Vua Trần Nhân Tông quyết định rời bỏ cung vàng điện ngọc, xuất gia tu hành trên núi Yên Tử
“Tìm lại huy hoàng” là loạt bài nhiều kỳ do chuyên mục Văn Hóa nhằm khôi phục dấu ấn nền văn hóa truyền thống đất Việt qua những câu chuyện lịch sử mang màu sắc“huyền sử”, hy vọng đem tới cho độc giả một cái nhìn mới về những nhân vật lịch sử và văn hóa truyền thống nước nhà.
Từ bỏ ngai vàng xuất gia, vua Trần Nhân Tông làm nên huyền thoại Trúc Lâm Yên Tử.
“Từ bỏ ngôi vua để tu hành
Từ cái nhất thời, cái hữu danh
Vĩnh hằng vô hạn, vua tìm đến
Yên Tử trường xuân hóa đất lành”
Vua Trần Nhân Tông, người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, sau khi nhường ngôi cho con, đã quyết định rời bỏ cung vàng điện ngọc, xuất gia tu hành trên núi Yên Tử, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, sau là Trúc Lâm Đại sĩ. Cuối đời Ngài tu và tọa hóa tại am Ngọa Vân, Yên Tử, được xưng tôn hiệu là Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật. Sau khi ngài viên tịch, vâng theo di chúc, thân thể ngài sau 100 ngày được hóa tại Am Ngọa Vân. Pháp Loa, tổ thứ hai của Thiền Phái Trúc Lâm đến tưới nước thơm lên giàn hỏa, thu được ngọc cốt và hơn 3000 viên ngọc xá lợi lấp lánh ánh kim cương…
Chúng ta cùng khám phá những câu chuyện đẹp đẽ thấm đẫm từ bi trên con đường tu luyện và giác ngộ của Ngài và cùng ngẫm về thiên mệnh khi tới thế gian của Ngài.
Tâm hướng Phật thời niên thiếu và giấc mộng báo trước cuộc đời tu hành.
Vua Trần Nhân Tông tên huý là Trần Khâm, lúc nhỏ còn có tên là Nhật Tôn hay Kim Phật. Ông là vị vua thứ 3 của triều Trần, con trai trưởng vua Trần Thánh Tông và hoàng hậu Thiên Cảm. Hoàng hậu Thiên Cảm là con gái Trần Liễu, chị em gái của Trần Hưng Đạo.
Ông sinh năm 1258. Lúc mới sinh, Đại Việt sử ký toàn thư đã miêu tả ông là “được tinh anh của thánh nhân, đạo mạo thuần túy, nhan sắc như vàng, thể chất hoàn toàn, thần khí tươi sáng, hai cung đều cho là lạ, gọi là Kim Tiên đồng tử, vai bên tả có nốt ruồi đen, cho nên có thể cáng đáng được việc lớn”, vua Thánh Tông đặt tên cho ông là Kim Phật. Trong phần đề từ của bức tranh “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn chi đồ” đương thời, hoạ sĩ Trần Quang Chỉ thời Nguyên đã ghi lại “Khi lớn, ngài học thông tam giáo và hiểu sâu Phật điển. Ngay cả thiên văn, lịch số, binh pháp, y thuật, âm luật, không thứ gì là không mau chóng nắm được sâu sắc”.
Trích đoạn thư họa Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn chi đồ
Ông được miêu tả là: “Được tinh anh của thánh nhân, đạo mạo thuần túy, nhan sắc như vàng, thể chất hoàn toàn, thần khí tươi sáng, hai cung đều cho là lạ, gọi là Kim Tiên đồng tử, vai bên tả có nốt ruồi đen, cho nên có thể cáng đáng được việc lớn.” (Ảnh minh họa)
Về Phật Pháp, ông học đạo với Tuệ Trung Thượng Sĩ, được Thượng Sĩ hết lòng hướng dẫn. Ông tâm đắc nhất là câu:
Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc (Quan sát lại chính mình đó là bổn phận, không do người khác làm được).
Tháng 12 năm 1274, ông 16 tuổi, được sắc phong thái tử, kết hôn với con gái của Trần Hưng Đạo là Quyên Thanh công chúa.
Theo “Thánh đăng ngữ lục” thì ông từ nhỏ đã có lòng hướng Phật, không có ý làm vua nên nhiều lần xin nhường ngôi thái tử lại cho em trai mình là Đức Việp, nhưng vua Thánh Tông không chấp nhận. Sau khi kết hôn vài tháng, ông trốn khỏi hoàng cung vào giữa đêm khuya, tá túc ở một ngôi chùa trên Yên Tử. Vua Thánh Tông và hoàng hậu sau khi phát hiện ông biến mất thì vội vàng cho người tìm kiếm, khuyên giải ông về, cuối cùng ông đồng ý trở về.
Sau khi về cung, ông lui tới chùa Tư Phúc, ngôi chùa rất nổi tiếng trong Cấm thành Thăng Long thời Trần.
Hôm ấy tại đó ông nằm mộng thấy từ rốn của mình trổ ra một đoá sen vàng lớn như một bánh xe, trên đó có một đức Phật vàng. Bên cạnh, có người chỉ vào vua mà hỏi: Biết đức Phật này không? Đó là đức Biến Chiếu Tôn đấy!
Giấc mộng sen vàng
Sách Tam Tổ Thực Lục chép lại tỉ mỉ câu chuyện trên như sau:
“Một đêm giờ Tý, vua vượt thành mà đi, muốn vào núi Yên Tử. Đến chùa ở núi Đông Cứu thì trời sáng, liền vào ẩn trong tháp. Vị tăng trụ trì thấy tướng mạo dị thường liền đem thức ăn khoản đãi. Hôm ấy thái hậu và vua Thánh Tông sai quần thần đi tìm tứ tán, bất đắc dĩ vua phải về. Khi lên ngôi, tuy ngồi lên chín bệ vinh quang nhưng sinh hoạt rất thanh tịnh.
Một hôm nghỉ trưa tại chùa Tư Phúc trong đại nội, vua mộng thấy trên rốn mình nở ra một hoa sen lớn như bánh xe, trên đó có một đức Phật vàng. Bên cạnh, có người chỉ vào vua mà hỏi:
Biết đức Phật này không? Đó là đức Biến Chiếu Tôn đấy!
Vua tỉnh thức, đem giấc mộng nói lại cho Thánh Tông nghe, ai cũng lấy làm lạ. Từ đó thường ăn chay, tránh thịt cá, long nhan gầy mòn. Thánh Tông lấy làm lạ, hỏi, Điều Ngự (tức Trần Nhân Tông), cứ thực trình bày. Thánh Tông khóc nói: “Ta đã già, cậy vào mỗi mình ngươi, nếu ngươi như thế làm sao nối được thịnh nghiệp của tổ tông” Điều Ngự cũng khóc. Điều Ngự thánh tính thông minh, hiếu học, nhiều tài, đọc khắp các loại sách thông suốt cả đến nội điển, thường mời các vị thiền khách tới cùng giảng cứu thiền học.”
Năm 1276, con trai trưởng Trần Thuyên của ông ra đời, người sau này trở thành vua Trần Anh Tông.
Năm 1278, Trần Nhân Tông lên ngôi vua lúc 20 tuổi. Tới tháng 3 năm 1293, vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho thái tử, lên làm thái thượng hoàng. Từ thời điểm này ông thường lấy hiệu là Đầu đà Giác Hoàng Điều ngự, chuyên tâm vào kinh sách nhà Phật.
Sau ba trận chiến oanh liệt thắng quân Nguyên Mông, Trần Nhân Tông dường như đã hoàn thành trách nhiệm với đất nước ông trị vì, vào tháng 8 năm 1299, nhà vua quyết định lên núi Yên Tử tu hành.
Chốn khổ hạnh hay niềm vui tu luyện nơi thần tiên Yên Tử?
Việc vua Trần Nhân Tông lên Yên Tử tu hành đã để lại nhiều truyền thuyết và gắn chặt chẽ với những di tích, danh thắng nổi tiếng trên núi Yên Tử.
Tục truyền rằng sau khi vượt dốc vào Yên Tử, thầy trò Trần Nhân Tông tắm ở một dòng suối. Trưa hè oi ả, vua Trần đóng khố, nhoài mình nơi dòng nước trong xanh. Tiếng nước réo rắt hòa với tiếng chim rừng lảnh lót, hoa muôn sắc tỏa hương theo gió thơm ngào ngạt. Nhà vua trồng cây đa bên bờ để người sau có bóng nghỉ. Kể từ dạo ấy suối được đặt tên là suối Vua Tắm.
Trưa hè oi ả tiếng suối reo
Chim ca lảnh lót giữa lưng đèo
Hoa rừng hương sắc hương theo gió
Đàn cá xuôi dòng nước trong veo
Đây chính nơi xưa suối vua Trần
Tìm nơi đất Phật để dừng chân
Bảy trăm năm đã bao dời đổi
Suối đẹp chùa xưa vẫn sắc xuân
Nếu như hòa vào thiên nhiên tuyệt đẹp chốn thần tiên Yên Tử, coi vật chất và phù hoa chốn kinh thành nhẹ tựa lông hồng, ai sẽ bảo tu hành là khổ?…
Cảnh sắc gần chốn thần tiên, sự tĩnh lặng, thanh khiết và từ bi của Trúc Lâm Đại Sĩ hiệu Hương Vân Đại Đầu Đà làm rung động vạn vật:
Tiếng mõ am xưa vua thiền định
Chim rừng buông cánh lặng nghe kinh
Hầu vượn từng đàn ngồi chật cửa
Muôn vật từ bi cõi nhân sinh
Hay như khúc hoan ca khi tâm hồn người tu hành thanh bạch và thăng hoa cùng cảnh sắc Yên Tử:
Đêm thu am cỏ mây đầy mây
Song thưa trăng phủ tấm thân gầy
Thái Thượng thiền sư say giấc mộng
Nhạc vàng sáo trúc cõi trời tây.
Sớm cưỡi mây chơi cùng non biếc
Đêm về bến nghỉ lót trăng nằm
Tiếng sáo thiền ca vui bất tận
Ngập tràn Yên Tử trăng trong trăng
Vua Trần mặc áo lá, ăn rau, uống nước suối Yên Tử. Đêm thu lạnh, trăng phủ lên người, hình ảnh Hoàng đế ngộ đạo tu hành có một không hai trên cõi trần thế
Vua Trần mặc áo lá, ăn rau, uống nước suối Yên Tử. Đêm thu lạnh, trăng phủ lên người, hình ảnh Hoàng đế ngộ đạo tu hành có một không hai trên cõi trần thế
Đỉnh chùa Đồng- Yên Tử
Ở Yên Tử còn có địa danh Cửa Ngăn, tục truyền đó là cửa ngăn giữa thế tục và cõi tiên:
Cửa Ngăn hậu thế mãi lưu truyền
Cửa ngăn trần tục với thần tiên
Am tháp mọc lên thành đất Phật
Mây ngủ trong mây với chùa chiền
Khảo nghiệm ý chí kiên định của người tu hành nơi Yên Tử: câu chuyện bi ai của các cung nữ trầm mình xuống dòng Hổ Khê
Khi Trần Nhân Tông vào núi Yên Tử tu hành, vua Trần Anh Tông không yên tâm đã sai các cung tần mỹ nữ của triều đình băng ngàn vượt suối vào Yên Tử gặp cha mình, khuyên Thượng Hoàng trở lại kinh thành Thăng Long. Không lay chuyển được ý chí kiên định của người tu hành, các cung tần mỹ nữ trầm mình xuống suối Hổ Khê để tỏ lòng trung trinh. Trần Nhân Tông xót thương, cho lập đàn tràng làm lễ giải oan những linh hồn cung nữ. Nơi lập đàn tràng sau dựng chùa Giải Oan và suối Hổ Khê được đổi cùng tên thành Suối Giải Oan từ thuở ấy.
Chùa Giải Oan- Yên Tử
Khúc hát thiền ca chùa Giải Oan
Rì rào tiếng suối giữa mây ngàn
Ngân nga chuông vọng chiều xa vắng
Cung nữ ngàn xưa tiếng thở than
Có phải đây là suối Giải Oan
Nhà Vua đau xót lập đàn tràng
Cây đa soi bóng hồn trinh nữ
Ngân hà ô thước dặm quan san
Hồ Yên Trung- Yên Tử
Trong số các cung nữ trầm mình xuống dòng Hổ Khê có năm cung tần được trai làng cứu sống. Để đền ơn cứu mạng, năm cung nữ lấy năm trai làng làm chồng, gọi là làng Năm Mẫu, tồn tại cho đến ngày nay.
Hồ Năm Mẫu lúc đó là biển nước, Trần Nhân Tông lập đàn tràng cầu Phật Tổ Như Lai cho nước rút hết. Nước rút trong sự kinh ngạc của người dân và vùng này trở thành vùng đất nông nghiệp màu mỡ. Từ đó các cung nữ ở lại hai làng, sinh sống bằng nghề làm ruộng trên vùng đất Phật độ màu mỡ.
Từ bi cảm hóa chúng sinh nơi non thiêng Yên Tử: ba tên cướp trở thành tín đồ ngoan đạo của thiền phái Trúc Lâm
Đường vào Yên Tử, giữa mây và núi
Tam Tổ thực lục có ghi chép lại rằng, khi ấy Vua Trần Nhân Tông và đồ đệ là Bảo Sái vào Yên Tử, qua hẻm núi có ba tên cướp nhảy ra đòi tiền mãi lộ. Ngài cho chúng tiền và cả phần cơm trưa của hai thầy trò và nhẹ nhàng thuyết giáo thức tỉnh nhân tâm của ba tên cướp. Từ đó hẻm núi Yên Tử hết cường bạo. Cả ba tên cướp sau này trở thành tín đồ ngoan đạo của phái Trúc Lâm.
Ba tên kẻ cướp nhảy chắn đường
Vua Trần cho bạc lẫn phần cơm
Nhẹ nhàng thuyết giáo trừ tâm độc
Cả ba quỳ lạy hứa hoàn lương
Bỏ nghề đao búa thiện giáo đường
Sơn lâm từ ấy hết tai ương
Gập ghềnh hẻm núi người qua lại
Bình an, vô sự, hết đạo cường
(Ảnh minh họa)
Thầy trò nhà vua tiếp tục lên đường đến một quả núi tròn như mâm xôi. Bảo Sái mở túi lục tìm cơm chay cho thầy mới giật mình sực nhớ là suất ăn đã đưa cho ba tên cướp ở cửa rừng. Vua Trần vui vẻ cùng Bảo Sái uống nước suối thay bữa rồi nằm nghỉ trên quả núi. Về sau, nơi đây dựng chùa mang tên Cấm Thực (không ăn), như thể khắc ghi hành động quên mình cứu độ chúng sinh của vị hoàng đế tu hành.
Sau này, Trúc Lâm Đại Sĩ (tức Trần Nhân Tông) còn cùng 2 môn đệ của Ngài là Pháp Loa (Nhị Tổ Thiền phái Trúc Lâm) và Huyền Quang (Tam Tổ Thiền Phái Trúc Lâm) tiếp tục đi giáo hóa chúng sinh suốt quãng đời còn lại của ngài.
Giúp triều đình nhà Trần quy y Phật Pháp
Cuối năm 1304, vua Trần Anh Tông thỉnh Trúc Lâm Đại Sĩ (tức cha Trần Nhân Tông) vào Đại Nội và xin thọ giới Bồ Tát Tại Gia. Những bậc quốc vương thọ giới Bồ Tát Tại Gia là những người phát nguyện dùng khả năng và quyền hạn của ngôi vị mình để phục vụ cho nhân sinh của Bồ Tát.
Ngày Trúc Lâm Đại Sĩ vào thành, vương công bách quan đều theo vua đi đón. Thấy vua Trần Anh Tông phát nguyện thọ giới Bồ Tát, mọi người trong triều đình cũng nhất loạt xin phát nguyện thọ tam quy ngũ giới (“Tam quy”, tức quy y tam bảo: Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo; “ngũ giới”, tức 5 giới cấm của nhà Phật: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu). Vậy là cả triều đình nhà Trần đã trở thành Phật Tử.
Vua Trần Nhân Tông đã biết trước thời điểm mình giã từ nhân gian nhập cõi niết bàn như thế nào?
Theo “Thánh đăng ngữ lục” và “Tam tổ thực lục”, niên hiệu Long Hưng thứ 16, ngày mồng 5 tháng 10, chị gái của vua Trần Nhân Tông là công chúa Thiên Thụy cho người lên núi, tâu rằng: “Công chúa bệnh tình nguy kịch, muốn được trông thấy Điều Ngự lần cuối”. Trần Nhân Tông liền chống gậy xuống núi, chỉ có một người đi theo.
Ngày mồng 10 tới kinh đô, ngày 16 dặn dò xong lại trở về núi. Trên đường về, người như linh cảm thấy thời khắc nhập niết bàn đã tới, Ngài đã qua một số chùa để giã từ tăng hữu. Tối ấy, người nghỉ chân ở chùa Siêu Loại, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Sáng hôm sau, người đi đến chùa Cổ Pháp, huyện Nam Sách, Hải Dương.
Ngày 17, người nghỉ chân ở chùa Sùng Nghiêm, huyện Chí Linh, Hải Dương. Ngày 18, người đến chùa Tú Lâm gần đó. Rồi người nói với hai nhà sư Tử Nan và Hoàng Trung rằng: “Ta muốn lên am Ngoa Vân, nhưng chân không bước nổi, biết làm sao đây?”. Hai nhà sư thưa: “Đệ tử xin hết sức giúp đỡ”.
Đỉnh Ngọa Vân (nằm trên mây)
Tới quá chiều vua Trần mới lên được đỉnh núi Ngọa Vân. Đây là ngọn núi cao nhất vùng thuộc làng Yên Sinh, huyện Đông Triều, quê gốc họ Trần. Trong thời gian tu ở Yên Tử, Trần Nhân Tông đã cho lập một am ở đây, đặt tên là Ngọa Vân (nằm trên mây), từ đó thành tên núi. Đôi khi người dừng chân đọc sách và tham thiền, nên đã có lối mòn đi tắt sang Yên Tử. Trần Nhân Tông cảm ơn hai nhà sư và bảo: “Thôi xuống núi ngay đi, chăm chỉ việc tu hành “.
Ngày 19, Trần Nhân Tông sai người hầu là Pháp Không lên núi Yên Tử gọi Bảo Sái. Bảo Sái tới suối Doanh, trông thấy một đám mây đen từ phía Ngoạ Vân bay qua núi Lỗi, đến suối thì nước dâng cao mấy trượng rồi lại phẳng lặng như thường. Bỗng thấy hai con rồng, đầu to như đầu ngựa cùng nghển cổ lên cao đến một trượng, hai mắt sáng như sao, một lúc thì biến mất.
Ngày 21, Bảo Sái tới Ngọa Vân. Trần Nhân Tông cười nói:
“Ta sắp đi đây, sao ngươi tới muộn thế? Trong pháp thuật có chỗ nào chưa hiểu thì hỏi ngay đi”
Mấy ngày liền, trời đất tối tăm, gió gào dữ dội, mưa như trút nước. Bỗng đêm ngày mồng Hai, rạng ngày mồng Ba tháng 11, trời quang mây tạnh. Vua hỏi: “Giờ này là giờ gì?“. Bảo Sái thưa: “Bây giờ là giờ Tý”. Vua đẩy cửa sổ ra và nói:
“Giờ của ta đó!”
Nói xong, người nằm dáng sư tử (sư tử ngọa), rồi tịch ngay trong am trên núi. Đó là ngày mồng Ba, tháng Mười một, năm Mậu Thân (1308).
Am Ngọa Vân- nhỏ nhoi đơn sơ giữa núi rừng trùng điệp, nơi vua Trần nhập diệt
Trước khi tịch diệt về cõi niết bàn, Ngài bảo mọi người hãy xuống núi, sau đúng 100 ngày mới đến được đến gần, thấy núi thơm thì hãy hỏa táng thi hài, nếu không thì thôi. Mọi người tuân theo, đúng 100 ngày sau tới lưng chừng núi đã thấy thoang thoảng mùi thơm. Người vẫn nằm nghiêng dáng sư tử một mầm trúc non xanh mọc xuyên qua đùi trái.
Đời sau còn lưu luyến trong dân gian bài thơ về hình ảnh trên, trong đó có câu: “Thân Tổ nằm nghiêng, trúc một mầm…”.
Tượng Phật Thương Hoàng Trần Nhân Tông trong tư thế nằm nghiêng (sư tử ngoạ) nhập Niết bàn với mầm trúc mọc xuyên qua đùi khi ngài tịch diệt. Trong Am Ngọa Vân.
Điều mà Ngài để lại cho thế nhân từ hình ảnh mầm trúc mọc từ thân thể ngài là gì, có lẽ chính là ngụ ý ghi dấu ấn Đệ Nhất Sư Tổ của Thiền Phái Trúc Lâm (“Trúc Lâm” nghĩa là “rừng trúc”) từ thời điểm đó…
Một thân thể tu luyện thành những viên kim cương lấp lánh? Những viên xá lợi của vua Trần hiện giờ đang ở đâu?
Những viên xá lợi đủ màu sắc lấp lánh ánh sáng và cứng như kim cương, là “đan” luyện thành từ thân thể các hành giả tu luyện, không tiêu biến đi khi hỏa táng, còn gọi là vật chất cao năng lượng, không tồn tại trong người thường…
Tuyên theo di chúc của Ngài, Pháp Loa đã hỏa thiêu thi hài người sau 100 ngày khi thấy núi tỏa hương thơm.
Ngay sau hóa thân xác Ngài trên giàn hỏa, tổ thứ hai của Thiền Phái Trúc Lâm là Pháp Loa đến tưới nước thơm lên giàn hỏa, thu được ngọc cốt và hơn 3000 viên ngọc xá lợi lấp lánh…
Theo “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” và sách “Tam Tổ Thực Lục”, cùng các bằng chứng khảo cổ, các viên ngọc xá lợi này hiện đang được lưu giữ tại khoảng tám địa điểm khác nhau.
Việc hoả thiêu và có xá lợi được “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi rất rõ: “Pháp Loa đem xác của Thượng hoàng thiêu đi, nhặt được hơn 3.000 viên xá lị mang về chùa Tư Phúc ở Kinh sư…”.
Các địa điểm hiện đang lưu giữ ngọc xá lợi của vua Trần Nhân Tông là:
Phật Hoàng Tháp bằng đá trên đỉnh Ngọa Vân: Phật Hoàng tháp hiện vẫn còn đứng sừng sững uy nghiêm trên đỉnh Ngọa Vân, tháp 2 tầng, mặt trước khắc nổi bức đại tự Phật Hoàng Tháp (佛皇塔), trong lòng tháp đặt một bài vị bằng đá xanh, trang trí hoa lá và hình rồng, bài vị ghi “Nam mô đệ nhất tổ Trúc Lâm đầu đà Tĩnh tuệ giác hoàng Trần triều đệ tam Nhân Tông Hoàng đế Điều ngự vương phật”
Tháp Huệ Quang ở chùa Hoa Yên, Yên Tử: Huệ Quang Kim tháp (慧 光 金塔), hay Tuệ Quang tháp (慧 光塔), hay hiện nay được gọi là tháp Huệ Quang hoặc tháp Tổ là tháp lớn nhất được nằm ở khu vực trung tâm Vườn tháp tổ phía dưới chùa Hoa Yên trong quần thể di tích danh thắng Yên Tử, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Vườn Tháp Tổ- Chùa Hoa Yên – Yên Tử
Tháp Huệ Quang
Bảo tháp ở Đức Lăng (còn gọi là lăng Quy Đức, được xây dựng trong khu lăng tẩm nhà Trần xưa thuộc đất Tinh Cương, phủ Long Hưng, nay là Thôn Tam Đường, xã Tiến Đức huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình);
Tháp Phổ Minh ở khuôn viên chùa Phổ Minh, nằm ở phía Tây cung Trùng Quang phủ Thiên Trường, Nam Định, nơi Thượng hoàng nhà Trần ở sau khi nhường ngôi cho con;
Tháp Phổ Minh
Bảo Tháp Tư Phúc trong Đại Nội Cấm Thành Thăng Long: Sau khi hỏa thiêu, ngọc cốt và xá lỵ của Điều Ngự được vua Trần Anh Tông rước về kinh thành. Ngọc cốt để vào bảo khám, xá lợi được để trong bình vàng quản tại chùa Tư Phúc trong Đại Nội. Chùa Tư Phúc chính là nơi trước khi lên ngôi vua, Trần Nhân Tông thường đến ngủ trưa và đã mộng thấy trên rốn trổ một bông hoa sen vàng lớn như bánh xe và hình ảnh 1 vị Phật trên đó.
Tháp Đại Thắng tư thiên bên hồ Lục Thủy hay thường gọi là tháp Báo Thiên tòa tháp nổi tiếng được xây dựng năm 1057 dưới thời Lý Thánh Tông trong khuôn viên chùa Báo Thiên nằm phía Tây hồ Lục Thủy, nay thuộc khu vực Nhà Thờ lớn Hà Nội.
Tự viện Quỳnh Lâm là nơi đào tạo tăng tài lớn nhất của Thiền phái Trúc Lâm thế kỷ 14, thuộc chùa Quỳnh Lâm, xã Tràng An huyện Đông Triều…. Tự Viện Quỳnh Lâm vốn được thiền sư Nguyễn Minh Không xây dựng từ thời Lý, thế kỷ 12, tại đây ông đã cho đúc một pho tượng Phật Di Lặc lớn, đó là một trong bốn vật khí lớn nhất của An Nam (An Nam Tứ khí).
Tháp Quỳnh Lâm- Tự Viện Quỳnh Lâm
Qua những ghi chép sử sách và những bằng chứng khảo cổ học hiện có, chúng ta thấy dường như hành trình tu luyện của vua Trần Nhân Tông, từ rời bỏ ngai vàng vào núi tu hành đến từ bi cảm hóa chúng sinh, nhập diệt theo thế sư tử nằm, phân phát ngọc xá lợi đi khắp nơi của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, đều như một câu chuyện mô phỏng tái hiện thu nhỏ quá trình tu luyện, viên tịch và phân phát xá lợi của Đức Phật Thích-Ca-Mâu-Ni. Trong chuỗi sự kiện đó thì Yên Tử là nơi Phật Hoàng tu luyện, giảng pháp, độ tăng, và Ngọa Vân là nơi kết thúc trọn vẹn quá trình tu luyện và nhập cõi niết bàn của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, các nơi khác được lưu giữ xá lợi đều là những trung tâm lớn về chính trị, kinh tế hoặc tôn giáo dưới thời Trần.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập cõi niết bàn trong thế sư tử nằm (sư tử ngọa)
Cảm Thán
Từ bỏ đài son điện ngọc ngà
Cung tần mỹ nữ chốn kiêu sa
Yên Sơn Linh Tử vua Trần đến
Kinh đô thành cũ mỗi bước xa
Non xanh cắt tóc dứt trần duyên
Vua đến nơi đây để nhập thiền
Không phải trốn đời và yếm thế
Cứu đời nhập thế với Thần Tiên
Vậy phải chăng, toàn bộ cuộc đời của vua Trần Nhân Tông là một sự sắp đặt hữu ý của Thiên Ý? Từ ngày Ngài ngài sinh ra, cho tới khi nhìn thấy bông hoa sen vàng trổ ra từ thân thể và nghe Phật danh đức Biến Chiếu Tôn, như để báo trước cho Ngài và thế nhân về Thiên mệnh Ngài mang tới cõi nhân gian. Sự từ bỏ ngai vàng điện ngọc để xuất gia tu hành của Ngài dường như không đơn giản là xuất phát từ mong muốn tìm kiếm giải thoát cá nhân cho riêng mình, từ sự lánh đời đi tu mà đã được đặt định trước để Ngài hạ thế, viết nên tấm gương tu hành và làm vững vàng đạo Phật tại đất Việt, đặt định vững chắc thêm nữa văn hóa tu luyện cho hậu thế.
Hà Phương Linh
Ghi chú: Những bài thơ được dùng trong bài viết nằm trong tập thơ Thi Vân Yên Tử- những vần thơ chấn động linh giác, tác giả Hoàng Quang Thuận.
Nguồn : ĐKN
No comments:
Post a Comment