Monday, January 19, 2015

Potala Palace - Lhasa












Ngay sau ngày tuyên bố thành lập nước CHND Trung Hoa (1.10.1949), Mao Trạch Đông đã tung Dã chiến quân số 2 (600.000 quân) đánh chiếm những vùng đất còn lại ở phía Đại Tây Nam và mở cuộc tấn công vũ trang lên dãy Hymalaya để… “giải phóng hòa bình Tây Tạng”! và để nhìn vào những bí ẩn dưới điện Potala...

Sách Mao Mao viết: "Mao Trạch Đông hạ lệnh cho đại quân Lưu - Đặng (Lưu Bá Thừa và Đặng Tiểu Bình) đảm nhận nhiệm vụ tiến quân vào Tây Tạng” ( tr. 835).

Họ lần lượt đánh chiếm Trùng Khánh (30.11.1949), Thành Đô (27.12.1949) và mở đường áp sát phía đông dãy Hymalaya đầu năm 1950. Đến tháng 10 năm đó, phát động chiến dịch Xuyên Đô trong 18 ngày “tiêu diệt 5.700 quân Tạng và mở toang cánh cửa tiến vào Tây Tạng”. Vậy là, sau một năm hành quân, họ chiếm được “bệ phóng” chiến lược dưới chân dãy Hymalaya để uy hiếp Tây Tạng về mặt quân sự. Mao Trạch Đông kết hợp thêm đòn chính trị: vận động một số đại biểu Tây Tạng do Abay Anang Dích Mê làm trưởng đoàn đến Bắc Kinh đàm phán. Kết quả: “ngày 23.5.1951, hai bên ký kết Hiệp nghị về các biện pháp giải phóng hòa bình Tây Tạng”. Vận dụng một trong các biện pháp “giải phóng hòa bình” của Hiệp nghị trên, Mao Trạch Đông ra lệnh triển khai đội hình, chuẩn bị lương thực khí tài đầy đủ trong hai tháng 6 và 7 để “đến tháng 8 và 9.1951 bộ đội Lưu - Đặng bắt đầu tiến quân lên nóc nhà thế giới - họ vượt qua nhiều gềnh thác, xuyên qua nhiều khu rừng nguyên thủy và vùng thảo nguyên đầm lầy mênh mông, chịu đựng giá rét và không khí loãng, tới tháng 10 - 11 năm ấy đặt chân tới Lasha - thủ phủ của Tây Tạng” (Mao Mao, sđd. tr. 835).

Từ đó, các chuyển biến thời cuộc nối theo đã biến Tây Tạng thành một khu tự trị của Trung Quốc vào năm 1965, chiếm 12,8% tổng diện tích lục địa, phía bắc giáp Tân Cương và Thanh Hải, phía đông - đông nam nối liền tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam. Riêng “phía nam và phía tây có chung đường biên giới với Ấn Độ, Miến Điện, Bu-tan, Xích-kim và Nê-pan, hình thành một đường biên giới tổng cộng dài gần 4.000km, vị trí chiến lược hết sức quan trọng, có thể nói ổn định của Tây Tạng liên quan đến sự ổn định và an ninh của miền tây Trung Quốc”. Chỉ xét riêng “vị trí nhạy cảm” đó cũng đủ để Mao Trạch Đông và các nhà lãnh đạo Trung Nam Hải xem Tây Tạng là “một quân cờ mà chính phủ Trung Quốc không thể coi nhẹ” (Mã Linh - Lý Minh, sđd., tr.203-204). Ngược lại:

Đạt-lai Lạt-ma không xem Tây Tạng là “quân cờ” trên “bàn cờ bành trướng” của Mao. Ngài phải rời Tây Tạng và trên đường lưu vong được tổng thống Mỹ Bill Clinton đón tiếp. Bill Clinton viết: “tôi ủng hộ có thêm tự do chính trị ở Trung Quốc và vừa mời ngài Đạt-lai Lạt-ma (và nhà hoạt động vì nhân quyền ở Hồng Kông là Martin Lee) đến Nhà Trắng để nêu bật sự ủng hộ của tôi đối với sự toàn vẹn về văn hóa và tôn giáo ở Tây Tạng - (cũng như duy trì nền dân chủ ở Hồng Kông)”- Bill Clinton, sđd Kỳ 78, tr. 1.077. Tiếp đó, trong chuyến viếng thăm Trung Quốc tháng 6.1998, Bill Clinton thảo luận với chủ tịch Giang Trạch Dân và đã “thúc giục ông (Giang Trạch Dân) gặp gỡ với Đạt-lai Lạt-ma - Giang Trạch Dân nói cánh cửa Trung Quốc rộng mở, nếu Đạt-lai Lạt-ma tuyên bố trước rằng Tây Tạng và Đài Loan là một phần của Trung Quốc” (Bill Clinton, sđd. tr. 1.125).

Song, Đạt-lai Lạt-ma không bao giờ tuyên bố như vậy. Ngài không chấp nhận “Tây Tạng là một phần của Trung Quốc” và luôn giữ lập trường về một nước Tây Tạng độc lập. Sống ở nước ngoài như trường hợp của ngài Đạt-lai Lạt-ma còn có những nhân vật quan trọng khác của Lasha đang nắm giữ nhiều bí mật về đất nước Tây Tạng. Có thể đọc thấy vài điều liên quan đến những bí mật đó qua cuốn “Các Lạt-ma hóa thân”. (Hồi ức Lobsang Rampa - Lê Nguyễn dịch từ bản in của NXB Thượng Hải - NXB VHTT, Hà Nội 2003), với đoạn tiết lộ bí ẩn dưới lòng đất của điện Potala ở Lasha (trích): “Điện Potala là một cung điện khổng lồ xây trên một ngọn đồi (…) trên nền móng của một cung điện cũ. Tại sao người ta lại dựng nó ở trên một cung điện cũ như thế? Điều này vẫn là một bí mật của xứ Tây Tạng. Ngọn núi này xưa kia là một hỏa sơn có chứa trong lòng nó những hang động bí mật với hàng ngàn đường hầm tỏa ra tứ phía. Có những hang động cất giấu nhiều tài liệu cổ hàng chục thế kỷ trước. Có những kho chứa châu báu vàng bạc từ thời đại xa xưa. Rất ít ai biết đến chỗ này”.
Tác giả tài liệu trên được sư phụ của mình (vốn rất thân cận với ngài Đạt-lai Lạt-ma) dẫn đến điện Potala, đi qua dãy hành lang tối đến một vòm cửa khá rộng. Đàng sau cánh cửa được đẩy ra là một miệng hầm sâu hun hút dẫn đến những con đường “dài như vô tận” mà ngay cả những vị lãnh đạo trong hội đồng tôn giáo cũng không được phép đặt chân đến nếu đức Đạt-lai Lạt-ma chưa đồng ý. Tác giả tường thuật tiếp:

“Chúng tôi đi mãi vẫn không thấy đáy, trên vách đá có ghi khắc những hình kỷ hà lạ lùng mà tôi không biết là hình gì. Sau cùng chúng tôi đến một cái hồ nằm sâu trong lòng đất, lúc đầu mặt hồ còn nhỏ nhưng sau rộng lớn dần cho đến khi tầm xa của nó chìm hẳn trong bóng tôi - ánh sáng của ngọn đuốc không soi tới được. Nước hồ đen như mực, người ta có cảm giác rằng đó không phải là một cái hồ mà là một vực sâu không đáy”. Sự hình thành của cái hồ kỳ lạ bí ẩn được giải thích: “Sở dĩ có hồ này vì trước kia, nơi đây chính là miệng một hỏa sơn to lớn. Qua các trận địa chấn, miệng núi lửa bị lấp bớt đi một phần, người ta lại xây dựng một cung điện úp lên trên miệng núi nên không còn ai thấy dấu tích hỏa sơn kia đâu nữa. Vì diện tích hồ hoàn toàn nằm sâu trong lòng đất, không một cơn gió, không một tia sáng lọt vào, nên mặt hồ lặng lẽ, không gợn sóng. Ánh sáng ngọn đuốc trên vách đá phản chiếu những màu sắc vàng lấp lánh. Tôi đến gần xem bỗng sững người, thì ra đó là những mạch vàng lớn khoảng mấy chục thước bề ngang. Ngày xưa nhiệt độ cao đã làm vàng chảy ra như sáp nến sau nguội dần và đông đặc lại thành những mạch vàng dài như một con rồng uốn khúc”. Sư phụ nói: - “Bây giờ chắc con hiểu tại sao người ta xây một cung điện khủng lồ lên trên miệng núi lửa rồi chứ? Sở dĩ phải làm thế vì đây là một mỏ vàng lộ thiên lớn chưa từng thấy. Đa số các pho tượng Phật đều đúc bằng vàng khối vì vàng ở đây rất nhiều. Nhưng nếu không biết che giấu, Tây Tạng có thể trở nên một chiến trường đẫm máu do lòng tham vô độ của con người”. Giá trị của các tiết lộ trên gắn liền với xuất thân và sứ mệnh đặc biệt của tác giả: Lobsang Rampa. Vậy Lobsang Rampa là ai?

Xác ướp của các lạt-ma Tây Tạng



Dưới thời Mao Trạch Đông, hồng vệ binh kéo đến xâm hại ngôi chùa cổ Trát-thập Luân-bố do ngài Đạt-lai Lạt-ma đời thứ nhất dựng lên (từ năm 1447) – nơi có ngôi tháp nạm ngọc thờ di thể các Ban thiền được giữ gìn nguyên vẹn theo bí thuật ướp xác Tây Tạng...

Lobsang Rampa tiếp tục thông tin về cách ướp xác theo kỹ thuật bí truyền Tây Tạng tóm lược trong bài viết này.

Song trước hết, có lẽ các độc giả cũng cần biết xuất thân và hành trạng của ngài Lobsang Rampa qua các câu trích dẫn từ nguyên văn bản dịch (trong ngoặc kép) với phần hồi ức của ngài Rampa (theo cuốn “Các lạt-ma hóa thân”, 355 trang- sđd. Kỳ 80) do Lê Nguyễn dịch, dưới đây: Lobsang Rampa là một vị lạt-ma hóa thân, tái sinh trong một gia đình quý tộc “có thế lực vào bậc nhất Tây Tạng”. Thân phụ của ngài Rampa lãnh đạo guồng máy hành chánh của nhà nước Tây Tạng (vào trước thời Mao Trạch Đông chuyển đổi Tây Tạng thành khu tự trị):

“Đứng đầu quốc gia và giáo hội là đức Đạt-lai Lạt-ma còn gọi Phật sống. Ngài vừa là nguyên thủ quốc gia, vừa là nhà lãnh đạo tôn giáo và thẩm phán tối cao của nền công lý xứ này. Tóm lại, ngài nắm trọn quyền lập pháp, hành pháp và cả tư pháp nữa.


Dưới quyền lãnh đạo của Đạt-lai Lạt-ma có hai hội đồng: Hội đồng tôn giáo gồm 4 vị lạt-ma trưởng lão trông nom vấn đề tôn giáo. Hội đồng nội các gồm 4 vị tổng trưởng mà trong đó một người là tu sĩ, 3 người kia là dân sự chịu trách nhiệm cai trị toàn xứ. Cha tôi (phụ thân ngài Lobsang Rampa) là người đứng đầu Hội đồng nội các - là thủ tướng. Dưới Hội đồng nội các còn một quốc hội gồm 120 người nghị viên đại diện cho 120 làng mạc trong nước, các nghị viên này phần lớn là tu sĩ” (Lobsang Rampa - sđd tr.17).
Quá bận rộn vì chức trách trên, thân phụ của Rampa đã giao ngài cho võ sư Tzu (là người có sức mạnh “nhấc bổng một con trâu Yak lên khỏi mặt đất”) huấn luyện và giám thị ngài từ lúc mới lên bốn tuổi.
Đến sinh nhật lần thứ 7 của Rampa có hơn 200 người được phái lên các ngọn núi tuyết cao vọi, vắng vẻ để cất công tìm hái những bông sen hiếm hoi mọc trong tuyết (tuyết liên) về ngâm với mật ong, trộn chung cùng các dược thảo Tạng truyền, vớt ra và phơi giữa trời cho gió thổi khô đi, giòn ngọt. Món mứt “tuyết liên” tuyệt vời ấy đem dọn mời hai vị chiêm tinh gia giỏi nhất Tây Tạng - đã tham cứu lá số của Rampa trước đó nhiều ngày - và lên tiếng tiên tri (đại ý): - Cậu bé sẽ dâng hiến tuổi thơ của mình trong một tu viện để trở thành tu sĩ và cũng là một y sĩ nắm giữ bí quyết của nền y học Tây Tạng. Khi trưởng thành, cậu phải sống tha hương ở xứ người và sẽ “mất tất cả” để rồi sẽ “có lại tất cả” từ con số không… Chiêm tinh gia dứt lời, bầu khí huyền bí sâu lắng bao trùm quanh lễ sinh nhật và không lâu sau đó Rampa được gởi vào tu viện Chakpori theo đúng tiên tri. Và cuộc đời ngài quả nhiên diễn ra như đường vận hành của “ngôi sao định mệnh” được báo trước. Ngài sang Trung Hoa, trôi dạt đến Anh quốc và một số nước khác ở châu Âu. Đến Mỹ (1934) giới thiệu và bắt tay thực hiện việc chữa trị theo bí quyết Tây Tạng ở bệnh viện y khoa John Hopkins và một số trung tâm y học quốc tế khác “đánh đổ quan niệm và thành kiến của các nhà khoa học Hoa Kỳ (thời bấy giờ) về môn y học Á Đông”. Những nỗ lực của ngài cũng góp sức tạo uy tín, thu hút giới trí thức Âu Mỹ hướng tầm nhìn về lịch sử Tây Tạng, cũng như nền y học và triết học thâm mật của xứ này. Đặc biệt nữa, ngài góp phần mở đường để vị Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 xuất hiện trên trường quốc tế cuối thập niên 1950 sau ngày bị đặc vụ của Mao Trạch Đông truy bắt. Đạt được những điều ấy nhờ ngài đã hấp thụ nền tảng kiến thức y học và chương trình giáo lý bí truyền từ nhỏ đến lớn ở tu viện Chakpori. Trước lúc qua đời, Sư trưởng tu viện Chakpori (trụ trì hơn 100 năm) gọi ngài đến ân cần an ủi, dặn dò và trao sứ mệnh (…) rồi thị tịch. Dầu đã mất, nhục thân của Sư trưởng vẫn ngồi an nhiên theo thế liên hoa Sau lễ cầu siêu cùng các nghi thức vãng sanh, nhục thân Sư trưởng được đưa lên bàn đá để bắt đầu các giai đoạn ướp xác (do ngài Rampa thuật lại):

1. Tẩy uế lau rửa bên ngoài nhục thân bằng thứ nước thơm nấu từ nhiều dược thảo chỉ mọc ở bình nguyên Tây Tạng, mổ lấy tất cả nội tạng “đem cất vào trong những cái vại sành đóng chặt”, rồi lau khô phía bên trong cơ thể bằng chất thuốc đặc chế “thứ thuốc này sẽ đông đặc lại và nhờ đó thân hình người chết sẽ giữ được vẻ ngồi tự nhiên như khi còn sống”.

2. Đợi thuốc khô cứng lại, mới nhồi một số tơ lụa có tẩm sẵn dược liệu và hương liệu vào bên trong xác ướp. Công đoạn này cần đến ít nhất 10 lạt-ma thông hiểu y lý và nắm vững bí quyết ướp xác thực hiện một cách kiên nhẫn từng tý một trong suốt nhiều ngày đêm (không ước định trước là bao lâu, chỉ lấy việc hoàn tất theo yêu cầu làm kỳ hạn cuối cùng). Lưu ý: tu viện Chakpori là nơi đào tạo các danh gia y học Tây Tạng. Họ đắp từng lớp tơ lụa mỏng có ướp thuốc cho đến khi chúng dày lên tới độ cần thiết cho kỹ thuật ướp xác. Trong quá trình đó họ phải để mắt theo dõi, canh chừng để “luôn luôn đổ thêm những chất thuốc khác nhau lên da thịt, đợi cho khô, rồi dán lên đó những lớp lụa thật mỏng”.
 
3. Khi nhục thân bảo đảm ướp đầy các lớp tơ lụa đủ liều lượng, xác chuyển xuống căn phòng xây lún sâu vào vách đá, đặt trên sàn nhà có rải lớp thuốc nghiền thành bột rất dày. Ở đó một lò nungđặc chế “với những lỗ thông hơi chằng chịt để giữ nhiệt độ luân chuyển đều đặn quanh bức tường” thiết kế sẵn. Mọi người rút lui, đóng cửa lại, để xác nằm giữa phòng vàcác lạt-ma châm lửa “suốt bảy ngày ngọn lửa tí tách cháy - đến ngày thứ tám người ta mới tắt lửa” nhưng chưa mở cửa phòng vội. Phải đợi thêm vài hôm sau “khi nhiệt độ trong phòng hạ xuống, người ta mới mở ra” - bắt đầu công đoạn khác.

4. Các lạt-ma chuyên trách “cạo hết các lớp bột bám quanh xác ướp và bóc hết các lớp vải bọc bên ngoài (…) cái xác trơ trụi y như lúc còn sống, chỉ hơi đen xám đi một chút”, bấy giờ nhìn vào thấy xác ướpdường như “có thể sống dậy bất cứ lúc nào”.

5. Để giữ lâu bền và làm đẹp hơn, những kỹ thuật viên chuyên trách “đắp các lớp vàng thật mỏng lên thi thể xác ướp - họ làm việc thật thong thả, phết những lớp vàng tế nhuyễn, tinh xảo và khi hoàn tất, họ để lại một xác ướp mạ vàng coi tự nhiên như người sống” và đưa lên kiệu chuyển đến “một đường hầm bí mật mà cửa vào được ngụy trang hết sức cẩn thận”. Đi hết đường hầm ấy, đến một căn phòng rộng lớn chứa 98 xác ướp được an vị, thờ sẵn tự bao giờ…Thêm xác ướp của Sư trưởng vào chỗ ngồi dành sẵn cho ngài, con số các “lạt-ma hóa thân” lên 99 vị.

Xong lễ, Rampa theo các lạt-ma bước ra “bỗng nhiên tôi (Rampa) thấy một sức hấp dẫn lạ lùng mãnh liệt từ một xác ướp bọc vàng. Tôi có cảm giác như cái xác ướp đó mỉm cười với tôi. Đầu óc tôi bỗng vô cùng hoang mang, choáng váng như có một cái gì đó thúc đẩy tôi bước nhẹ đến bên xác ướp”. Thoáng trong sát-na, ngắn chỉ bằng hàng trăm nghìn phần của một tích-tắc, Rampa bỗng đột ngột rơi vào tâm thái khác thường, toàn thân run lên không kìm hãm được. Ngài viết: “tôi bị xác ướp đó thu hút, dường như nó biết rõ tất cả về tôi. Bỗng dưng một bàn tay để nhẹ lên vai làm tôi giật mình, suýt té xỉu. Tôi quay người lại và nhận ra sư phụ mình. Người nói thật khẽ: - “Phải đó, con đã nhận ra cái xác của con hồi kiếp trước. Chúng ta biết con sẽ tự nhận ra mình


Cái chết của Ban-thiền Lạt-ma và án tử hình ở Lhasa























Mao Trạch Đông (giữa) và Ban-thiền Lạt-ma (trái) cùng Đạt-lai Lạt-ma tại Bắc Kinh, 1954

Các án tử hình và chung thân được tuyên vào cuối phiên tòa công khai xử “12 phần tử phạm tội” trong cuộc biểu tình đòi Tây Tạng độc lập trên đường phố Lhasa (năm 1989) liên quan xa gần đến cái chết đột ngột của Ban-thiền Lạt-ma từng bị Mao Trạch Đông bắt giam tại Bắc Kinh khi cách mạng văn hóa bùng nổ năm 1966…

Sách Mao Mao viết: “Năm 1966, lịch sử nước Trung Hoa mới đã mở sang một trang bất hạnh (…) Cha tôi, gia đình tôi, toàn thể nhân dân Trung Quốc đều trải qua một thời kỳ điêu đứng, mê loạn, chính trị đảo điên, tình người điên đảo” (Cha tôi Đặng Tiểu Bình – sđd. tr. 853). Thời kỳ ấy, Mao Trạch Đông “phát động căm hờn” để các tiểu quỷ hồng vệ binh tấn công 2700 đền chùa Tây Tạng, xâm hại ngôi danh lam thiêng liêng Trát-thập Luân-bố.

Trát-thập Luân-bố, tiếng Tây Tạng là: Bkra-sis Ihun-po. Bkra-sis nghĩa là: hạnh phúc, cát tường. Ihun-po: ngọn núi. Cho nên “tên chùa này có thể dịch là: Hạnh phúc sơn, hoặc Cát tường sơn” (tọa lạc ở thành Nhật-cấp-tắc Shigatsé) với 3.000 gian điện đường, 4 học viện mật thừa và hiển thừa, 14 kim đỉnh, tượng Phật Di Lặc bằng đồng mạ vàng cao 26,8 mét, nhiều bích họa và ấn chương bằng vàng ngọc (như ấn Đại tự đồ do Quốc sư đời Nguyên là Bát-tư-ba chế tác có khắc tiếng Mông Cổ), cùng các di vật có giá trị văn hóa khác.


Sáng lập bởi Đức Đạt-lai Lạt-ma đời thứ nhất (được xem là hóa thân của Bồ tát Quán Thế Âm), đến đời Đạt-lai Lạt-ma thứ 5 “trở thành hệ thống của Ban-thiền, tăng chúng 3.800 vị, khi hưng thịnh có đến 7.000 vị” (Từ điển Phật học Huệ Quang - Hòa thượng Thích Minh Cảnh chủ biên, NXB Tổng hợp TP. HCM – 2005, tập VII, tr. 5752). Chua xót nhất của danh lam này là đã bị hủy hoại ngôi tháp dát bạc và khảm ngọc thạch dùng tôn thờ di thể (xác ướp) của các Ban-thiền.

Về Ban-thiền Lạt-ma, Đoàn Trung Còn viết: Ở Tây Tạng “có hai vị Phật sống (Hoạt-Phật) chức vị lớn nhứt: Ngài Đạt-lai Lạt-ma (ngự ở kinh thành Lhasa) và ngài Ban-thiền Lạt-ma (ngự ở Trát-thập Luân-bố - Shigatsé). Ngài Đạt-lại Lạt-ma thì cầm quyền quốc chánh và tôn giáo. Còn ngài Ban-thiền Lạt-ma thì được coi như bậc thầy cả về tôn giáo. Có khi ngài Đạt-lai Lạt-ma vắng mặt hoặc tịch hóa thì ngài Ban-thiền Lạt-ma thay quyền.
Các nhà đạo đức có dịp viếng qua xứ Tây Tạng và chầu đức Phật sống Ban-thiền Lạt-ma đều công nhận rằng ngài có mật hạnh, cốt cách hiền hòa và có dạ từ bi, hẳn là bực Phật Thánh giáng trần”. (Phật học từ điển, Quyển I, Phật học toàn thư xuất bản, Sài Gòn 1966). Tìm hiểu về Ban-thiền Lạt-ma, quý độc giả vui lòng tham khảo thêm: Từ điển Phật học Hán – Việt, Hòa thượng Kim Cương Tử chủ biên, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1998, tr.85. Và: Từ điển Phật học Huệ Quang, sđd. Tập I, tr.260.
Linh tháp chùa Trát-thập Luân-bố thờ 5 di thể Ban-thiền Lạt-ma đời thứ 5 đến đời thứ 9. Ban-thiền Lạt-ma đời thứ 10 đã viết bức thư dài 70.000 chữ phản đối Mao Trạch Đông phá hoại chùa Trát-thập Luân-bố và triệt bỏ linh tháp. Mao tức giận, kết tội và bắt giam Ban-thiền. Mã Linh - Lý Minh viết: “Do bất mãn với cách làm kích động trong đại cách mạng văn hóa, Ban-thiền đã gởi lên trung ương một bản thất vạn ngôn thư (bức thư bảy vạn chữ) nên bị (Mao Trạch Đông) gán tội tống giam vào tù” - Hồng Phượng dịch, sđd ở Kỳ 77, tr. 214. Đạt-lai Lạt-ma và Ban-thiền Lạt-ma đều bảo vệ Phật pháp Tây Tạng, song hai ngài có hai cách xử thế khác nhau. Ngài Đạt-lai Lạt-ma (thứ 14) phản đối quyết liệt đối sách của Mao Trạch Đông ghép Tây Tạng vào Trung Quốc.
Ngài Ban-thiền Lạt-ma (đời thứ 10) liên lạc và lên tiếng ủng hộ Đảng CS Trung Quốc từ lúc Mao Trạch Đông chưa về đến Bắc Kinh. Sau ngày Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nước CHND Trung Hoa, Ban-thiền công khai tán thành chủ trương “giải phóng hòa bình Tây Tạng” của Mao. Dầu vậy, Mao vẫn không nể nang gì, trả đũa đàn áp thẳng tay những chỉ trích thẳng thắn của Ban-thiền Lạt-ma (về các sai lầm của Mao). Quyết liệt hơn, Mao kết tội Ban-thiền Lạt-ma theo con đường hữu khuynh để giam vào ngục: “mãi cuối thập niên 1970, Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu dẹp loạn uốn nắn, Ban-thiền lại được trả tự do, khôi phục chức vụ (Phó Chủ tịch Quốc hội - Phó Chủ tịch Hội nghị hiệp thương chính trị toàn quốc - GH)”

Ra tù, Ban-thiền Lạt-ma về thăm chùa xưa Trát-thập Luân bố sau 18 năm xa cách. Các tín đồ quyết tử tìm đến “đem di hài của số cao tăng mà họ đã mạo hiểm cả tính mạng giữ lại được trong đại cách mạng văn hóa” giao ngài.

Ban-thiền thỉnh nguyện Đặng Tiểu Bình và các nhà lãnh đạo Trung Nam Hải xây lại các Phật điện và ngôi linh pháp để hợp tán di hài của 5 vị Ban-thiền và được chấp thuận. Bắc Kinh “đền bù” phần nào vàđã cấp “108,35 ki-lô vàng, 1.000 ki-lô bạc” để xây linh tháp.
Sau 3 năm thi công, tháp hoàn thành ngày 10.12.1988 với “diện tích 1.933 mét vuông, cao 33,17 thước tây, tầng tháp cao 11,52 thước tây”. Lễ khai quang cử hành 20.1.1989 do ngài Ban-thiền chủ trì và Bí thư đảng ủy khu tự trị Tây Tạng Hồ Cẩm Đào đọc diễn văn chúc mừng.
Một tuần sau, ngài Ban-thiền chưa kịp về lại Bắc Kinh “đột nhiên bị nhồi máu cơ tim 28.1.1989” (sđd 218). Từ Bắc Kinh, Ôn Gia Bảo (bấy giờ là Bí thư dự khuyết Ban bí thư trung ương Đảng) lập tức dẫn các chuyên gia bệnh tim đáp chuyên cơ bay đến Tây Tạng, nhưng không kịp nữa. Ban-thiền qua đời ngay hôm đó (28.1).
Do cái chết đột ngột của Ban-thiền Lạt-ma, Đại pháp hội truyền chiếu (sinh hoạt truyền thống đã có ngót 500 năm ở Tây Tạng) sắp tổ chức phải hoãn lại. Thêm nữa, Bắc Kinh lo ngại nếu tổ chức Đại pháp hội vào dịp tròn 30 năm ngài Đạt-lai Lạt-ma phát động vũ trang giành độc lập Tây Tạng (1959-1989) sẽ có khả năng xảy ra sự biến không hay.

Quyết định hủy bỏ “đại pháp hội truyền chiếu” gây chấn động lớn trong dân chúng và Phật giáo đồ Tây Tạng. Lhasa liên tục diễn ra 4 vụ diễu hành đòi độc lập (từ 13.2 đến đầu 3.1989), lên đỉnh điểm ngày 5.3 với cuộc xuống đường của hơn 2.000 Phật tử: “Một số người bắt đầu xông vào đập phá cơ quan quận ủy và cơ quan chính quyền quận Thành Quan, ném đá vào đồn công an, trên phố đèn đuốc sáng rực. Trong cuộc gây rối ngày hôm đó, tổng cộng có 11 người chết, hơn 100 người bị thương”.

Hai ngày sau, bạo động vẫn tiếp diễn, Bắc Kinh ra lệnh cấm không ai được phép ra đường, đi lại. Thành phố Lhasa vắng ngắt, chỉ còn quân đội Trung Quốc và xe tăng án ngữ. Thống kê cho biết trong đợt đấu tranh đó có “gần 100 cửa hàng tư nhân và cửa hàng quốc doanh, tập thể bị đập phá hoàn toàn - 9 cơ quan chính quyền, 1 trường tiểu học, 2 ủy ban khu phố và một phân cục công an, 1 trụ sở phục vụ bảo an, 3 đồn công an bị đập phá, hơn 20 chiếc ô tô bị đốt, 1.004 sạp bán hàng tư nhân trên phố Bát Khoách không thể kinh doanh được từ ngày 4 đến ngày 7.3.1989” (Mã Linh – Lý Minh, sđd. tr. 222 – 223).
Nhiều người bị bắt và Lhasa mở phiên tòa đặc biệt xét xử “12 phần tử phạm tội trong sự kiện gây rối ở Lhasa ngày 5.3.1989” với án tử hình và tù chung thân. Đưa tin trên, tờ Tây Tạng nhật báo gọi những người biểu tình đòi độc lập Tây Tạng là “yêu ma” và cảnh báo “luật pháp của chúng ta (Trung Quốc) không phải là mũi “kim thêu” mà là “gậy giáng yêu” (chữ dùng của bài xã luận). Vượt lên những đe dọa, Lhasa vẫn tiếp tục chứng tỏ bản lĩnh “hoa sen trong biển lửa” vào thập niên đầu của thế kỷ 21…Giao Hưởng (Motthegioi)

No comments: