Wednesday, April 24, 2019

TUỔI THƠ BAY CAO - Lương Thúy Anh



Mùa hạ hồng đang từng bước nhẹ nhàng đi vào lòng phố Huế.
Có những buổi chiều tôi theo chân mùa hạ, để rồi, nghe dường như trong mùa mới có giọng của tuổi thơ thì thầm vọng từ những mùa rất cũ…
Những ngày mùa hạ lồng lộng gió gợi cho tôi nhớ những cánh diều phất phới bay giữa bầu trời xanh ngăn ngắt màu mây, màu mây ấy trong vắt chưa hề gợn chút sắc xám ưu tư.
Trong kí ức tuổi thơ của tôi, có những cánh diều giấy, được dán ghép rất đơn sơ, có khi chỉ là mấy mảnh giấy báo cũ, anh tôi ngồi cặm cụi cắt dán lên khung tre đã vót, cột sẵn, thành một khung hình, giấy báo cắt thành hình theo khung tre, dán lên gọi là phất diều.
Lớn hơn một chút, là các em của tôi cùng các bạn tự làm .
Cánh diều hồi ấy rất đơn giản, chỉ là tấm giấy hình vuông, dán thêm đuôi, hay là diều phên, diều cánh cung, kiểu cách hơn là diều bướm, diều battman…dán toàn bằng giấy báo, hay là giấy vở học trò, ví dụ như một cánh diều phên thì một tờ giấy vở là vừa y nguyên, sít sao một khung tre, không cần cắt bớt hay nối thêm. Có khi sang hơn, đi nhà sách mua giấy dầu màu, là loại giấy tựa như giấy kiếng màu hiện nay nhưng đục chứ không trong suốt.
Diều dán xong, sẽ được thả bằng chỉ may thôi, chỉ cuộn tròn trên chiếc ống, nhưng nếu diều nặng hơn thì chạy bằng gấc mảnh.
Những cánh diều hiện nay được làm hoàn toàn công nghiệp, sản xuất hàng loạt, màu mè và kiểu cọ vô cùng phong phú, khi thả lên cũng bay phất phới, nhiều màu rất bắt mắt, nhưng lạ lùng là không hề gợi trong tôi một cảm xúc nào, chỉ là đưa mắt nhìn theo, những sắc màu rực rỡ ấy …một cách nhìn rất hững hờ, rồi nhủ thầm…đẹp thì có đẹp, nhưng chỉ là đẹp sắc màu hiện đại, chứ không hề đẹp sắc màu gợi nhớ…
Trẻ em bây giờ không còn mấy em giữ được niềm vui chơi thả diều, cũng vì nhiều lí do, trong đó…do việc học dồn dập, trò chơi trên máy vi tính quá nhiều, đường phố Huế bây giờ vắng hẳn những không gian thoáng rộng như xưa… và chừ nếu các em muốn chơi diều, chỉ cần ra phố, chợ hỏi mua là có ngay một con diều.
Điều này có nghĩa là các em đã hoàn toàn thiếu niềm vui làm diều, làm do tự mình làm hay là ngồi coi Cha, anh của mình làm diều. Ngồi vót tre, chia chia tính tính, rồi cột lại thành một khung hình theo ý thích, xong phất giấy, những điều này đôi khi tuổi thơ ngày ấy đã từng say mê đến quên ăn mất ngủ, hay ngồi nhìn anh mình làm dùm, theo dõi từng cử chỉ từng động tác vừa là để bắt chước, vừa là vì lòng cứ nôn nóng, trông mau mau xong để chạy ra đường mà thả cánh diều lả lướt theo mùa gió quê hương.
Chừ những chiều hè đang lần lượt quay về trên quê hương, đôi khi tôi nghe loáng thoáng trong gió Huế, có tiếng reo cười của tuổi thơ, vỡ òa niềm vui theo cánh diều nương gió bay cao rất cao, hay bất chợt chùng hẳn lại bởi thấy con diều giấy khi không mà lảo đảo nghiêng ngả chực rơi về nơi xuất phát, có khi diều bay nhanh quá rồi thình lình vướng vô cành cây, dây điện trên cao, để lại trong lòng tuổi thơ hồi ấy sự tiếc rẻ vô cùng.
Tiếng sáo diều tuổi thơ vi vu của mùa xưa cũ ấy, nghe nhẹ hẫng, chẳng hề chớm nụ ưu phiền, chỉ là duy nhất niềm vui chiếm hữu trọn vẹn, niềm vui càng lúc càng tăng theo tỉ lệ thuận với “cánh diều no gió” đơn sơ, mộc mạc một thời…
“Ôi cánh diều no gió, tuổi thơ trên đó...
Nhẹ lên diều ơi, càng cao càng vui”