Monday, March 23, 2015

MẸ BỎ CON... - Võ Văn Tùng


MẸ BỎ CON... - Võ Văn Tùng

Bác sĩ Võ Văn Tùng, chủ tịch Hội Thân Hữu Huế-Thừa Thiên, chủ biên tập san Nhớ Huế, là người đã dành cho giải thưởng Việt Báo nhiều hỗ trợ từ những năm đầu tiên. Sau đây là một truyện ngắn đặc biệt của ông, bắt đầu từ tháng Ba 1975, khi Ban Mê Thuột thất thủ.
* * *

Tháng Ba năm ấy tình hình chiến sự vùng 2 chiến thuật vô cùng sôi động, khiến cho tinh thần dân chúng địa phương căng thẳng. Địch đang cố dương đông kích tây với mục đích đưa quân đội miền Nam vào mê hồn trận, không biết đâu là diện, đâu là điểm. Qua tin tức tình báo, Ban Mê Thuột có thể là dứt điểm của cuộc tấn công một mất một còn sắp xẩy ra, nhưng Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II không tin cuộc bày binh bố trận lại giản dị như vậy nên nghiêng hẳn trọng tâm phòng thủ về phía Pleiku, bỏ hở Ban Mê Thuột.

Tỉnh lỵ có vị trí chiến lược quan trọng nhất nhì vùng cao nguyên bị lọt vào tay địch trong những ngày đầu tháng 3, 1975. Tiếp theo là quyết định liều lĩnh của một số tướng lãnh mở một tử lộ kéo quân về miền duyên hải, một con đường dài đặt tên số 7 đầy gian nan và nguy hiểm đem lại biết bao tang tóc, đày đọa, đau khổ tận cùng cho đoàn người di tản.

Trên con đường chạy giặc này, Ngọc với hai con là Duyên, 4 tuổi và Tammy 6 tháng, may mắn được người quen nhường cho một chỗ trên chiếc xe Dodge 4 của một đơn vị tiếp vận. Qua ngày thứ hai xe bị hỏng máy, Ngọc phải tay bồng tay bế dẫn con chạy bộ theo đoàn người tị nạn... Qua đến ngày thứ ba, bé Duyên đuối sức, vừa khóc vừa nói:

"Con muốn về nhà! Con khát nước, đói bụng. Con không muốn đi nữa."

Tình hình chiến sự bỗng hết sức nghiêm trọng. Địch bắt đầu pháo vào giữa đoàn người di tản gây nên một sự hỗn loạn kinh hoàng. Những tiếng la hét, rên xiết của những người bị trúng đạn vang dội cả khu rừng. Trong thoáng chốc Ngọc lạc mất Duyên, đứa con gái đầu lòng. Vừa khóc vừa kêu cứu, Ngọc cố chen lấn lên phía trước để tìm con, nhưng sức người có hạn, nàng không thể vượt qua được chướng ngại biển người. Mất Duyên trong nháy mắt, Ngọc ôm chặt bé Tammy vào lòng. Tammy đang khát, nút mãi hai bầu sữa đã cạn queo.

Những lúc hết pháo kích, máu ngưng đổ thì một số người lại bị ngất xỉu vì cơn nắng chói chang và đói khát. Số đông lùi vào phía trong tìm bóng cây nghỉ chân, uống nước cầm hơi để tiếp tục đi nốt đoạn đường hứa hẹn đầy gian khổ.

Đồi núi cao nguyên chập chùng. Xa xa một vài vệt khói trắng vươn lên từ những túp lều tranh thô sơ của một buôn Thượng chứng tỏ quanh đây vẫn còn có sự sinh hoạt. Ngọc nhìn theo những luồng khói ấy chợt tìm ra một tia hy vọng. Trước đây chị đã từng làm ăn buôn bán với đồng bào thiểu số, biết nói chút ít tiếng Thượng trong khi giao thiệp, thấy họ cũng có con cái đi theo từng đoàn.

"Trong lúc tứ cố vô thân, đói quá không biết nhờ ai, hai mẹ con sẽ thế nào cũng chết hết, chi bằng mình nhờ người Thượng nuôi con dùm rồi sau nầy nhờ trời quân ta tái chiếm được tỉnh lỵ mình sẽ trở về tìm họ xin nhận con lại".

Như thấy được ánh sáng cuối đường hầm, Ngọc quyết định tách rời khỏi đám đông, một mình bồng con theo đường mòn nhỏ dẫn lên triền núi... Đứa bé vẫn tiếp tục ngoạm đầu vú mẹ, nút mãi không muốn rời ra. Đến lúc đôi chân của Ngọc hết lê nổi, hai mẹ con đành nằm lăn ra đó và thiếp đi dưới tàng cây cổ thụ.

Sáng hôm sau mặt trời vừa ló dạng, ánh sáng ban mai xuyên qua cành lá đánh thức Ngọc dậy. Liếc nhìn đứa bé hai dòng máu tóc vàng, mũi cao, mắt xanh đang thiêm thiếp ngủ, Ngọc thấy thương con vô cùng. Trong giây phút khủng hoảng tinh thần tột độ nàng đi đến một hành động táo bạo, cởi chiếc áo dài đang mặc, nhẹ nhàng quấn tròn theo thân hình nhỏ bé của con rồi bồng nó đặt bên gốc cây cạnh đường mòn dẫn tới buôn của người Thượng. Nàng chắp tay lâm râm khấn vái, cầu sao cho có người qua đường nhìn thấy lượm về nuôi. Phần mình, Ngọc vừa khóc vừa cố lết ra khỏi bìa rừng mong gặp người cứu giúp.

Từ đó không ai biết Ngọc còn sống hay đã chết bụi chết bờ.

*

Trong túp nhà sàn, một ông già nước da đen sạm nắng với nét mặt khắc khổ, đầu tóc bạc phơ ngồi giữa, hai bên là hai người cao niên khác, khố đóng quanh lưng. Phía trước họ là một cô gái quỳ gối, hai tay vòng trước ngực. Giọng ông già sang sảng, bằng tiếng Thượng đại ý:

"Ta lượm được con ở bìa rừng, đặt tên con là Nay Lin. Lúc ấy con chừng năm sáu tháng, còn đỏ hoe. Ta nuôi con đã được 13 năm chẵn. Các vị bô lão định đuổi con ra khỏi buôn nhiều lần rồi, nhưng vì quá thương con nên ta đã tìm cách nấn ná, giữ lại. Hôm nay ta phải dứt khoát với con."

Nghe lời, Nay Lin tỏ ra bối rối vì sự việc xảy ra quá đột ngột. Em không biết vì sao mình sắp bị đuổi ra khỏi buôn làng. Suốt trong 13 năm liền, Nay Lin là một cô gái Thượng nề nếp, gương mẫu. Khi chưa đủ sức đi làm rẫy, em đã cố gắng quán xuyến công việc nhà được giao phó như nấu cơm, rưa chén, dọn dẹp. Hàng ngày, cứ đúng giờ ngọ, trai tráng trong làng tụ tập tại một ngôi nhà công cộng gọi là "nhà Rồng", ăn uống thô sơ cơm với muối thêm chút thịt rừng. Buổi tối họ tụ tập la hét múa may vui đùa chung quanh bếp lửa hồng. Tuy sống và lớn lên ở rừng núi, dầm mưa giãi nắng, nước da bị rám sậm nhưng không đen như những cô bé gái khác. Nay Lin được nhiều bạn trai ngấp nghé, đến nay chưa ai lọt vào mắt xanh của em. Em không có của cải, cần phải làm việc nhiều hơn nữa mới đủ vốn liếng lấy chồng. Nay Lin phải nghe lời chỉ dẫn của "Ông già Làng". Trong buôn, ông là "Ông già" đứng đầu có nhiệm vụ phân phối công việc cho mỗi người, kẻ đi đốt rừng làm rẫy, trồng lúa, nhổ sắn, kẻ khác đi bẫy thú rừng, người ở nhà đan và dệt. Cho đến hôm nay, Nay Lin chưa làm một điều gì trái ý ông già để phải bị đuổi nhục nhã như thế nầy.

Đang còn thắc mắc thì Nay Lin được Ông già giải thích rõ ràng:

"Con không phải là người Gia Rai. Con là người Kinh. Ta biết trước sau gì con cũng bỏ buôn mà đi. Con sẽ phản ta, chi bằng ta đuổi con trước để sau này ta khỏi phải hối hận và đau khổ."

Nay Lin ngạc nhiên hỏi lại:

"Già ơi, con là người Kinh thật sao?"

Ông già trả lời:

"Đúng như vậy. Con là người Kinh, con không thể sống với người Gia Rai mãi. Ta sẽ cho người chỉ đường để con trở về Kinh sống với họ."

Nay Lin lắc đầu:

"Con không tin. Có phải ông già không còn thương con nên không cho con ở nữa."

Ông già thở dài, tránh nhìn vào đôi mắt đẫm lệ của đứa con gái mà ông đã nuôi, đã thương yêu như con ruột. Lần đầu tiên ông tâm sự:

"Ta thương con vô cùng nhưng luật lệ ở buôn nầy đặt ra như vậy, ta đành chịu thua."

Nay Lin ôm mặt khóc nức nở:

"Ông ơi, con còn nhỏ lắm. Ông đuổi con đi rồi con sẽ ở với ai và làm chi để sống. Con sợ lắm. Con thương ông già nhiều lắm. Con muốn ở gần ông mãi mãi"

Ông già vẫn quay mặt đi. Ông sợ phải lạc lòng lần nữa.

Xã hội người Gia Rai cũng có tôn ti trật tự, có tục lệ đặt ra. Họ theo chế độ mẫu hệ, con cái lấy họ mẹ. Đàn bà mang thai khi sinh đẻ tự ra bờ suối lo liệu một mình. Sinh con xong người mẹ tự lôi cái nhau ra, cắt rốn, đem con xuống suối tắm nước lạnh. Đứa nào chịu được thì sống, đứa nào lỡ chịu không nổi thì chết và bị đem chôn không chút thương tiếc. Trong đời sống lạc hậu này, người con gái phải ra sức lao động để nuôi thân và tằn tiện dành dụm để mua lễ vật cưới chồng. Con gái hễ thích người nào thì tự do chọn lựa không cần thưa với cha mẹ, chỉ nói cho Ông Già Làng biết, rồi theo sự đòi hỏi của nhà trai, nạp đủ lễ vật là cưới được chồng. Con gái mười ba tuổi đã có thể cưới chồng được rồi. Nay Lin cũng vậy, nếu không có gì thay đổi thì chồng nàng sẽ là một thanh niên trán thấp, cằm vuông, hàm răng trên bị cà sát nướu, nước da sạm nắng đen thui với những bắp thịt rắn chắc, chiếc khố quanh lưng và cái rựa cầm tay. Ngôn ngữ của họ không được phát triển nhưng chuyện trai gái gặp nhau, thương nhau là bản tính trời cho, không cần ai dạy vẽ.

Ở trong buôn, Nay Lin được mọi người mến chuộng vì em rất dịu hiền. Bất thình lình bị đuổi ra khỏi buôn Thượng, Nay Lin sợ hãi lắm. Em chỉ còn biết khóc lóc, năn nỉ lạy lục ông già. Nhưng cả ba người, ông già và hai phụ tá vẫn một mực lắc đầu.

"Ta không thể làm gì hơn được. Ta đã chọn hai con gà thật to cho con làm của. Ngày mai thằng Y-Blam sẽ đưa con xuống núi và chỉ đường cho con về Kinh."

"Con không phải người Kinh. Con không phải..."

Nay Lin òa khóc và đâm đầu chạy vào trong rừng. Nó bất kể gai đâm cành vẹt, cứ chạy và chỉ dừng lại khi gặp một giòng suối chặn ngang. Nay Lin ngồi bệt xuống bên giòng nước và tiếp tục khóc. Không bao giờ nó muốn xa bản làng, buôn Thượng. Mẹ nó, người đàn bà "Thượng" hay "Kinh" gì đối với nó cũng không quan trọng bằng ông già đã nuôi nó lớn. Nó còn nhớ, một lần vào năm tám chín tuổi gì đó, một hôm nó thấy hai mẹ con người thượng trong nương rẫy ở sườn đồi. Đứa con gái hái hoa dại đưa cho mẹ. Bà mẹ lấy hoa kết thành một vòng đeo quanh đầu con rồi âu yếm ôm con gái vào lòng, Nay Lin đứng nhìn sững, rồi nó về hỏi ông già:

"Ông già ơi, con có mẹ không ?"

"Không. Con không có. Người mẹ đó đã bỏ con."

"Bỏ con. Tại sao lại bỏ conh?"

Nay Lin dụi đầu vào lòng ông già kêu lên. Bàn tay khô cằn của ông vuốt lên mái tóc hoe vàng mịn màng của nó:

"Mẹ con đã chết. Chết mới bỏ con. Ta là người nuôi con."

Người mẹ chết đi mới bỏ con! Từ đó Nay Lin tin chắc là người mẹ nào đó sinh ra Nay Lin nay đã chết. Vậy còn ông già. Không sinh ra Nay Lin nhưng ông có công nuôi dưỡng. Hồi còn nhỏ, ông già cũng ôm Nay Lin vào lòng, chăm lo khi nó đau ốm, nấu cháo cho nó ăn. Lúc nó ngã té trầy đầu gối, ông già cũng suýt xoa, nhai lá đắp lên vết thương. Nay Lin đau rát, khóc to, ông già dỗ dành, thương mến. Vậy tại sao bây giờ ông già cũng bỏ nó? Khóc lóc một lúc, nó trở lại căn nhà sàn tìm ông già, nhưng ông đã tránh mặt nó. Bữa đó, ông già đã bỏ đi uống rượu.

Tin Nay Lin bị đuổi ra khỏi buôn và trả về Kinh đã loan khắp làng, trai gái chạy ùa lại thăm hỏi rộn ràng. Ngay tối hôm đó, một buổi lưả trại đã được tổ chức để tiễn đưa đứa con lưu lạc trở về với nòi giống của nó. Ngay lúc ánh trăng vừa nhú lên, bản làng đã tụ tập đầy đủ, từ người già cả đến đứa bé sơ sanh còn đỏ hoen trên tay, kể cả con chó giữ nhà cũng lăng xăng bên chân người để chờ cơ hội. Nay Lin tuổi còn ngây thơ, buồn đó rồi vui đó. Bên ánh lửa bập bùng soi sáng cả một vùng rừng núi âm u, Nay Lin bị đám trai gái lôi kéo nhập cuộc, nhảy múa điên cuồng theo nhịp điệu của phèn la Gong, T rung và nhạc khí Krong-Put của người Thượng. Một con trâu bị buộc sẵn vào thân cây và một đám thanh niên lực lưỡng, quấn khố với những cánh tay rắn chắc, đã cầm dao đâm tới tấp vào các điểm nhược. Con vật nảy chồm lên cao, kêu rống tảm thiết. Máu từ cổ vọt ra có vòi. Tức thì nhiều người khác đưa những cái thùng bằng cây vào hứng máu, và những vò rượu trắng được đổ vào hòa với máu trâu. Trên miệng thùng, những cái cần dài được để sẵn, được mọi người thay phiên nhau vừa hút vừa nhảy múa chung quanh vòng lửa đỏ rực. Xác con trâu được mổ ra, thịt được cắt thành từng miếng nhỏ xâu vào que tre đem nướng lên. Bộ lòng đem đổ vào một cái chậu cây lớn, lại những thùng rượu khác được đưa đến hòa với một thứ lá cây đặc biệt làm gia vị. Đây là những món nhắm bổ dưỡng của dân miền Thượng.

"Con lại đây."

Ông già dân tộc kéo Nay Lin đến bên thùng thức ăn, đích thân ông múc cho Nay Lin một gáo dừa. Mùi lòng non hoi hoi nồng với rượu, Nay Lin làm một hơi sạch láng. Ông già đặt tay lên đầu Nay Lin:

"Ông Giàng phù hộ cho con."

Theo tiếng Gia Rai tên "ông Giàng" là để chỉ ông Thần Trời đầy quyền uy. Ông già không nói thêm một lời nào, quay lưng rồi biến mất.

Trở lại bên đống lửa, Nay Lin ngửi thấy mùi thịt trâu nướng bốc lên thơm phức. Trai gái lại tiếp tục cầm tay nhau vừa ăn vừa nhảy múa ca hát.

"Ở đây vui quá. Không hiểu ra khỏi buôn có vui như vậy không ?"

Một nỗi buồn thoáng qua làm ủ dột khuôn mặt ngây thơ của đứa con gái sớm dậy thì. Cuộc vui kéo dài đến khuya mới chấm dứt, mọi người lăn ra ngủ.

Sáng sớm hôm sau, khi gà rừng vừa cất tiếng gáy Nay Lin thức dậy đã thấy Y Blam đứng chờ sẵn. Nay Lin ngỏ ý muốn tạt qua nhà Ông già nói vài lời từ biệt. Hành trang vẫn không có gì ngoài cái khố đã phai màu,đan bằng dây gai đánh lại khá mỹ thuật quấn quanh, che chỗ kín của thân thể. Nay Lin là người kinh, có máu lai Mỹ, nên cao lớn hơn những cô gái cùng tuổi. Nước da trắng, rám nắng, đỏ hồng, ngực để trần với đôi nhũ hoa vừa chớm nhú. Bụng thon gọn lộ chiếc rún tròn và sâu. Với quan niệm của người Thượng, chỉ có một chỗ cần che còn lại bao nhiêu ông trời trên cao sinh sao để vậy.

Ông già ngồi đó, hai hàng nước mắt chảy dài trên má. Thấy Nay Lin, ông xua tay có ý bảo "Hãy đi đi", rồi ông quay lưng lại không muốn nhìn thấy cảnh biệt ly đau lòng. Kể từ hôm nay ông đã mất đứa con nuôi mà ông hằng thương mến như con ruột. Ông bị áp lực phải đuổi Nay Lin ra khỏi buôn chứ trong thâm tâm ông không muốn làm như vậy.Nay Lin buồn bã, theo Y Blam từ từ đi xuống núi. Từng bước chân trần đạp trên cỏ khô nghe rào rạc, vang dội trong khu rừng tịch mịch.

Nay Lin chưa hề đi xa, nên cứ một đoạn, nó quay lại nhìn cho tới khi buôn làng hoàn toàn chìm khuất phía sau rừng sâu. Nó lầm lũi bước theo người bạn trai xuyên rừng vượt núi. Gặp con suối nhỏ nước sâu Nay Lin không lội qua được, Y Blam đành phải cõng cô gái trên lưng. Sự cọ xát của đôi ngực trần với làn da của người khác giống lần đầu tiên trong đời, em thấy một cảm giác kích thích mới lạ chạy rần khắp người làm nguôi đi sự luyến tiếc bản làng. Nay Lin vui cười hớn hở, đưa tay khuấy nước chung quanh, đùa nghịch, tát ngược nước vào mặt cả hai người làm cho họ cùng cảm thấy mát mẻ, khỏe khoắn.

Ra khỏi khu rừng, hai người men theo đường cái mà đi. Qua một đoạn đường dài Y Blam dừng lại đưa tay chỉ về phía có mấy nhà ngói mãi tít đằng xa và ra hiệu cho Nay Lin, ý nói hãy tìm về nơi ấy. Y Blam cầm tay người bạn gái nói vài lời từ biệt rồi xoay lưng theo con đường cũ trở lại buôn.

"Y Blam!"

Nay Lin kêu lên. Y Blam quay lại, đưa tay ra dấu cho Nay Lin đừng tới gần. Rồi anh đâm đầu chạy, Nay Lin chỉ còn nhìn thấy cái lưng trần, thoáng chốc đã biến mất vào khu rừng lá bên đường. Y Blam đi rồi, Nay Lin ngớ ngẩn nhìn về phía núi. Buôn làng đã xa lắm, vì Ông già đuổi mình, không nuôi nữa, Nay Lin nghĩ vậy đành lủi thủi bước tới.

Ra đến đường cái, đi một đoạn gặp một trạm xe buýt thì Nay Lin dừng chân lại, em thấy nhiều người đứng chờ. Lần đầu tiên gặp người Kinh, Nay Lin ngạc nhiên thấy họ ăn mặc kín đáo, không để lộ phần trên thân thể như em, lại còn trố mắt nhìn em nữa. Không phải họ chưa từng nhìn thấy ngực trần của người Gia Rai, nhưng người Gia Rai có giòng máu lai thì đây là lần đầu. Rồi một chiếc xe hàng chạy tới, đậu lại. Mọi người vội vã leo lên. Không hiểu sao em cũng leo lên theo. Xe chạy vào tỉnh lÿ, em say mê chăm chú nhìn cảnh vật lạ mắt chung quanh. Xe ghé qua nhiều trạm, kẻ lên người xuống Nay Lin vẫn không để ý.

Đến trạm cuối cùng xe dừng lại nhưng em vẫn ngồi yên trên xe, không dám bước xuống. Người tài xế tưỏng cô gái Thượng đi lạc, ra dấu hỏi nhưng em lắc đầu. Nay Lin hoàn toàn không hiểu người đàn ông nói gì, em hành động như một người câm, dơ tay chỉ vào núi, vào mình, vào hai con gà rồi chỉ vào chợ. Người tài xế không tài nào hiểu được ý em.

Trời đã xế trưa. Người tài xế ra dấu ý muốn mời cô gái Thượng xuống xe và ra dấu đòi tiền. Nay Lin ngơ ngác lắc đầu, nhưng rồi cũng đưa cho anh ta một con gà. Thấy người con gái Thượng thật thà, dễ thương, người tài xế không nỡ lấy con gà lại còn đích thân dẫn cô bé gái vào trong chợ, nhờ mấy người quen giúp đỡ. Bạn hàng tưởng cô gái người Thượng đem gà đi bán vội vây quanh đòi mua. Hoàn toàn không biết tiếng kinh, Nay Lin lại đưa tay ra dấu chỉ về phía núi, vào mình, rồi chỉ mấy người đang xúm xung quanh, hai tay nắm chặt lại với nhau như muốn nói: "Tôi cũng là người Kinh giống như mấy bà."

Không ai đọc nổi ý nghĩ đó, nhưng mọi người đều đồng ý một điểm là có một cô gái Thượng, nước da khác thường, ham vui chơi bị lạc đường và không muốn trở về rừng... vì khi người ta ra dấu ngỏ ý muốn chỉ đường cho em trở về buôn Thượng thì em lắc đầu quầy quậy.

"Ông cho con hai con gà làm của. Khi nào cần mới được bán."

Tiếng ông già còn văng vẳng bên tai. Ông còn dặn dò nữa: "Phải giữ hai con gà nầy cho thật kỹ, đừng để người ta ăn cắp."

Nay Lin ôm chặt hai con gà.

Pleiku, Kontum là hai thị xã có sự tiếp xúc và làm ăn với người Gia Rai nhiều hơn các tỉnh khác. Có những đại đội địa phương quân toàn là người thiểu số. Người Thượng sống riêng biệt, xa thành thị, thường ngày đem quế, lan rừng, ngũ cốc xuống phố đổi lấy mền, phèn la, muối, đồ khô...

Trời về chiều mà cô bé vẫn ngồi nhìn cảnh vật rộn rịp xung quanh, thỉnh thoảng nhỏen miệng cười một mình. Nay Lin nô nức thấy cảnh chợ búa đông vui. Đến khi đêm xuống, chợ trống trơn, không còn hình bóng một ai, em mới nhớ buôn làng, nhớ ông già, nhớ Y Blam, nhưng vì qua một ngày đi đường mệt mỏi, mới đặt mình xuống chiếc sập gỗ dài giữa chợ em đã ngủ một giấc ngon lành. Khi tiếng gà bắt đầu gáy sáng, Nay Lin theo thói quen vùng dậy làm công việc nhà. Nhìn quanh chẳng có ai, cảnh vật khác lạ, em đâm ra hoảng sợ. Tuổi nhỏ không biết sẽ phải đối phó làm sao trong hoàn cảnh hiện tại, em ngồi co ro trong mép sạp chờ trời sáng hẳn.

Bà con ra chợ dọn hàng từ sáng sớm, Nay Lin vẫn ngồi đó. Thấy cô gái Thượng dễ thương, tội nghiệp, người nầy đãi em tô bún, kẻ khác cho em cái bánh. Ăn món gì Nay Lin cũng thấy lạ miệng. Mấy ngày sau, bạn hàng thấy Nay Lin vẫn ngủ trong chợ, không còn ai thắc mắc nữa, và nghĩ rằng: "Cô gái Thượng đi lạc ham vui, không chịu về nhà nữa."

Tội nghiệp Nay Lin, sống giữa thiên nhiên quen rồi, mấy ngày đầu, em bị bọn thanh niên lợi dụng sờ mó. Nay Lin không biết mắc cỡ, chỉ nhỏen miệng cười. Duy cái khố, Nay Lin không cho ai đụng đến vì ông già đã căn dặn:

"Con phải cột cho chặt, như vậy không ai hãm hiếp con được."

Ở trong Buôn, Nay Lin sống lủi thủi trong căn nhà Rồng công cộng, ăn uống cơm nước tập thể. Nay Lin sớm biết thân phận côi cút, thường thơ thẩn rong chơi một mình, khi thì ra tắm ở bờ suối, khi thì đi bẫy thú hoang trong rừng. Cuộc đời trầm lặng của người con gái Thượng tưởng đâu được an bài như vậy, không ngờ bây giờ phải sống trong một xã hội mới xa lạ, đầy hiểm nguy đang chờ đón.

Cũng may, mấy bà bạn hàng rất thương mến Nay Lin, ra sức bảo vệ. Họ đã chưởi như tát nước vào bọn đàn ông lợi dụng cơ hộ sờ mó cô gái Thượng. Bọn thanh niên du đãng tìm đủ mọi cách để trêu chọc, không bỏ dịp đụng chạm vào thân thể cô gái. Sau đó, bà bán bún cho Nay Lin cái áo mặc che ngực, bà bán vải cho cái quần. Lúc đầu mặc vào Nay Lin thấy ngứa ngáy khó chịu, dần dần rồi cũng quen đi. Em đã bán bớt một con gà để mua cái mền và một chiếc chiếu cũ.

Cô gái Thượng nhận sự bố thí của mọi người trong chợ, sau đó qua sự giúp đỡ của mấy bà bán hàng, Nay Lin được huấn luyện làm những việc thông thường để đổi lấy miếng cơm manh áo như giúp dọn hàng bỏ vô thùng hay lấy hàng từ thùng ra sắp xếp trên bàn. Em cũng đã học được vài tiếng Kinh thông thường.

Bây giờ trước mặt Nay Lin là một xã hội văn minh. Bất cứ chuyện gì đối với cô gái cũng là điều mới lạ. Từ ăn uống đến trang phục. Từ tiếng nói đến nụ cười. Hình như ở đây người ta cười nói nhiều hơn.

Thấm thoát sống lây lất trong lòng chợ hơn một năm, Nay Lin được một bà bán hàng lớn tuổi đem về nuôi với ý đồ gả em cho cậu con trai của bà đang mang bệnh tâm thần. Nay Lin ngây thơ không biết âm mưu của người đàn bà này nên nhận lời. Em được cho tiền bạc, quần áo mới để chịu làm vợ người thanh niên, nhưng ở trong gia đình này, em bị đối xử tàn tệ, hằng ngày phải làm công việc nặng nhọc. Ngoài ra em còn bị chê là người Thượng dơ bẩn, không cho ăn cùng mâm. Nay Lin cảm thấy bị kỳ thị, lại không chịu đựng nổi công việc nhọc nhằn nên bỏ về sống trong lòng chợ trở lại.

Sống lang thang, nhiều lúc Nay Lin cũng nhớ tới buôn làng, nhớ ông già, nhớ chàng trai Y Blam đã dẫn mình xuống núi. Một vài lần nữa, em nhẹ dạ bị dụ dỗ vì thèm khát một cuộc sống gia đình, nhưng nơi nào cũng bắt em làm việc như trâu cày, đối xử như kẻ tôi tớ. Cuối cùng rồi em cũng tìm về lòng chợ, chọn nơi đây làm nhà.

Nhờ tiếp xúc nhiều, Nay Lin đã khá sành sõi tiếng Việt. Lũ trẻ bụi đời kết thân với em, dạy em tập đọc tập viết sơ sài và không gọi em là Nay Lin nữa. Từ nay em là Lin, em đã lột xác thành một cô gái kinh mang hai giòng máu Việt Mỹ. Theo đám trẻ bụi đời, Lin tìm về thành phố Nha Trang sinh sống. Những bãi cát trắng ven biển hay những căn nhà vắng chủ là nơi họ dùng để tạm nghỉ chân. Ở đây Lin được chị Huệ, một trùm du đãng khét tiếng, thu nạp làm đệ tử. Chị có rất nhiều em út, hàng ngày được phân chia đi bán đồ ăn, thức uống tại nhà ga hay các trạm xe hàng, mỗi tối đem tiền về nạp cho chị. Chị rất quyền uy, liên kết với những các băng đảng khác, đem hàng lên bán tận trên xe lửa, tuyến đường Nha Trang - Sài Gòn. Lin cũng được phân công ngược xuôi buôn bán trên các chuyến tàu ấy.

Bây giờ, Lin đã mười sáu tuổi, thân hình nẩy nở khá vẹn toàn. Mắt xanh, mũi cao, môi thắm với hàm răng trắng như ngà, Lin quả là một cô gái xinh đẹp. Em như một thỏi nam châm thu hút mọi lớp tuổi đàn ông. Nhiều thằng lưu manh, nghĩ em nghèo, dùng tiền dụ dỗ rồi giở trò ong bướm. Lin luôn luôn chống cự, và nhờ chiếc khố quấn thật chặt, buộc thật chắc bên trong chiếc quần, thêm có đủ sức chống trả hung dữ. Cho đến giờ này em vẫn được an toàn. Bất cứ ở đâu, đàn ông cũng nhìn em với cặp mắt thiếu lương thiện, bám sát theo em đòi hỏi dục vọng.

Nhiều buổi, ngồi một mình nhìn ra biển cả mênh mông, Lin nhớ rừng kinh khủng và thèm được trở về sống yên ổn bên ông già, thèm tắm trong dòng suối chảy giữa rừng sâu, thèm nghe tiếng gà rừng gáy mỗi sáng mai, thèm những buổi đi săn đuổi theo chồn cáo, những buổi nhảy múa rộn rã với tiếng phèng la bên đống lửa hồng. Lin vừa thương vừa giận ông già đã nỡ nào đuổi nó đi.

"Lòng dạ người Kinh không được tốt. Người Kinh hay phản trắc."

Ông già đã từng nói vậy. Lin bắt đầu tin lời ông già. Nhất định có một ngày kia sẽ trở về, gặp ông già hỏi cho ra lẽ. Nhưng cuộc sống cứ kéo Lin xa mãi rừng núi, buôn làng.

Vào những năm 1988-1990, phong trào đăng ký diện con lai đi Mỹ được phát động rộng rãi. Chị Huệ dụ Lin về Sài Gòn và lợi dụng khuôn mặt, màu da của Lin ghép em vào hộ khẩu của chị để mang đi xin đăng ký diện con lai. Lin nay đã khôn lớn, cũng muốn rời bỏ cuộc sống lây lất vô gia cư vô nghề nghiệp nên đồng ý để chị Huệ lo giấy tờ xin đi Mỹ.

Theo người mối lái Chị Huệ dẫn Lin đến đăng ký tại một phái đoàn Mỹ ở Quận I. Chỉ một thời gian ngắn điều chỉnh đầy đủ giấy tờ, Lin được đưa từ Nha Trang về sống trong Trung Tâm Chuyển Tiếp Con Lai ở quận 11 Sài Gòn. Trung tâm này nằm đối diện với Đầm Sen, được dân chúng địa phương gọi tắt là Trại Đầm Sen, chờ đợi làm thêm thủ tục sau cùng để đi Mỹ. Chương trình này do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ để đưa những con lai Việt Mỹ bị chính quyền mới thù hận bỏ rơi, bạc đãi về Nỹ

Trại gồm có những dãy nhà tương đối đủ tiện nghi, có phòng ngủ, phòng ăn, phòng đọc sách, nơi giải trí. Thức ăn ngày ba bữa thừa mứa. Nếu không muốn ăn sáng, trại viên được lãnh một hộp sữa, đem ra ngoài bán cũng có tiền tiêu vặt. Trên thực tế trại chứa toàn con lai Mỹ, nhưng cũng có đứa lai Pháp, lai Maroc trà trộn, lợi dụng màu da man khai nhảy vào. Tại đây, Lin được theo học Anh ngữ ngày hai buổi. Hằng đêm trên màn ảnh rộng lớn đời sống của người Mỹ văn minh, giàu sang tiến bộ được chiếu cho trại viên xem. Tuy lòng háo hức muốn ra đi thật nhanh, nhưng nhiều buổi chiều, khi nắng vàng tắt, em ngồi im một góc, nhớ cảnh nhớ người. Nghĩ đến từ nay không còn dịp gặp lại ông già, em khóc một mình. Trong cuộc đời côi cút của em, chỉ có một mình ông già là người để cho em nhớ.

Theo trong giấy tờ, từ nay Nay Lin có tên mới là Linda. Một ngày đẹp trời vào khoảng tháng 3, 1989 Linda cùng chị Huệ được phép rời trại Đầm Sen ra xe lên phi trường Tân Sơn Nhứt đáp máy bay khổng lồ sang Phi Luật Tân. Linda được trau dồi thêm Anh ngữ. Từ Phi Luật Tân, đám con lai được chuyển dần sang Mỹ định cư. Đến nơi, Linda được một họ đạo ở Riverside baỏ trợ, cho đi học thêm Anh ngữ để chuẩn bị kiếm việc làm.

Riverside nằm cách Orange County một giờ lái xe, Linda thường theo chị Huệ về thăm thủ đô của người Việt tị nạn trên đất Mỹ để tha hồ mua sắm trên đường Bolsa với nhiều thương xá, chợ búa, quán ăn, không thiếu một thứ gì.Mùa hè đầu tiên ở Mỹ chị Huệ và Linda cùng bạn bè rủ nhau đi Las Vegas chơi. Kinh thành ánh sáng đã đem lại cho Linda những thích thú vô bờ. Em say mê ngắm những công trình kiến trúc đồ sộ. Vào sòng bài, mắt em không rời những chiếc máy kéo ra tiền, nhìn đôi tay lão luyện của các dealers chia bài với vẻ khâm phục. Về đêm, kinh thành cờ bạc còn hoa lệ hơn, quyến rũ hơn với ánh sáng rực rỡ muôn màu muôn sắc. Hôm ấy Linda thua sạch, không còn một xu dính túi.

Sau chuyến đi chơi Las Vegas về, sự ham mê cờ bạc cứ sùng sục thôi thúc trong máu Linda, em tìm mua một bộ bài rồi bắt đầu tập chia cho nhuyễn, mong ước sau này sẽ trơS thành một dealer. Chị Huệ là người khám phá ra năng khiếu của Linda nên xúi Linda, tìm cách dọn về ở Orange County cho gần người Việt và dễ kiếm việc làm.

Để chuẩn bị cho một cuộc sống mới, Linda xin lãnh trợ cấp, tìm trường dạy chia bài để học lấy bằng. Nhờ sắc đẹp và khả năng đặc biệt nên sau khi tốt nghiệp, Linda tìm việc chẳng có gì khó khăn. Ban đầu làm ở sòng bài tại Bell Garden City gần Los Angeles với số lương tối thiểu, tính thêm tiền "tip" tổng cộng cũng được hai ba ngàn dollars một tháng. Nhờ chăm chỉ làm ăn, sau hai năm Linda đã dành dụm được một số vốn nhỏ.

Có tiền trong tay, Linda bắt đầu học cách ăn diện. Với khuôn mặt trẻ đẹp kết quả của sự hòa hợp giữa hai giòng máu, với lối phục sức đúng thời trang, ở đâu Linda cũng trở thành một chú điểm cho người ta nhìn ngắm, trầm trồ khen ngợi. Khi có tay nghề vững chắc, Linda muốn tiến thêm một bước nữa, quyết định rời bỏ Los Angeles, dời về sống hẳn nơi kinh đô cờ bạc Las Vegas.

Lúc đầu, Linda xin vào làm tại một sòng bài nhỏ ở dưới vùng downtown. Số Linda rất may mắn, lúc nào chia bài cũng đem phần thắng lợi về cho chủ. Tiếng đồn đến vùng Las Vegas Strip. Linda được lọt vô mắt của một Pitsboss của sòng bài Mirage. Casino Mirage tuyệt đẹp. Dù chủ nhân là người Âu Mỹ, họ cũng tin về địa lý phong thủy. Casino được bài trí như một thành trì kiên cố, ai đụng đến cũng bể đầu u trán, từ bị thương cho đến chết. Phía trước có núi lửa cứ mỗi nửa giờ phun lên một lần, phía bên hông có hai con cọp trắng nằm nhe răng giữ của cho chủ. Bạn trai người Mỹ của Linda lại là một tay lão luyện trong nghề, tận tình dạy cho nàng cách đếm bài để đánh thắng hai môn Poker và Blackjack. Nhờ có năng khiếu cờ bạc nên Linda hấp thụ rất nhanh những bí quyết để đi đến thành công.

Chẳng bao lâu, ngoài tài chia bài nàng có thêm nghề đánh bài rất điêu luyện. Linda trở nên "tên cờ bạc chuyên nghiệp" trong loại bài xì phé kiểu Mỹ Seven Cards Stud. Nàng đánh bài rất tỉnh, biết tính toán, không "húc" liều, không bỏ tiền bắt thêm một con bài khi tính thấy xác suất thắng không cao. Tuy ít học nhưng về phương diện cờ bạc trời cho cô một năng khiếu tuyệt vời, một bộ óc như một cái computer suy tính rất nhạy cảm. Khi đã đạt được số tiền mình muốn, Linda không ngần ngại đứng dậy ăn lường. Gặp bữa vận đen, Linda dứt khoát bỏ ra về, không để bị thua đậm. Linda lại thường gặp vận đỏ nên tính sổ bao giờ cũng thắng nhiều hơn thua, tổng kết mỗi tháng kiếm được vài chục ngàn là thường.

Để khỏi bị lộ tẩy, Linda vẫn làm dealer. Càng ngày tay nghề càng lão luyện, lại thêm nhan sắc chim sa cá lặn, cử chỉ lịch thiệp khiến ai gặp cũng thích, khách chơi cho "típ" rất hậu. Tuy nhiên, trong nghề cờ bạc khi người ta thua nhẵn túi vẫn chửi bới dealer như thường. Dù vậy, lúc nào Linda cũng nhẫn nhịn, không muốn ăn thua đủ với khách chơi. Đứa bé nghèo nàn, tội nghiệp của Buôn Thượng năm xưa nay đã trở thành một người con gái đẹp đẽ, giàu có, lịch thiệp. "Ông già" thỉnh thoảng chỉ còn là cái bóng mờ nhạt, một nỗi nhớ rất xa xôi trong ký ức của Linda.

Một hôm giữa khuya Linda gặp một nhóm ba người đàn bà có khuôn mặt Á Đông nhảy vào ngồi đánh. Họ cười nói luôn miệng. Linda vui vẻ chia bài như thường lệ. Gặp ngày vận đỏ, lỗ nhỏ chẳng bao lâu khách thua gần hết tiền. Một người trong nhóm không dằn được cơn giận, chươi thề:

"Tiên sư cái con nhỏ này đỏ quá."

Rồi quay qua hai người bạn, phân bua:

"Mặt mình chín nút, giở ra con 10 là 19. Nó cũng chín nút mặt, lại giở ra con xì ăn mình mới đau. Trời!"

Họ cứ tưởng Linda là người Mỹ không hiểu tiếng Việt nên tha hồ chửi, tha hồ nói. Còn Linda nàng chỉ mỉm cười. Qua ván sau, nhà con bắt được hai con Tây, mừng hết lớn. Nhà cái cũng có con Tây trên mặt, Linda đưa con bài tẩy dò vào lỗ nhỏ trên góa bài khung. Một chớp đỏ hiện lên trên cái nút trò. Linda nhanh tay lật ngửa "con Ách", chậm rãi nói:

"Blackjack..."

Rồi đưa tay lùa hết tiền về phía mình và nói:

"I am Sorry!"

Một bà tuổi xồn xồn đứng dậy rủ bạn bè:

"Con nhỏ này đỏ quá, mình phải đổi bàn mới được."

Miệng nói vậy nhưng bà không làm, ngồi lì tại chỗ.

"Today Im very lucky !"

Câu nói bâng quơ thường tình của người chia bài không làm ai để ý, nhưng thật ra Linda đã trả lời rất ăn khớp với hiện tình vì nàng đã hiểu tất cả đối thoại giữa những người Việt Nam với nhau trong bàn. Một người đàn ông khác vừa mới đến đứng sau lưng nhìn ngắm Linda rồi lên tiếng:

"Con bé này đẹp và sexy quá ta!"

Linda đỏ mặt và tươi cười như biểu đồng tình.

Người đàn bà quay lại nhìn người đứng phía sau, như có ý ngầm bảo:

"Đừng coi thường con nhỏ, nó có vẻ thông minh lắm, có thể đoán hiểu được điều anh vừa nói".

Rồi bà ta ráng ngồi đánh tiếp, cay cú muốn gỡ và ghét cay ghét đắng đứa con gái chia bài.

"Marker please!"

Bà ta ra lệnh, Linda lễ độ hỏi:

"How many do you want? Mam!"

"Five thousands."

Linda ngoắc tay gọi Floorman lại làm giấy tờ.

Người đàn bà ký nhận 5.000 dollars bằng tiền chip. Chỉ trong nháy mắt, bà ta thua thêm ba ngàn nữa. Nổi nóng bà nghĩ không lẽ thua hoài sao, bèn lấy hết số tiền còn lại đặt trong ô của mình, hồi hộp chờ đợi. Linda chia cho bà hai con Tây màu xanh vàng đỏ nằm ngon lành trên mặt bàn, bài được tính là 20 nút. Nhà cái là Linda, mặt con 5, con bài tẩy phía dưới lật ra là con 10, tổng cộng 15 nút. Bài này, nhà cái kém vế thấy rõ, tính theo xác suất có tới 6, 7 chục phần trăm sẽ "bị oát". Nỗi vui mừng hớn hở hiện ra trên nét mặt nhà con, hy vọng thắng lợi tràn đầy. Linda nhè nhẹ kéo thêm một lá bài nữa, từ từ lật nó lên để gây thêm phần hào hứng. Đó là con 6 chuồn, con bài duy nhất để thắng nhà con! Linda chậm rãi đọc kết quả:

"Twenty one!"

Người đàn bà tái mặt, không dằn được cơn giận dữ, ném cả hai con bài của mình về phía Linda, chưởi người con gái một cách thậm tệ như nó là nguyên nhân cơn xui xẻo của bà:

"Mày hại tao. Đồ con đĩ ngựa."

Tuy hiểu được tiếng Việt, nhưng Linda không nóng nảy như những người khác. Nàng đã từng gặp trường hợp nầy nhiều lần rồi, bình tĩnh xếp bài lại theo thứ tự, miệng vẫn giữ nụ cười tươi tắn và lập lại một lần nữa.

"I am sorry. Mam!"

Người đàn bà chưa nguôi cơn giận, chồm tới muốn giằng lấy bộ bài xé tan. Người bạn ngồi cùng bàn cũng thua nhưng biết điều hơn:

"Chị Ngọc! Chị Ngọc! Bình tĩnh, đừng nóng nữa."

Linda dư biết người đàn bà là người Việt Nam bây giờ biết thêm tên là Ngọc, một cái tên quen thuộc, dễ nhơ. Chuyện hên xui như vậy xẩy ra thường tình trong sòng bài, nhưng không hiểu vì một lý do nào đó, Linda lại vô tình giải thích bằng tiếng Việt:

"Xin bà Ngọc thông cảm. Tôi chỉ là kẻ chia bài, đùng chửi tôi tội nghiệp!"

Nghe câu nói từ một người Mỹ, lại phát âm bằng tiếng Việt rất chuẩn, những người Á đông có mặt hết sức ngạc nhiên:

"Cô biết tiếng Việt ?"

"Vâng, tôi nói được chút chút."

Linda rất khiêm nhường, nàng vui miệng kể:

"Làm nghề này, tôi hết sức vô tâm. Đánh trúng hay trật là do hên hoặc xui. Tôi chỉ là người chia bài được trả lương giống như những người làm nghề khác. Tôi không có ý hại người chơi".

Nhìn về phía bà Ngọc, Linda nói:

"Bà nên lịch sự một chút. Lần sau nếu xẩy ra như vậy tôi sẽ kêu Security đến nói chuyện với bà và họ sẽ mời bà đi chỗ khác chơi."

Người đàn bà tên Ngọc lúc này mới thấy hành động của mình quá trớn. Thì ra, con nhỏ này biết tiếng Việt, mình nói gì nó cũng hiểu cả. Bà Ngọc thấy mình ăn nói bất lịch sự quá, vớt vát:

"Tôi tưỏng cô không biết tiếng Việt nên khi thua quá lỡ lời. Cho tôi xin lỗi. Cô là con lai ?"

"Dạ"

"Thế thì ở Việt Nam, cô ở đâu?"

"Con ở Pleiku."

Hai chữ Con và Pleiku đã kéo bà Ngọc trở về dĩ vãng với hình ảnh người chồng Mỹ to lớn, mắt xanh, mũi cao, đẹp trai như một ngôi sao điện ảnh mà mình đã mê và đứa con lai nhỏ cũng mắt xanh, da trắng, đẹp như thiên thần. Người chồng đã bỏ bà khi mãn hạn lính trở về cố quốc vì bà không chịu đi theo, và bà đã bắt buộc phải đã bỏ rơi đứa con của mình để đi tìm sự sống chome5 lẫn con trên đường di tản từ Pleiku về Nha Trang. Bà Ngọc giật mình hỏi tiếp:

"Cô nói cô ở Pleiku thật không ?"

"Dạ thật. Con ở Pleiku nhưng xa lắm, tận trong núi xanh."

Bà Ngọc lảo đảo muốn té xỉu, không còn bình tĩnh được nữa.

"Chết tôi rồi. Đây có phải là con tôi không! Trời ơi!?" Sao lại có sự trùng hợp xảy ra lạ lùng như thế nầy. Đứa con gái lai của bà đã bị bỏ rơi trong tận núi xanh. Một cảm nghĩ đau thương thoáng qua làm bà sững sờ chết đứng. Lấy lại bình tĩnh, cố nhìn kỹ lại một lần nữa khuôn mặt đứa con lai đang đứng trước mặt, bà thấy mường tượng có nhiều nét giống người chồng cũ, nhất là đôi mắt, còn cái miệng cười cũng có nét hao hao giống mình. Lòng sinh nghi bà Ngọc nói tiếp:

"Cô làm ơn cho tôi xem hai bàn tay một chút được không?"

Bây giờ bà dùng lời nói dịu dàng không còn thô lỗ như trước nữa. Không còn ai đánh bài nữa, Linda đang rảnh rỗi vui vẻ chìa hai bàn tay búp măng ra. Bà Ngọc càng kinh ngạc hơn. Đứa con gái của mình lúc mới sinh, trên mỗi lòng tay chỉ có một đường lằn ngang duy nhất thay vì ba đường như những đứa trẻ khác. Bây giờ, lòng tay cuả đứa con gái này cũng vậy, bàn tay "chữ nhất". Rồi bà để ý đến cái sẹo trên ngón tay cái bên mặt nơi bà đã vô ý để chiếc bàn ủi làm cháy khi con bà còn nhỏ, bây giờ, tuy đã mờ nhưng dấu vết vẫn còn đó, không sai một chút nào.

Lòng bà Ngọc quặn thắt, đầu óc bà quay cuồng. Đúng là Tammy của ngày xưa, đứa con mà trong cơn chạy giặc đầy kinh hoàng và hỗn loạn, bà đã bỏ lại ven rừng. Bao năm qua, lương tâm bà không ngớt bị dày vò, có thể con bà đã chết đói, chết khát, bị thú rừng ăn thịt. Tấm lòng người mẹ chỉ có trời cao mới hiểu thấu: "Mẹ đâu có giết con! Mẹ mong muốn con được sống sót trong một hoàn cảnh gần như tuyệt vọng..." Bất giác hai giòng lệ chảy dài trên má, bà Ngọc lại thốt lên:

"Tammy. Tammy. Thôi đúng con rồi. Đúng con rồi. Con tôi. Trời ơi, con của mẹ."

Bà Ngọc toan ôm chầm lấy cô gái, nhưng Linda vội né tránh:

"Bà nhầm rồi. Tôi không phải là Tammy, tôi tên Linda, không phải con của bà, mà bà là ai ? Tại sao...?"

Bà Ngọc sững sờ như trời trồng. Không ngăn được cơn xúc động bà òa khóc nức nở,hai bà bạn ngồi bên cạnh thấy vậy cũng khóc theo làm mọi người xung quanh chú ý:

"Đúng, con là Tammy của mẹ đây rồi. Con ơi, mẹ tưởng không làm sao thấy lại con nữa..."

Không kìm hãm được xúc động, bà chồm tới cầm chặt tay Linda:

"Con! Con tui đây rồi! Con, con ơi!"

"Thưa bà... Tôi nói lại tôi là Linda, tôi không phải là Tammy như bà nói nói.. Xin lỗi bà lầm rồi."

Bà Ngọc bù lu bù loa:

"Con, con không hiểu. Phải mà, hồi đó con mới sáu tháng. Mẹ là mẹ của con đây. Mẹ đã bỏ lại con trên đường chạy giặc..."

"Con tha tôi cho mẹ!" Bà Ngọc nói đến đây thì nghẹn lời.

Cảnh tượng chiến tranh năm xưa như hiện rõ trong trí nhớ. Con đường triệt thoái của quân dân Quân đoàn II từ Pleiku về Nha Trang đầy máu lửa. Ngọc đã cắn môi đến rướm máu, đứt ruột bỏ lại đứa con thơ trong rừng để tìm con đường sống cho con và cả cho mình nữa. Vì nghe lời đồn đãi và quá kinh sợ sự trả thù của Việt Cộng với Mỹ, lúc đó bà muốn xóa cái quá khứ me Mỹ của mình nên đã đứt đoạn bỏ rơi đứa con hai giòng máu. Trong bao năm trời lưu lạc, lòng của bà đã đau khổ, tan nát, mỗi khi nhớ lại cảnh tượng kinh hoàng máu lửa, chỉ trong thoáng chốc, bà đã mất cả hai đứa con....

Linda đứng ngẩn ngơ trước mặt một người đàn bà đang lảm nhảm hai tiếng "Me bỏ con" trong miệng. Bà ta có những hành động và lời nói như một người điên. Tuy nhiên Linda cũng cảm thấy xúc động rơm rớm nước mắt, nàng vẫn cứ để cho bà nâng niu và bóp hai bàn tay của mình. Một chút gì ấm áp, mềm mại dễ chịu chạy rần khắp thớ thịt. Trong tận đáy lòng sâu thẳm, Linda muốn bật ra tiếng Mẹ thống thiết. Đó là tiếng kêu được dấu kín trong lòng của Nay Lin không có mẹ từ nhỏ. Nhưng rồi, giây phút ấy qua rất nhanh vì giọng nói của ông Già Làng người Thượng ngày nào còn văng vẳng bên tai in sâu vào đầu:

"Chỉ có người mẹ chết rồi mới bỏ con."

"Người đàn bà này còn sống mà, bà đâu có thể bỏ con được."

Linda tự hỏi rồi rút nhanh bàn tay xinh đẹp của mình ra khỏi bàn tay khô khan của người đàn bà mà mình tưởng như vừa có sợi dây ràng buộc.

"Không, xin lỗi bà. Tôi không phải con bà đâu. Không phải...bà lầm rồi"

Bà Ngọc gần như bất tỉnh. Bà không thể lầm được.

"Tại sao vậy cô ? Cô... Con...!"

"Tôi không còn mẹ. Mẹ tôi đã chết từ lâu lắm rồi. Mẹ tôi đã chết trên đường chạy loạn, mẹ tôi bị đạn chết không kịp trăn trối. Hồi đó tôi còn nhỏ xíu, được người Thượng lượm được, đem về nuôi." Nàng lạnh lùng nói lập lại:

"Vì chẳng có mẹ nào mà đi bỏ con nên tôi tin chắc mẹ tôi đã chết rồi."

Linda vừa nhún vai vừa lắc đầu như phản ứng của một người con gái Mỹ chính gốc:

"I dont think so."

Nàng nhớ lời ông già dân tộ thường nói cho nàng nghe:

"Ta lượm con giữa rừng..."

Nếu không có lòng nhân đạo của ông già, đứa trẻ nhỏ ngày xưa tên là Nay Lin đã bị làm mồi cho cọp ăn rồi. Nhiều lúc cô đơn, thấy những đứa trẻ khác cùng lứa tuổi có mẹ có cha, con bé Nay Lin cũng có chút suy tư về nguồn gốc của mình.

"Cha mẹ ta là ai, vì sao lại đã bỏ rơi con ?"

Trí óc thô sơ của đứa trẻ mới lớn chỉ nghĩ được chừng ấy. Bao nhiêu thắc mắc, bấy nhiêu lần hỏi ông già làng, mười lần như một, ông già vẫn chỉ một câu trả lời duy nhất:

"Ta lượm con giữa rừng."

Theo lời ông già kể lại, lúc đó Linda được khoảng sáu tháng tuổi được về nuôi trong buôn làng. Theo tục lệ của người Thượng, em bị phơi nắng ba ngày và may mắn đã sống sót. Linda được nuôi riêng, cho ăn uống ngày hai bữa và ngủ trong ngôi nhà công cộng. Khi bắt đầu hiểu biết, ngoài ông già Linda đã có cảm giác không được dân làng đối đãi tử tế như những đứa trẻ cùng tuổi. Em tự thấy bất mãn và ôm mối hận trong lòng mà không biết than thở cùng ai...

Đang suy nghĩ mông lung, tiếng khóc nức nở cuả bà Ngọc đã đưa Linda về với hiện tại. Trong lòng Linda bao năm khát khao một tình mẫu tử, nhưng nàng vẫn một mực nghĩ rằng trên đời nầy đâu có người mẹ nào lại nỡ tâm bỏ con. Về phần bà Ngọc, tình mẫu tử thiêng liêng bừng cháy trong tim. Tin chắc đứa con gái lai này là con ruột của mình, bà hết sức hối hận về những cử chỉ và lời nói mới đây dành cho người con lai mà bây giờ bà cảm thấy vô cùng thương yeu và ước chi được ôm nàng trong vòng tay của mình.

"Con ơi, con đừng đối xử vô tâm với mẹ như vậy. Mẹ có lỗi với con. Xin con cho mẹ một cơ hội để giải bày. Mẹ sẽ kể cho con nghe sự thật để con tha thứ cho mẹ. Con đã nói đúng! Không có người mẹ nào lại đành đoạn bỏ con như con nghĩ. Chuyện gì nó cũng có lý do."

"Thưa bà, tôi bận lắm. Tôi đã nói bà lầm rồi. Tôi là đứa con mồ côi vô thừa nhận."

Tiếng xưng hô mẹ với con lại một lần nữa tự động thốt ra từ miệng bà Ngọc:

"Con là con của mẹ thật rồi, con ơi!"Cám ơn trời đã cho tôi gặp lại con tôi. Con tha tội cho mẹ đi con!"

Bà Ngọc lập đi lập lại. Mọi người thấy chuyện lạ xúm lại. Người manager của Linda thường gọi là Pistboss cũng chạy đến, hỏi thăm:

"What s going on?"

"I dont know. She lost money and she cries".

Linda cố tránh né không muốn cho ai bàn tán xôn xao vào câu chuyện đau lòng nầy và cũng không để cho người đàn bà có cơ hội thổ lộ thêm tình mẫu tử:

"Mẹ tôi đã chết từ lâu rồi. Bà làm ơn đi... đi..."

"Con !..."

"Tôi đã nói tôi không phải là con của bà đâu. Xin lỗi bà, tôi còn phải đi làm việc..."

Rồi Linda lách người bước đi. Tuy nhiên nàng cũng thấy tội nghiệp cho người đàn bà mất con và tự nghĩ nếu thật sự bà ấy là mẹ mình thì sao!..." Trời ơi mình đã tìm được mẹ rồi chăng!

Không, chuyện khó tin, không có thể như vậy được! Bà Ngọc lùi lại, há hốc nhìn đứa con gái thản nhiên qua mặt mình để tới bàn khác tiếp tục chia bài. Thỉnh thoảng Linda ngước nhìn người đàn bà đau khổ vẫn không chịu rời chỗ.

"Không có người mẹ nào bỏ con, trừ khi người mẹ đó đã chết."

Ông già nói như vậy. Câu nói đó đã như đinh ghim trong lòng.

Bà ta có phải là mẹ mình không như bà nói? Linda tự nhủ lập lại. "Không phải. Không phải đâu. Đừng mềm lòng". Niềm uất hận năm xưa chưa phai mờ được trong lòng người con gái đã sớm chịu gian khổ. Bà Ngọc đưa bàn tay ra phía trước, với ánh mắt đẫm lệ như van lơn. Nhưng Linda đã cúi xuống né tránh, cố dằn nỗi lòng đang xao động muốn xúi dục Linda đứng dậy ôm chầm lấy người đàn bà kia, và kêu lên " Mẹ ơi!"

*

Trên chiếc xe Lexus 400 còn mới toanh từ sòng bài lái về nhà, Linda mở CD dò tìm bài nhạc của Trịnh Công Sơn mà nàng yêu thích. Một giọng hát trầm ấm mang nặng tâm sự của một người con mất mẹ:

"Mẹ bỏ tôi đi, đường xa vạn dặm
Mẹ bỏ con đi, đường xa mịt mùng
Giấc ngủ chưa tròn, mẹ bỏ tôi đi...
Gối lệch trăng mòn, mẹ bỏ con đi...
Bao nhiêu tiếng cười cười ngày xa xưa
Bao nhiêu giấc mộng lòng vạc bay xa....
Mẹ bỏ con. Mẹ bỏ con đi."

Xao xuyến trong lòng, Linda nhìn vào kính chiếu hậu, rút tấm khăn giấy từ trong chiếc hộp để bên cạnh chùi khô giọt lệ đã chảy ra tự khi nào không hay. Nàng phân vân không biết bây giờ phải làm gì, thắc mắc tự hỏi tại sao lại có thể có chuyện trùng phùng kỳ lạ như thế nầy.

Khung trời mờ mịt sương khói của cao nguyên miền Trung một lần nữa chợt đến trong nháy mắt rồi mờ dần trong ánh đèn lung linh của chốn thiên đàng oan nghiệt.

Võ Văn Tùng




No comments: