Saturday, January 28, 2017

Xuân Thì - Phạm Duy



xuan-thi-1_zpsbgzffr2e.jpg

xuan-thi-2_zpseiumtx9v.jpg

xuan-thi-3_zpsvuofgxy2.jpg

xuan-thi-4_zpsf6a7x8up.jpg

Xuân Thì – Sáng Tác: Phạm Duy
Trình Bày: Julie Quang (Pre 75)


Mời đọc thêm:
Nhạc Xuân Phạm Duy Và Những Mùa Xuân Miên Viễn

Thái Hiền, ca sĩ thể hiện hay nhất nhạc phẩm Trên Đồi Xuân do nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác năm 1975.
Là tác giả của chừng một nghìn bài hát, nhạc sĩ Phạm Duy cũng đóng góp cho đời vài chục bản nhạc xuân. Cũng như nhạc xuân của các tác giả khác, nhạc xuân Phạm Duy ghi lại cái đẹp của thiên nhiên, con người mỗi độ xuân về. Trong bài Hoa Xuân, người nghe thấy xuân về trên bãi cỏ non, về theo gió xuân, về theo lũ ong bướm nô đùa trên những đóa hoa xuân tươi thắm. Người nghe bắt gặp một đàn em bé quê, một chàng thi sĩ, một bầy thôn nữ hân hoan đón mừng xuân. Phạm Duy cũng hay mơ về những mùa xuân thái hòa của đất nước. Xuân Thì có lẽ là một trong những bài nhạc xuân có giai điệu đẹp nhất. Êm ái, du dương, nồng nàn, Xuân THì lột tả được cảm giác thư thái của con người khi đón những mùa xuân thanh bình:

Tình xuân chớm nở đêm qua
Khi mùa chinh chiến đã lui ra ngoài đời

Và thương cây súng cô đơn
Hoa đào đã nở trên vết mòn chiến xa…


Nhưng nhạc xuân của Phạm Duy không dừng ở đó. Đối với ông, những mùa xuân đi qua rồi trở lại giống như một kiếp người xoay vòng trong sinh tử, luân hồi. Nhạc xuân của Phạm Duy vượt lên tất cả, nhìn con người đang đi trong dương gian, trong không gian và thời gian, mỗi kiếp người qua đi rồi cũng sẽ quay lại như những mùa xuân bất tận. Trong một giai điệu ngũ cung hết sức đơn giản, bài Xuân Ca đã kể lại rằng mùa xuân đầu tiên của ta đã có từ trước khi ta ra đời, từ lúc cha mẹ ái ân trong đêm tân hôn:

Xuân trong tôi đã khơi trong một đêm vui
Một đêm, một đêm gối chăn phòng the đón cha mẹ về…


Rồi những mùa xuân kế tiếp khi ta “… góp chung kêu gào thiết tha…” cất tiếng khóc chào đời, rồi lớn lên có những mùa xuân nhân tình “…xuân tôi sang, bến yêu tôi tìm gió trăng…”. Tác giả yêu kiếp sống làm người đến độ chỉ mong khi mình chết đi lại được tái sinh làm người tình trong cuộc đời mới: “… dù nay, dù mai cũng như mọi ai chết trong địa cầu… thì xin, thì xuân hãy cho tình nhân sống thêm vài lần. Xuân xuân ơi, xuân hỗi, xuân ơi…”. Xuân Ca có lẽ là bản nhạc xuân của Phạm Duy được nhiều người hát nhất. Càng lớn tuổi, ta càng nghe và càng hát bài này với nhiều nỗi niềm hơn…

Cũng tương tự như Xuân Ca, nhưng ít được biết đến hơn, bài Xuân Hành* trả lời câu hỏi muôn đời của nhân loại: “ Người là ai, từ đâu đến, và người ơi, người sẽ bước chân đi về đâu…”. Câu trả lời của Phạm Duy là như mỗi mùa xuân đi rồi lại đến, kiếp người trở về với chân như, để được tái sinh như những mùa xuân miên viễn:

“… người là ta, một mùa xuân tỏa ánh nắng mai
Bước lên đời mang một duyên tình duyên mới
Người là ta đường nhân ái còn đi mãi mãi
Hết bước xuân, TA gọi nhau về với NGƯỜI…”


Vào mùa xuân 1975, mùa xuân sau cùng của Miền Nam Việt Nam, nhạc sĩ Phạm Duy có sáng tác một loạt ca khúc xuân hết sức đặc sắc: Mùa Xuân Du Ca, Trên Đồi Xuân, Mừng Xuân… Ra mắt giới yêu nhạc chỉ được vài tháng trước khi mất nước, có lẽ vì thế mà những ca khúc này chưa được phổ biến nhiều.

Đáng nói nhất có lẽ là bài Mừng Xuân. Nhiều người cho rằng nếu ra đời sớm hơn một vài năm, ca khúc Mừng Xuân có thể có một vị trí bất tử tương tự như bài Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Cũng với điệu Valse phơi phới, tác giả gởi lời chúc mừng xuân đến mọi người, mọi nhà:

… Xin mừng anh chiến sĩ nơi tiền phương giữ đất cho Việt Nam hùng mạnh
Nơi đồng xanh chúc bác dân cày luôn, lúa tốt hoa màu tươi suốt năm
Xin mừng cho phố xa nơi thành đô, giới bán buôn giàu to lời nhiều…
…Mừng tôi đã ngày thêm một lớn, lớn thêm cùng những vui buồn…”


Những mùa xuân của Miền Nam chỉ tạm gián đoạn. Hy vọng sẽ có một ngày thật gần, mùa xuân dân chủ thực sự sẽ trở về trên quê hương Việt Nam, cùng ca khúc Mừng Xuân của nhạc sĩ Phạm Duy…

(Theo Việt Báo)

Phụ lục 1: Trên đồi xuân - Thái Hiền




Phụ lục 2: Xuân ca - Duy Quang (Pre 75)



Phụ lục 3: Mùa xuân du ca - Duy Quang  (Pre 75)





Phụ lục 4: Mừng xuân - Thái Hiền & Duy Quang (Pre 75)






* Ngày Xuân, Nghe Lại Ca Khúc "Xuân Hành" Của Phạm Duy

Có phải là ngẫu nhiên không mà hai nhạc phẩm đầy tính chất anh hùng ca của Lizst và Beethoven đều lấy âm giai Mi giáng Trưởng (Mi bémol Majeur)? Đó là Cầm tấu khúc số 1 của Lizst có tên là "Héro" và Cầm tấu khúc số 5 của Beethoven có tên là "Emperor" viết cho đại đế Napoléon.

Trong nền tân nhạc Việt, các ca khúc về lịch sử hay những bài hùng ca thường được viết trên âm giai Fa Trưởng. Nói về nhạc thuật, các âm giai Trưởng như Do, Ré và Fa nghe thấy trong sáng và hợp với giọng Kim. Khi giọng Kim là giọng chính (chant), bè phụ thường được viết thấp hơn để làm nổi giọng chính. Những ca khúc như " Việt Nam Minh Châu Trời Đông" của Hùng Lân, "Nước Non Lam Sơn" hay "Bóng Cờ Lau" và "Tiếng Chim Gọi Đàn" của Hoàng Quý, "Hội Nghị Diên Hồng" hay "Bạch Đằng Giang" của Lưu Hữu Phước, "Việt Nam, Việt Nam" của Võ Đức Thu, "Việt Nam Anh Dũng" của Dương Thiệu Tước", "Việt Nam Hùng Tiến" của Thẩm Oánh...v.v. đều được viết trên cung Fa Trưởng.

Thật sự, thì âm giai trong sáng hay u tối, êm dịu hay gay gắt chỉ có ảnh hưởng với nhạc khí, chứ không ảnh hưởng với giọng hát. Giọng hát nhẹ êm hay mạnh mà cứng là do âm sắc (timbre) của người trình bày. Giọng Thổ thường dầy hơn giọng Kim, ngược lại thì giọng Kim lanh lảnh và thánh thót hơn giọng Thổ. Riêng các nhạc sĩ sáng tác và sử dụng dương cầm, mà Frederic Chopin là một điển hình, thì chuộng loại âm giai mang nhiều dấu giáng (bémol). Ông cho rằng đàn những nốt giáng (phím đen trên dương cầm) thì tiếng đàn êm hơn, và về kỹ thuật thì ngón tay trườn trên phím, càng sâu càng dễ di chuyển lả lướt hơn...

Trong khung cảnh chung như vậy, ca khúc "Xuân Hành" của Phạm Duy lại được viết trên cung Mi giáng Trưởng, trong sáng mà êm dịu hơn âm giai Fa Trưởng.

Những ai mới nghe ca khúc này thì tự hỏi rằng tác giả dùng chữ "hành" trong ý nghĩa nào. Hành có thể là hành trình, hành khúc, hoặc biết đâu còn là một thể thơ cổ, như bài "Tỳ bà hành" mà ai cũng biết qua bản dịch của Phan Huy Vinh, hay bài "Hiệp khách hành" mà các độc giả của Kim Dung có thể còn nhớ và nhất là "Hành phương Nam" của Nguyễn Bính?

Người nghe hay người thưởng ngoạn có quyền mở rộng sự cảm nhận để hiểu tác phẩm từ sở thích hay nhận thức khác biệt của mình.

Nhưng nhạc sĩ Phạm Duy là người cẩn trọng, như tên của ông.

Trong cuốn "Ngàn Lời Ca" được xuất bản tại hải ngoại năm 1987, ông giải thích khung cảnh sáng tác của từng bài mà gọi đó là "sự tích". Ông trình bày rằng mình đã soạn nhiều ca khúc về hành trình của con người trong cuộc đời, trong đó có ba bài hành là "Lữ Hành", "Dạ Hành" và "Xuân Hành". Chúng ta liền hiểu ra ý nghĩa của chữ hành trong tác phẩm.

Nếu "Lữ Hành" là cuộc hành trình thơ thới và bất tận của loài người và được ông sáng tác tại Sài Gòn vào năm 1953 đầy hy vọng thì "Dạ Hành" là lúc con người đi trong đêm tối. Mà bóng tối ở đây không là một khái niệm về thời gian khi thiếu ánh mặt trời. Bóng tối là chông gai hiểm hóc của phận người và ca khúc cũng được viết tại Sài Gòn nhưng mà là Sài Gòn khói lửa của chiến chinh năm 1970.

Rồi Phạm Duy mới nói về cuộc đi bình thường là bài "Xuân Hành", sáng tác năm 1959, ở giữa hai bài hành kia. Hành trình bình thường và muôn thuở như câu hỏi đầy vẻ triết học là "người là ai, từ đâu tới và sẽ đi về đâu".... Người từ lòng người đi ra rồi sẽ trở về lòng người. Người vừa là thần thánh, vừa là ma quỷ, biết thương yêu dai mà cũng biết hận thù dài....Nhất là biết vui buồn giữa hai nhịp đập của con tim, ngay cả khi tim ngừng đập.

Với khoảng cách thời gian, nghĩa là có thêm sự chín muồi của cuộc sống, ta có thể nghe lại ba bài hành này mà thoát khỏi hoàn cảnh của Sài Gòn thời 53, 59 hay 70. Nghe lại với tâm cảnh của chính mình. Đấy cũng là lý do mà tôi thích bài "Xuân Hành" hơn cả.

Về nhạc thuật thì đấy là một ca khúc có nhịp điệu uy nghi hùng dũng, trong sáng mà êm dịu chứ không chát chúa như nhiều bài hùng ca hoặc một khúc quân hành. Bài "Lữ Hành" rất hay nhưng ít người hát vì từ đầu đến cuối là dùng nhịp chõi – syncope. Đôi khi có người còn trình bày theo điệu "swing" khá giật mà không phản ảnh được nội dung sâu sắc thánh thiện của lời ca. So với "Lữ Hành" thì bài "Xuân Hành" dễ hát hơn, nhưng cũng cần trình bày hợp ca nên đòi hỏi kỹ thuật hòa âm mới diễn tả hết giá trị của tác phẩm. Phải chăng vì vậy mà ngày xưa, chúng ta ít được nghe ca khúc này ở ngoài các chương trình của đài phát thanh?

Bây giờ mà nghe lại, khi tư duy đã lắng đọng, người ta còn thấy ra một giá trị khác, là nội dung của lời từ.

Phạm Duy đã dẫn chúng ta vào tác phẩm với lời giới thiệu về câu hỏi muôn đời là người từ đâu tới và đi về đâu. Nhưng trong ca khúc mà cũng là một đời người từ thuở là mầm non chớm nở đến khi trở thành lá úa, ông còn diễn tả nhiều điều khác nữa. Nổi bật trong đó là chữ nhân, hay tinh thần nhân ái là chữ mà ông dùng. Chúng ta sinh ra là từ lòng người với tiếng khóc và nụ cười, với thương yêu và hận thù lẫn đắm say. Nhưng chân lý muôn đời là trưa hôm qua có thể còn là người, đêm hôm sau thì đã thác, có khi là vị thần hoặc một lũ ma lẻ loi....

Chữ sinh và hủy chỉ là hai mặt của cuộc đời và ai ai cũng như vậy. Nhưng, nội dung mang tính chất thánh ca của tác phẩm nằm trong thông điệp chìm ẩn bên dưới: sự bất diệt trong vòng tử sinh đó là chữ nhân. Nếu sinh ra và sống mãi với lòng nhân thì chẳng ai nên sợ cái chết. Cuộc hành trình của đời người mang ý nghĩa thăng hoa của một mùa Xuân khi nó được hướng dẫn bởi lòng tử tế.

Khi liên lạc với chú Phạm Duy - người viết vẫn gọi ông như vậy với sự tôn kính - về bài Xuân Hành, tôi đã lẩm nhẩm hát lại và ngẫm lại rồi nghĩ đến một thông điệp tôn giáo.

Đó là lẽ tử sinh của luân hồi, là ngũ uẩn gồm có sắc-thọ-tưởng-hành-thức. Nhờ sự suy ngẫm đó mình tìm ra một chữ "hành" trong kinh sách nhà Phật. Đấy là ý khác của "hành" trong bài Xuân Hành. Rất đơn giản thì hành động tốt sẽ tạo ra thiện nghiệp để có ngày vượt khỏi lẽ tử sinh. Phải chăng, câu "Đường nhân ái còn đi mãi mãi" của ca khúc nói về một cách sống bất tử? Nếu quả như vậy thì thông điệp này còn sâu xa hơn lời ca trong bài "Đường Chiều Lá Rụng" của Phạm Duy....

Quỳnh Giao

No comments: