Monday, January 25, 2016

Tết Nguyên Đán








Sắp đến Tết Ta là Viễn Xứ cảm thấy buồn buồn, tủi tủi vì nghe nhiều người nói là New Year of China!!! (người ngoại quốc không biết đã đành nhưng nhiều người Việt cũng nói như vậy. Thật là buồn)


Thật ra Tết Nguyên Đán là Tiết lễ đầu tiên của năm, bị người Trung Quốc (chôm) của dân Việt ta....
Tết: do chữ Tiết (thời tiết) mà ra.
Nguyên: bắt đầu.
Đán: buổi sáng sớm.
Vậy Tết Nguyên Đán tức là Tết bắt đầu năm, mở đầu cho một năm mới.

Một câu hỏi đôi khi được đặt ra: Tại sao tiền nhân chúng ta không chọn tháng 3 để tổ chức Tết Nguyên Đán, như các dân tộc Miên, Thái hoặc Lào hoặc một tháng nào đó trong năm mà lại chọn đúng vào ngày đầu tháng Giêng âm lịch. Người Trung Hoa sau này cũng chọn cùng ngày này làm ngày Tết của họ. Vì sự trùng hợp ngẫu nhiên (hay chôm văn hóa của ta) này thêm vào sự liên hệ giữa hai dân tộc Việt-Hoa vốn đã có hàng nghìn năm trước khi Trung Hoa đô hộ nước ta, nên nhiều người VỘI CHO RẰNG dân tộc ta bắt chước người Trung Hoa về thời gian mừng Tết Nguyên Đán.
Thật ra, đây chỉ là sự ngộ nhận.

Dựa vào lịch sử Trung Hoa, trải qua nhiều triều đại, chúng ta được biết người Trung Hoa có tục lệ mừng Tết Nguyên Đán không phải vào đầu tháng Giêng âm lịch như hiện nay mà thật ra thời gian được chọn để tổ chức mừng Xuân được thay đi đổi lại rất nhiều lần. Chẳng hạn, vào đời Tam Vương nhà Hạ, người Trung Hoa chọn tháng Dần đầu năm để mừng Xuân. Đến đời nhà Thương người ta đổi lại tháng Sửu tức tháng Chạp. Qua đời nhà Chu, người ta lại chọn tháng Tý, tức tháng Một. Ba vị vua trên đây không phải vô cớ, tùy hứng mà chọn những tháng đó, mà là họ đã dựa vào ý nghĩa tốt xấu, căn cứ theo ngày giờ lúc mới tạo thiên lập địa. Họ tin tưởng giờ Tý là giờ thành, giờ Sửu đất nở và giờ Dần sinh ra người.

Đến đời nhà Đông Chu, Khổng Tử một lần nữa noi theo nhà Hạ, đổi lại ngày Tết vào tháng Dần. Qua đời nhà Tần người ta lại thay ngày Tết vào tháng Hợi tức tháng Mười. Cuối cùng, khi nhà Hán lên ngôi, bấy giờ người Trung Hoa lại noi theo gương Khổng Tử chọn ngày đầu tháng Dần, tức tháng Giêng để mừng Tết.

Mừng xuân vào dịp đầu năm âm lịch nói là của người Trung hoa là hoàn toàn không chấp nhận được.
Tiền nhân chúng ta khôn ngoan, lại xuất thân từ giới nông dân. Sở dĩ các ngài chọn ngày đầu năm âm lịch để tổ chức Tết Nguyên Đán, vì thời gian này nhằm vào đúng mùa xuân, một mùa đẹp nhất trong năm với thời tiết mát mẻ, dịu dàng, cây cối đâm chồi nảy lộc, khoe thắm sắc hương và mang một màu sắc xinh tươi, mới mẻ rất thích hợp trong việc thăm viếng bà con, thân thuộc, bạn bè.

Đây cũng là khoảng thời gian mà mọi công việc đồng áng đã hoàn tất, lúa gặt xong và được đem chứa vào những lẫm lúa. Người nông dân chân lấm tay bùn, sau một năm vất vả với công việc đồng áng, giờ đây được thảnh thơi hoàn toàn có thể cùng nhau hội họp, liên hoan, ăn uống vui vẻ với nhau để tỏ lòng biết ơn đối với Trời Đất và tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà cha mẹ, những người thân yêu ruột thịt đã qua đời!

Tết Nguyên Đán trước đây ta gọi là Tết Nhàn là Tết cổ truyền có từ thời Hùng Vương, sử cũ vốn ta có 12 tháng nhưng cách tính khác ngày này, 1 năm bắt đầu từ tháng chạp tức tháng 12, vì khi ấy dân ta bắt đầu hoạch lúa, tới tháng giêng thì xong, ngày đầu tháng giêng người Âu Lạc có tục cúng lễ tạ ơn tổ tiên trời đất sau 1 mùa lúa nước, ngày Tết diễn ra từ ngày 1/1 cho tới hết 30/3 và kết thúc là lễ hội ngày mùa để bắt đầu 1 vụ cấy mới, ngày Tết này ta sẽ thấy đến đời Hán Vũ đế bên Trung Hoa mới có, còn ta thì ai xem tích Bánh Chưng Bánh Dày thì đều thấy cả, mà tích này là từ thời Hùng Vương thứ 6 tức là trước đời Tần Thủy Hoàng rất là lâu chừng khoảng hơn 1000 năm, vậy mà ngày nay nó lại mang tên New Year of China.

Viễn Xứ hy vọng chúng ta cùng nhau chia sẻ, để cho người Ngoại Quốc cũng như con cháu chúng ta hiểu biết nhiều hơn về Lịch Sử và Văn Hóa dân tộc Việt.

P.S. vẫn còn nhiều thứ mà người Trung Hoa đã chôm văn hóa của người Việt ta rồi nhận là của họ.

Viễn Xứ

Trái Bồ Đề



Sau hơn 10 năm trồng trong chậu, hôm nay phát hiện cây Bồ Đề đang ra trái.

































































Wednesday, January 20, 2016

Tết miền Hương-Ngự – Bùi Kim Chi



Tháng chạp, tháng giao mùa Đông – Xuân. Giã từ những ngày mưa buồn, gương mặt Hoàng Cung bỗng rạng rỡ. Những sợi nắng vàng yếu đuối đang gọi mùa xuân về trên triền núi. Ngự Bình xôn xao chia chút nắng cho Hương Giang… Huế bắt đầu vào Xuân.
Rằm tháng chạp. Dấu hiệu của Tết. Tết ! Tết ! Tết ! Nghe xúc động và nao nức trong lòng người Huế – nơi có truyền thống văn hóa về lễ nghi ngày Tết; điều đó đã làm nên một “tính cách Huế” cho riêng người Huế. Không hiểu suy nghĩ của tôi có quá đi không nhưng tự bản thân tôi – một phụ nữ Huế, tôi đã cảm nhận sâu sắc điều này. Chuẩn bị đón Tết nguyên đán, trước tiên người Huế có tục lệ về quê để cùng bà con chạp mã (làm sạch sẽ phần mộ của ông bà). Sau đó, một lễ nhỏ được bày biện cúng tại mã với hương đèn, trà nước, hoa quả, cau trầu, rượu và vàng bạc mã mời ông bà đáo gia đường ăn tết cùng con cháu vào ngày 30 tháng chạp. Từ thôn quê lên thành thị chợ đông vui, nhộn nhịp đón khách sắm hương hoa cúng Phật, cúng ông bà, cúng “âm binh” trước ngõ trong ngày rằm cuối của năm. Từ 16 tháng chạp trở đi, mọi nhà lo sắm Tết. Vườn Huế được chăm chút cẩn thận. Trước ngõ nhà vườn đa số đều có trồng mai. Những cây hoàng mai sau thời gian được trảy lá, nay xuất hiện những nụ mai nhỏ xíu, dịu dàng, e ấp chen cành đón chút nắng mới rưng rưng cùng người gõ nhịp thời gian… đón Tết. Rất nhiều loại bánh mứt được phụ nữ Huế chọn lựa để chế biến cho phù hợp với ngày Tết, với thời gian chờ Tết dưới bàn tay khéo léo của mình, trước để cúng Phật, cúng ông bà sau đãi khách và phân phát cho con cháu. Thích mắt nhất vẫn là những chiếc bánh Huế truyền thống, bánh phục linh, bánh in bột nếp, bột hoàng tinh, đậu xanh được phong kín trong những mảnh giấy kiếng đủ màu sắc lấp lánh trong thẩu thủy tinh. Những chiếc bánh thuẩn, bánh hình quả tim được làm bằng bột mì pha trứng nướng trên lửa trong những chiếc khuôn đặc biệt. Khi bánh chín, nắp mở ra, bánh nở, thơm lừng, vàng ươm. Ngoài ra Huế còn có hai loại bánh Tết đặc biệt dành cúng Phật là bánh Sen tán và bánh Bất cung đình. Bánh Sen tán được làm bằng hạt sen, tên dân dã là Sen tán. Trong cung đình gọi là bánh Uyển Cao. Bánh được gói trong giấy kiếng, mỗi chiếc một màu sắp thành hình tháp núi. Xưa, trong cung dùng để khoãn đãi sứ giả và để chiêu đãi sĩ tử đỗ Trạng. Còn bánh Bất cung đình được làm từ bột đậu quyên, nặn thành hình các loại hoa rất đẹp mắt. Phụ nữ Huế khéo tay nên đây là loại bánh hoa vừa xinh, vừa đẹp, vừa ngon với hương vị ngọt ngào. Mứt Tết lần lượt được chế biến: Quật, Me, Cà chua, Thơm, Gừng… rất nhiều loại, nguyên liệu rẻ, phổ biến nhưng thực hiện khá công phu. Mứt Gừng là loại mứt không thể thiếu trong Tết Huế. Vị ngọt, cay, thơm, nồng rất phù hợp với thời gian, không gian cùng phong cách đáng yêu của người Huế. Điềm tĩnh, đằm thắm lắng hồn bên tách trà nóng cùng dĩa mứt Gừng ngày Tết với những vui buồn của năm qua và dự phóng tương lai cho năm mới …
Hai mươi ba tháng chạp. Ngày tiễn táo quân về trời. Lòng người rộng mở. Tết đã gần kề. Phố chợ đông đúc. Gương mặt người mua, kẻ bán tươi vui, đầy sức sống. Hoa tươi đầy chợ. Trên phố, hoa giấy Thanh Tiên khoe sắc. Xanh, đỏ, tím, vàng… đan xen đẹp mắt. Đây là loại hoa giấy truyền thống của Tết Huế. Đi cùng với hoa giấy Thanh Tiên là tranh Dân gian làng Sình bày bán khắp phố. Tranh được vẽ trên giấy Dó, màu sắc hài hòa, bắt mắt, nét vẻ sắc sảo qua bàn tay điệu nghệ của nghệ nhân làng Sình. Hoa giấy làng Thanh Tiên và tranh dân gian làng Sình qua thời gian, càng ngày càng tinh xảo đã trở thành làng nghề độc đáo phục vụ cho Tết, lễ hội Làng nghề và Festival Huế. Khách trên phố ghé lại mua vài cành hoa giấy chưng trên bàn thờ, vài ba bức tranh treo trong nhà ngày Tết. Không khí Tết đã bao trùm khắp nơi. Bàn thờ Táo quân đèn hoa lấp lánh với mứt, bánh, có chén nước, dĩa trái cây, thêm ly rượu. dĩa cau trầu và giấy tiền vàng bạc mã. Lễ vật tiễn ông táo chỉ có thế nhưng trang trọng. Tôi nhớ me tôi. Me là một phụ nữ Huế đẹp, phong cách điềm đạm, trang nhã. Trước bàn thờ Táo quân, trong chiếc áo dài màu khói hương me lâm râm khấn vái, tạ ơn Táo quân đã cho gia đình một năm cũ an lành, yên vui và cầu xin một năm mới toàn gia “thân tâm thường an lạc”. Hóa vàng xong, me dùng ly rượu rưới lên vàng bạc mã đã thành tro (tục lệ hóa vàng). Me sai tôi cùng con bé giúp việc trong nhà đưa ba ông Táo cũ bằng đất nung thờ trên bếp đến đặt ở một ngôi miếu gần nhà. Táo quân về trời. Những ngày sau đó bàn thờ Táo quân không còn thắp nhang đèn nữa…
Từ sau 23 tháng chạp, chợ hoa Tết nhộn nhịp hẳn lên. Trăm hoa đua nở. Sang trọng có, dân dã có. Tất cả đều toát lên hồn Huế : nhẹ nhàng, kín đáo. Mai hoa kín đáo vươn cành đón khách thưởng lãm, quý phái với màu vàng tươi. Người Huế dù khó khăn đến đâu cũng cố gắng mua cho được một cành mai vừa ý để chưng Tết. Nét đặc biệt của chợ hoa Tết là hoa đẹp mà người thưởng hoa cũng đẹp. Người Huế ăn mặc đẹp để đi ngắm hoa Tết và nếu hợp nhãn thì một vài chậu hoa sẽ theo chủ nhân về nhà. Từ phút đó trở đi, người và hoa như có mối truyền cảm, cứ quấn quít bên nhau cùng nhau đón Tết…
Những ngày giáp Tết, trai gái Huế không còn ra phố nữa. Con trai lau chùi bàn thờ, đánh bóng lư đồng; con gái sắp đặt vật dụng chưng Tết và trang hoàng nhà cửa.
28 tháng chạp. Huế xôn xao. Bên nồi bánh Tét dưới ngọn lửa đỏ rực, mọi người râm ran trò chuyện. Chuyện đời xưa, chuyện đời nay cứ thế được mọi người tranh nhau kể chờ nồi bánh chín trong tiếng reo vui của lửa hồng. Phụ nữ Huế kín kẽ, tiết kiệm, không phung phí lại khéo tay. Thức ăn phục vụ ngày Tết, tự tay làm lấy, trang trí đẹp. Nói chung, không khí đón tết của Huế tuy rộn ràng nhưng đằm thắm, kín đáo. Từ con cái đến cha mẹ, mỗi người một việc hân hoan đón Tết cổ truyền.
Tất niên. 30 tháng chạp. Ngày cuối cùng của năm. Từ sáng tinh mơ, con gái theo mẹ ra chợ mua nguyên liệu về chế biến thức ăn cúng tất niên. Đa số người Huế cúng tất niên buổi chiều. Ngoài hoa quả, bánh ngọt cúng Phật, còn có mâm cơm cúng tổ tiên, ông bà và mâm cơm cúng đất. Gọi là mâm nhưng thực ra có rất nhiều món ăn đặt trong mâm đồng và cả ngoài mâm. Mỗi món ăn một ít nhưng rất nhiều món được bày biện đẹp mắt trong các tô và dĩa nhỏ. Gần chục món ngọt và trên chục món mặn. Đây là nét văn hóa ẩm thực làm cổ để cúng của riêng Huế; có lẽ chỉ có phụ nữ Huế mới làm được điều này do chịu khó và khéo tay vì quá công phu, cầu kỳ và phức tạp. Cơm cúng tất niên không thể thiếu món Tôm chua – Thịt phay (thịt heo luộc) ăn kèm với chuối chát, khế, trái vả – món ăn đặc trưng của Huế. Song song với lễ cúng tất niên ở trong nhà, ngoài sân vườn, người Huế cũng không quên bày một mâm cổ nhỏ để cúng Tết cho những người khuất mặt (đây là một chia sẻ tâm linh của người Huế). Cha tôi trong bộ áo rộng gấm xanh, khăn đóng đứng chủ lễ cúng tất niên. Sau đó me tôi, các anh chị em tôi theo thứ tự từ lớn xuống bé vào lễ. Bàn thờ Táo quân cũng được me tôi thiết lễ chu đáo để rước Táo quân trở lại với gia đình. Tôi để ý, cúng tất niên, cúng giao thừa và các lễ khác trong ba ngày tết, cha tôi đứng chủ lễ. Riêng tiễn và rước ông Táo thì me tôi độc quyền chủ lễ, sau đó mới đến cha tôi cùng anh chị em tôi vì me là đầu bếp chính của gia đình… Không gian thoang thoảng mùi trầm. Thoáng giật mình tôi nghe hồn gợn sóng với âm hưởng ngọt ngào, huyền diệu của ngày cuối năm bên gia đình ấm cúng. Kể từ chiều 30 trở đi, sau lễ cúng tất niên, trên bàn thờ hương, đèn luôn được thắp sáng suốt ba ngày Tết và hằng ngày đều có bày biện thức ăn để cúng ông bà. Thời gian thay đổi. Không gian chuyển màu. Giao thừa sắp ghé đến mọi nhà …
Ngày thắm tươi bên đời xuân mới
Hồn đắm say bao nguồn vui sống
Xuân về với ngàn hoa tươi sáng
Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng…
… Ta sẽ vui
Ta sẽ vui
Đời xuân tươi…

Khúc hát Xuân và Tuổi trẻ của La Hối làm nức lòng người nghe. Xuân đã đến thật rồi. Bồi hồi. Xúc động. Me và chị em tôi sắp sửa lễ vật để cúng giao thừa. Bàn thờ Phật, bàn thờ gia tiên, Táo quân đèn hoa rực rỡ. Ngoài sân, cha tôi biện lễ cúng trời đất với nhang đèn, hoa quả, nước trong, cau trầu rượu, bánh tét, bánh chưng, mứt, bánh ngọt đủ loại thêm vàng bạc mã. Điều đặc biệt, trong tất cả các lễ của người Huế không thể thiếu cau trầu, rượu. Cha tôi, me tôi và các anh chị em tôi đều ăn mặc đẹp, trang nhã, lịch sự để cúng giao thừa. Nhạc xuân trỗi khắp nơi, lòng người rộn rã…
Giao thừa. Chiếc đồng hồ quả lắc xưa nhất của gia đình tôi điểm 12 tiếng. Âm thanh chậm rãi, đều đều nhưng có sức hút kỳ lạ réo gọi hồn người hướng về trời đất, tổ tiên, ông bà . Cha tôi vào lễ giao thừa. Me và anh chị em tôi đứng hai bên trong tư thế trang nghiêm chờ đến lượt mình. Lễ trời đất xong, đến lễ Phật, lễ Táo quân rồi đến lễ gia tiên. Trong giây phút này tâm hồn của tôi cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thoát kèm một chút hảnh diện vì mình là người Huế, được tiếp cận với lễ nghi Tết truyền thống – một nét văn hóa rất đẹp của Huế.
Sáng mồng một, mọi nhà tiếp tục lễ Phật, lễ Táo quân và lễ gia tiên đầu năm. Đa số người Huế không xuất hành vào ngày mùng một Tết, trừ đi chùa lễ Phật. Ngày mùng hai, thăm bà con, bạn bè. Chiều ngày mùng ba, gia đình nào cũng bày một mâm cổ thịnh soạn để cúng tiễn ông bà. Lễ nghi trong ba ngày Tết đã qua. Con cháu trong gia đình được du xuân, tham gia chợ Tết với những trò chơi cổ truyền ngày xuân…
Xuân thắm tươi, không gian Huế bừng lên sức sống. Cảnh và người giao hòa tình cảm. Huế đẹp. Huế thơ . Ngự Bình lãng tử dang tay đón những dãi nắng vàng tươi, nghiêng mình ôm nàng Hương gợn sóng. Xuân yêu thương tràn ngập trên đất Huế. Ôi ! Tết Huế.
Bùi Kim Chi

Thursday, January 7, 2016

Nụ cười bình thản và vạt áo đỏ vắt ngang vai, Matthieu Ricard an nhiên giữa gió trời Himalaya trong lành





Đó là minh chứng mạnh mẽ nhất cho việc các nhà khoa học bình chọn ông là người hạnh phúc nhất thế gian.

Matthieu Ricard, một nhà nghiên cứu về tế bào di truyền, đã từ bỏ cuộc sống hiện đại danh vọng, phù hoa, tìm về Tây Tạng, trở thành tu sĩ Phật giáo và là thị giả thân cận của Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Ông sinh năm 1946 tại Pháp, là con trai của Jean-François Revel - một triết gia Pháp nổi tiếng và Yahne Le Toumelin - một nữ họa sĩ theo trường phái trừu tượng. Năm 1972, ông hoàn thành luận án tiến sĩ Sinh vật học ở Đại học Sorbonne sau khoảng thời gian dài miệt mài trên giảng đường và làm việc không ngừng nghỉ tại Viện Pasteur.

Năm 26 tuổi, Matthieu Ricard đã xin phép cha mẹ đến Tây Tạng, trở thành một tu sĩ Phật giáo, để lại sau lưng con đường danh vọng thênh thang của một nhà khoa học. Quyết định ấy được lý giải qua cuộc trò chuyện thú vị với người cha được viết thành quyển sách “The Monk And The Philosopher” (Tạm dịch: Tu sĩ và Triết gia).

Trong đó có đoạn: “Con đã theo đuổi khoa học là vì con thích nghiên cứu. Nhưng rồi con thấy nghiên cứu có hay đến mấy cũng không giải quyết được vấn đề căn bản của con người… Con đã nhìn thấy ở các vị Lạt Ma, hình ảnh những điều họ dạy dỗ, khuyên răn mọi người. Con không hiểu rõ tại sao, chỉ cảm thấy đây là những bậc thánh nhân, những nhà hiền triết hiếm gặp”.

Cuốn sách mau chóng trở thành hiện tượng, được dịch ra 21 thứ tiếng và được độc giả đón nhận đông đảo.

Năm 1979, Ricard chính thức trở thành tu sĩ, là người học trò gần gũi và thân thiết nhất của đại sư Dilgo Khyentse Rinpoché. Năm 1980, lần đầu tiên ông gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma và sau đó trở thành phiên dịch viên tiếng Pháp cho Người.

Từ đó đến nay, ông đã sống ở tự viện Shéchèn (Nepal), thuộc rặng núi Himalaya bên những vị thầy tâm linh lớn, dành trọn cuộc đời tu hành, gìn giữ nền văn hóa Hy Mã Lạp Sơn và thực hiện những dự án nhân đạo ở Tây Tạng.

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos năm 2009, cũng là thời gian đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng kinh tế, Matthieu Ricard đã phát biểu trước các lãnh đạo cấp cao và doanh nghiệp rằng đã đến lúc từ bỏ tham vọng lợi nhuận khổng lồ, hướng đến vị tha bao dung.

Đối với Matthieu Ricard, hạnh phúc là nhận thức bẩm sinh của chúng ta. Khi đi trên tuyết, hay dưới bầu trời đầy sao chúng ta đều rất thích thú. Khi vỗ về một đứa trẻ nhỏ, chúng ta cảm nhận được tình yêu thương thuần túy. Tâm của chúng ta tựa như tấm gương soi, phản chiếu tất cả mọi hình ảnh: sự giận dữ, tươi cười hay buồn bã, trầm tư.

Bằng cách luyện tâm, học yêu thương và tha thứ nhiều hơn, lấy tự do thuần hóa tham lam chúng ta sẽ mở được cánh cửa tâm hồn. Đó chính là thiền.

Thiền định đã giúp Matthieu Ricard thưởng thức cuộc sống xung quanh, nuôi dưỡng lòng từ bi bao la và cân bằng những cảm xúc một cách kỳ diệu. Giờ đây, ông đã trở thành một đột phá của giới khoa học.
Trường Đại học Wisconsin (Mỹ) đã thực hiện thí nghiệm quét với 256 bộ cảm biến. Kết quả thật kinh ngạc: Vỏ não trước trán bên trái của Matthieu Ricard hoạt động với tần suất gấp nhiều lần so với bên phải. Điều này đã đem đến cho ông sự hạnh phúc vô bờ. Dường như những suy nghĩ tiêu cực không hề tồn tại hoặc rất ít.

Ở tuổi 66, Matthieu Ricard trở thành một trong những học giả hàng đầu về Tôn giáo ở Phương Tây và là hình tượng được mọi tầng lớp Phật tử kính ngưỡng. Ông đã hiến tặng toàn bộ số tiền thu được từ sách đến 110 dự án nhân đạo, trong đó xây dựng trường học cho 21.000 trẻ em, chăm sóc y tế cho 100.000 bệnh nhân hàng năm.

Trước những đóng góp thầm lặng gìn giữ văn hóa vùng Hy Mã Lạp Sơn và cống hiến cho cộng đồng, Pháp đã trao tặng Huân chương Quốc gia để vinh danh ông. Trong khi đó, ông cười hiền từ khuyên mọi người sống tốt đẹp, nuôi dưỡng lòng từ bi để có hạnh phúc.

Theo Hương Giang

Monday, January 4, 2016

Xứ Tuyết trong tim tôi - Đoàn Hải An




"Tôi đã đến nơi đây, tuyệt đỉnh hoang vu để thấm thía tột cùng của lòng tốt. Những người anh em của tôi đã lặng lẽ chờ tôi quay về nhà - ngôi nhà chan hoà tình yêu thương và sự minh triết.

Tôi đã khóc nức nở như một đứa trẻ khi chợt nhận ra rằng đã lâu lắm tôi không về nhà... Không chừng đã vài chục kiếp hoặc hơn thế...

Tôi thấy những người anh em của tôi tận hiến những tấc vải đẹp nhất của họ để kết thành dây cờ lungta cho gió cuốn đi muôn phương những lời nguyện tốt lành và hào phóng của họ!

Tôi đã bẽ bàng biết bao khi đặt những đồng tiền lẻ vào lòng bàn tay của những người anh em xứ Tuyết. Đó chẳng phải bàn tay hành khất nhưng chính là bàn tay đang cầu nguyện và ban phước cho tôi...

Tôi đã đến nơi đây để uống trọn chất cam lồ được kết ngưng từ lòng sùng tín. Tôi cũng thấm thía sự bao dung mặc cho sắt và máu đang bạo hành khắp quanh đây. Tôi ngưỡng mộ trước đức hy sinh và tấm lòng cao cả của những người anh em xứ Tuyết!

Vào lúc đó, tôi chợt nhận ra xứ Tuyết trong tim tôi; trong tim các bạn... Xứ Tuyết là lương tri và nhân văn cao cả chứ chẳng phải là chốn sơn biên hoang vu mông muội.

Tôi hiểu rằng không có địa giới hành chính hay sự hà khắc chính trị nào có thể khuất phục những người anh em của tôi nơi đây... Họ và những ngọn núi đã đồng nhất vào nhau!

Kìa xem! Vượt lên trên sự sống và cái chết, họ một lòng một dạ hướng về Ánh Sáng! 

Hỡi những người anh em xứ Tuyết, xin hãy đến chạm vào tim tôi để giúp tôi xua đi Vô Minh!

Mặc nhiên tôi cũng hiểu rằng sự chuyển hoá trong tim tôi; trong tim các bạn là lẽ tất yếu! 

Xin tri ân sự từ bi và lòng kiên nhẫn của những người anh em xứ Tuyết!"

Bút ký của Đoàn Hải An
28.12.2015