Friday, November 25, 2016

Chuyện về người phụ nữ đặc biệt nhất trong đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Cho đến bây giờ, sự ra đi của mạ, sự ra đi của anh vẫn là hai nỗi đau khủng khiếp không gì bù lấp nổi cho tất cả anh chị em chúng tôi. 

chuyen_ve_nguoi_phu_nu_dac_biet_nhat_trong_doi_nhac_si_trinh_cong_son_48805_1-copy-3_resize 
Ngày mạ mất, anh tôi viết “Đường xa vạn dặm”.

Ngày mở cửa mạ, là 49 ngày theo phong tục của Việt Nam, anh tôi mang theo bản nhạc đó bên người, cầm guitar ngồi hát bên mộ mạ. Hát xong rồi đốt. “Mẹ bỏ tôi đi đường xa hoạn nạn/ Giấc ngủ chưa tròn mẹ bỏ tôi đi/… Mẹ bỏ con đi đường xa vạn dặm”. Cho đến bây giờ, sự ra đi của mạ, sự ra đi của anh vẫn là hai nỗi đau khủng khiếp không gì bù lấp nổi”.

1. Mạ tôi – bà Lê Thị Quỳnh vốn là hoa khôi của trường Jeanne D’Arc (Huế). Hồi đi học, mạ được rất nhiều người để ý nhưng phải lòng ba tôi. Ngày đó, ba viết thư tình cho mạ nhiều lắm. Đến nỗi, ba mất mấy chục năm sau, thư ba viết mạ vẫn còn giữ nguyên y. Khi chúng tôi lớn lên, lâu lâu vẫn thấy mạ mang hộp thư ba viết ra phơi nắng cho đỡ ẩm mốc.

Mặc dù người không còn nhưng quần áo, giày dép của ba, mấy chục năm sau đó vẫn như vừa mới đây. Mỗi tuần, mạ đều mang giày ba ra đánh xi và hong nắng. Lúc dọn bàn ăn, bao giờ, mạ cũng để ra một cái ghế trống và một phần ăn trên bàn. Và thể nào, cũng rót thêm một ly rượu chát mời ba về.
Ba không may bị tai nạn rồi mất. Khi đó ông mới 39 tuổi. Mạ tôi ở tuổi 34, trở thành góa phụ một mình với 8 người con nhỏ. Anh Sơn lúc đó vừa mới 16 tuổi. Mạ tôi và anh tôi, hai con người nhỏ bé, yếu ớt nhất của cuộc đời.

Thời ba vào Sài Gòn, có quen ông Đồng Khánh – chủ tiệm xe lớn nhất Chợ Lớn thời đó. Ba bắt đầu mở tiệm kinh doanh xe đạp, ở Sài Gòn đặt tên là Quỳnh Sơn (tên mạ và tên anh Sơn ghép lại), ở Huế là Thanh Tâm (tên ba và chị gái tôi ghép lại).

Sau khi ba mất đi, để lại một sản nghiệp lớn. Tuy nhiên, anh Sơn và anh Hà (anh thứ 2) không may bị thương rồi đổ bệnh trong một lần tập Judo với nhau, mạ phải mời bác sỹ người Pháp chữa bệnh cho hai anh.

Đồng thời, mạ cũng phải đi đi về về giữa Huế và Sài Gòn gặp ông Đồng Khánh để bàn chuyện làm ăn, tiếp tục duy trì tiệm xe. Ngoài xe đạp, cửa hàng nhập thêm xe gắn máy, ví dụ như xe Gobel, xe Velo Solex…

Hình ảnh gia đình. Ảnh: Tư liệu
Hình ảnh gia đình. Ảnh: Tư liệu
Một mình mạ chạy xuôi chạy ngược lo cho đàn con, vừa phải lo kiếm tiền. Nhà tôi lúc đó khá giả lắm, về Huế hỏi tiệm xe Thanh Tâm hầu như ai cũng biết. Mặc dầu bận thế nhưng cuối tuần, lúc nào, mạ cũng thu xếp công việc để dắt các con đi chùa và ra thăm mộ ba. Rất đều đặn, thành thói quen. Mạ tụng kinh mỗi ngày. Ngồi bên cạnh lúc nào cũng có anh Sơn.

Có lẽ từ đó, ngay từ nhỏ, mấy anh em trong nhà đã thấm đạo Phật rồi. Mạ tôi lúc nào cũng đem kinh Phật ra dạy dỗ con cái. Mạ nói sống hay rồi thì phải sống hay hơn. Sống đẹp rồi thì phải sống đẹp hơn.

Anh tôi từ nhỏ tới lớn thường học trường Tây. Lúc đó, giấy tờ cũng đã xong xuôi để chuẩn bị đi Pháp học. Nhưng ba mất đột ngột nên anh đã quyết đinh ở lại để giúp mẹ, dạy dỗ các em. Anh trở thành người bạn, người đồng hành bên mạ.

Mạ đội 8 người con trên đầu đi qua bao nhiêu bão tố của cuộc đời. Chúng tôi có ngày hôm nay cũng là do công mạ dạy dỗ. Mạ là tấm gương cho con cái noi theo. Mạ làm tất cả mọi việc để nuôi con và vẫn có thì giờ làm từ thiện. Mạ luôn dạy con lộc bất tận hưởng, luôn chia sẻ với người nghèo.

Chúng tôi còn nhớ như in, ngày mạ mất, đại diện của 67 ngôi chùa trên toàn lãnh thổ Việt Nam đến niêm hương. Lúc đó, các anh chị em rất ngạc nhiên hỏi sao biết mạ con mất. Họ bảo rằng: từ năm 1975 tới giờ, mạ các con là người gửi gạo hằng tháng cho các chùa.

2. Mạ là một người văn hay chữ tốt. Bà làm thơ hay và hát cũng hay nữa. Cái tiếc nhất là qua bao nhiêu biến cố của chiến tranh, từ năm 1968 đến mùa hè đỏ lửa 1972, gia đình phải di tản trong tinh thần hoảng loạn, ra đi tay không, chẳng mang theo được bất cứ thứ gì. Tất cả tài liệu, hình ảnh mất hết. Thật đáng tiếc.

Mặc dù không còn giữ lại được thứ gì nhưng trong trí nhớ của các con, mạ hay đọc thơ và nói về Kim Vân Kiều Truyện, nói về Truyện Kiều. Mạ bình luận hay lắm. Chúng tôi hồi đó chưa học tới Truyện Kiều nhưng đã hiểu về Truyện Kiều rất nhiều vì ngày nào cũng được tiếp xúc qua mạ.

Chúng tôi nghĩ, để có được một người như anh Sơn, không phải tự nhiên được. Anh lớn lên trong một môi trường giáo dục văn minh thời đó, hấp thụ triết lý Đông – Tây, lại nhận được tình cảm của ba mạ, lại là người chứng kiến tất cả những thăng trầm của gia đình, của đất nước nên anh Sơn ngay từ nhỏ đã là một con người khác thường.

Mỗi lần anh viết xong một bài nhạc, người anh “khoe” đầu tiên là mạ. Lúc nào cũng thế, anh bảo, mạ ơi, Sơn mới làm được bài này, mạ nghe… Mạ là người rất tế nhị. Nghe xong, mạ nhẹ nhàng nói Sơn ơi, mạ nghĩ nếu chữ đó Sơn dùng thử chữ này thì Sơn nghĩ sao.

Bây giờ ngẫm lại, mạ thì không có gì để nói thêm được nữa. Đó là một người đàn bà đẹp, giỏi giang và suốt cả cuộc đời hi sinh cho chồng con. Khi mạ mất, mọi người từ anh Sơn xuống tới tôi, không ai nói với nhau điều gì mà ai cũng chỉ muốn đi theo mạ. Anh Sơn cũng đổ bệnh luôn từ ngày đó.

Trong 3 ngày tang lễ, 8 anh em chúng tôi từ người bình thường chỉ còn da bọc xương. Để thấy rằng, mất mát đó đã đến tận cùng. Chúng tôi nằm quanh quan tài mạ, cứ thế, cứ thế.

Sau này, khi anh Sơn mất đi, cảm giác đó lại quay về lần nữa. Trong cuộc đời này, chưa bao giờ chúng tôi nghĩ sẽ mất mạ, mất anh. Đó là 2 trụ cột, 2 chỗ dựa đầy bao dung, thành kính nhất của cuộc đời này. Khi mất đi rồi, nỗi đau khủng khiếp lắm, không ngôn từ nào diễn tả hết được.

Ba mạ và anh Sơn ai cũng nghiêm khắc trong việc dạy dỗ. Tôi nhớ mạ có lần kể, ngày xưa, trên bàn ăn, ba và mạ ngồi đầu bàn, hai bên là các con. Ba dạy các con ngồi ăn, cái tay phải để như thế nào, khi có người lớn ngồi cùng bàn, không được phép để 2 cái tay lên trên bàn ra sao, khi người lớn nhất đụng đũa vào đĩa nào thì các con mới bắt đầu được phép đụng đũa vào đĩa đó.

Mạ dạy các con ngủ dậy phải mở mùng ra xếp thẳng bỏ vào tủ, ga giường 4 góc phải thẳng. Nếu không phải giờ ngủ thì không được phép lên giường. Lí do: Chỉ được ngủ khi đúng giờ ngủ. Nếu không phải giờ ngủ, chỉ được phép ngồi trên ghế đọc sách hay làm gì thì làm, nhưng tuyệt nhiên không được leo lên giường.
Bà Lê Thị Quỳnh, người sinh thành cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Ảnh: Tư liệu gia đình
Thứ nữa, cuối tuần là ngày nghỉ học, ngủ dậy phải tắm, các anh bận áo sơ mi, bỏ vào quần tây đàng hoàng; con gái thì phải thay bộ đầm, không được mặc pyjama. Nên nhiều lúc, có người qua chơi thấy anh Sơn ăn mặc chỉnh tề, hỏi anh đi đâu vậy.

Nguyên tắc này được truyền lại đến đời con cháu chúng tôi. Mạ mất, anh Sơn trở thành “mạ” của chúng tôi. Anh dạy chúng tôi “dạ – thưa”, dạy chúng tôi làm người, sống hay, sống đẹp. Bài học ngày xưa mạ dạy, bây giờ anh tôi làm thay.

Anh Sơn là một người ai cũng biết là hiền lành, nhân ái, nghệ sỹ. Nhưng trong gia đình, anh rất nghiêm khắc đối với các em. Anh hay nói, sau nầy với các em, anh thấy rất là thương vì lúc ba mất, các em còn nhỏ nhưng anh lúc nào cũng sợ, sợ trách nhiệm nặng nề, sợ các em hư hỏng, nhất là em gái.

Anh thấy tự có lỗi nếu để điều đó xảy ra nên anh rất nghiêm khắc kỷ luật. Anh dạy em gái ăn uống, đi đứng, nói chuyện ra sao. Anh bắt chúng tôi mỗi ngày tập đi, để sách nặng trên đầu, đi thẳng theo đường ô ca-rô.

Rồi anh bảo, con gái đi hai cái chân như thế nào là rất xấu. Anh dạy con gái phải mặc áo kín. Anh Sơn ảnh hưởng mạ, ảnh hưởng ba. Dưới sự chỉ dạy của anh, chúng tôi thường có thời khóa biểu và ai cũng phải làm theo răm rắp. Cuối tuần mới được tiếp bạn 15 phút. Lúc đó khủng khiếp lắm. Nhưng giờ nhìn lại, bao nhiêu cái tế nhị, cái tốt trong cuộc sống mà chúng tôi có được ngày hôm nay là nhờ mạ, nhờ anh.

3. Đôi khi chúng tôi nghĩ, đời mình hóa ra cũng dở. Vì không làm được như lời mạ, lời anh chỉ dạy. Cũng vì mặc cảm đó in sâu vào tâm cảm của mấy anh chị em nên sự ra đi của mạ, của anh Sơn mang đến một nỗi buồn đau, một mất mát thật lớn.

Mạ tôi mất khi anh Sơn ở tuổi 50. Anh tôi viết Đường xa vạn dặm nghe thắt lòng. “Mẹ bỏ tôi đi, đường xa vạn dặm/ Mẹ bỏ con đi đường xa mịt mùng”. Ngày mở cửa mạ, là 49 ngày theo phong tục của Việt Nam, anh tôi mang theo bản nhạc đó bên người, cầm guitar ngồi hát bên mộ mạ. Hát xong rồi đốt.

Cho đến bây giờ, sự ra đi của mạ, sự ra đi của anh vẫn là hai nỗi đau khủng khiếp không gì bù lấp nổi cho tất cả anh chị em chúng tôi. Tất cả.

Sau khi mạ mất, gia đình mời thầy về tụng kinh 100 ngày. Tụng đến ngày thứ 100, có một chuyện lạ đến giờ ai cũng nhớ. Thường thì đúng 6 giờ sáng, thầy mới bắt đầu tụng kinh.
Thế nhưng hôm đó, chưa đến giờ, các anh chị em trong nhà đều nghe thấy tiếng gõ mõ, tưởng là ngủ quên, quá giờ tụng kinh. Lúc chạy xuống thì không thấy ai hết, đồng hồ mới hơn 5 giờ. Lúc đó, tự nhiên nghe tiếng chuông, gõ mõ vang rất rõ ràng. Sau hỏi lại thầy, thầy giải thích trong kinh Phật có những trang đó, giờ phút đó, mạ lên trời.

Chúng tôi không tường tận một cách chính xác hết được những nội dung trong kinh Phật. Chỉ hiểu nôm na rằng, những người làm điều ác thì sau khi chết sẽ bị đày xuống địa ngục, ai làm điều tốt thì lên thiên đường. Trong kinh Phật, tiếng chuông ấy như một lời chào của mạ gửi đến các con trước khi về cõi an lành.

4. Những mảnh vụn về người đàn bà đặc biệt này được ghi lại theo lời kể của hai người em gái cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn là nhà thiết kế Trịnh Hoàng Diệu và ca sỹ Trịnh Vĩnh Trinh. Ngồi trò chuyện tại căn nhà lưu giữ quá nhiều kỷ niệm, nhìn đâu cũng thành kỷ niệm ấy, tôi hỏi, sống mà nhớ nhung quá, luyến lưu quá, cũng buồn quá chứ?

“Đúng là đời sống có quá nhiều kỷ niệm thì buồn. Nhưng buồn của thời trẻ khác. Buồn của những ngày bây giờ khác. Là cái buồn của người đi qua một cuộc bể dâu. Và có những cái buồn tưởng rằng không thể vực dậy nổi thì ở tuổi này rồi, mình cũng phải tự tìm lối thoát cho mình”.

Hai cô em gái của nhạc sỹ nói rằng, ông trời chia đều vui buồn cho mỗi người. Chỉ khác với nhau một điều, đó là mình nhìn về cái buồn, cái vui đó ở mức độ như thế nào và lối thoát như thế nào. 
Ngay cả những cái mình được, mình thấy được quá nhiều thì mình sướng. Người ta thấy được nhưng chưa đủ thì lại là không hạnh phúc.

Dù rằng, đó là một lần đến với nhân gian hao gầy này hay một buổi nao buồn phiền, “người đi vắng về nơi bế bồng”.
Một Thế Giới

No comments: