Wednesday, September 7, 2016

Andrea Bocelli : Đam mê êm đềm nhạc tình La tinh


 

Các cô gái ngất lịm đi, cánh đàn ông thì bật khóc vì xúc động khi giọng ca của ông vang lên vài nốt nhạc đầu tiên. Trên kệ sách tràn ngập những giải thưởng âm nhạc danh dự, Andrea Bocelli, mệnh danh « thiên thần mù », đã bán được 80 triệu album trên toàn thế giới qua giọng hát thánh thiện của mình.
 
Tại ngôi làng nhỏ thuộc vùng Toscane, nước Ý, cậu bé Andrea được sinh ra và lớn lên giữa thiên nhiên xinh đẹp và đắm chìm với vô vàn giai điệu dân dã nơi đây. Không may bị mù từ năm 12 tuổi, điều đó không ngăn cản cậu bé Andrea tìm đến âm nhạc. Cùng năm đó, Andrea đã giành giải thưởng âm nhạc đầu tiên với bài hát « O sole Mio ».
 
Tuy biết chơi nhiều loại nhạc cụ, nhưng giọng hát tựa như nhung của cậu bé, là tài năng thiên phú không thể nào phủ nhận. May mắn sinh thành từ cái nôi của nhạc kịch Ý, thuở ấu thơ, người mà ngày hôm nay là một trong những ténor nổi tiếng nhất hành tinh, đã luôn mơ ước đi theo bước chân của những bậc tiền bối như Mario del Monaco, hay là Franco Corelli.
 
Niềm đam mê ấy cứ âm ỉ, âm ỉ hoài, để rồi một ngày ông đã quyết định giã từ dãy hành lang thênh thang của tòa án, nơi ông làm việc với tư cách là luật sư, để chạy theo tiếng gọi của nghiệp cầm ca. Andrea Bocelli theo học nhiều bậc thầy về ca hát trước khi chinh phục thần tượng của mình: giọng ténor opéra Franco Corelli, người đã nhận ông làm học trò.
 
Sau này, trên tạp chí Euro news, khi được hỏi về người có ảnh hưởng lớn đối với cuộc đời mình, Andrea Bocelli tâm sự : « Về mặt âm nhạc, hay chính xác hơn là về mặt thanh nhạc, người đã truyền cảm hứng cho tôi chính là Franco Corelli, một giọng tenor vĩ đại người Ý đến từ Ancone, nói một cách văn chương chính ông ta đã làm tôi bị sét đánh. Tôi nghe ông ấy hát và mê mẩn ngay lập tức. Một thứ tình đầu, mà tôi nghĩ rằng, đó là khởi nguồn sự nghiệp âm nhạc của tôi hôm nay ».
 
Năm 1992, ngôi sao nhạc rock Zucchero Fornaciari có lời đề nghị ca sĩ « vô danh », là Bocelli lúc ấy, ghi âm phần demo cho bài hát « Miserere » mà sau này, Zucchero sẽ song ca cùng Luciano Pavarotti. Sau khi nghe bản thu âm, Maestro Pavarotti cảm nhận ngay rằng Bochelli chính là người kế vị của mình.
 
Từ đây, Andrea Bochelli đã nhận được lời mời tham dự nhiều Festical âm nhạc danh tiếng như Festival Pavarotti de Modène, song ca cùng Pavarotti, Bryan Adam. Đặc biệt tại Festival de San Rémo, người ca sĩ « nhìn bằng trái tim » ấy đã khiến hàng triệu khán giả lặng mình với ca khúc « con te partiro » ( có tựa đề tiếng Anh « Time to say good bye ») hát chung với ca sỹ soprano người Anh Sarah Brightman.
 
Bài hát mang lại thành công rực rỡ không chỉ trong phạm vi nước Ý mà còn lan rộng tại Pháp, Bỉ, Đức,… Sarah Brightman nhớ lại : « Tôi đã có nhiều kỷ niệm đẹp khi hát với Andrea » « Time to say good bye luôn luôn có vị trí đặc biệt trong trái tim tôi ».
 
 
Phong cách âm nhạc Andrea Bocelli nằm giữa hai dòng chảy : âm nhạc cổ điển mang tính hàn lâm và dòng nhạc đại chúng. Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều chê bai định hướng âm nhạc đa hệ của ông, giọng ca vàng Bocelli vẫn chạm tới hàng vạn trái tim người hâm mộ hơn 10 năm qua. Nhiều sản phẩm âm nhạc đều đặn ra đời từ buổi đầu khởi nghiệp cho tới nay từ phong cách cổ điển tới phong cách pop, từ những vở nhạc kịch trứ danh : « la Bohème », « Tosca », « Carmen »,… cho đến những bài hát đôi với Celine Dion hay Jennifer Lopez. Trong album đầu tay « Romaza », một lần nữa , giọng hát nhung lụa ấy đã làm tan chảy cả thế giới qua bản tình ca « Vivo per lei », song ca với nữ ca sĩ Pháp Hélène Ségara.
 
Trong bảng xếp hạng của tạp chí Hoa Kỳ « Watch and Listen », một tạp chí chuyên về bình luận âm nhạc thế giới, « Vivo per lei » do Andrea Bocelli và Hélène Ségara trình bày đã lọt vào top 50 những bài hát hay nhất mọi thời đại. Năm 2016 ca khúc gặt hái hơn 45% số lượng bình chọn, vượt qua « Imagine » của John Lenon (25%) và « Like a Rolling Stone » của Bob Dylan (17%).
 
Ông cho rằng nhạc pop mang lại sự nhẹ nhàng. Người ca sĩ được tự do phiêu diêu tình cảm, tâm trạng của mình, khác với những khuôn khổ và chuẩn mực có phần khắt khe hơn của nhạc kịch. Tuy nhiên, âm nhạc cổ điển vẫn luôn là nguồn cội trong con người ông.
 
Khi nhìn nhận về sự tồn tại của thể loại nhạc bác học này, Bocelli lạc quan « Vào thời của chúng ta, nhạc kịch và những giọng hát như của tôi luôn có vị trí nhất định. Tôi đã sống trong những giai đoạn của Rock, Soul và Pop. Đó là những thể loại âm nhạc mà chúng ta thấy nhiều trên báo chí, nhưng tôi tin rằng, ở đó luôn luôn tồn tại một chỗ đứng cho âm nhạc cổ điển, và chỉ một mà thôi ».
 
Giọng ca Bocelli ngân lên, là lúc chúng ta như được dìu dắt đến một thế giới khác, nơi chỉ có tình yêu và âm nhạc : là tự tại và thanh tao. « Giọng ca nhìn bằng trái tim » ấy còn là một nhân cách đẹp, một con người giản dị như bao con người khác.
 
«…Có những lúc, sự hồi hộp trong lúc biểu diễn cũng xảy ra với tôi. Ví dụ như khi tôi gặp Đức giáo hoàng hay gặp tổng thống. Đặc biệt, lần mà tôi gặp Muhammad Ali. Đối với tôi, đó là giây phút rất xúc động, vì Muhammad Ali là một trong những vị anh hùng lúc bấy giờ, người đàn ông đã từ bỏ tước hiệu toàn cầu vì một lý do cao thượng (phản đối chiến tranh Việt Nam). Đứng trước mặt ông, trong ngôi nhà của ông, trước mặt một người quá mạnh mẽ, ngay cả trong lúc bệnh tật, người đàn ông mà sau những ngày im lặng đã nói với tôi rằng : Hãy hát cho tôi nghe. Lúc ấy thật cảm động ! »
 
Cuộc đời và con đường âm nhạc đối với Andrea Bocelli là một câu chuyện tuyệt đẹp. Với nghị lực phi thường và giọng ca thiên phú, Andrea Bocelli trở thành sứ giả tình yêu của cuộc đời. Những bản tình ca « thương hiệu » Bocelli như « Time to say good bye », “Vivo per lei” hay Besame mucho » và hình ảnh người ca sĩ mắt nhắm mơ màng luôn đọng lại trong lòng công chúng một hương vị ngọt ngào, dịu dàng.
 
 
Hoài Dịu
 
Besame Mucho, một trong những ca khúc tuyệt đỉnh của dòng nhạc trữ tình La Tinh từng được Andrea Bocelli ghi âm vào năm 2006. Đầu năm nay, danh ca tenor người Ý trở lại với một album mới mang tựa đề Passione (Đam Mê), đưa bao tình nhân vào cõi hương trầm, nơi thì thầm của dư âm, bóng hình lạc chốn xa xăm cho nhạc tình thêm sâu đậm.
 
Tập nhạc Đam Mê có thể được xem như là phần tiếp nối của các album trước như Romanza (Chuyện tình) và Amore (Tình Yêu). Album này cũng đánh dấu 20 năm sự nghiệp của Andrea Bocelli, kể từ cái ngày anh đoạt giải nhất tại liên hoan ca nhạc San Remo, ra mắt album đầu tay với tựa đề Biển đêm yên tĩnh (Il Mare Calmo della Sera).
 
Đúng với tên gọi của nó, album đề tựa Đam Mê bao gồm tất cả là 18 ca khúc kinh điển của dòng nhạc lãng mạn trữ tình, thể hiện qua 5 thứ tiếng khác nhau là Anh, Ý, Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Trong số 18 ca khúc này, có 4 bản song ca ghi âm với các giọng ca tên tuổi ăn khách hiện giờ.
 
Chẳng hạn như Jennifer Lopez song ca với anh nhạc phẩm Quizas, Quizas, Nelly Furtado trong bản nhạc Corcovado, Chris Botti hát chung bài When I Fall In Love và một bài song ca ảo La Vie en Rose - Cuộc đời màu hồng, trong đó giọng ca của Andrea Bocelli nhờ vào công nghệ âm thanh thời nay mà hòa quyện với tiếng hát của Edith Piaf, nhân 50 năm ngày giỗ của nữ danh ca người Pháp.
 
 
Tập nhạc mới của Andrea Bocelli đan xen nhiều thể loại : bán cổ điển, nhạc nhẹ, pop jazz và La Tinh. Nếu như trước đây, danh ca tenor người Ý đã từng thể hiện rất thành công nhạc phẩm tiếng Pháp Les Feuilles Mortes (Autumn Leaves trong tiếng Anh, còn lời tiếng Việt là Tình như lá rụng), thì lần này Andrea Bocelli chưa đủ say đắm, đậm đà trong Cuộc đời màu hồng, cách vuốt chữ chưa đủ quyến rũ mượt mà như ông hoàng Elvis trong bản nhạc Love Me Tender.
 
Đổi lại chất giọng tenor pinto của Andrea Bocelli, nhờ có âm vực sâu rộng, một làn hơi khỏe khoắn, cách nhã chữ đầy đặn, thật sự phát huy trọn vẹn trong cách thể hiện các bản nhạc La Tinh, trong cả hai thể điệu rumba và bossa nova, cho dù người yêu nhạc vẫn cảm nhận là anh hát tiếng Ý và tiếng Tây Ban Nha thoải mái hơn là tiếng Bồ Đào Nha.
 
 
Nhịp điệu càng khoan thai, tiết tấu càng chậm rãi, giọng ca của Andrea Bocelli càng tràn đầy sinh lực. Sức sống ấy tuy chưa hừng hực dục vọng cuồng nhiệt đam mê như Luis Miguel (chẳng hạn như trong bản Perfidia), nhưng đủ mạnh để thắp sáng ngọn nến con tim, để rồi trong những đoạn cao trào bùng cháy lửa tình trong đáy tâm hồn. Xúc cảm qua lối diễn đạt của Andrea Bocelli là một niềm đam mê êm đềm, không đốt hết luồng sinh khí trong ngắn ngủi khoảnh khắc, mà tựa như sóng ngầm xuất phát từ đáy sâu, từ từ dâng cao đến tột đỉnh triều cường.
 
Với một cách thể hiện như vậy, thử hỏi Andrea Bocelli làm sao mà không thành công. Từ khi tên tuổi của anh được gắn trên Đại lộ Danh vọng (Hollywood Walk of Fame) vào năm 2010, giọng ca tenor người Ý đã bán hơn 80 triệu album trên toàn thế giới. Tính đến nay anh đã ghi âm trong phòng thu 14 album đan xen nhạc pop với cổ điển. Bên cạnh đó, anh cũng đã thu thanh 9 vở kịch opera.
 
 
Về điểm này, các nhà phê bình trung thành với truyền thống nhạc kịch opera cho rằng Andrea Bocelli chẵng những non nớt tay nghề, mà còn chưa vững kinh nghiệm sàn diễn bằng các giọng ca tenor bậc đàn anh như Pavarotti, Dominguez và Carreras. Điều này cũng dễ hiểu vì những nghệ sĩ hát opera ngoài việc ca hát, còn phải biết diễn kịch.
 
Chính cái kinh nghiệm đứng trên sân khấu giúp cho cách thể hiện của họ trở nên tinh tế, sắc sảo hơn. Trong trường hợp của Andrea Bocelli, do bị khiếm thị, cho nên anh chủ yếu ghi âm các vở kịch opera trong studio, chứ ít khi nào mà được diễn trực tiếp toàn bộ tác phẩm trên sân khấu. Dù muốn hay không thì Andrea Bocelli khó mà rung cảm tùy hứng, theo phản hồi trực tiếp từ phía khán giả.
 
Gần đây, danh ca tenor người Tây Ban Nha Placido Domingo có trình làng một tập nhạc bao gồm là các bản tình ca vang bóng một thời. Placido Domingo hát nhạc nhẹ nhưng với kỹ thuật luyện thanh của nhạc kịch opera. Trong khi Andrea Bocelli, khi hát nhạc bán cổ điển, thường chọn lối thể hiện thuần chất nhạc nhẹ. Có lẽ cũng vì thế mà đối với đa số người nghe, các bản nhạc của anh dễ lọt tai hơn.
 
 
Còn trong thể loại La Tinh, ngoài việc đòi hỏi nơi người diễn một cách hát tròn vành rõ chữ, ít có nuốt chữ nén câu như trong tiếng Pháp, các bản nhạc La Tinh còn rất quan trọng trong lối hòa âm phối khí. Chẳng hạn như phiên bản Besame Mucho của Cesaria Evora phá cách trong lối phân đoạn ngắt câu, hòa âm tối thiểu, phối khí mộc mạc, trong khi phiên bản của Andrea Bocelli thì lại dào dạt du dương, quyền quyện lớp lớp.
 
Trên tập nhạc Passione (Đam Mê), danh ca tenor người Ý chọn lối thể hiện các bản nhạc tình La Tinh đúng với phong cách của người Nam Mỹ : Rumba trữ tình ở chỗ tha thiết lã lơi, bossa nova lãng mạn trong cách nhấn nhịp mềm mại, đảo phách khoan thai. Nguyên dàn kèn đồng hợp với bộ gõ, vĩ cầm réo rắc nhung nhớ, ghi ta lưu luyến thẫn thờ.
 
Nói rằng tập nhạc này hay hơn các album trước có lẽ cũng không đúng, vì điều đó còn tùy theo cảm nhận của người nghe, nhưng tập nhạc này hợp với gu nghe nhạc của người Việt. Nghe album này, ta có cảm tưởng lạc vào cõi ngầm, nơi đam mê thổn thức tiếng thầm, nơi con tim mệt nhoài say đắm.
 
Tuấn Thảo

No comments: