Wednesday, May 31, 2017

Bánh xe đồng vọng - ĐƯỜNG ĐỒNG KHỞI - TỰ DO







Có ai đó bảo rằng: Sài Gòn là thánh địa của tình yêu, của nỗi nhớ và của những kỉ niệm xa xưa...
Bánh xe đồng vọng - ĐƯỜNG ĐỒNG KHỞI - TỰ DO
Có ai đó bảo rằng: Sài Gòn đẹp bởi sắc nắng hanh hao và cơn mưa chiều bất chợt!
Sài Gòn những mùa thu có những con đường xôn xao áo lụa, có những buổi tan trường nhìn tà áo dài tha thướt mà mơ ước vu vơ để đêm về trên trang vở học trò lại ngu ngơ bài thơ tình khó nói:
“Thành phố ấy xôn xao tà áo trắng
Nắng hanh vàng trải lụa những mùa thu
Thành phố ấy mấy ngã tư đèn đỏ
Ai chờ ai khi kẻng đánh tan trường”
Sài Gòn là thế, quyến rũ và nên thơ là thế! Sài Gòn trong nỗi nhớ là góc phố dịu dàng giữa những hạt nắng bâng khuâng. Sài Gòn trong nỗi nhớ còn là những chiều thơ thẩn giữa đường Đồng Khởi thênh thang trên chiếc xe đạp cà tàng cùng lũ bạn.
Đường Đồng Khởi nằm trên địa bàn Q.1, TP.HCM với chiều dài 630 mét. Bắt đầu từ ngã tư Nguyễn Du và kết thúc là đường Tôn Đức Thắng nhìn ra sông Sài Gòn thơ mộng. Nhớ lại thuở xưa, trước khi Sài Gòn rơi vào tay quân Pháp năm 1861, thì đường Đồng Khởi ngày nay đã có một quá trình dài góp mặt vào nếp sống của cư dân nơi đây. Nó được biết đến nhiều vì đầu đường nơi tiếp giáp với bờ sông Sài Gòn từng là nơi vua nhà Nguyễn nghỉ ngơi. Chẳng biết có phải vì thế chăng mà nơi đây vẫn được người ta gọi là Bến Ngự. Lúc bấy giờ con đường này vẫn chưa có tên là Đồng Khởi mà chỉ là con đường Số 16 trong cả thể hai mươi lăm con đường được đánh số kế tiếp nhau. Tác giả người Pháp Pallu de la Barrière trong một tác phẩm của chính mình viết năm 1861 đã miêu tả đường Số 16 như sau: “Du khách đến Sài Gòn nhìn thấy bên hữu ngạn con sông một loại đường phố mà hai bên bị đứt quãng bởi những khoảng trống lớn. Phần lớn nhà cửa làm bằng cây lợp lá cọ ngắn; số khác ít hơn, làm bằng đá. Mái nhà lợp bằng ngói đỏ làm vui mắt và tạo được cảm giác yên bình...”
Mãi đến năm 1865, hai mươi lăm con đường ấy mới được Đề đốc De La Grandière đặt tên và con đường Số 16 ngày nào có tên là Catinat. Có thể nói vào thời kì ấy đường Catinat là bộ mặt sinh hoạt của cả Sài Gòn - thành phố thuộc địa đầu tiên của cả vùng Viễn Đông.
Năm 1954, con đường kì cựu này lại một lần nữa được đổi tên là đường Tự Do. Và từ sau năm 1975 mới chính thức có tên gọi là đường Đồng Khởi như ngày nay.
Đường Đồng Khởi, con đường của nỗi nhớ, của tình yêu và chẳng biết từ bao giờ đã thành duyên hóa nợ với những người con của xứ sở phương Nam. Với người Sài Gòn, đây là con đường để tự hào, để bày tỏ về một đời sống thanh lịch của thành phố mà nói như nhà thơ Đỗ Trung Quân: “Đây là con đường sang trọng và Sài Gòn nhất”.
Hồn phố Sài Gòn đó có thể là con dốc hiếm hoi trên đường Đồng Khởi - con dốc giúp người ta nghe và hình dung mặt chảy của thời gian.
Hồn phố Sài Gòn là gánh xôi, trái bắp, là tiếng rao văng vẳng giữa thị thành.
Hồn phố Sài Gòn còn là những chiều cuối tuần lang thang phố xá, ngồi góc café cũ Givral hay quán vỉa hè đời mới Highland đón gió sông lên nhìn con đường chở dòng người chạy dưới hai hàng cây ta sẽ thấy một Sài Gòn xưa và nay thuần chất trong một dấu nối thời gian tưởng chừng như khác biệt.
Đường Đồng Khởi - con đường còn lưu lại biết bao dấu ấn của một thời đáng nhớ, vẫn còn đó nơi đây khách sạn Continental. Từ những năm 1880 của thế kỉ 19, đi qua lịch sử hình thành và phát triển ngót hơn 125 năm Continental như một chứng nhân cho sự đổi thay từng ngày của TP.HCM nói chung hay đường Đồng Khởi ngày nay nói riêng. Thời sau Thế chiến I thiên tài Tagore và nhà văn Pháp André Malraux - tác giả của tiểu thuyết Thân phận con người - đã đến và ở khách sạn này. Đây cũng chính là nơi đặt hai văn phòng Báo chí Quốc tế tại Sài Gòn ngày ấy. Cùng với khách sạn Continental và Caravelle, quán cafe Girval từng là nơi săn tin, “ăn dầm nằm dề” của những ký giả nổi tiếng thế giới và miền Nam, trong đó có nhà báo, văn sĩ Graham Greene, tác giả cuốn sách lừng danh Người Mỹ trầm lặng. Và cũng không biết có phải vì sự hấp dẫn của Catinat - Đồng Khởi chăng mà nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan đã viết những vần thơ nghe trữ tình và da diết đến lạ để rồi sau đó người nhạc sĩ tài hoa Phú Quang đã thổi vào đây cả tâm hồn đồng điệu của mình.
Như bao buổi sáng tôi ngồi nơi góc phố, phố rộn ràng, nắng buồn hanh và quán café vỉa hè không tiếng nhạc. Cùng với Continental, Caravelle còn phải kể đến sự hiện diện của Majectic - khách sạn vào bậc nhất của TP.HCM trên đường Đồng Khởi - được xây dựng từ năm 1925, Majectic là một trong những khách sạn cổ hiếm hoi còn tồn tại cho đến ngày nay. Mang trên mình kiến trúc Pháp, nằm ngay tại trung tâm thành phố hướng ra sông Sài Gòn, nếu Majectic là cung điện nguy nga thì đường Đồng Khởi là những nấc thang được lát vàng để bước vào cung điện ấy.
Đến với Sài Gòn, đến với phố Đồng Khởi du khách sẽ nhận ra một không gian vừa quen vừa lạ, vừa hiện đại lại vừa thuần chất Việt Nam. Những dòng xe cứ lăn trên đường Đồng Khởi, gió nhẹ nhàng cùng nỗi nhớ miên man chợt ngẩn ngơ câu thơ tình chưa ngỏ:
“Con đường xưa trong nỗi nhớ nhỡ nhàng
Tìm đâu thấy vết rêu xanh kí ức
Những dòng xe mãi lăn về phía trước
Để sau lưng vệt nắng nhớ bên thềm”