Ngôi làng xa xưa của tôi
Trương Thìn
Cha mẹ tôi nói nguồn cội của tôi ở núi Bạch Mã. Hai ông bà đi chơi núi về, mẹ có bầu và sinh ra tôi. Tôi cũng thích ý tưởng tôi có nguồn gốc Bạch Mã, tôi là con ngựa hoang màu mây trắng lang thang trên núi rừng nguyên sinh. Bạch Mã có suối đẹp, có nhiều loài chim tiếng hót vui tai, có nhiều loài hoa và có nhiều cây thuốc quý. Phải đến năm 16 tuổi tôi mới đạp xe cùng mấy bạn lên thăm Bạch Mã. Tôi đứng trên đỉnh cao. Phía sau lưng là trường sơn trùng điệp chờ mây, chờ những cơn mưa rừng. Phía trước mặt là biển đông sóng bạc đầu chờ nắng để bay lên. Phía trong lòng tôi thì không đơn giản như thế. Bạch Mã là con ngựa bay! Từ đỉnh núi bí ẩn này nó đang bay khắp mấy phương trời như một kẻ phiêu bạt. Bí ẩn gì nhỉ? Phiêu bạt về đâu? Tôi không thể trả lời được nên cứ đi mãi đi hoài.
Từ đỉnh Bạch Mã, xe hơi đổ xuống đường đèo quanh co, khi thì xuyên qua mây mù, khi thì nắng vàng rực, khi thì mưa rừng tầm tã. Dưới chân núi là đầm Cầu Hai, xa xa là biển xanh có nhiều tôm cá đặc sản rất ngon. Xe chạy về phía bắc theo quốc lộ 1 tới thành phố Huế. Xe qua cầu Trường Tiền, chạy về phía Mang Cá, chạy qua phường Phú Bình rồi qua cầu Bao Vinh để tới ngôi làng của tôi. Làng Bao Vinh của tôi là một ngôi làng nhỏ xíu bằng sải tay của tôi nhưng cả thế giới hội tụ trong đó. Tôi được ở bên dòng sông Hương, dòng sông này là dòng sông thời thơ ấu của tôi. Hàng ngày, cậu bé bốn năm tuổi đã biết ngắm dòng sông lấp lánh nắng trưa và nghe tiếng gõ chèo đuổi cá của những thuyền chài. Đêm đến nó ngắm trăng trên các đọt dừa rồi trăng tắm nước sông Hương làm sóng nước nhấp nhô vàng óng. Nó thích dòng Hương êm đềm trôi, nó càng thích hơn khi mưa đổ lớn, nước sông Hương đục màu, con đường làng ngập lụt để nó có dịp ngắm bèo trôi và lội nước!
Làng tôi là một bến cảng, thời đó nhiều ghe tàu rất lớn từ trong Quảng Nam, Quảng Ngãi chở muối ra bán. Thằng bé bốn năm tuổi rất thích leo lên mấy chiếc ghe đó, chạy nhảy từ đầu này đến đầu kia và luôn tưởng tượng những chuyến đi xa. Cậu bé không thể quên được hơi muối mặn trong các khoang thuyền. Cậu bé không thể quên được thú vui được lắc thúng làm dậy sóng và thúng lướt nhanh về phía trước.
Trước đó từ lâu đã có những con thuyền tới đây và vĩnh viễn thả neo ở đây, nên bên cạnh làng tôi có làng Minh Hương. Những người gốc Hoa từ lâu đã trở thành người Việt. Trong làng Minh Hương có dòng họ Trần nổi tiếng Trần Tiễn Thành là quan đại thần nhà Nguyễn và có thầy châm cứu nổi tiếng Trần Tiễn Hy. Cậu bé bốn năm tuổi đó đã nghe người lớn nói nhiều lần về cụ Trần Tiễn Hy châm cứu. Chữ châm cứu đã gieo vào đầu nó một cách mơ hồ. Mãi đến hai mươi năm sau tôi mới gặp vị thầy vốn thân thương đó và đến trên sáu mươi năm sau tôi mới biết tôi đã được gieo mầm châm cứu từ ngôi làng xa xưa của tôi.
Trong làng tôi lại có một tiệm thuốc bắc. Cậu bé bốn năm tuổi đó rong chơi từ đầu làng đến cuối làng và dường như ngày nào cậu cũng ghé qua tiệm thuốc bắc để ngồi xem bào chế thuốc. Ông cụ chủ tiệm là một người Hoa qua đây lâu đời. Ông cụ rất hiền lành, rất dễ thương. Cái làm cho cậu bé thích nhất, suốt đời còn nhớ là hai bàn tay của cụ bào thuốc. Cụ chăm chút ngâm thuốc, cụ cầm từng củ thuốc một cách trân trọng và những ngón tay rất nhẹ nhàng, rất lả lướt trên bàn thái. Cụ đã gieo cho thằng nhỏ một ấn tượng rất đẹp về ông thầy Đông y. Dĩ nhiên, tôi chẳng bao giờ quên những lát cam thảo, những quả táo cụ dành cho. Phải chăng vị ấy là người thầy đông y đầu tiên của tôi? Ngoài là một bác sĩ tây y tôi còn là một đông y sĩ. Tôi học đông y như để về nguồn của thời thơ ấu. Tôi đi mãi, đi hoài trên 60 năm vẫn chưa tới nguồn xưa, vẫn chưa thấy bàn tay nào đẹp bằng bàn tay của ông cụ ngày ấy!
Gần bên cạnh nhà tôi lại có một nhà bán vải của người Ấn Độ. Những người Ấn này từ đất nước xa lắm qua đây buôn bán làm ăn. Họ có lối sống rất lặng lẽ, rất ít nói. Nhưng thằng bé nhìn y phục đặc biệt của họ, nhìn đôi mắt hiền lành mà bí ẩn của họ đã có ấn tượng sâu sắc về người Ấn.
Mấy mươi năm sau này, ở Bangkok, tôi có thấy một người đàn bà Ấn Độ trong một công viên nước. Cô ta đẹp một cách lạ lùng, đẹp làm cho tôi bủn rủn tay chân, làm cho tôi mê mẩn nhìn, làm cho tôi biết sự quyến rũ mãnh liệt của sắc đẹp là như thế nào! Tôi lại có dịp qua Ấn độ. Tôi lại có dịp hiểu chiều sâu tâm linh của họ mà tôi đã cảm nhận mơ hồ từ thời thơ ấu. Có người lại dặn dò tôi đừng có say mê sắc đẹp. Đó là ông Phật. A! Ông Phật là người Ấn Độ! Từ thời thơ ấu, tôi đã thấy ông Phật hàng ngày. Ông Phật chỉ lặng lẽ mỉm cười bởi ông chỉ có thể như thế thôi đối với đứa bé bốn năm tuổi! Năm sáu mươi năm sau tôi vẫn chỉ thấy như thế thôi. Vẫn lặng lẽ mỉm cười.
Rồi người Pháp cũng tới làng tôi. Tôi thấy họ cầm súng dài uy hiếp những người trên ghe đò trước chợ Bao Vinh. Tôi lại nghe lính tây hãm hiếp phụ nữ ở các làng quê. Thằng bé bốn năm tuổi ấy đã biết đau lòng, đã biết bất mãn. Đau lòng hơn nữa, bất mãn hơn nữa khi anh cả của tôi bị mật thám bắt bớ đánh đập. Mẹ tôi khóc không biết bao nhiêu mà kể. Bà tìm mọi cách để xin con về. Hôm anh cả tôi được tha về, tôi thấy dây thép trói siết vào tay anh nay còn dấu hằn sâu. Năm tôi bảy tuổi, anh tôi bỏ nhà đi vào chiến khu. Khi đó, anh tôi trở thành thần tượng của tôi. Anh tôi đi làm cách mạng! Anh tôi đã tham gia cái gì đó rất tốt, rất hay, chống lại những người gây bao đau thương! Vậy là tôi theo phe anh tôi. Thằng bé bảy tám tuổi bắt đầu làm cách mạng! Tôi tưởng tượng thế nào là cách mạng và tôi lớn lên, tôi hành động theo sự tưởng tượng đó cho đến 30 năm sau. Vâng, tôi tưởng tượng anh tôi là thế này thế này, cách mạng là thế này thế này, tôi say sưa sống như thế ấy và khi đất nước thống nhất, tôi ngồi ráp hình ảnh thật của anh tôi với hình ảnh tưởng tượng của tôi sao không giống nhau! Hình ảnh cách mạng thật và cách mạng tưởng tượng của tôi sao không giống nhau!
Anh cả của tôi là người học rộng. Khi đi, anh để lại một khối sách tiếng Pháp mà tôi chỉ biết coi hình mà thôi. Cuốn nào cuốn nấy đều rất dày và có lẽ hay lắm. Cuốn sách nào cũng có chữ ký của anh và tên người yêu. Sau này tôi đem một cuốn cho thầy giáo Cao Hữu Triêm, thầy vui quá, thầy mừng quá, thầy cho tôi ngay mười điểm! Suốt đời tôi, đó lần duy nhất tôi được mười điểm! Anh tôi để lại nhà một cây accordeon, một chiếc harmonica. Anh tôi để lại một tâm hồn lãng tử. Từ đó tôi mày mò thổi kèn và kéo lung tung cây phong cầm và lắng nghe tiếng nhạc bất ngờ nổi lên. Cây kèn, cây đàn dường như chỉ là cái cớ còn âm nhạc là tự trong sự mơ mộng là tự trong sự tưởng tượng của tôi. Đến tuổi sáu mươi, bảy mươi tôi vẫn chơi nhạc như thời trẻ con ở ngôi làng xa xưa đó. Tôi ít thích hát nhạc của bất cứ nhạc sĩ nào bởi một lý do, đó không phải là nhạc từ trong tôi. Chị tôi thường dẫn tôi lên phố, tôi có dịp thưởng thức tiếng nhạc của đội kèn đồng và có khi tôi lén nhìn qua bức rèm để thấy các ông tây đang ôm các cô gái ẻo lả xoay tít trong tiếng nhạc khiêu vũ. Khi về nhà thằng bé bắt chước cả đội kèn đồng, nó làm nhạc trưởng vung cây gậy tọ tè ti ti rất oai vệ. Rồi nó tưởng tượng ôm eo các cô gái ẻo lả nhảy xoay tít theo điệu luân vũ. Tạ tà ta ta. Tạ tạ tà ta ta …
Tôi có hai chị, chị Mão thường bế bồng tôi. Mẹ tôi đi buôn ngoài chợ. Chị thay mẹ cho tôi ăn uống, cho tôi đi chơi. Đến chiều tối mẹ về, mẹ cho thằng Đá em bú sữa. Mẹ cười nói đã trên hai tuổi rồi mà vẫn còn đeo vú mẹ. Dường như mẹ thương em hơn thương tôi vì mẹ thường đánh đập tôi mà chẳng hề đánh đập thằng út. Chị Mão và chị Hợi đều rất dễ thương. Sau này cả thời tiểu học, trung học, đại học của tôi đều có bàn tay nuôi dạy của vợ chồng anh chị tôi. Thậm chí khi tôi đã có gia đình rồi, chúng tôi vẫn có duyên được ở nơi ngôi nhà của anh chị.
Ông nội chú của tôi là bác sĩ Trương Xuớng. Đôi khi tôi lên bệnh viện ở trong thành nội để thăm ông. Ông tôi hiền khô với nụ cười hiền khô! Sau này tôi có nghe nói ông muốn tôi kế nghiệp ông. Ông để lại cho tôi ấn tượng gia đình mình thuộc giới có học thức và có truyền thống tu hành. Ông tôi thanh cao lắm, cho đến khi tôi là một bác sĩ già mà vẫn chưa đạt đến phong thái như vậy! Rồi lính Nhật đổ về ngôi làng của tôi! Họ để lại rất nhiều đồ sành sứ rất đẹp. Rồi bỗng họ tan biến! Tôi nghe Nhật đầu hàng! Rồi lính Tàu ô lại đổ về ngôi làng của tôi. Họ để lại cho tôi ấn tượng của một đoàn quân ô tạp tới xâm chiếm sự bình an của làng tôi. Rồi bỗng nhiên họ biến đâu mất.
Đó là lúc tôi mới được năm tuổi. Tôi sinh năm 1940, ngày độc lập là 1945. Vậy là lúc đó tôi mới năm tuổi! Một hôm cậu bé năm tuổi đó đi theo đoàn người lên phố, vào thành nội, tới cột cờ trước cổng ngọ môn. Cậu bé len lỏi một mình về phía trước ngàn người để xem vua Bảo Đại thoái vị! Tôi quá nhỏ để biết vua Bảo Đại oai nghiêm như thế nào mà theo mẹ tôi kể thì cha mẹ tôi cũng như mọi người khác phải cúi rạp xuống đất không dám nhìn lên! Sự kiện đó đã gây cho thằng bé năm tuổi một căn bệnh rất lạ kéo dài suốt cả cuộc đời. Đó là không muốn gặp người có địa vị xã hội cao hơn tôi, đặc biệt không bao giờ tôi muốn gặp các ông lớn bà lớn. Cái mầm bệnh khúm núm di truyền từ cha mẹ tôi sẽ tái phát, sẽ làm cho tôi cúi rạp đầu xuống đất không dám nhìn lên! Thằng bé năm tuổi đã có ý muốn đi tìm một cõi khác. Và suốt đời nó đã sống trong cõi riêng của nó dù là đã năm mươi, sáu mươi, bảy mươi …
Dường như ít lâu sau tôi được đi học ở trường tiểu học Hương Trà. Tôi còn nhớ lần đầu tiên tôi dự lễ chào cờ. Tôi nắm bàn tay để ngang tai, nghiêm trang nhìn lá cờ đỏ sao vàng từ từ được kéo lên trong tiếng quốc ca. Chỉ mấy ngày sau, sân trường không còn lá cờ đỏ sao vàng ấy nữa! Nhưng chừng đó cũng dể lại trong tôi nhiều ấn tượng lạ thường. Lẽ ra khi nghe quốc ca, thằng bé năm tuổi đó hân hoan vui sướng thì nó lại sờ sợ thế nào ấy vì bài hát đầy máu, đầy hận thù. Suốt đời tôi không thuộc và không thích hát quốc ca đó, thậm chí bốn năm mươi năm sau tôi có cơ hội gặp gỡ nhạc sĩ Văn Cao tôi vẫn sợ và không muốn gặp!
Trước tôi, mẹ tôi sinh hai con trai, cả hai đều chết vì bệnh tật. Mẹ tôi sợ quá nên đặt tên tôi là Đá. Tôi là Đá anh còn em tôi là Đá em. Đá là sỏi đá tầm thường để ma quỷ không đặt ý tới! Mẹ tôi bảo tôi gọi cha tôi bằng chú làm như thằng bé nầy không có cha. Chưa đủ! Mẹ tôi còn bán tôi cho ông thợ rèn ở đâu dưới biển, tôi gọi ông bằng bọ một cách ngượng ngùng! Đó là cách cứu con của mẹ tôi!
Thằng bé bốn năm tuổi của tôi thích lang thang một mình trong ngôi làng nhỏ bé đó. Nó mơ mộng nhìn mây trời vẽ hình, khi thì con chim, khi thì con chó, khi thì con rồng bay. Nó ngạc nhiên thích thú cách trời vẽ tranh. Nó đã bắt đầu học vẽ tranh từ đó! Câu chuyện tôi kể như thế là cách đây trên sáu mươi lăm năm! Trong chừng ấy năm tôi đi tìm lại thời thơ ấu thơ mộng xa xưa của tôi. Tôi đã lang thang nhiều cảng để tìm lại bến ghe đò ngày xưa! Tôi đã vẽ tranh ngẫu hứng bừng cảm như mây trời ngày xưa! Tôi thổi saxophone, harmonica để được phiêu lãng như ngày xưa! Tôi lặng lẽ mỉm cười như ông Phật ngày xưa! Tôi làm bác sĩ như ông tôi ngày xưa! Tôi làm lương y bốc thuốc như lão y bào chế thuốc ngày xưa! Hành trình của tôi là quay trở về ngôi làng kỷ niệm xa xưa đó. Tôi đã đi mãi đi hoài suốt đời chưa tới nơi!
Nhưng không phải đơn giản như thế! Cũng từ cái thời thơ ấu ở ngôi làng xa xôi đó, sau này tôi có khát vọng rất dị thường. Đó là muốn có những cô gái ở nhiều nước tỏ lòng kính mến tôi, yêu tôi, khổ vì tôi. Đó là một bí mật! Bởi tôi không phải là người ham mê sắc đẹp thậm chí sợ sắc đẹp, dị ứng với sắc đẹp, vậy thì tại sao? Những người yêu đó đã chữa lành những vết thương của tôi thời thơ ấu nơi ngôi làng xa xôi ấy. Đó là những người yêu rất đáng yêu, rất đáng thương. Có người dường như không phải yêu tôi mà yêu tuổi thơ của tôi, không tìm tôi mà cứ mãi một mình đi tìm dấu chân tôi khắp thành phố cổ, dọc theo dòng Hương, trên những đỉnh núi, dưới những cơn mưa tầm tã, hay ở đâu đó nơi ngôi làng xa xưa của tôi và có khi nàng khóc như mưa vì tìm đâu chẳng thấy! Một ngày nào đó, nhà tôi và các con cháu, nhờ đã đọc những trang ngôi làng xa xưa này, sẽ gặp sẽ nhìn những người từng yêu tôi như những người thân yêu.
Mà dường như tôi không kể hết được dấu chân của con ngựa trắng từ đỉnh núi Bạch Mã lướt quanh ngôi làng xa xưa đó rồi bay qua bao nhiêu cõi trong đời. Mà dường như ngôi làng xa xưa ấy là tôi. Mà dường như biết ngôi làng xa xưa ấy là có thể biết tôi thế nào. Cách đây trên bốn mươi năm tôi đã từng kể cho người tôi yêu về ngôi làng xa xưa đó. Tôi tỏ tình bằng cách tặng nàng cả một thời thơ ấu của tôi. Bỗng dưng nàng khóc, khóc nhiều lắm, khóc một cách sung sướng rồi quyết định theo tôi suốt đời! Tôi là ngựa trắng, còn nàng là ngựa hồng, bay trên đỉnh núi Bạch Mã, bay lên trời cao nhìn khắp bốn phương trời, xa xa có ngôi làng xa xưa thân yêu của tôi!
Trương Thìn
8-10-2011
No comments:
Post a Comment