Hai mươi lăm năm trước má và hai đứa em tôi qua Canada đoàn tụ gia đình có mang theo cây vĩ cầm và cuốn album hình gia đình . Đây là hai kỷ vật có mặt từ thời Bảo Đại theo người vượt không gian qua đây.
Cây vĩ cầm từng làm nên sự nghiệp cải lương tài tử của ba tôi, nay theo năm tháng đã già như một... đồ cổ. Nhìn cây đàn mà tiếc một thời vang tiếng đã qua. Ba tôi mất, cây đàn bị bỏ quên lâu ngày dây đã chùng, trục đã lỏng; cây lông vỹ thì ôi thôi, những sợi cước bạc phếu đứt xác xơ.
Còn cuốn album hình trắng đen chụp gia đình ba má và mấy anh em tôi từ thập niên 40 - 60 thì cũ rích, xục xịch, long gáy. Tôi mở ra xem thấy những kỷ niệm phôi phai tràn về. Lâu ngày thấy không có đứa con nào tỏ ra ân cần, gìn giữ cuốn album nên khi trở lại quê nhà ăn Tết má tôi đã lặng lẽ mang về. Đến khi tôi cần một số hình ảnh để dẫn chứng cho bài viết về gia phả bên ngoại mới hay cuốn album đã âm thầm "hồi hương".
Một hôm tình cờ tôi đọc được một "khám phá quan trọng" của con cháu tôi - như nó viết trong facebook - làm tôi khá giựt mình. Năm 1979 tôi xa gia đình ra nước ngoài, nó chưa ra đời, vậy mà cách hành văn của nó không bị ảnh hưởng đến ngôn ngữ của chế độ mới như hầu hết thế hệ thứ ba đều áp dụng. Nó viết thật hồn nhiên:
Một khám phá hết sức quan trọng, thú vị và đặc biệt với tôi.
Bà ngoại từ nước ngoài về, ở Sài Gòn vài ngày cho khoẻ với tôi rồi tôi cùng bà về lại quê hương Buôn Ma Thuột. Sáng nay soạn vali cùng bà, thấy cuốn album ngoại đem về vì "ở bên đó không ai coi, để nó hư hết", tôi mới lật ra xem. Thì ra đây là cuốn album nhân dịp lễ mừng thọ 84 tuổi của ngoại từ 4 năm trước.
Lật ra trang đầu tiên, tôi đã thấy vô cùng kinh ngạc: Hình một bà hoàng phi mà mỗi khi tôi google về hoàng cung ngày xưa là thấy bà ngay trang đầu tiên, để chung với hình của ngoại. Ở dưới ghi là "Ân phi Hồ Thị Chi, vợ vua Khải Định". Với cái máu nghiên cứu lịch sử bấy lâu cũng như sở thích tìm về nguồn cội của mình, tôi liền hỏi ngoại:
- Ủa ngoại ơi bà này là ai vậy ngoại, sao lại có hình ở đây?
- Bà ni là bà vợ vua Khải Định, bà cố bà tổ bà chi chi của ngoại đó.
- Hả??? Ngoại là cháu vua Khải Định hả ngoại???
- Tau cũng khôn biết nữa. Nhưng ngoài nhà thờ tộc thì có hình bà ni. Bà ni là cái bà xa lắc rồi tau khôn có nhớ.
- (Lúc đó ba mình đứng đó nói thêm) Ờ đúng rồi bà này hồi đó ra Huế đi chạp thấy hình bà trong nhà từ đường nè.
Trời ơiiiiiiiii what the hell??? Thì ra bà Hồ Thị Chỉ này là tổ tiên của tôi. Vậy mà mỗi lần google trót dại "trời ơi mấy bà hoàng hậu hồi xưa sao xấu quá vậy trờiii?". Hôm nay google lại "Ân Phi Hồ Thị Chỉ" thì thấy bà thật sự là một người nổi tiếng, vì sử sách còn ghi lại nhiều. Nhưng wikipedia nói bà "bất hạnh, không có con", thì tôi nghĩ bà chỉ là bà cô của bà ngoại tôi thôi, có lẽ vậy.
Vậy là thêm một tình tiết mới về dòng họ của mình grin emoticon. Hồi đó phát hiện ông cố ngoại (cha của bà ngoại) là ông quan ngự y của triều đình Huế là thấy sướng rơn luôn rồi, còn bây giờ phát hiện thêm mình có một bà tổ là bà Ân Phi "người tình vua Duy Tân, vợ vua Khải Định" nữa thì hồn vía lên mây hết luôn. Ôi vui quá xá là vui!!! Thôi wa chơi với ngoại tiếp đây".
Thấy con cháu "mừng rơn, vui quá là vui" làm tôi phì cười, vui lây. Cháu tên Lê Phan Hiên Vy, con út của đứa em gái thứ ba của tôi. Tôi nói với nó để thủng thẳng cậu viết một bài về "tổ tiên của mình" nghe, nó ok. Nhưng tôi chưa kịp viết dòng nào thi hôm sau, cũng trên facebook, nó P.S (tái bút) làm tôi chưng hửng.
PS. Bà Từ Cung (mẹ của vua Bảo Đại) khi xưa chỉ là một bà cung nữ, nhưng lại có con với vua (à mà vụ có con thật sự với vua hay không thì phải confirm lại vì hồi đó ai cũng biết vua Khải Định là gay, có bao nhiêu phi tần mà chả có lấy mụn con. Có giả thiết nói vì vậy mà vua nhận bà Từ Cung lúc đó đang có thai nhận cái thai trong bụng là của mình để làm bình phong che mắt thiên hạ. Lúc bà Hồ Thị Chỉ vào cung thì vua Bảo Đại được xem như là con của bà Hồ Thị Chỉ. Quyền của bà ngang với hoàng hậu (Ân Phi là bậc nhất trong Cửu Phi của Vua), bà rất được nể trọng vì thông thạo tiếng Pháp, am hiểu văn hoá lịch sử, thường là phiên dịch cho nhà vua và cùng vua dự các buổi yến tiệc quan trọng tiếp đãi triều thần trong và ngoài nước. Ấy vậy mà sau khi vua Khải Định băng hà, vua Bảo Đại lật lại mọi thứ, đày bà về lại quê nhà sống hiu quạnh còn cho mẹ mình tức bà Từ Cung lên ngôi Hoàng Thái Hậu. D ù sao tính ra bà cố tổ của tôi cũng có chút ân tình nuôi nấng vua Bảo Đại ngày nhỏ. Nghĩ mà cay đắng cho bà biết bao!
Thật ra, đối với tôi, nhìn lại 13 triều đại nhà Nguyễn sao mà xa xôi quá, mờ mịt quá, hun hút trong quá khứ như hư ảo. Ngay cả triều vua Bảo Đại (1925 - 1945) thuộc thế kỷ 20, cận đại vậy mà cũng đã quá xa vời. Dù vậy, hồi nhỏ lũ trẻ tụi tôi hay đi ngang biệt điện Bảo Đại (Bungalo) hái điệp ăn, bắt kiến dương hay ve sầu về chơi, lần nào cũng bị con chó cọp của vua rượt chạy có cờ. Có lần ba tôi kể mỗi lần lên Ban Mê Thuột đi kinh lý hay nghỉ mát, vua Bảo Đại đều sai cận thần bí mật tới nhà tìm ba tôi đi săn cọp beo cho vua. Vua thích da cọp rằn ri, da beo bông đốm dùng để bọc bộ salon.. Nguyên bộ da cọp có cả đầu cọp với cặp mắt mở trừng, nanh cọp nhọn hoắc, đuôi cọp dài ngoằn trải dài trong phòng khách biệt điện Bảo Đại là do ba tôi và mấy người bạn săn được. Sau ngày mất nước, nghe nói trong một cơn hỏa hoạn biệt điện hoàn toàn bị thiêu rụi.
Ngày nay, người và vật đã đi vào thiên cổ. Nhưng nói cho cùng, thâm tâm tôi vẫn ngậm ngùi thương tiếc bà Đệ nhất Ân phi Hồ Thị Chỉ đầy bất hạnh của chúng tôi. Bà Hồ Thị Chỉ là cháu nội của Hầu tước Hồ Đắc Tuấn và Quận chúa Công nữ Thức Huấn (con gái của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, hoàng tử thứ 10 của vua Minh Mạng). Mặc dù bà chỉ còn là kỷ niệm của một thời xa lắc xa lơ; nhưng bà vẫn sống trong cùng thời đại của chúng ta, gần gũi với chúng ta, cùng nổi trôi theo vận nước với chúng ta. Bà sinh năm 1902 từng là tiểu thư quận chúa , tài sắc vẹn toàn, nhưng duyên phận trớ trêu nên cuộc đời bà nhiều gian nan, trắc trở. Khi thất sủng, ba sống lây lất, đơn độc như chiếc bóng và chết như một thân phận dân dã bình thường.
Bà mất năm 1985 tại Huế, hưởng thọ 83 tuổi. Ngày nay, nhà Từ Đường gia tộc họ Hồ được xây cất trong một phần đất thuộc thôn Dương Xuân Thượng, phường Thủy Xuân, thành phố Huế.
Riêng nhà Từ Đường của họ Hồ bên ngoại tôi ở làng Hương Cần, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên cũng có di ảnh bà Ân phi Hồ Thị Chỉ. Căn từ đường này do ông Jean Maury, chồng của bà Hồ Thị Thơm (chị ruột của má tôi), xây lên từ thời Pháp thuộc như một kỷ vật thiêng liêng của dòng họ Hồ.
Nhân nói đến bà cố tổ Hồ Thị Chỉ, tôi lại nhớ đến một người phụ nữ khả ái, xinh đẹp, có học thức mà tôi hân hạnh quen biết gần đây. Chị họ Hồ tên Giáng Châu thuộc dòng dõi hoàng phái. Theo học ban triết trường Đại học Văn Khoa Huế. Tôi vốn thích nghe giọng Huế líu lo như chim hót của những cô gái Huế; gặp Giáng Châu, nghe giọng nói nhỏ nhẹ, ôn tồn, êm ả của Giáng Châu làm hồn tôi lâng lâng như mây trôi. Thú vị nhất là Giáng Châu cùng họ, cùng làng quê quít Hương Cần Thừa Thiên với má tôi. Ông nội của Giáng Châu xưa là quan Thống Chế, trong khi ông ngoại tôi là Ngự y của triều Khải Định.
Khi gởi nhạc mp3 của tôi cho Giáng Châu nghe, tôi có nhắc đến bà cố tổ Ân phi Hồ Thị Chỉ của chúng tôi, chị tỏ ra hào hứng:
Thưa anh, tôi biết bà Ân Phi Hồ Thị Chỉ con gái của đại thần Hồ Đắc Trung, bà ấy là Ân Phi của vua Khải Định. Mà anh có biết me tôi và ông Bảo Đại là anh em cô cậu ruột không? Bà Từ Cung là chị ruột của ông ngoại tôi đó. Giờ mình tính sao đây? Nhạc của anh rất hay , tôi thích lắm!
Truy cho cùng, Giáng Châu và tôi tuy không cùng huyết thống, nhưng lần đầu tiên gặp gỡ, tiếp xúc nhau, thảo luận về gia tộc họ Hồ, chúng tôi đều cảm thấy gần gũi nhau, quí mến nhau như anh em thân thích từ thuở nào.
Phan Ni Tấn
Bà Hồ Thị Mai (ngoài cùng bên trái), vợ Phan Ni Tấn (thứ 2 từ trái) - Hình chụp Dec-2006
No comments:
Post a Comment