ngàn đã định

Một lần đi là vĩnh viễn con tàu.”


Vĩnh viễn con tàu thật rồi, Thầy ơi! Những tiếng cuốc lác nơi núi rừng Vạn Giã, những lời Thầy dặn dò anh em hãy gắng sức dịch Đại Tạng Kinh, những thanh âm dương cầm giờ cũng đã tắt lịm. Còn đâu một thoáng phù du...


Cánh cửa Viện Cao Đẳng Hải Đức Nha Trang từ từ khép lại, khép lại như bao cánh cửa Phật học viện trên khắp mọi miền đất nước. Nhìn vào điện Phật, chỉ thấy tượng Đức Bổn Sư an nhiên ngự tọa trên đài sen—bất động, như nhiên, với đại hùng lực, đại từ bi, đại trí tuệ...


Phật thấu triệt con đường duyên sinh duyên diệt, nên Phật vẫn lặng yên. Ngài an trú trong đại thể vô sinh bất diệt, trong tự tánh Không của sơn hà đại địa, của hết thảy chúng hữu tình cùng vô tình. Và nơi Từ Bi Tâm ấy, tất cả đồng thành Phật đạo. 


...


(còn tiếp)


https://sentrangusa.com/2025/03/29/ht-thich-nguyen-sieu-50-nam-nhin-lai-mot-chang-duong-day-thu-thach-1975-2025/

No comments: