Sunday, December 14, 2014

Golog-Tây Tạng: tràn ngập những âm thanh vi diệu và lòng yêu thương


Golgo-Monastery
1-Hành trình gian nan
Tôi nghiệm thấy, trước mỗi kỳ đi nghỉ, công việc ở đâu chạy về làm tôi phải dốc hết sức ra để làm cho xong. Trước mỗi khi đi đâu chơi, thế nào cũng có một vài việc căng thẳng, bực mình xảy đến. Đời sống như một chiếc cân tiểu li, tính toán với mình rất sòng phẳng, không cho mình được lợi mọi điều . Trước khi tôi được lên đường đi Golog, mơ ước của tôi, tôi cũng phải trả giá đầy đủ. Ngay trước khi ra sân bay, tôi được một phen căng thẳng bất ngờ và kết quả là tôi bị mất một số tiền oan. Thế nhưng so với mọi người khác trong đoàn cùng đi với tôi, cái giá tôi phải trả xem ra nhẹ nhàng nhất. Bởi người Nga có câu ngạn ngữ: mất tiền là không mất gì cả, mất thời gian là mất nhiều, mất sức khỏe là mất hết.
Từ Moscow, tôi bay đến Quảng Châu, rồi từ đó bay tiếp đến Xining, thành phố có sân bay gần Golog nhất. Mặc dù chặng đường bay không ngắn, tính cả thời gian nghỉ giữa đường,  tôi đã ở trên đường gần một ngày, nhưng đối với  cả chặng đường, đoạn đường dài này lại nhẹ nhàng nhất.  Xining là thủ phủ của tỉnh Thanh Hải, một tỉnh miền tây nam của Trung Quốc hiện nay,  trước đây là vùng cao nguyên Thanh Tạng, thuộc lãnh thổ của Tây Tạng. Chúng tôi đến Xining vào buổi tối, về đến khách sạn đã gần nửa đêm, nên tôi cũng không có dịp nhìn ngắm thành phố này. Nhìn ra cửa sổ khách sạn chỉ thấy một ngọn đồi sừng sững với những đường trang trí bằng bóng điện rất nghệ thuật, chứng tỏ thành phố này  được đầu tư  để phát triển du lịch. Sau này khi quay trở lại đây, tôi được biết đúng như vậy. Tuy đây chỉ là một thành phố nhỏ, nhưng được quy hoạch rất gọn gàng. Các tòa nhà trong thành phố được xây dựng rất bề thế, mỗi nhà một kiểu kiến trúc, rất hiện đại và có không gian. Đường phố ở đây rất sạch sẽ, trên đường phố trồng nhiều cây xanh và hoa. Người ta nói rằng, thành phố này chỉ mới được đầu tư phát triển vài năm trở lại đây để phát triển du lịch cho khu vục này thôi. Đây là cửa ngõ để đi vào các thành phố bên trong của Tây Tạng, nên vào những tháng ấm áp, dòng du khách và khách hành hương đến đây rất đông. Vào những tháng mùa hè, thuê khách sạn, thuê xe ô tô, mua vé tầu và ngay cả tìm một hướng dẫn viên du lịch ở đây cũng rất khó và đắt. Giá thuê khách sạn ở đây tôi thấy còn cao hơn cả ở Thượng Hải nữa.
Từ Xining vào đến Golog gần 530 km. Nếu chỉ nhìn con số thì thấy  không có gì….đáng ngại cả. Tôi đã từng đi tour trên ô tô, một đêm đi hơn 900 km mà không cảm thấy mệt. Nhưng ở đây 530 km lại là cả một chặng đường đáng ..nể, vì nó toàn là đường núi chông chênh, một bên là vách núi, một bên là vực sâu hun hút. Hồi mùa hè tôi có dịp thực tập trên một đoạn đường như thế này. Chỉ có hơn 30 km đường vách núi thôi, mà chúng tôi đã liêu xiêu vì chóng mặt rồi. Đằng này liên tục hơn 500 km đều… liêu xiêu như vậy cả. Xining cách mặt nước biển hơn 2000 m, nhưng chúng tôi không cảm thấy độ cao này. Tôi có phần hơi chủ quan là chắc lên đến 4000 m chắc cũng..thế thôi. Nhưng hóa ra không ..thế chút nào cả. Từ độ cao này trở lên, chúng tôi bắt đầu cảm thấy thế nào là “bệnh cao nguyên”. Bác tài xế cho biết, chúng tôi sẽ được thực tập với môi trường mới từ từ. Chúng tôi sẽ đi lên cao dần dần, rồi có chỗ sẽ lên đến dộ cao 3000 m, rồi lại tụt xuống 2000, rồi lại đi lên, cứ thế lên đến độ cao hơn 4000 m là vùng Golog.
Chúng tôi khởi hành từ 7 giờ sáng, đi liên tục mà đến 5 giờ chiều mới đến nơi. 150 km đầu tiên, tôi còn nhìn thấy cây xanh và hoa dọc hai bên đường. Nhưng sau đó thì hoàn toàn chỉ còn núi đá và những bụi cỏ lúp xúp hai bên đường mà thôi. Mặc dù cây không mọc được, nhưng con người và gia súc vẫn hiên ngang bám núi. Thỉnh thoảng lại có một đàn gia súc, khi thì trâu Yak, khi thì dê, khi thì cừu hùng dũng dàn hàng ngang ở giữa đường. Ô tô phải bấm còi hết sức để xin đi nhờ, nhưng xem ra các chủ nhân của núi rừng không dễ dàng nhường chỗ, chúng cứ thản nhiên đi sang đường theo đúng kế hoạch của mình, rồi sau đó ai ..muốn đi thì đi. Bướng bỉnh nhất có lẽ là trâu Yak. CHúng không chỉ đi sang đường, mà chúng chiếm luôn đường để đi, nên mỗi khi gặp phải đàn trâu yak, chúng tôi vừa phải bấm còi inh ỏi, vừa  phải kiên nhẫn đợi khá lâu cho đến khi chúng đi hết mới lại tiếp tục hành trình được. Những con trâu Yak  rất đặc biệt. Phía trên lưng của chúng thì lông ngắn, còn phía dưới bụng thì lông dài đến 30-40 cm, mượt mà, dài và rất dầy. Chiếc đuôi của chúng mới đẹp làm sao. Những sợi lông dài từ đầu đến cuối đuôi giống như đuôi ngựa nhưng  dầy hơn rất nhiều, lượn sóng óng ả như bộ tóc của các cô thôn nữ thủa xưa. Thỉnh thoảng trên những dốc núi dựng đứng, thấy thấp thoáng những đốm đen hay đốm trắng rất đều đặn tô điểm cho sườn núi, như những bụi hoa nào đó. Nhìn thật kỹ, tôi mới phát hiện ra đó không phải những bụi hoa, mà chính lá tấm lưng của những chú Trâu Yak hay dê, và cừu đang chia nhau gặm cỏ trên sườn núi…rất nghệ thuật.
Buổi sáng khi chúng tôi khởi hành, trời rất mát. Nhưng đến trưa, mặt trời chiếu rất gắt, chỉ cần đứng ra ngoài trời một lát không có mũ là đã thấy hoa mắt, bỏng rát ngay.
Núi ở đây không phải là một khối đá vững chắc, mà là một hỗn hợp đất và đá trộn lẫn với nhau, nên rất dễ sạt lở. Dọc sườn núi người ta phải làm những lưới sắt, nhiều khi phải xây dựng cả một hệ thống lưới bê tông vững chắc để ngăn núi lở, nhưng trên nhiều đoạn đường vẫn thấy đất và sỏi tung đầy trên đường. Một vài nơi, đường bị sạt và công nhân phải đến để sửa chữa. Ở đây người ta sửa đường rất thủ công, chỉ có người và cuốc xẻng, chứ hoàn toàn không thấy những xe cào đường, xe rải nhựa đường tự động như ở các nước  châu Âu khác.
Các chị đã đi nhiều lần chia sẻ. Năm nay đường lên chùa đã tốt lên rất nhiều so với những năm trước, vì người ta đã làm xong con đường dẫn đến tận cổng chùa. Mấy năm trước, khi chưa làm đường xong, có nhiều đoạn phải đi trên đường sỏi , có đoạn đi qua suối, có lúc cả tài xế và hành khách phải cùng xuống dọn đường để đi, nên có khi đến nửa đêm mới lên đến chùa.
Càng lên cao, đầu chúng tôi càng nặng, âm u, tai bắt đầu ù như trên máy bay lúc hạ cánh. Những gói bánh kẹo chúng tôi mang theo căng phồng, tròn như một quả bóng mặc dù chúng tôi không hề thổi chúng lên. Chúng tôi bảo nhau, đầu của mình cũng đầy không khí không thoát ra được như thế nên mới vừa nặng, vừa đau đấy.
Dập dềnh ba chìm, bẩy nổi với bụi và nắng trên đường đèo, tôi mới thấm thía lòng từ bi Thầy của chúng tôi dành cho mình. Mỗi năm, để ban cho chúng tôi một thời Pháp, Thầy đã phải đi trên đường sáu ngày. Ba ngày đi và ba ngày về.  Suốt hai ngày trời Thầy cũng phải dập dềnh với nắng và bụi như chúng tôi hôm nay. Thế mà lúc nào Thầy cũng vui vẻ mỉm cười đón chúng tôi, còn chúng tôi chỉ đi từ nhà đến nơi nghe  Pháp hơn một tiếng thôi mà… lúc nào cũng đi muộn. 
2- Tràn đầy tình thương yêu
Trong lúc chúng tôi nôn nóng hỏi nhau, chùa Thầy mình ở đâu nhỉ? Có phải kia không? Hay là đây? Và đều…trật lấc thì đoàn xe bỗng dừng lại giữa đường. Từ trong xe tôi chưa kịp nhìn thấy gì, chỉ ngạc nhiên, sao không nhìn thấy những ngọn tháp quen thuộc mà tôi đã được nhìn thấy trong ảnh, vì nhìn ra xung quanh vẫn chỉ thấy toàn núi đá và cỏ. Bước  xuống xe, tôi mới hiểu vì sao cả đoàn xe dừng lại như vậy.  Thầy của chúng tôi chắc hiểu chúng tôi vừa mệt vừa nóng lòng muốn “đến nơi” để thoát khỏi cái ô tô vừa chật trội, vừa nóng bức, nên đã đi ra một đoạn đường dài mấy km để chờ đón chúng tôi. Thầy và các vị Tăng đã mang theo bao nhiêu là quà để tặng cho chúng tôi theo đúng phong tục của người Tây Tạng. Rất nhiều người dân Tây Tạng đang đi đường, nhìn thấy vị Rinpoche tôn kính của họ, cũng vội vứt ngay xe giữa đường chạy đến đảnh lễ. Nhìn những cụ già, những thanh niên, những chị phụ nữ  tràn ngập hạnh phúc được ban gia trì, tôi mới chợt cảm thấy sự đặc biệt của người dân ở đây. Họ sinh ra, họ sống, họ làm việc, tất cả đều là để phục vụ cho sự tu tập tâm linh.
Chỉ vài phút trước đó,  chúng tôi ai trông cũng ủ rũ, như những mớ rau cuối phiên chợ, thế mà vừa nhìn thấy Thầy, chúng tôi đã hân hoan, hoạt bát hẳn lên. Nào đảnh lễ, nào chụp hình, nào hỏi thăm Thầy, ríu rít như trẻ con đi học xa  ùa ra với bố mẹ đang đợi đón về. Chặng đường đi về chùa sau đó trở nên nhẹ nhàng hẳn. Chúng tôi như được nạp thêm năng lượng và tạm thời quên đi cái đầu đang ong ong khó chịu của mình.
Từ ở Moscow  chúng tôi đã được báo trước là điều kiện sống ở trên chùa khác  hẳn với  điều kiện ở nhà của chúng tôi. Chúng tôi sẽ ở trong lán ngay ngoài trời, cần chuẩn bị nệm hơi, túi ngủ cho thật ấm áp để chống trọi với thời tiết khắc nhiệt ở đó. Chúng tôi ai cũng mang theo nửa vali đồ ăn các loại: nào đồ để nấu lên, nào đồ để ăn ngay, nào đồ để ăn vặt, nói chung nếu phải ở giữa rừng thì chúng  tôi cũng không chết đói và chết rét. Thế nhưng chúng tôi được đưa đến một tòa nhà rất dài và rộng, trong đó các Lama đã ngăn thành nhiều khoang, mỗi khoang  chừng 40-50 m2 để có thể ở được từ 7 đến 10 người tương đối thoải mái. Mỗi người chúng tôi được trang bị một tấm đệm dầy, hay 2-3 lớp đệm mỏng chồng lên nhau, chăn, gối và cả một số khăn rửa mặt. Nhìn thấy chăn, gối đã được  lồng vỏ sạch sẽ, xếp ngay ngắn trên từng tấm đệm, cẩn thận như trong khách sạn, tôi không khỏi bùi ngùi, cảm động vì tôi đã quen là khi lên chùa thì mình là cư sỹ phải đi làm công quả cho chùa, chứ không dám nghĩ đến việc các vị Tăng, Ni lại đi phục vụ mình chu đáo như thế. Trong lúc chúng tôi nằm “đo giường” xem nó êm ấm ra sao, thì các vị Tăng và Ni tiếp tục làm các việc khác thay chúng tôi. Các vị mang đến cho chúng tôi một thùng nước to để rửa tay, phát cho mỗi người một cái chậu mới để rửa mặt, còn cẩn thận mang đến cho mỗi “phòng” hai phích nước nóng nữa. Hai anh trong đoàn chúng tôi thấy thật áy náy phải để các vị Ni rất nhỏ bé phải đi xách nước cho chúng tôi, nên định đi xách nước giúp, nhưng một vị Tăng nhìn thấy, đã ra hiệu cho chúng tôi cứ để yên đấy để các vị tự làm. Sau này, có một đạo hữu có sáng kiến cùng góp tiền đi mua đường ống dẫn nước về từng khu, thế là giải quyết được cả vấn đề nước, cả vấn đề áy náy, chúng tôi mới dám rửa nước thoái mái, đúng như nhu cầu chứ không phải tiết kiệm quá mức như lúc ban đầu nữa.
Trên đường đi đến chùa, tôi để ý, suốt cả chặng đường dài gần 400 km gần chùa, không hề có một vườn rau nào, không có một bóng cây xanh nào. Nghĩa là xung quanh khu vực của chùa, đất không thể trồng được rau xanh hay hoa quả. Thế nhưng trong những bữa ăn của chúng tôi, bữa nào cũng có đủ loại rau và hoa quả: nào bắp cải, nào súp lơ trắng, nào súp lơ xanh, nào bầu, nào cà chua, nào dưa chuột, cà tím, khoai tây…. Nghĩa là không khác gì ở giữa đồng bằng. Chúng tôi còn được thưởng thức đặc sản của vùng núi này là những củ trác mã nhỏ xíu như hạt đổ xanh, nhưng ăn bùi và ngọt y như khoai lang của mình. Sau này chúng tôi mới biết rằng những hạt này không hề rẻ so với thu nhập của người dân ở đây, chừng 15 đô la mỹ một kg. Tôi có dịp đến thăm gia đình của một Lama y sỹ. Ngài đã nhiều  tuổi nhưng trông rất lanh lợi, hoạt bát. Mặc dù là một lama y sỹ có tiếng trong vùng, nhưng gia đình ông sống vô cùng đạm bạc, bữa ăn cũng chỉ có trứng luộc với những chiếc bánh rán không nhân ăn với… nước trà. Có nhìn thấy như vậy, tôi mới hiểu, bữa ăn mà Thầy của chúng tôi chuẩn bị cho chúng tôi quả thật là cao lương mỹ vị đối với dân chúng ở đây.
Cùng  sống tạm trong ngôi “nhà” của chúng tôi, còn có hai vị Lama y sỹ. lúc đầu tôi cũng không hiểu vì sao,  các Lama phải túc trực bên chúng tôi cẩn thận thế,  nhưng chỉ mấy hôm sau thôi, tôi đã hiểu ngay, có rất nhiều người đến Golog,  không chịu được phản ứng độ cao, nên sức khỏe của nhiều người có vấn đề. Người bị nặng nhất trong đoàn năm nay lại là một anh trong phái đoàn của chúng tôi. Bình thường anh rất  nhanh nhẹn, nên chúng tôi không thể ngờ được anh lại bị độ cao đánh gục nặng thế. Từ một người mạnh khỏe, chỉ sau 3 ngày, anh thành một người ốm liệt giường, không đi nổi 5 bước nếu không có bình ô xi…trong mũi. Da sẫm lại, thâm tím như một chú gà trống đang bị ..rù. Nghe anh thở mà cảm thấy như anh đang phải làm một việc gì đó hết sức vất vả, khó nhọc. Mỗi lần nhìn anh trong tình trạng như thế, chúng tôi ai cũng cảm thấy lo âu, nhiều khi đã phải nghĩ đến việc xuống núi giữa chừng. Không phải chỉ có chúng tôi, những người  cùng nhóm từ Nga đi, mà tất cả mọi người ai cũng lo âu. Vừa thức dậy,  mọi người đã chạy sang hỏi thăm, xem đêm qua có phép mầu nhiệm nào xảy ra không, để hôm nay anh khỏe lại bình thường. Ai có loại thuốc gì đặc biệt đều mang sang thử nghiệm. Các Ni cô mang xuống thuốc cỏ cây của Tây Tạng, rồi thuốc viên của Trung Quốc. Các anh chị từ Mỹ mang sang thuốc của Nhật, rồi Mỹ, rồi Canada. Các Thầy Việt Nam người dậy khí công, người làm massage, đó là chưa kể các loại dầu xoa, dầu dán đủ loại cũng được mang đến thay nhau chữa trị. Mỗi ngày 4-5 lần các thầy y sỹ ghé qua thăm bệnh. Các thầy dùng đủ mọi loại thuốc khác nhau  mà vẫn không thấy bệnh tình khuyên giảm. Cuối cùng phải dùng đến phương pháp hiện đại nhất là truyền thuốc thẳng vào máu. Để anh vẫn được tham dự Pháp Hội, vẫn được nhận Pháp, các Thầy đã mang cả bình ô xi lên hội trường cho anh thở.  Cảm động nhất là hôm có lễ cúng dường Chư Phật, chúng tôi ai cũng đi ra Chánh Điện từ sớm, cứ nghĩ là anh sẽ phải nằm nhà một mình không tham dự được vì đi và đứng nhiều quá. Chúng tôi đang đứng xếp hàng vào làm lễ thì thấy anh cũng bước đến. Anh đi ở giữa, từ từ chậm chạp, vừa đi vừa thở nặng nề, hai vị y sỹ đi hai bên. Một vị khệ nệ ôm bình ô xi, một vị tay giơ cao bình nước đang truyền dở. Nhìn thấy thế, ai cũng vô cùng hoan hỉ vì anh đã đến được đúng lúc bắt đầu vào dâng lễ. Chỉ có ở đây, nơi đất của Phật, mong muốn, niềm vui của một người, mới thành mong muốn, niềm vui của tất cả mọi người như thế.
Golog
3-Thước đo cuộc sống là những giá trị tâm linh
Mặc dù trên lãnh thổ Tây Tạng, người ta vẫn viết bằng tiếng Trung Quốc, vẫn nói bằng tiếng Trung Quốc, nhưng chúng tôi lập tức nhận ra ngay, khi nào mình đã vào đến vùng đất của Tây tạng. Ở đây mọi thứ có thể, mọi nơi có thể, đều trở thành phương tiện để chuyển tải Phật Pháp. Giữa những ngọn núi trùng trùng nuối đuôi nhau, không hề có một bóng người, không hề có một bóng nhà, tự nhiên chúng tôi thấy sừng sững hiện ra trước mắt câu chú quen thuộc “Om Mani Padmi Hung”. Câu chú được khắc và tô sơn trắng rất to suốt cả chiều cao của ngọn núi bên đường, gieo vào lòng chúng tôi một cảm giác thật bình yên, dù chúng tôi đi đơn độc một mình trên con đường chênh vênh, giữa bốn bên là vách núi, nhưng chúng tôi cảm thấy vẫn nằm trong sự che chở của chư Phật.
Trên những vách núi chông chênh, có ai đó dựng lên một ngôi  nhà đất rất nhỏ, rất thấp, tưởng chừng chỉ vừa chạm  đầu của gia chủ ở trong đó mà thôi. Cả ngôi nhà trông rất tàn tạ, tiêu điều, thế nhưng ngay bên cạnh nhà, người ta đã làm một Kinh phan rất cao, rất đẹp với những dây cờ còn mới, rực rỡ đủ năm mầu truyền thống của Phật giáo. Nhờ dàn Kinh phan rực rỡ và sinh động, nên trông ngôi nhà lại có  sức sống hơn, ấm áp hơn. Kinh phan là những dây cờ được chăng theo hình kim tự tháp. Trên những lá cờ đó người ta đã in sẵn các bài Kinh. Người Tây Tạng tin rằng khi gió thổi tung bay những lá cờ với những lời Kinh trên đó, cũng giống như họ tự tụng những bài kinh đó, sẽ mang lại rất nhiều lợi lạc cho người sống ở gần đó. Người Tây Tạng không chỉ dùng gió để tụng kinh, họ còn dùng nước để tụng kinh, khi cho nước chảy vào những gáo nước có khắc kinh trên đó và làm các gáo đó chuyển động như việc người dân tộc ở Việt Nam mình dùng nước để giã gạo hay đưa nước lên cao. Họ cũng sử dụng  lửa để tụng kinh,  đá để tụng kinh, dùng sức tay để quay vòng tròn có khắc kinh.
 Ở những nơi khác trên thế giới, người ta dùng mọi sức sáng tạo để làm cho đời sống vật chất được cải thiện hơn, con người có nhiều tiện nghi cho đời sống hơn, hay nhìn theo một cách khác thì chính là tìm mọi cách để thói biếng lười của con người được thỏa mãn hơn, còn ở Tây Tạng thì người ta lại tìm mọi cách để việc tu tập của họ được nhiều hơn, tốt hơn, nhanh hơn. HÌnh như họ không bận tâm đến những tiện nghi của đời sống, càng không để nhiều thời gian cho những hình thức bên ngoài. Ngay cả trang phục của người Tây Tạng cũng vậy, nam cũng như nữ, trẻ cũng như già, đều có một cái áo khoác dầy, bên trong có một lớp lông rất ấm, dài chấm đất, tay áo cũng vậy, dài đến đầu gối. Lúc đầu, tôi nghĩ sao họ lại mặc vướng víu thế nhỉ, thế thì làm việc sẽ rất vướng. Nhưng sau này, tôi mới hiểu, với cái áo khoác dài và dầy như thế rất tiện để lễ lạy và tụng kinh. Khi đi lễ lậy, họ quấn cái áo dài ở thắt lung, vạt áo dài thành cái thảm giúp họ có thể lậy trên bất cứ chỗ nào, dù là trên đường đá hay trên dốc núi thì vạt áo dầy vẫn giúp họ không bị đau đầu gối. Lúc trời lạnh, thả tay trong tay áo dài giúp họ điềm nhiên lần  tràng hạt mà tay vừa ấm vừa không bị găng tay cản trở việc lần tràng hạt.
Từ xưa đến nay, tôi vẫn cứ nghĩ, nước  Nga của tôi thời tiết khắc nhiệt nhất. Một năm tới sáu tháng là mùa đông, sáu tháng ngày ngắn, chưa “cười đã tối” rồi. Những tháng mùa đông cuộc sống khá là nặng nề vì thiếu ánh sáng mặt trời, thiếu hơi ấm. Cho nên ở Âu châu, người ta gọi nước Nga là xứ tuyết.  Nhưng hóa ra so với thời tiết ở Tây Tạng, thì thời tiết ở nước Nga vẫn còn rất thoải mái nhẹ nhàng, vì ở Tây Tạng mỗi ngày có đủ cả bốn mùa: buổi sáng là mùa xuân, trời mát mẻ chừng 13-18 độ, buổi trưa là mùa hè bỏng rát như 30-34 độ ở Moscow, buổi chiều là mùa thu hay mưa và se lạnh, buổi đêm đã như mùa đông lạnh ở mức âm 10 độ rồi. Ngoài thời tiết khác nhiệt, đất ở đây cũng không dành cho cây cối. Đất là một hỗn hợp của cát và sỏi, nên ở Golog, nơi tôi đến không có cây rau xanh nào mọc được cả, chỉ có cỏ và những cây thông là chống trọi nổi với điều kiện ở đây. Và rất thú vị, Tây Tạng cũng được gọi là xứ tuyết. Xứ tuyết châu Á hóa ra còn khắc nhiệt hơn xứ tuyết của châu Âu rất nhiều. Cứ tưởng với thời tiết khắc nhiệt như thế thì không có cây nào mọc được, nhưng rất kỳ lạ là ở đây vẫn mọc lên rất nhiều loại cây, cỏ, hoa, chỉ có điều chúng rất thấp, bám chặt vào đất để sống, bám chặt vào đất để nở hoa. Dường như chính sự khắc nhiệt của thiên nhiên đã giúp cỏ cây chắt lọc nên nhưng gì tinh túy nhất, nên người ta nói, Tây Tạng nằm trên mỗt núi thuốc tự nhiên, mỗi cây cỏ ở đây đều là một loại thuốc quý. Cây trà tuyết chỉ cao vẻn vẹn có 4-5 cm, và được nhổ cả rễ để uống. Tôi không là thầy thuốc, nên không biết hết về cây cỏ, nhưng tôi thấy ở đây có nhiều loại hoa quen thuộc như bồ công anh, mimosa, nhưng khác với ở các nơi khác, những cây hoa ở đây bé xíu, nở hoa ngay sát mặt đất, rất rực rỡ, còn những lá cỏ thì tỏa mùi thơm rất dễ chịu và đậm mùi thơm. Đối với ai đó thì điều kiện sống ở đây là khắc nhiệt, là không thể chịu được, nhưng một vị Ni chia xẻ với tôi rằng, ở đây có những điều kiện thật lý tưởng để tu tập. Nhờ không khí loãng nên ở đây không cần ngủ nhiều mà đầu óc vẫn rất tỉnh táo, ngồi thiền rất dễ định tâm, nên một năm tu tập ở đây có kết quả bằng nhiều năm ở các nơi khác. Hóa ra là như vậy, Tạo hóa luôn công bằng, luôn tuân thủ định luật bảo toàn năng lượng, được cái này thì phải mất cái kia, thiệt cái này thì sẽ được đền bù cái khác. Tôi không tu tập nhiều, nên không hiểu hết những khả năng mà không gian ở đây có thể ban tặng cho tâm  thức con người, nhưng tôi thấy ở đây bệnh lười và thích ngủ của tôi khuyên giảm đi đáng kể. Mỗi buổi sáng khi bầu trời còn lấp lánh sao đêm, phải có đèn pin mới nhìn thấy đường đi, chúng tôi tỉnh dậy để đi nhiễu xung quanh Bảo Tháp. Khi chúng tôi đến dưới chân Tháp đã có rất nhiều người cũng đã đến đây để đi nhiễu và tụng kinh. Trong bóng tối, tôi không nhìn thấy mọi người đi xung quanh mình, nhưng tôi nghe thấy những âm thanh tụng kinh vang lên trầm ấm, tiếng những tấm đệm tay chạm vào đá lốc cốc đều đặn của những hành giả thực hành mỗi bước mỗi lậy. Ở đây tôi thấy nhiều cụ già lưng đã còng đến đầu gối vẫn miệt mài đi nhiễu Tháp, thấy những em bé chỉ chừng 7-8 tuổi đã thực hành lễ lậy hết sức thành tâm.
Bảo Tháp “vì hòa bình” ở Golog là một ngọn tháp rất đẹp và kỳ lạ. Đứng ở bất cứ góc nào ở đây bạn cũng nhìn thấy ngọn Tháp với đôi mắt đầy từ bi của Đức Phật đang mỉm cười với bạn. Ngài Lama Sang, người  đã đặt nền móng cho tu viện Lung Ngon ở Golog đã xây dựng ngôi Bảo Tháp này vào cuối thế kỷ trước để cầu nguyện cho nền hòa bình của thế giới, khi mà người ta đang lo lắng là có thể ngày tận thế đang đến gần vào năm 2000. Bảo tháp này được xây dựng giống Bảo Tháp Boudhanath nổi tiếng ở Kathmandu, thủ đô của Nepal nên nó được gọi là Bảo Tháp Boudhanath của Xứ Tuyết. Trong Bảo Tháp này lưu giữ toàn bộ Đại Tạng Kinh của Phật giáo, gồm hơn một trăm ngàn bộ kinh.
Ở Golog tôi không  thấy hình ảnh ai đó to tiếng với nhau như những nơi khác tôi vẫn thường thấy, thậm chí hình ảnh các bà các chị ngồi trò chuyện rôm rả, cười nói thả phanh mà ở đâu cũng có, ở đây tôi cũng không gặp. Trên đường đi, người lớn hình như đang chú tâm vào những gì sâu sa trông tâm thức họ, họ không để ý đến mọi người xung quanh, dù đó là những người từ một quốc gia khác đến, từ một nền văn hóa khác đến hoàn toàn không giống họ. Chỉ có trẻ con, nếu tôi chăm chú ngắm nhìn chúng, thì chúng ban tặng lại cho tôi một nụ cười thật là ngây thơ, hoan hỉ.
Ở đây, ở Golog này, dường như chúng tôi đã được đến một thế giới khác, nơi tồn tại những chuẩn mực cuộc sống khác với thế giới thường ngày của chúng tôi. Ở đó những giá trị vật chất mà chúng tôi vẫn dùng để đánh giá chất lượng cuộc sống hoàn toàn bị quên lãng, và thay vào đó là những giá trị của tâm linh mà chúng tôi quên lãng được chú trọng. Tôi nhớ lại một câu chuyện vui của nước Nga. Có một vài thần dân của địa ngục được thưởng và được cho lên Thiên đường thăm quan. Họ được đưa đến nhà ăn để dùng bữa. Quanh năm bị đói, những thần dân của địa ngục chạy ngay đến bàn ăn hy vọng sẽ đánh một bữa thật là no say. Nhưng khổ nỗi, không hiểu sao ở đây đũa rất dài, họ không làm sao mà gắp được thức ăn vào bát của mình. Trong lúc loay hoay thì người này huých vào người kia, làm đổ cả thức ăn của họ, thế nên bữa ăn nhanh chóng biến thành một cuộc hỗn chiến và kết quả là không ai được ăn. Quá đau khổ, họ than  trách Thượng đế sao  đã cho họ lên Thiên đường mà còn không cho họ một bữa ăn no. Họ đục một lỗ thủng và nhìn sang các phòng bên cạnh. Ở đó các cư dân của Thiên đường đang dùng những chiếc đũa dài đó để gắp thức ăn…cho người khác. Ai cũng tranh nhau gắp thức ăn cho mọi người xung quanh, nên những chiếc đũa dài thật là rất tiện lợi. Kết quả là ai cũng có đầy thức ăn trong bát để ăn, và ai cũng no đủ. Một người bạn trong đoàn nhận xét,  Golog là địa ngục của vật chất và là thiên đường của tâm linh quả là không sai. Điều quan trọng là mình đến Golog để làm gì thôi.
4-Những giấc mơ ngọt ngào
Tôi vẫn nhớ hồi còn nhỏ, khoảng từ 4 đến 6 tuổi, trong những giấc mơ, tôi thường được nghe thấy những tiếng nhạc rất du dương, ngọt ngào, đưa tôi vào một trạng thái êm dịu, mềm mại, an lạc. Mỗi khi tỉnh dậy, bị kéo ra khỏi những giấc mơ êm đẹp đó, tôi thường ngồi buồn bã rất lâu hay ngồi khóc tỉ tê mà chẳng có nguyên cớ gì. Sau này lớn hơn, những giấc mơ ngọt ngào đó thưa dần, rồi mất hẳn, để lại một sự tiếc nuối cho tôi. Tôi tự nghĩ, nếu tôi nghe lại được những tiếng nhạc kỳ diệu đó, hẳn là tôi sẽ được trở lại cảm giác ngọt ngào êm dịu trong mơ. Nhưng hóa ra những tiếng nhạc du dương, trầm bổng đó thật là khó tìm. Giữa những  tiếng nhạc đó dường như có tiếng khèn nhưng trong trẻo hơn, dường như có tiếng tù và nhưng mượt mà, sâu lắng hơn. Tôi đi tìm những âm thanh trong mơ giữa những nhạc cụ cổ truyền của Việt Nam nhưng không thấy. Sau này lớn hơn, tôi đã cố gắng đi tìm những âm thanh đó giữa những nhạc cụ cổ truyền của Nga, của Trung Quốc, Nhật Bản nhưng cũng không tìm được một cái gì đó gần như vậy.  Tôi tự nhủ, có lẽ đó là những tiếng nhạc của những giấc mơ, không có trong đời thường và tôi hầu như đã quên mất chuyện này. Tình cờ một lần tôi xem một cuốn băng video lễ đón tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma, giữa những âm thanh khác nhau, chợt hiện ra một giai điệu thật là ngọt ngào, trầm ấm, làm rung động tâm trí của tôi. Tôi chợt cảm thấy, giữa những âm thanh ngọt ngào tôi tìm kiếm và Tây Tạng có điều gì đó gần gũi và gắn bó với nhau. Nhưng rất tiếc, tôi hiểu tình cảnh của đất nước Tây Tạng, nên không dám mong ước được đến đây, lại càng không dám nghĩ sẽ được đến một vùng đất Tây Tạng đúng với ý nghĩa đích thực của vùng đất này: mảnh đất của Phật Giáo, của những vị Phật Sống,của những ngôi chùa Linh thiêng và những phật tử đầy tín tâm tu tập.
Vậy mà  tôi đã được đến Tây Tạng. Được đến một  vùng đất vẫn giữ nguyên truyền thống tu tập của ngàn xưa. Được ngắm nhìn những ngôi chùa uy nghi, đẹp đẽ. Được chứng kiến sự sùng kính của những người dân ở đây dành cho Tam Bảo.  Được tham dự những buổi lễ Phật thật là trang nghiêm, đẹp đẽ. Được đắm chìm trong không gian của những âm thanh vi diệu, trầm ấm, làm rung động tâm tư.
Buổi lễ Phật đầu tiên.  Giữa không gian trầm lắng, trang nghiêm của hàng ngàn người đang im lặng. Từ đâu đó trong không gian vươn lên một tiếng nhạc mảnh mai, trong vắt, mỗi lúc một gần hơn, mỗi lúc một rõ hơn, càng gần, nghe càng ấm áp hơn, thiết tha hơn, như tiếng mẹ gọi con thức giấc sau một giấc ngủ dài. Đó là tiếng nhạc báo hiệu vị Thầy của chúng tôi đang trên đường lên tòa giảng của Ngài. 
Rồi cả một dòng âm thanh ngọt ngào bắt đầu xuất hiện. Đầu tiên là tiếng của hai chiếc kèn dồng dài gần 2 m, lảnh lót và thiết tha. Ngay sau đó là tiếng những chiếc vỏ ốc trầm ấm, sâu lắng như tiếng sóng biển vọng về từ xa xăm. Giữa một chuỗi âm thanh réo rắt đó, thỉnh thoảng lại điểm thêm một loạt tiếng trống trầm hùng, đường bệ làm dòng âm thanh thêm độc đáo và quyến rũ.
Tôi không hiểu tiếng Tây Tạng, nhưng những âm thanh tụng kinh của mấy trăm vị Tăng, trầm ấm, thiết tha, làm tôi thực sự rung động. Dòng âm thanh mượt mà như một dòng nước mát bao bọc lấy tôi, vỗ về, an ủi. Tôi nhắm mắt, để tâm tư hoàn toàn trôi trong tiếng tụng kinh ấm áp, dịu dàng và cảm thấy như tôi được trở lại những giấc mơ thuở nhỏ.
Tôi đã đi qua nhiều vùng trên thế giới, thăm nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Nhiều nơi để lại trong tôi một cảm giác thán phục vì những công trình vĩ đại của họ, nhiều nơi làm tôi thích thú vì cảnh đẹp của nó, nhưng không có ở đâu làm tôi nhớ nhung, thương nhớ như vùng đất Golog hẻo lánh này.
Lan Hương
Moscow, 09-2013

No comments: