Năm tháng lưu đày của vua Hàm Nghi ở Alger
Chân dung vua Hàm Nghi những năm tháng cuối cuộc đời lưu đày.( Ảnh tư liệu gia đình)
Lên ngôi năm 13 tuổi, tại vị trong vòng một năm (07/1884-07/1885), nhà
vua trẻ Hàm Nghi (Nguyễn Phúc Ưng Lịch) (1871-1944) trở thành biểu tượng
chống Pháp của phong trào Cần Vương trong suốt bốn năm. Tháng 11/1888,
chính phủ Pháp đưa vua Hàm Nghi sang lưu đày tại Alger cho tới cuối đời.
Sử sách đề cập tới nhiều phong trào Cần Vương, thế nhưng quãng thời
gian sống tại Alger của vua Hàm Nghi vẫn là một khoảng trống và thu hút
sự quan tâm của mọi người.
RFI đã
may mắn gặp được cô Amandine Dabat, cháu năm đời của vua Hàm Nghi. Hiện
chị đang làm luận văn tiến sĩ về cuộc đời và sự nghiệp của vua Hàm Nghi
tại đại học Sorbonne-Paris 4. Chị cho biết, bên cạnh một ông vua An Nam
bị lưu đày biệt xứ, Hàm Nghi còn là một nghệ sĩ đa tài, một họa sĩ.
Hoàn cảnh lưu đày
Vua Hàm Nghi tới Alger vào tháng 1 năm 1889. Chính phủ Pháp bắt ngài vào
tháng 11 năm 1888 để chấm dứt phong trào Cần Vương của người Việt và họ
quyết định đày ngài sang Alger, cùng với một phiên dịch, một người hầu
và một đầu bếp.
Amandine Dabat: « Khi
tới Alger, họ được đại uý Henri de Vialar, lúc đó là sĩ quan tuỳ tùng
của Tirman, Toàn quyền Algérie, tiếp đón. Và chính sĩ quan Vialar chịu
trách nhiệm tìm nhà cho vua Hàm Nghi. Ngôi nhà có tên là « Biệt thự cây
thông » (Villa des Pins), ở El Biar, trên một ngọn đồi thượng Alger. Bắt
đầu từ lúc này, vua Hàm Nghi bị truất ngôi, chỉ được coi như hoàng tử
và người ta thường gọi là « Hoàng tử An Nam ». Đây cũng chính là tên
thông thường của vua trong suốt cuộc đời lưu vong tại Alger. Những năm
đầu tiên, ngài sống trong ngôi nhà mà người Pháp thuê cho. Chỉ từ năm
1906 trở đi, sau khi kết hôn với một phụ nữ Pháp vào năm 1904, họ mới
xây một ngôi nhà mới, có tên là « Biệt thự Gia Long », do Guiauchain,
một kiến trúc sư người Pháp tại Alger thiết kế. Và vua sống trọn đời tại
đây cùng với gia đình. »
Cụm từ « sống lưu đày » (vie d’exil) khiến nhiều người hình dung một
cuộc sống vất vả và khó khăn. Liệu cuộc sống lưu đày của nhà vua có nặng
nề như ý nghĩa của cụm từ đó ? Amandine Dabat giải thích :
«
Cuộc sống lưu đày của nhà vua chắc chắn là nặng nề, hay khó khăn theo
nghĩa xa cách quê hương. Đó chính là nỗi khổ tinh thần đối với gia đình.
Nhưng thực ra, cuộc sống lưu đày của ngài khá thoải mái. Vì mục đích
của chính phủ Pháp khi đưa vua Hàm Nghi đến Alger, trước hết là để biến
ngài thành một người thân Pháp, vì thế, phải khiến ngài yêu nước Pháp.
Quả thực, ngay khi bị lưu đày tại Alger, vua Hàm Nghi vẫn là một hoàng
tử kế nghiệp và vẫn có thể kế ngôi vua Đồng Khánh. Chính vì vậy, từ thời
điểm đó, ngài phải được đối đãi tử tế, phải học tiếng Pháp và hưởng
phong cách Pháp. Từ đó để vua Hàm Nghi phải yêu nước Pháp. Vậy nên, dù
vua Hàm Nghi buộc phải ở lại Alger, ngài vẫn được sống trong một ngôi
nhà tiện nghi. Ngài có thể đánh quần vợt, đi xem hát, đi săn. Ngài có
bạn bè và bắt đầu học vẽ. Tất cả các hoạt động này đều được chính phủ
Pháp cho phép. Phải để cho vua Hàm Nghi cảm thấy thoải mái tại Alger, vì
trong trường hợp ngài được đưa về Việt Nam và lên ngôi vua, cần phải để
cho ngài có thiện cảm với nước Pháp. »
Sau khi vua Hàm Nghi thoát ly triều đình, đứng đầu phong trào Cần Vương,
chính phủ thuộc địa Pháp đưa vua Đồng Khánh (Nguyễn Phúc Ưng Kỷ) lên
ngôi. Thế nên, dù sống lưu đày tại Alger, vua Hàm Nghi vẫn có khả năng
nối ngôi, trong trường hợp vua Đồng Khánh băng hà.
Amandine Dabat : «Chính
phủ Pháp tự hỏi là có nên đưa vua Hàm Nghi về kế vị vua Đồng Khánh hay
không. Đây là những thông tin được lưu lại trong nhiều tài liệu lưu trữ
thuộc địa. Nhưng cuối cùng, họ cho rằng việc này quá mạo hiểm. Vì vua
Hàm Nghi còn có quá nhiều người ủng hộ tại Việt Nam và chính phủ Pháp e
ngại rằng nhà vua sẽ lại đứng đầu phong trào kháng chiến chống Pháp.
Chính vì vậy mà vua Hàm Nghi phải ở lại Algérie. Tôi không biết chính
xác tới ngày nào, chính phủ Pháp vẫn coi ngài là quân cờ trong thế trận
Đông Dương, hay là một hoàng tử kế vị. Tôi cũng không biết tới tận ngày
nào, vua Hàm Nghi vẫn không được phép quay lại Đông Dương. »
Cuộc sống dưới vòng giám sát
Dù có một cuộc sống khá
thoải mái về vật chất và được phép tham gia một số hoạt động thể thao và
nghệ thuật, nhưng vua Hàm Nghi suốt đời bị theo dõi, thậm chí các cuộc
thăm viếng cũng bị kiểm soát. Ví dụ, ngài phải xin phép chính phủ Pháp
để rời Alger du lịch trong nước Algérie, hay đi sang Pháp lục địa. Và
khi ngài tới Pháp, ngài cũng liên tục bị theo dõi. Mọi thư từ trao đổi
của ngài đều bị chính phủ Pháp chặn lại. Người ta chỉ đưa cho ngài những
bức thư từ Algérie hay Pháp lục địa. Ngài không thể nào nhận được thư
từ Đông Dương.
Amandine Dabat : «
Biện pháp theo dõi này là do chính phủ Pháp đại lục áp đặt dưới sức ép
của chính phủ Pháp tại Đông Dương. Thực vậy, chính phủ Pháp tại Đông
Dương luôn giữ hình ảnh của vua Hàm Nghi như một người chống đối nguy
hiểm. Họ cũng sợ rằng Hàm Nghi vẫn giữ liên hệ với phong trào Việt Nam
chống chế độ thuộc địa. Chính chính phủ Đông Dương đã buộc chính phủ
Pháp đại lục theo dõi vua Hàm Nghi. Nhưng chính phủ Pháp tại Algérie
nhanh chóng hiểu rằng vua Hàm Nghi tại Alger không còn nguy hiểm và
không thể liên lạc với Đông Dương và ngài cũng không còn là một mối đe
doạ lớn. Chính vì thế, chính phủ Pháp tại Algérie giảm bớt việc theo
dõi. Điều này cũng thể hiện rằng ngay trong nội bộ chính phủ Pháp vẫn có
bất đồng quan điểm. Chính phủ Pháp tại Algérie cố bảo vệ vua Hàm Nghi
và nới lỏng việc theo dõi. Trong khi đó, chính phủ Pháp lục địa và Đông
Dương thì lại muốn việc theo dõi nghiêm ngặt hơn. »
Với những biện pháp theo
dõi chặt chẽ như vậy, liệu vua Hàm Nghi có tiếp cận được những thông tin
về tình hình phong trào khởi nghĩa chống Pháp hay, sau này, là cuộc
chiến tranh Đông Dương ? Amandine Dabat cho biết chi tiết :
« Chúng ta không biết được
chính xác làm thế nào vua Hàm Nghi có được thông tin về những gì đang
diễn ra tại Đông Dương. Vì về mặt chính thức, nhà vua không nhận được
thư từ Đông Dương. Nhưng trên thực tế, Hàm Nghi có rất nhiều bạn, chủ
yếu là những người bạn Pháp, sĩ quan hay nhà truyền giáo. Những người
này thường đi lại giữa Algérie, Pháp đại lục và Đông Dương. Họ cung cấp
cho ngài các tin tức về Đông Dương, nhưng đó chỉ là tin truyền miệng.
Trong một vài bức thư, đôi khi có vài thông tin về những sự kiện
đang diễn ra tại triều đình Huế. Nhưng chúng tôi không có một chút dấu
tích gì về phản ứng của nhà vua. Điều duy nhất mà tôi biết là ngài luôn
từ chối nói về chính trị, hay trong mọi trường hợp, viết về vấn đề chính
trị. Vì ngài biết rằng nếu chẳng may chính phủ Pháp đọc được thư, ngài
sẽ bị theo dõi chặt chẽ hơn và thậm chí có thể bị giam hãm. Vì thế,
trong mọi thư từ, ngài từ chối nói chuyện chính trị. Nhưng thái độ của
ngài tại Alger cũng chứng minh rằng ngài chưa bao giờ thật sự quan tâm
tới chính trị, ngay cả tình hình chính trị Pháp thời bấy giờ. Khi ngài
bình phẩm chính trị tại Pháp lục địa, luôn dưới góc độ hài hước và không
có chút bận tâm thật sự nào.
Tôi
nghĩ rằng bắt đầu từ lúc đi đày, ngài đã hiểu ra rằng nếu muốn sống một
cuộc sống an bình, thì cần phải thể hiện rõ mình không còn là một nhà
chính trị, không còn là một mối nguy hiểm cho chính phủ Pháp. Đó là
những gì mà các văn bản, những bằng chứng viết, cho thấy rõ. Còn chúng
ta không biết được là chuyện gì xảy ra qua lời nói. Những gì mà vua Hàm
Nghi viết không thể hiện điều ngài nghĩ. Chính vì thế, chúng ta không
biết được tận sâu đáy lòng, ngài nghĩ gì. Chúng ta chỉ biết được qua
những gì ngài viết về bối cảnh lúc đó. »
Giữ liên lạc với Việt Nam
Nhiều thông tin cho rằng
vua Hàm Nghi từ chối học tiếng Pháp khi đặt chân tới Alger. Phải chăng
đó là ngôn ngữ của kẻ xâm lược ? Hay là sự từ chối hợp tác với kẻ thù ?
Sau này, khi lập gia đình, các con của vua Hàm Nghi lại không nói tiếng
Việt. Hoàn cảnh nào đã dẫn tới việc quyết định chỉ cho các con học tiếng
Pháp ? Đó có phải là ý định đoạn tuyệt với Việt Nam ? Amandine Dabat
tiếp tục giải thích :
« Vua Hàm Nghi bắt đầu cuộc sống đi đày vào tháng 01/1889 và trong
những tháng đầu tiên, ngài từ chối học tiếng Pháp. Nhưng chỉ trong vài
tháng. Bắt đầu từ tháng 7, có nghĩa là 6 tháng sau, ngài đã chấp nhận
học tiếng Pháp và đã yêu cầu chính phủ Pháp cho mình một giáo viên tiếng
Pháp. Tôi cho là nhà vua hiểu ra rằng phiên dịch của ngài sẽ không vĩnh
viễn ở lại Alger. Nếu muốn giao tiếp, không chỉ giao tiếp với chính phủ
Pháp, mà còn diễn giải cho chính phủ Pháp những nhu cầu của mình, hay
những điều mà ngài không đồng tình, thì Hàm Nghi cần phải tự lập về ngôn
ngữ. Vì thế, trên thực tế, Hàm Nghi nhanh chóng chấp nhận học tiếng
Pháp.
Chưa
bao giờ vua Hàm Nghi từ chối cho các con mình học tiếng Việt. Ngài kết
hôn với một phụ nữ Pháp vào năm 1904, trước khi Nhà thờ và Nhà nước tách
rời nhau tại Pháp. Và trong bối cảnh xã hội thực dân tại thời điểm đó ở
Algérie, con cái của ngài buộc phải được dạy dỗ như những người Pháp
nếu muốn hoà nhập được vào xã hội. Và chính người vợ của vua Hàm Nghi
nài nỉ để con cái của họ nói tiếng Pháp. Có lẽ vua Hàm Nghi cũng rất
muốn dạy con học tiếng Việt, nhưng ngài không thể làm được. Một phần vì
vợ ngài muốn dạy con tiếng Pháp, nhưng một phần cũng do những sức ép của
xã hội trong giai đoạn đó. Trong bối cảnh thuộc địa tại Alger khá khép
kín, con cái của họ cần phải được coi như những người Pháp.
Tôi không nghĩ là vua Hàm Nghi có chủ ý cắt đứt quan hệ với Việt
Nam, chỉ vì ngài không có lựa chọn. Chính chính phủ Pháp đã quyết định
thay ngài. Chính họ là người ra sức cản trở ngài liên lạc với Đông
Dương. Vua Hàm Nghi cũng đã gặp gỡ được một số người Việt tại Alger, đa
số là học sinh trường trung học Alger. Một số học sinh này, khi quay về
Đông Dương, vẫn giữ liên lạc với vua Hàm Nghi. Họ liên lạc đường vòng,
bằng cách gửi thư qua người khác để vua có thể nhận được. Vì vậy, chưa
bao giờ vua Hàm Nghi có ý định cắt đứt liên lạc với Việt Nam. Mà trái
lại, ngài không ngừng tìm cách để giữ liên lạc với quê hương, với gia
đình và bạn bè. Chỉ có điều ngài phải qua đường vòng, vì chính phủ Pháp
tìm mọi cách để ngăn cản. »
Hậu duệ vua Hàm Nghi không
muốn đưa di hài vua về an táng tại Huế. Hiện nay, ngài vẫn an nghỉ tại
làng Thonac, vùng Dordogne (Pháp), nơi công chúa Như Mai, trưởng nữ của
vua Hàm Nghi sinh sống. Đây là khu mộ gia đình, nơi các con của vua Hàm
Nghi quyết định an táng cha mẹ mình, và sau này là công chúa Như Mai.
Amandine Dabat cho biết, lý do chính là, với thế hệ ông bà của chị, vua
Hàm Nghi là ông của họ. Điều quan trọng với họ là có thể đến viếng mộ tổ
tiên. Ngoài ra, tuổi tác cao cũng sẽ không cho phép con cháu tới viếng
mộ vua tại Việt Nam. Chính vì thế, thế hệ con cháu hiện nay vẫn tôn
trọng nguyện vọng của thế hệ ông bà.
Các thành viên hậu duệ gia
đình vua Hàm Nghi đã từng tới du lịch Việt Nam với mong muốn khám phá
quê hương tổ tiên mình. Đây là mối liên hệ duy nhất mà gia đình còn giữ
lại với Việt Nam. Bản thân Amandine Dabat là người sống tại Việt Nam lâu
nhất, khoảng 18 tháng, từ năm 2011 tới nay, để phục vụ luận văn nghiên
cứu của chị.
No comments:
Post a Comment