Monday, January 2, 2017

VUA THÀNH THÁI: NGUYỄN PHÚC BỬU LÂN (1879 - 1954) - Nguyễn Lộc Yên

VUA THÀNH THÁI: NGUYỄN PHÚC BỬU LÂN
(1879 - 1954)
Nguyễn Phúc Bửu Lân là vua thứ 10 của nhà Nguyễn. Ông là con thứ 7 của vua Dục Đức, lúc vua cha bị thảm sát, ông được 4 tuổi, mẹ đưa về sống ở Quảng Điền, Thừa Thiên.
Vua Đồng Khánh mất năm 1889, có con là Bửu Đảo mới 3 tuổi, không thể nối ngôi. Bà Tôn Nữ Thiện Niệm là cô ruột của Bửu Lân, bà là vợ của Diệp Văn Cương. Diệp Văn Cương đang làm bí thư và thông ngôn, lại thăm dò ý kiến Tổng sứ Pháp là Pierre Paul Rheinartt: “Triều đình Huế muốn tôn Hoàng tử Bửu Lân lên ngôi”; Rheinart đồng ý. 
      Bửu Lân lên ngôi ngày 31-12-1889, niên hiệu Thành Thái. Lúc ấy vua mới 10 tuổi, nên có hai phụ chính đại thần là Nguyễn Trọng Hợp và Trương Quang Đán, sau đấy Trương Như Cương thay thế Trọng Hợp, Trương Như Cương là người thân Pháp.
Vua Thành Thái là người cầu tiến, yêu nước và chống Pháp. Vua học chữ Nho, tiếng Pháp, còn cho các con của vua theo học chữ Pháp. Vua nghĩ rằng muốn chống Pháp, phải hiểu Pháp, nên cắt tóc ngắn, mặc âu phục, làm quen với văn minh Tây phương. 
      Vua có đầu óc tự cường dân tộc. Thế nên, vua tìm đọc sách tân thư, chữ Hán và Nhật. Vua Thành Thái gần gũi dân và thương dân. Vua đã để ý đến cả các loại vũ khí, nên bảo họa sĩ Lê Văn Miến (tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Paris) vẽ cho vua các khẩu súng của Pháp. Vua Thành Thái làm thơ không nhiều, nhưng rất sâu sắc.
Có lần, cầu Long Biên ở Hà Nội, khi xây dựng xong lấy tên Toàn quyền Pháp là Doumer, Hoàng Cao Khải trình danh sách xin nhà vua ban thưởng cho những người có công. Vua cười nhạt: “Trẫm có biết mặt mũi những đứa nào đâu?!”. 
  
      Những người Pháp đến gặp vua, không được vua tôn trọng vì vậy Pháp có thành kiến với vua. 
      Mặc dù, thời Thành Thái đang có toan tính chống quân xâm lược Pháp nhưng đã có những công trình mới được xây dựng tại kinh đô Huế: Bệnh viện, trường Quốc học, chợ Đông Ba, cầu Trường Tiền... đều được xây dựng vào thời gian vua Thành Thái trị vì. 
Sự cải cách đất nước và toan tính chống Pháp của vua Thành Thái, Pháp thấy được nên lo ngại và tìm cách đối phó. Để che mắt Pháp, vua phải giả như một người mất trí. Khi các bản vẽ vũ khí của vua bị phát hiện, vua Thành Thái giả điên, cào cấu các bà cung phi và xé nát các bản vẽ. Lợi dụng cơ hội này, Pháp vu là vua bị điên, ép thoái vị, nhường ngôi cho con vì lý do sức khoẻ. Khâm sứ Pháp còn nói thẳng là đã biết nhà vua có ý đồ chống Pháp nên không để ông ở ngôi được. Nếu vua Thành Thái muốn tại vị thì vua phải ký vào một tờ giấy xin lỗi và tuyên bố với quốc dân là có âm mưu chống lại nước Pháp, nay xin thành thực hồi tâm, nhưng vua đã ném tờ cáo thảo sẵn ấy xuống đất, từ chối.
Khâm sứ Lévêque tuyên bố phế truất ngôi vua Thành Thái và quản thúc trong Đại nội. Một Hội đồng Phụ chính do Trương Như Cương cầm đầu được thành lập. Ngày 3-9-1907, Pháp bảo triều thần vào điện Càn thành dâng vua “Dự thảo thoái vị” lấy lý do sức khoẻ, có chữ ký của các đại thần (trừ Ngô Đình Khả). Xem xong bản dự thảo, vua cười nhạt, ghi hai chữ “phê chuẩn” rồi quay lưng đi vào bên trong.
Ngày 12-9-1907, Pháp cho áp giải vua vào Sài Gòn, quản thúc tại Cap Saint Jacques (ở Vũng Tàu), đến năm 1916 thì đày vua đến đảo Réunion. Gia đình cựu hoàng thuê một căn nhà ở thành phố Saint Denis tại đảo. Thành Thái và Hoàng phi Chí Lạc dạy các con tiếng Việt và nhạc dân tộc: Đàn cò, sáo trúc... Tháng 5-1945, cựu hoàng được trở về nước, cùng gia đình sống ở Villa Anna tại Cap Saint Jacques. Năm 1953, ông được về Huế thăm lăng tẩm cha mẹ. Ông mất ngày 24-3-1954, hưởng thọ 75 tuổi, an táng nơi cạnh An Lăng (Huế) là nơi lăng vua cha Dục Đức (1884) đã được an táng ở đấy.
Cảm phục: Vua Thành Thái
  
Vua Thành Thái, khí tiết hào hùng!
Lo lắng chống Tây, tâm nấu nung
Lưu luyến giang sơn, nên sốt sắng
Vấn vương Lạc Việt, há ung dung?!
Tự do nòi giống, sao nhân nhượng?
Độc lập quê hương, phải vẫy vùng!
Đày đọa đảo xa, nhung nhớ nước 
Giữ gìn truyền thống, giữ kiên trung!
Nguyễn Lộc Yên

No comments: