Monday, July 27, 2015

VỀ BỨC TƯỢNG ĐỒNG VUA KHẢI ĐỊNH - CUNG THIÊN ĐỊNH - LĂNG KHẢI ĐỊNH - Trần Hoài Diễm



Vua Khải Định (1885-1925) lên ngôi năm 1916 khi ông 36 tuổi và mất năm 1925 (41 tuổi). Trong sử hiện đại VN, một vài ý kiến cho rằng ông là vị vua bù nhìn, kém cỏi nhiều mặt, thậm chí cho ông là dốt nát. Nhưng nếu nhìn nhận những gì còn lưu giữ lại cho đến nay như các bài thơ và chữ quốc ngữ, bài viết tiếng Pháp của ông qua những bức ảnh tại các hiện vật ở bảo tàng thì chắc chắn những nhà sử học “ ăn theo” một chiều thóa mạ kia phải đỏ mặt và suy nghĩ lại. Ở góc độ thị hiếu thẩm mỹ, người ta chê ông là không có gout, là lai căng…, nhận định này có thể chấp nhận, tuy nhiên ở giai đoạn có sự pha trộn văn hóa Âu- Á thì tất yếu có những điều đó xảy ra. Điều khác biệt lớn ở vua Khải Định là ông rất tự tin về mình và có lẽ vì vậy nhà vua đã đặt nhà điêu khắc Paul Ducuing (1868 - 1945) người Pháp làm cho mình một pho tượng chân dung bằng đồng và xưởng Ferdinand Barbédienne ở Paris đúc vào năm 1920. Pho tượng thể hiện nhà vua ngồi trên ngai vàng, mặc long bào, đội mũ Cửu Long, tay cầm hốt, hiện đặt ở cung Thiên Định - lăng Khải Định (Ứng Lăng) phía trước biểu tượng mặt trời lặn và dưới bửu tán khảm sứ màu tinh xảo.

Tuy nhiên, ở cung Thiên Định - lăng Khải Định còn có một tượng khác theo phong cách Châu Âu, diễn tả nhà vua đứng với chất liệu đồng thau, lối trang trí rất tỉ mỉ, tinh xảo. Cho đến nay lai lịch bức tượng này còn khá mù mờ, các tài liệu cho biết tượng này có thể ra đời sớm hơn cả tượng nhà vua ngồi trên ngai vàng, do một nghệ nhân đúc đồng Quảng Nam đúc vào năm 1918 theo mẫu của Pháp và về sau người nghệ nhân này được phong Bát phẩm. Trước đây tượng đặt tại đình Trung Lập ở cung An Định, năm 1975 bức tượng được cất vào kho và gần đây bày tại lăng Khải Định. 



Tượng vua Khải Định với thế đứng thể hiện khá đặc biệt ở sự đan xen trang phục võ quan Pháp với trang phục trang trí rồng 5 móng kiểu Long ẩn vân của vua triều Nguyễn. Với đặc điểm Annam dễ nhận ra nhất là đầu đội mũ kiểu khăn xếp với 9 lớp gấp cuộn, trên khăn có chạm hoa văn Long ẩn vân quen thuộc. Bên trong mặc áo hoàng bào đeo thẻ bài ở trước ngực. Còn lại là các trang phục Âu như áo khoác xẻ tà từ cổ xuống bụng, vai gắn gù võ quan như trong phim Ba chàng ngự lâm của Alexandre Dumas , hông đeo kiếm Tây, đi giày da, đeo 7 mề đay (ngực trái 4 cái và phía phải 3 cái ), tay trái đeo nhẫn hoa. Trang trí chủ yếu và dày đặc là ở áo khoác võ quan, quần và giày ít trang trí hơn.


Đậm chất phương Đông, chứng tỏ Hoàng đế Annam với hầu hết trên mọi thứ “đồ Tây” đều có trang trí rồng 5 móng, mây cuộn xoắn, hoa dây, riêng dày da có hẳn motif Long ẩn kiểu bố cục hình ô - van rất quen thuộc trong trang trí sơn son thếp vàng tại Đại Nội và trên các bia đá. Phía sau lưng áo, trang trí tinh xảo, tuyệt đẹp hình rồng trong mây và trên nền sóng nước ở vạt áo. Nếu đúng là bức tượng do người Annam đúc như đã nói trên thì đây quả là một trong những điều thú vị bởi sự Annam hóa rất tinh tế, hiệu quả mà ta càng xem kỹ càng cảm phục.







 








Trần Hoài Diễm

No comments: