Dưới chân tượng Quan Thế Âm trên Bãi Bụt
ở bán đảo Sơn trà
Đã rất nhiều năm, tôi mới trở lại bãi biển Mỹ Khê, Đà nẳng. Bãi biển vẫn còn, nhưng hẹp lại do thành phố đã cho đường lấn bải biển. Ít tham lấy đất một chút thôi, ta hẳn có được một bãi biển tuyệt vời bên cạnh một Đà nẳng đang đẹp lên. Thời còn học phổ thông, năm nào từ Huế cũng vào đây. Tôi thích nhất những lần đi tắm biển và một mình dạo chơi trên bãi biển này. Tôi đã có lần đi ven theo bờ đi mãi, đi mãi về phía bắc nơi có dãy núi Sơn trà, vừa đi vừa lắng nghe tiếng sóng rì rầm vừa chuyện trò với vỏ ốc cây rong.
Dãy núi Sơn Trà là nơi gặp gỡ của biển trời với đất liền trong một khoảng không yên tĩnh. Sơn trà ngày nay bên sườn núi trên bãi Bụt, một pho tượng Bồ tát Quán Thế Âm cao vời vợi đã được dựng nên ở nơi này. Pho tượng đã do hai nhà điêu khắc Thụy Lam và Châu Viết Thạnh thực hiện ròng rã trong sáu năm. Hỏi chuyện về cái tên Bãi Bụt là ngày xửa ngày xưa dân chài đánh cá đã tìm thấy một điềm lành là một pho tượng Phật đã trôi dạt về đây trên bão cát. Họ lập chùa thờ, và kể từ đó, dân chúng yên ổn làm ăn. Cái tên Bãi Bụt ra đời trong dân gian là từ đó. Tôi cũng nghe bạn bè ở Đà nẳng kể là người dân thành phố tin rằng cho từ khi pho tượng Quán Thế Âm được dựng nên nơi này, bão lớn nhiều năm nay không vào. Siêu bão Hải yến năm ngoái, sau khi gây ra bao thảm thương ở Philippines, đáng lý đã lao thẳng vào Đà nẳng. Nhưng khi đến nó đến gần bờ, siêu bão đã dần đổi hướng ra Bắc rồi tan đi khi cập vào Quảng Ninh.
Quán Thế Âm, suy ra từ tên gọi là Người lắng nghe nhận biết thanh âm - nhất là thanh âm khổ đau trong thế giới này để tìm cách cứu giúp bớt hết đau khổ, được an vui, Người đã có lời nguyền sẽ đi cứu khổ đó đây, sẽ không bao giờ thành Phật khi những thanh âm đó vẫn còn. Xưng tụng về Người, trong Kinh Pháp hoa, có đoạn:
Diệu âm Quán thế âm
Phạm âm, Hải triều âm
Thắng bỉ thế gian âm
Thị cố tu thường niệm
Bồ tát Quán Thế Âm được đức Thích ca nói đến ở Phẩm Phổ môn trong Kinh Pháp hoa như một thể hiện của lòng Từ bi - đem vui và cứu khổ. Cái thâm thủy của kinh này là tuy nói đến một vị bồ tát có phẩm hạnh từ bi bao la, nhưng lại muốn nói đến tất cả mọi người trong thế gian này thì ai ai cũng đều có Bồ Tát Quán Thế Âm ở trong chính mình. Thường tu niệm Diệu âm Quán thế âm là nhắc nhở phẩm hạnh bồ tát đó như tự nhắc nhở chính mình.
Tôi nghe nói đến pho tượng này từ nhiều năm nay và nay đã có dịp đến đây vào lúc trời đã về chiều. Pho tượng cao, hiền lành màu trắng, đẹp tuyệt vời. Tượng đứng trên sườn núi, nhìn ra biển khơi, một tay bắt ấn tam muội, một tay cầm bình nước cam lồ. Từ đây, trước mặt ta là Biển Đông. Chiều nay biển lặng yên. Bên phải là một bãi biển tuyệt đẹp viền quanh thành phố đâu đó đã lên đèn. Nhìn về phía nam, xa xa là Ngũ Hành Sơn.
Hôm tôi rời Hà nội vào đây, tôi đã đọc tin từ Làng Mai là thầy Thích Nhất Hạnh lâm bệnh nặng. Trước đó là một vài bản tin báo thầy đã qua đời. Khi vào đây, tôi được biết thêm thầy đang dần hồi phục. Trong những nhà sư Việt nam thời nay, thầy Nhất Hạnh là một nhà sư tôi rất quý mến. Thầy đã làm cho nhiều bản kinh “khỏ hiểu”, đầy “huyền bí” thành dễ hiểu cho mọi người, và từ đó lại đưa đạo Phật vào được lòng người. Trên thế giới, thầy có lẽ là người thứ hai sau Đạt lai Đạt ma phổ biến đạo Phật giáo một cách rộng rãi ở các nước Âu Mỹ. Làng Mai được thầy lập ra tại Pháp như là một suối nguồn tươi mát, như một dòng sông êm đềm tuôn chảy lời Phật dạy.
Trong những ngày qua, thế giới gửi tình thương yêu nồng nàng đến với thầy với ước mong thầy sớm bình phục qua những lời cầu nguyện. Tôi nghĩ điều quan trọng ở đây là chánh pháp đã đến với họ và qua đó tình cảm của nhiều người không phân biệt màu da đã gửi đến cho thầy.
Dưới chân tượng Quán Thế Âm này, cũng như những ngày qua lo lắng về sức khỏe của thầy, tôi gửi đến thầy lời cầu nguyên “Diệu âm, Quán thế âm. Phạm âm, Hải triều âm. Thắng bỉ thế gian âm.”
HM, 20/11/2014
No comments:
Post a Comment