Ghi chép về ca khúc CƠN MÊ CHIỀU - Truong Nguyen
Thầy Vĩnh Khôi nhớ lại rằng ông sáng tác ca khúc Cơn Mê Chiều vào ngày 18/2/1968 khi từ Sài Gòn về Tết ở Đà Nẵng.
Không, không có người bạn gái nào của ông bị mất tích trong lửa đạn ở Huế để thành lý do cảm tác của bài hát như người ta vẫn kể. Người yêu/bạn đời của ông vẫn an lành bên ông. Nhưng ngày đó xem đài truyền hình phát đi những cảnh tang thương của chiến cuộc Tết Mậu Thân, cảm xúc mãnh liệt dâng trào trong ông chỉ trong một buổi đã biến thành những lời ca day dứt, ám ảnh.
Trước sau Vĩnh Khôi tự nhận mình chỉ là một nhạc sỹ nghiệp dư. Nhưng theo tôi, với ca khúc này và bản Huế Mù Sương, Nguyên-Minh Khôi/ Vĩnh Khôi đã có thể sánh được với Đặng Thế Phong và La Hối - những nhạc sỹ chỉ để lại cho đời rất ít bài hát nhưng là những tuyệt tác của âm nhạc Việt Nam. Nó thuộc số ít tác phẩm mà khi nghe lại bạn chợt cay mắt nghẹn ngào, hay rùng mình vì một luồng điện truyền qua sống lưng.
Do nhạc sỹ Vĩnh Khôi thích giọng ca Hùng Cường qua bài Người Lái Đò, nên anh được mời là người đầu tiên thâu âm bài hát này cho hãng dĩa hát Việt Nam, do nhạc sỹ Văn Phụng phối âm phối khí. Sau đó bài hát tiếp tục được nhiều danh ca trình bày: Thái Thanh, Duy Khánh, Lệ Thu, Duy Trác, Khánh Ly… mà Thái Thanh là người thầy bảo hát đạt nhứt.
*
Lời bài hát ghi lại ở phần comment.
Thái Thanh bỏ qua lời 2, và một số ca sỹ đổi ca từ rất nhiều như Khánh Ly, Việt Dzũng; chắc vì có những cảm nhận hay lý do riêng. Người ta còn hay lầm “đường phố cũ chân mìn” thành “… chân mềm”.
Bài hát được phát hành trễ hơn dự định một tháng. Đó là vì Nha Kiểm duyệt yêu cầu Vĩnh Khôi sửa lời “xác mình xác người” thành “xác mình xác thù”- thời chiến mà! Nhạc sỹ dứt khoát không chịu, một lần, rồi hai lần; vị giám đốc Nha rốt cuộc nhường ông, cho phép để nguyên lời. Người nghệ sỹ không khuất mình; người viên chức làm cho chánh quyền biết đâu là lằn ranh để oán hờn và sự nghiệt ngã của chiến tranh không được lấn qua mà diệt luôn nhân tính. Vâng, có một thời, có một nơi chốn người Việt đối xử với nhau như rứa.
Dễ biết thôi, những ai sau 1975 cực lực muốn cấm lưu hành bài hát. Mấy kẻ “mang gươm dao vào xóm làng” đó vốn không xa lạ đối với giới sinh viên trí thức Huế. Gần đây một số trí giả vạch ra rằng không thể có hòa giải nếu còn tìm cách rủ bỏ sự thật. Ca khúc Cơn Mê Chiều từ 55 năm trước đã cất tiếng đòi hỏi sự sòng phẳng lịch sử, chớ không phải lòng căm thù.
Tác giả Nguyên-Minh Khôi đã dâng tặng bài hát này cho dân tộc Việt Nam.
*
Tôi mới được nghe Tạ Quang Sơn hát bài này và thấy rất thích. Mời mọi người cùng nghe giọng ca ấm, truyền cảm, chân thực và rất Huế của anh
https://www.youtube.com/watch?v=hsscPU9bS-I
No comments:
Post a Comment