Monday, December 28, 2015

Cựu hoàng Bảo Đại và người vợ cuối cùng Monique Baudot

Đối với cựu hoàng Bảo Đại, lúc ở nhà Monique Baudot là vợ, khi đi ra ngoài, trong các cuộc tiếp tân, bà ấy chỉ là một cô thư ký. Nhưng từ sau khi bà ấy nắm được cái giấy kết hôn trong tay rồi thì bà không cho phép Bảo Đại đối xử với bà như thế nữa.


Bảo Đại và Monique Baudot.
 
Sau ngày 23-10-1955, thông tin kết quả cuộc “trưng cầu dân ý” truất phế Bảo Đại và suy tôn Ngô Đình Diệm lên làm quốc trưởng đến tai cựu hoàng đang ở tại nhà riêng trên đường Maurice Barrès (Neuilly, Paris).
 
Bảo Đại bàng hoàng. Ông vẫn còn nhớ như in, chỉ cách đó không đầy một năm, trong lá thư đề ngày 10-11-1954, Ngô Đình Diệm đã hứa sau khi được giao quyền nếu “Ngô Đình Diệm có làm điều gì trái ý, quốc trưởng có thể cách chức ngay”. Không ngờ... Bên cạnh kết quả trưng cầu dân ý với 5.721.735 phiếu truất phế Bảo Đại và 63.017 phiếu không chịu truất phế, báo chí lại còn đăng tấm ảnh chân dung “Quốc trưởng Bảo Đại” đã bị người của Diệm chà đạp lăng nhục trên đường phố Sài Gòn. Kể từ ngày đó cựu hoàng rơi vào tình trạng mất ngủ triền miên và bắt đầu sống trong nỗi trầm uất.

Cựu hoàng được chữa trị đủ loại thuốc mà vẫn không ngủ được. Cuối cùng người ta đưa cựu hoàng sang Thụy Sĩ chạy điện và uống một loại thuốc đặc biệt. Trước khi chữa trị cho cựu hoàng, người ta bảo: “Chạy điện và uống thuốc của Thụy Sĩ, chữa bệnh mất ngủ xong, tính tình của cựu hoàng sẽ thay đổi”. Gia đình cựu hoàng hết sức lo lắng nhưng không thể làm gì khác hơn.

Sau thời gian chữa bệnh, cựu hoàng sống với gia đình như một người khách không mời. Vợ con đều muốn xa lánh ông. Cuối cùng để cho ông được “tự do” - một đồ đệ của cựu hoàng từ thời lưu lạc bên Hồng Kông (1947-1948) là Bùi Tường Minh đi thuê cho ông một căn hộ trong cao ốc 29 Fresnel, quận 16 - Paris. Căn hộ chỉ có một phòng ngủ, một phòng khách nhỏ, một bếp và một phòng tắm chật hẹp. Cũng may, tuy nhỏ nhưng căn hộ ở trên một đường phố yên tĩnh, sang trọng, ngay sau lưng Tòa đại sứ Iran rất thuận tiện. Cựu hoàng “ra ở riêng”, lúc đầu còn tiền bạc nên kẻ lui người tới thăm viếng, sau hết tiền, bệnh nằm một mình không một người mua giúp bánh mì ăn sáng.
Mối tình Bảo Đại - Monique

Giữa lúc khó khăn ấy, cô Monique Baudot (sinh năm 1946) xuất hiện. Về tiểu sử của Monique có nhiều nguồn. Báo chí Pháp viết cô từng làm tuỳ viên báo chí trong một tòa đại sứ. Các chính khách từng làm việc với cựu hoàng và sau năm 1975 có nhiều dịp gặp ông (như tướng Sài Gòn Trần Văn Đôn) thì bảo Monique chỉ là một cô bồi phòng. Chính nhờ làm bồi phòng ở cao ốc 29 Fresnel nên cô mới biết được có một ''ông vua lưu vong'' bệnh hoạn không người chăm sóc, cô đến giúp đỡ và trở thành người thân cận nhất của cựu hoàng suốt mấy thập niên cuối đời.

Từ khi hai người ăn ở với nhau (bắt đầu từ những năm 1970) cuộc sống vật chất của cựu hoàng và Monique rất khó khăn. Monique chạy xin cho cựu hoàng được một trợ cấp cho người già, mỗi tháng lãnh khoảng trên dưới 7.000 frs. Sau này ông J. Chirac lên làm thị trưởng Paris, tăng phụ cấp cho cựu hoàng lên 12.000frs nhưng vẫn không giải quyết hết khó khăn. Sống trong hoàn cảnh vật chất thiếu thốn cựu hoàng không hề than vãn. Hằng ngày bà Monique ôm quần áo bẩn đi giặt ở các máy giặt công cộng. Buổi sáng cựu hoàng ăn pain sec (bánh mì không) đích thân hỏi cựu hoàng có cảm tưởng như thế nào về cuộc sống khó khăn của mình, ông bảo: “Tôi đã thoái vị tử lâu, về làm dân Việt Nam. Trong khi đa số dân Việt Nam còn thiếu thốn, thì công dân Vành Thuỳ làm sao có cuộc sống khá hơn!''.
Cựu hoàng không quan tâm đến đời sống kinh tế nhưng bà Monique Baudot thì nghĩ khác. Bà tìm mọi cách để có thu nhập thêm. Bà đòi tiền những người muốn đến gặp và Phỏng vấn cựu hoàng. Bà mời tướng Fond viết giúp hồi ký Con rồng An Nam cho cựu hoàng và bán cho Nhà xuất bản Plon. Để có đủ tư cách pháp lý “chiếm độc quyền” Bảo Đại, nhiều lần Monique yêu cầu cựu hoàng làm giấy kết hôn với bà. Nhưng chuyện ấy không thực hiện được ngay vì bà Từ Cung - thân mẫu của Bảo Đại -đang còn sống ở Huế không đồng ý.
 
Từ sau ngày thống nhất đất nước (1975), người Việt Nam sống lưu vong ở Âu Mỹ khá đông. Người ta đã nghĩ đến chuyện mời cựu hoàng Bảo Đại làm lãnh tụ của họ, nhưng ông từ chối mọi hoạt động chính trị, muốn sống yên thân cho đến khi nhắm mắt. Tuy vậy, những người này vẫn không bỏ cuộc. Đầu năm 1982, người ta bày ra chuyện mừng sinh nhật cựu hoàng bằng cách mời ông sang thăm nước Mỹ. Mục đích của chuyến đi được nêu lên rõ ràng: “1. Để cho người Việt Nam ở Mỹ biết Việt Nam còn có một vị cựu hoàng khỏe mạnh; 2. Nhân dịp sang Mỹ, với tư cách ông vua cuối cùng của triều Nguyễn, cựu hoàng cảm ơn chính quyền và nhân dân Mỹ đã giúp đỡ đồng bào Việt Nam trong việc định cư". Thấy hai mục đích ấy không liên quan gì đến chính trị, cựu hoàng đồng ý. Bà Monique nghe vậy liền bắt chẹt: Nếu Bảo Đại không làm giấy kết hôn với bà và không cho bà đi Mỹ thì bà sẽ không cho Bảo Đại ra khỏi nhà. Lúc này bà Từ Cung đã qua đời, không còn trở ngại nào nữa,Bảo Đại đem Monique Baudot ra Tòa Đốc lý quận 16, Paris đăng ký kết hôn. Hai ông bà được cấp giấy kết hôn với nội dung: “Hôm nay là ngày 19-1-1982 đã diễn ra việc thành hôn của hoàng thân Vĩnh Thụy cũng gọi là Hoàng thân Bảo Đại, sinh ở Huế (Việt Nam) vào ngày 23-10-1913, con trai của Khải Định và Từ Cung (đều đã mất) và cô Monique Marie Eugène Baudot, sinh tại Saint Amand Montrond vào ngày 30-4-1946, con gái của ông Lucien Henri Baudot và Hélène Marie Madeleine Legeai. Giấy đăng ký kết hôn gởi từ ngày 14-1-1982”.
 
Monique đã trở thành vợ chính thức của cựu hoàng Bảo Đại. Hoàng hậu Nam Phương được triều đình nhà Nguyễn đứng ra cưới cho Bảo Đại (1934) nhưng không làm giấy kết hôn. Các bà “thứ phi” có con với cựu hoàng nhưng không ai có giấy kết hôn cả. Theo luật pháp nước Pháp, chỉ những người có giấy kết hôn mới được công nhận là vợ chính thức. Do đó, người Pháp chỉ công nhận Monique Baudot là vợ của Hoàng thân Vĩnh Thụy mà thôi.

Những chuyện nhập nhằng trong chuyến đi Mỹ
Vừa nhận được giấy kết hôn, hai ông bà Bảo Đại - Monique Baudot đáp tàu bay qua Los Angeles (Mỹ) ngay, được vài trăm bà con Nguyễn Phước tộc và đồng bào Việt Nam tại Mỹ đón tiếp thân mật. Sáng hôm sau, có người gợi ý Bảo Đại lên tiếng ủng hộ lực lượng chống chính quyền Việt Nam ở quốc nội, Bảo Đại từ chối và nhắc lại rằng:

- Tôi qua Mỹ thăm đồng bào, thăm nước Mỹ, chỉ có vậy!

Hôm sau, trong một cuộc tiếp tân, bà thị trưởng thành phố Westminster trao tặng chiếc chìa khóa của thành phố cho Bảo Đại. Ông cảm ơn bằng tiếng Việt: “Đây là lần thăm viếng nước Mỹ đầu tiên của tôi. Tôi qua thăm đồng bào tôi. Tôi thay mặt người Việt Nam cám ơn chính quyền và dân chúng Mỹ đã dành cho dân Việt Nam lưu vong sự giúp đỡ nồng hậu để họ tạo lại đời sống mới tại nước này”.

Từ lâu người ta nói “Bảo Đại đã quên hết tiếng Việt, ông chỉ biết ăn chơi”. Không ngờ hôm ấy người ta nghe ông nói tiếng Việt bằng giọng Huế rất rành rẽ, tình cảm. Những lời ông nói ngắn gọn, có tính cách ngoại giao nhưng đầy đủ ý nghĩa, làm cho những người Mỹ có mặt trong buổi tiếp tân hài lòng.

Sáng hôm 23-1-1982, cựu hoàng Bảo Đại được mời đến dự lễ khai mạc hội chợ tại Westminster, được bà thị trưởng mặc áo dài Việt Nam đón tiếp hết sức thân mật. Đến lúc đó Monique Baudot cho Bảo Đại biết bà đã gặp một cựu nhân viên OSS (tiền thân của CIA) về hưu tại Minaco. Ông này tiết lộ có một số dân biểu Mỹ ủng hộ Bảo Đại, nhân dịp qua Mỹ, Bảo Đại nên đến Hạ viện Mỹ điều trần đòi Chính phủ Mỹ bồi thường 5 triệu Mỹ kim tài sản của Bảo Đại bị mất, vì Mỹ ủng hộ Ngô Đình Diệm truất phế Bảo Đại hồi năm 1955. Người bày cho Monique là ông Hilaire du Berrier. Vốn bản tính nhu nhược, cho nên khi nghe bà Monique nói vậy Bảo Đại cũng hứa sẽ làm. Nhưng không ngờ... có một vài chuyện trục trặc diễn ra.

Một hôm, cựu hoàng vào thăm cửa hàng Thanh Lan của người Việt Nam. Vợ chồng chủ cửa hàng xuất thân trong một gia đình lớn ở Huế có cảm tình với cựu hoàng, rất hân hạnh được đón cựu hoàng đến thăm. Cửa hàng tặng cho cựu hoàng một món quà sáng giá và không để ý gì đến Monique Baudot theo sau Bảo Đại. Vừa ra khỏi cửa hàng, người ta nghe Monique Baudot nói với Bảo Đại: “Dân Việt của ông không ra gì''. Những người trong ban tổ chức đón tiếp cựu hoàng nghe thế không ai hiểu vì sao lại có sự thể như thế. Tiếp đến cựu hoàng dự một buổi tiệc do ông bà Robert Kane khoản đãi tại nhà riêng Tiburon vùng San Francisco. Trong số thực khách có cả ông bà Brochand, Tổng Lãnh sự Pháp, và một số người Mỹ biết nói tiếng Pháp. Bà Kane chủ tọa một bàn tiếp Bảo Đại và một số thực khách, bàn thứ hai do ông Kane chủ tọa tiếp Monique và một số thực khách khác. Không ngờ, khi mới ngồi vào bàn Monique tỏ ra bực bội, vặn vẹo hỏi mọi người tại sao không sắp xếp cho bà ngồi gần Bảo Đại. ''Dù sao tôi cũng là vợ của ông Bảo Đại kia mà!''. Một người có trách nhiệm đưa cựu hoàng đi thăm viếng các nơi trả lời: ''Đây là cái phòng tiệc chứ không phải phòng ngủ. Chủ nhà người ta sắp xếp như vậy là phải”.

Monique tức giận, bất ngờ nắm cái chéo khăn trải bàn ăn kéo một cái xoạt, thức ăn dọn trên bàn ngả nghiêng, đổ tung tóe ra bàn. Cả phòng tiệc vô cùng ngạc nhiên. Riêng cựu hoàng thì ngồi thản nhiên xem như không có chuyện gì xảy ra. May mắn ông Kane kịp thời hiểu được vấn đề. Ông xin lỗi mọi người và nhận lỗi vô ý đã trải cái khăn bàn không đúng cách nên mới có chuyện không hay này. Buổi tiệc mất vui nhưng cuối cùng cũng diễn ra đúng bài bản cho đến lúc kết thúc.

Hôm sau, ban tổ chức đón tiếp chất vấn Bảo Đại:

- Hôm qua bà Monique nói bà ấy là vợ của Ngài. Vậy có đúng không?

Cựu hoàng thản nhiên đáp:

- Đúng. Trước khi qua Mỹ một ngày, bà ấy và tôi đã có giấy kết hôn!

- Vậy, tại sao Ngài không nói cho chúng tôi biết trước để chúng tôi sắp đặt nghi lễ, nếu bà ấy là vợ Ngài thì chúng tôi đã sắp đặt đúng phép sẽ không xảy ra những chuyện vừa qua.

Cựu hoàng Bảo Đại trả lời tỉnh bơ:

- Phần nghi lễ, tùy theo trường hợp, lúc là thơ ký, lúc là vợ.

Đến lúc đó người ta mới hiểu đối với cựu hoàng Bảo Đại, lúc ở nhà Monique Baudot là vợ, khi đi ra ngoài, trong các cuộc tiếp tân, bà ấy chỉ là một cô thư ký. Đó là cách đối xử tồn tại hàng chục năm qua của Bảo Đại dành cho Monique Baudot. Nhưng từ sau khi bà ấy nắm được cái giấy kết hôn trong tay rồi thì bà không cho phép Bảo Đại đối xử với bà như thế nữa. Chính vì thái độ ỡm ờ, không dứt khoát của Bảo Đại về chuyện bà vợ mà chuyến sang Mỹ của Bảo Đại đã phải chấm dứt sớm. Chương trình đi Florida và Washington D.C. bị hủy bỏ. Do đó, chuyện Bảo Đại đến Hạ viện Hoa Kỳ xin bồi thường 5 triệu Mỹ kim cũng không diễn ra.

Sưu tầm

No comments: