Wednesday, January 20, 2016

Tết miền Hương-Ngự – Bùi Kim Chi



Tháng chạp, tháng giao mùa Đông – Xuân. Giã từ những ngày mưa buồn, gương mặt Hoàng Cung bỗng rạng rỡ. Những sợi nắng vàng yếu đuối đang gọi mùa xuân về trên triền núi. Ngự Bình xôn xao chia chút nắng cho Hương Giang… Huế bắt đầu vào Xuân.
Rằm tháng chạp. Dấu hiệu của Tết. Tết ! Tết ! Tết ! Nghe xúc động và nao nức trong lòng người Huế – nơi có truyền thống văn hóa về lễ nghi ngày Tết; điều đó đã làm nên một “tính cách Huế” cho riêng người Huế. Không hiểu suy nghĩ của tôi có quá đi không nhưng tự bản thân tôi – một phụ nữ Huế, tôi đã cảm nhận sâu sắc điều này. Chuẩn bị đón Tết nguyên đán, trước tiên người Huế có tục lệ về quê để cùng bà con chạp mã (làm sạch sẽ phần mộ của ông bà). Sau đó, một lễ nhỏ được bày biện cúng tại mã với hương đèn, trà nước, hoa quả, cau trầu, rượu và vàng bạc mã mời ông bà đáo gia đường ăn tết cùng con cháu vào ngày 30 tháng chạp. Từ thôn quê lên thành thị chợ đông vui, nhộn nhịp đón khách sắm hương hoa cúng Phật, cúng ông bà, cúng “âm binh” trước ngõ trong ngày rằm cuối của năm. Từ 16 tháng chạp trở đi, mọi nhà lo sắm Tết. Vườn Huế được chăm chút cẩn thận. Trước ngõ nhà vườn đa số đều có trồng mai. Những cây hoàng mai sau thời gian được trảy lá, nay xuất hiện những nụ mai nhỏ xíu, dịu dàng, e ấp chen cành đón chút nắng mới rưng rưng cùng người gõ nhịp thời gian… đón Tết. Rất nhiều loại bánh mứt được phụ nữ Huế chọn lựa để chế biến cho phù hợp với ngày Tết, với thời gian chờ Tết dưới bàn tay khéo léo của mình, trước để cúng Phật, cúng ông bà sau đãi khách và phân phát cho con cháu. Thích mắt nhất vẫn là những chiếc bánh Huế truyền thống, bánh phục linh, bánh in bột nếp, bột hoàng tinh, đậu xanh được phong kín trong những mảnh giấy kiếng đủ màu sắc lấp lánh trong thẩu thủy tinh. Những chiếc bánh thuẩn, bánh hình quả tim được làm bằng bột mì pha trứng nướng trên lửa trong những chiếc khuôn đặc biệt. Khi bánh chín, nắp mở ra, bánh nở, thơm lừng, vàng ươm. Ngoài ra Huế còn có hai loại bánh Tết đặc biệt dành cúng Phật là bánh Sen tán và bánh Bất cung đình. Bánh Sen tán được làm bằng hạt sen, tên dân dã là Sen tán. Trong cung đình gọi là bánh Uyển Cao. Bánh được gói trong giấy kiếng, mỗi chiếc một màu sắp thành hình tháp núi. Xưa, trong cung dùng để khoãn đãi sứ giả và để chiêu đãi sĩ tử đỗ Trạng. Còn bánh Bất cung đình được làm từ bột đậu quyên, nặn thành hình các loại hoa rất đẹp mắt. Phụ nữ Huế khéo tay nên đây là loại bánh hoa vừa xinh, vừa đẹp, vừa ngon với hương vị ngọt ngào. Mứt Tết lần lượt được chế biến: Quật, Me, Cà chua, Thơm, Gừng… rất nhiều loại, nguyên liệu rẻ, phổ biến nhưng thực hiện khá công phu. Mứt Gừng là loại mứt không thể thiếu trong Tết Huế. Vị ngọt, cay, thơm, nồng rất phù hợp với thời gian, không gian cùng phong cách đáng yêu của người Huế. Điềm tĩnh, đằm thắm lắng hồn bên tách trà nóng cùng dĩa mứt Gừng ngày Tết với những vui buồn của năm qua và dự phóng tương lai cho năm mới …
Hai mươi ba tháng chạp. Ngày tiễn táo quân về trời. Lòng người rộng mở. Tết đã gần kề. Phố chợ đông đúc. Gương mặt người mua, kẻ bán tươi vui, đầy sức sống. Hoa tươi đầy chợ. Trên phố, hoa giấy Thanh Tiên khoe sắc. Xanh, đỏ, tím, vàng… đan xen đẹp mắt. Đây là loại hoa giấy truyền thống của Tết Huế. Đi cùng với hoa giấy Thanh Tiên là tranh Dân gian làng Sình bày bán khắp phố. Tranh được vẽ trên giấy Dó, màu sắc hài hòa, bắt mắt, nét vẻ sắc sảo qua bàn tay điệu nghệ của nghệ nhân làng Sình. Hoa giấy làng Thanh Tiên và tranh dân gian làng Sình qua thời gian, càng ngày càng tinh xảo đã trở thành làng nghề độc đáo phục vụ cho Tết, lễ hội Làng nghề và Festival Huế. Khách trên phố ghé lại mua vài cành hoa giấy chưng trên bàn thờ, vài ba bức tranh treo trong nhà ngày Tết. Không khí Tết đã bao trùm khắp nơi. Bàn thờ Táo quân đèn hoa lấp lánh với mứt, bánh, có chén nước, dĩa trái cây, thêm ly rượu. dĩa cau trầu và giấy tiền vàng bạc mã. Lễ vật tiễn ông táo chỉ có thế nhưng trang trọng. Tôi nhớ me tôi. Me là một phụ nữ Huế đẹp, phong cách điềm đạm, trang nhã. Trước bàn thờ Táo quân, trong chiếc áo dài màu khói hương me lâm râm khấn vái, tạ ơn Táo quân đã cho gia đình một năm cũ an lành, yên vui và cầu xin một năm mới toàn gia “thân tâm thường an lạc”. Hóa vàng xong, me dùng ly rượu rưới lên vàng bạc mã đã thành tro (tục lệ hóa vàng). Me sai tôi cùng con bé giúp việc trong nhà đưa ba ông Táo cũ bằng đất nung thờ trên bếp đến đặt ở một ngôi miếu gần nhà. Táo quân về trời. Những ngày sau đó bàn thờ Táo quân không còn thắp nhang đèn nữa…
Từ sau 23 tháng chạp, chợ hoa Tết nhộn nhịp hẳn lên. Trăm hoa đua nở. Sang trọng có, dân dã có. Tất cả đều toát lên hồn Huế : nhẹ nhàng, kín đáo. Mai hoa kín đáo vươn cành đón khách thưởng lãm, quý phái với màu vàng tươi. Người Huế dù khó khăn đến đâu cũng cố gắng mua cho được một cành mai vừa ý để chưng Tết. Nét đặc biệt của chợ hoa Tết là hoa đẹp mà người thưởng hoa cũng đẹp. Người Huế ăn mặc đẹp để đi ngắm hoa Tết và nếu hợp nhãn thì một vài chậu hoa sẽ theo chủ nhân về nhà. Từ phút đó trở đi, người và hoa như có mối truyền cảm, cứ quấn quít bên nhau cùng nhau đón Tết…
Những ngày giáp Tết, trai gái Huế không còn ra phố nữa. Con trai lau chùi bàn thờ, đánh bóng lư đồng; con gái sắp đặt vật dụng chưng Tết và trang hoàng nhà cửa.
28 tháng chạp. Huế xôn xao. Bên nồi bánh Tét dưới ngọn lửa đỏ rực, mọi người râm ran trò chuyện. Chuyện đời xưa, chuyện đời nay cứ thế được mọi người tranh nhau kể chờ nồi bánh chín trong tiếng reo vui của lửa hồng. Phụ nữ Huế kín kẽ, tiết kiệm, không phung phí lại khéo tay. Thức ăn phục vụ ngày Tết, tự tay làm lấy, trang trí đẹp. Nói chung, không khí đón tết của Huế tuy rộn ràng nhưng đằm thắm, kín đáo. Từ con cái đến cha mẹ, mỗi người một việc hân hoan đón Tết cổ truyền.
Tất niên. 30 tháng chạp. Ngày cuối cùng của năm. Từ sáng tinh mơ, con gái theo mẹ ra chợ mua nguyên liệu về chế biến thức ăn cúng tất niên. Đa số người Huế cúng tất niên buổi chiều. Ngoài hoa quả, bánh ngọt cúng Phật, còn có mâm cơm cúng tổ tiên, ông bà và mâm cơm cúng đất. Gọi là mâm nhưng thực ra có rất nhiều món ăn đặt trong mâm đồng và cả ngoài mâm. Mỗi món ăn một ít nhưng rất nhiều món được bày biện đẹp mắt trong các tô và dĩa nhỏ. Gần chục món ngọt và trên chục món mặn. Đây là nét văn hóa ẩm thực làm cổ để cúng của riêng Huế; có lẽ chỉ có phụ nữ Huế mới làm được điều này do chịu khó và khéo tay vì quá công phu, cầu kỳ và phức tạp. Cơm cúng tất niên không thể thiếu món Tôm chua – Thịt phay (thịt heo luộc) ăn kèm với chuối chát, khế, trái vả – món ăn đặc trưng của Huế. Song song với lễ cúng tất niên ở trong nhà, ngoài sân vườn, người Huế cũng không quên bày một mâm cổ nhỏ để cúng Tết cho những người khuất mặt (đây là một chia sẻ tâm linh của người Huế). Cha tôi trong bộ áo rộng gấm xanh, khăn đóng đứng chủ lễ cúng tất niên. Sau đó me tôi, các anh chị em tôi theo thứ tự từ lớn xuống bé vào lễ. Bàn thờ Táo quân cũng được me tôi thiết lễ chu đáo để rước Táo quân trở lại với gia đình. Tôi để ý, cúng tất niên, cúng giao thừa và các lễ khác trong ba ngày tết, cha tôi đứng chủ lễ. Riêng tiễn và rước ông Táo thì me tôi độc quyền chủ lễ, sau đó mới đến cha tôi cùng anh chị em tôi vì me là đầu bếp chính của gia đình… Không gian thoang thoảng mùi trầm. Thoáng giật mình tôi nghe hồn gợn sóng với âm hưởng ngọt ngào, huyền diệu của ngày cuối năm bên gia đình ấm cúng. Kể từ chiều 30 trở đi, sau lễ cúng tất niên, trên bàn thờ hương, đèn luôn được thắp sáng suốt ba ngày Tết và hằng ngày đều có bày biện thức ăn để cúng ông bà. Thời gian thay đổi. Không gian chuyển màu. Giao thừa sắp ghé đến mọi nhà …
Ngày thắm tươi bên đời xuân mới
Hồn đắm say bao nguồn vui sống
Xuân về với ngàn hoa tươi sáng
Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng…
… Ta sẽ vui
Ta sẽ vui
Đời xuân tươi…

Khúc hát Xuân và Tuổi trẻ của La Hối làm nức lòng người nghe. Xuân đã đến thật rồi. Bồi hồi. Xúc động. Me và chị em tôi sắp sửa lễ vật để cúng giao thừa. Bàn thờ Phật, bàn thờ gia tiên, Táo quân đèn hoa rực rỡ. Ngoài sân, cha tôi biện lễ cúng trời đất với nhang đèn, hoa quả, nước trong, cau trầu rượu, bánh tét, bánh chưng, mứt, bánh ngọt đủ loại thêm vàng bạc mã. Điều đặc biệt, trong tất cả các lễ của người Huế không thể thiếu cau trầu, rượu. Cha tôi, me tôi và các anh chị em tôi đều ăn mặc đẹp, trang nhã, lịch sự để cúng giao thừa. Nhạc xuân trỗi khắp nơi, lòng người rộn rã…
Giao thừa. Chiếc đồng hồ quả lắc xưa nhất của gia đình tôi điểm 12 tiếng. Âm thanh chậm rãi, đều đều nhưng có sức hút kỳ lạ réo gọi hồn người hướng về trời đất, tổ tiên, ông bà . Cha tôi vào lễ giao thừa. Me và anh chị em tôi đứng hai bên trong tư thế trang nghiêm chờ đến lượt mình. Lễ trời đất xong, đến lễ Phật, lễ Táo quân rồi đến lễ gia tiên. Trong giây phút này tâm hồn của tôi cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thoát kèm một chút hảnh diện vì mình là người Huế, được tiếp cận với lễ nghi Tết truyền thống – một nét văn hóa rất đẹp của Huế.
Sáng mồng một, mọi nhà tiếp tục lễ Phật, lễ Táo quân và lễ gia tiên đầu năm. Đa số người Huế không xuất hành vào ngày mùng một Tết, trừ đi chùa lễ Phật. Ngày mùng hai, thăm bà con, bạn bè. Chiều ngày mùng ba, gia đình nào cũng bày một mâm cổ thịnh soạn để cúng tiễn ông bà. Lễ nghi trong ba ngày Tết đã qua. Con cháu trong gia đình được du xuân, tham gia chợ Tết với những trò chơi cổ truyền ngày xuân…
Xuân thắm tươi, không gian Huế bừng lên sức sống. Cảnh và người giao hòa tình cảm. Huế đẹp. Huế thơ . Ngự Bình lãng tử dang tay đón những dãi nắng vàng tươi, nghiêng mình ôm nàng Hương gợn sóng. Xuân yêu thương tràn ngập trên đất Huế. Ôi ! Tết Huế.
Bùi Kim Chi

No comments: