Nữ Hoàng Đế Võ Tắc Thiên
NỮ HOÀNG ĐẾ VÕ TẮC THIÊN VÀ MỐI QUAN HỆ MẬT THIẾT VỚI HOA NGHIÊM TÔNG VÀ MẬT TÔNG TRONG PHẬT GIÁO
(EMPRESS WU ZETIAN AND HER INTIMATE CONNECTION WITH THE HUAYAN AND ESOTERIC TRADITIONS IN BUDDHISM)
Excerpted from the following research document: https://art.as.virginia.edu/sites/art.as.virginia.edu/files/13.pdf
Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp
Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ
Ngã kim kiến văn đắc thọ trì
Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa.
Vô thượng thậm thâm Pháp nhiệm mầu
Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu
Con nay thấy, nghe, được thọ trì
Nguyện tỏ Như Lai chân thật nghĩa.
(Nữ Hoàng Đế Võ Tắc Thiên cẩn bút sau khi xem bản Kinh Hoa Nghiêm do Ngài Thức Xoa Nan Đà (Siksananda) chủ trì chuyển dịch lại toàn bộ; nay bốn câu này trở thành là bốn câu kệ khai Kinh trong truyền thống Đại Thừa Phật Giáo).
. . . . . . .
Giới thiệu: Dưới đây là các phần trích đoạn có liên quan đến Nữ Hoàng Đế Võ Tắc Thiên và mối quan hệ của Bà với Hoa Nghiêm tông và Mật tông trong Phật giáo, được trích ra từ trong một tài liệu nghiên cứu bằng Anh ngữ có tên “Nghệ Thuật Phật Giáo Hoa Nghiêm Trong Triều Đại của Võ Nữ Hoàng Đế Và Của Hoàng Đế Shōmu/Nữ Hoàng Đế Kōmyō” do Dorothy Wong biên soạn, và hiệu đính bởi Robert Gimello, Frédéric Girard và Imre Hamar, do nhà xuất bản Harrassowitz Verlag, Đức quốc, ấn hành vào năm 2012. Các chỗ có dấu ngoặc và các dấu chấm […] bao gồm các chi tiết trong tài liệu gốc mà người dịch đã không chuyển ngữ trong những đoạn đó, phần lớn liên quan đến các chi tiết đặc thù của các hình tượng Bổn tôn mà xét ra không quá quan trọng cho nội dung và mục đích của bài Việt dịch này. Nếu muốn đọc toàn bộ tài liệu nghiên cứu bằng Anh ngữ và các chi tiết trên, xin vào xem tại:
ENGLISH: https://art.as.virginia.edu/sites/art.as.virginia.edu/files/13.pdf
Bài dịch dưới đây nằm trong loạt bài mang tên “Con Người Thật Của Nữ Hoàng Đế Võ Tắc Thiên Trong Vai Trò Của Một Người Học Phật và Tu Phật” do Tâm Bảo Đàn phát tâm soạn dịch và phổ biến để chia sẻ một số tài liệu liên quan đến Bà Võ Tắc Thiên, cùng với các tâm tư, nguyện vọng và các Pháp sự của Bà trong cương vị của một người Phật tử có chí nguyện học Phật và tu Phật. Theo nghiên cứu, từ thời đại nhà Tống (960-1279), các sử gia Trung Hoa đã đưa vào trong chính sử của triều đình một số thông tin vô cùng tệ hại về Võ Nữ Hoàng Đế với mục đích dựng lên một nhân vật đại loạn, đại ác Võ Tắc Thiên để củng cố cho tinh thần bảo thủ của Nho giáo và cho chế độ phong kiến trọng nam khinh nữ của xã hội Trung Hoa thời bấy giờ. Tuy nhiên trong nhiều thập niên qua, đặc biệt trong giới khảo cứu lịch sử tại Trung Hoa cũng như trên thế giới, đã có rất nhiều nỗ lực nghiêm túc để đưa ra ánh sáng một số thông tin liên quan đến Bà Võ Tắc Thiên qua một cái nhìn bao quát và trung thực hơn, về cuộc đời, các hành sự và các công trạng của vị Nữ Hoàng Đế đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Trung Hoa. Đặc biệt những thông tin liên quan đến vai trò của Bà trong bối cảnh Phật giáo, một số còn nằm rải rác trong các Kinh văn mà Bà đã bảo trợ để chuyển dịch, trong các tư liệu lịch sử, tư liệu Phật giáo hoặc trong các di tích còn tồn tại tới ngày nay.
. . . . .
NỮ HOÀNG ĐẾ VÕ TẮC THIÊN VÀ MỐI QUAN HỆ MẬT THIẾT VỚI HOA NGHIÊM TÔNG VÀ MẬT TÔNG TRONG PHẬT GIÁO
Võ Nữ Hoàng Đế (Nữ Hoàng Đế Võ Tắc Thiên) (624-705/chính thức trị vì 684-705)[nhưng đã được Vua Đường Cao Tông trao quyền nhiếp chính từ năm 665 sau khi Nhà Vua bị đột quỵ] là một Phật tử chí thành và nắm giữ được quyền lực thông qua sự hợp thức hóa đến từ Phật giáo. Bà tự công bố là Hóa thân của Di Lặc, và là một vị Chuyển Luân Thánh Vương, tức là bậc thống lãnh tối cao trong thế gian này. Trong số những vị vua trị vì nhà Đường, có lẽ Nữ Hoàng Đế Võ Tắc Thiên là người bảo trợ Phật giáo mạnh mẽ nhất. Triều đình của Bà đã bảo trợ một nhóm dịch giả tài ba của Phật giáo, trong đó có ngài Bồ Đề Lưu Chi (Bodhiruci, tịch năm 722), là một tu sĩ Ấn Độ, đã đến Trường An vào năm 693; ngài Thức Xoa Nan Đà (Siksananda, 651-710), là một tu sĩ người xứ Vu Điền (Khotan, hoặc còn gọi là Tây Vực), là người đã dịch lại toàn bộ Kinh Hoa Nghiêm (Avamsaka-Sutra); và ngài Yijing (635-713), một tu sĩ người Trung Hoa, đã quay về lại các thành đô của nhà Đường vào năm 695 sau khi đã đi hành hương qua Ấn Độ bằng đường biển.
Đối với các học thuyết Phật giáo thì hai trường phái có liên quan mật thiết đến sự bảo trợ của Nữ Hoàng Đế Võ Tắc Thiên là trường phái Hoa Nghiêm (Hoa Nghiêm tông), và trường phái Mật truyền (Mật tông) là một trường phái còn non trẻ vào thời điểm đó. Bà Võ Tắc Thiên đã bảo trợ một bản dịch mới của Kinh Hoa Nghiêm [*do ngài Thức Xoa Nan Đà chủ trì dịch], và ngài Pháp Tạng (Fazang, 643-712), được xem là Tam Tổ của Hoa Nghiêm tông, là một trong những vị cố vấn mà Bà tin tưởng nhất.
Trong vũ trụ quan của Hoa Nghiêm, đức Tỳ Lô Giá Na Phật (Vairocana, hoặc Đại Nhật Như Lai) được xem là vị Phật tối cao, siêu vượt, tối thắng, chủ trì hết thảy những vị Phật khác. Khái niệm về vũ trụ quan này đã mở đường cho các hình tượng được kiến tạo vào năm 672-675 tại Chùa Fenxieng ở Long Môn, với một tôn tượng khổng lồ của Tỳ Lô Giá Na Phật, là vị chủ trì đệ nhất tại ngôi đại hùng bảo điện. Thời ấy thì vị thống lãnh tâm linh và thống lãnh thế gian được xem là một. Đức Phật hoàn vũ (*ý muốn nói Phật thân/Pháp thân trùm khắp), theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, là vị Phật đứng đầu, bao trùm hết thảy các vị Phật khác, và cũng như thế, một vị hoàng đế, trong trường hợp này là Nữ Hoàng Đế Võ Tắc Thiên, cũng là người đứng đầu, nắm giữ tòan bộ quyền bính của đế chế. […]
Ngoài việc hỗ trợ cho Hoa Nghiêm tông, thì trong triều đại của Bà Võ Tắc Thiên, Mật giáo bí truyền đã dần dần trở nên nổi bật tại Trung Hoa. Phật giáo Mật tông được khai triển tại Ấn Độ vào thế kỷ thứ 7, và sau khi Vua Đường Thái Tông thống nhất đất nước Trung Hoa vào đầu thế kỷ thứ 7, Trung Hoa đã bắt đầu làm quen với xu hướng mới mẻ này qua sự tiếp cận một cách trực tiếp hơn với Ấn Độ. Phần lớn ai cũng biết là các bản văn đà la ni (dharani) đã hiện diện từ các thời điểm trước đó, nhưng từ thế kỷ thứ 7 trở đi thì các bản văn đà la ni lại xuất hiện nhiều hơn rất nhiều so với trước. Với sự xuất hiện của ngài A Địa Cu Đa (Atikuta, Vô Cực Cao) vào giữa thế kỷ thứ 7, cùng với bản dịch Tập Hợp Đà La Ni Kinh (Tuoluon ji jing; Sutra of Collected Dharanis), thì theo như nhận xét của Ronald Davison, bản văn này đã giới thiệu toàn bộ các kết tập đà la ni và đã áp dụng đầy đủ các khía cạnh của Mật giáo vào Trung Hoa. Đại dịch giả Huyền Trang (khoảng 600-664), sau khi quay trở lại Trung Hoa vào năm 645 sau một cuộc du phương kéo dài 16 năm tại Ấn Độ, cũng đã dịch một số văn bản đà la ni, kể cả hai bản đà la ni liên quan đến các hình tượng của Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm (Quán Thế Âm Ngàn Mắt Ngàn Tay) thuộc Mật giáo. Bản thân ngài Huyền Trang là một người sùng mộ Đức Quán Âm và có tín tâm vào oai thần của vị Bồ Tát này.
Do bởi sự bảo trợ của Bà Võ Tắc Thiên mà có một nhóm dịch giả sáng giá của Phật giáo đã quy tụ tại một số ngôi chùa Phật giáo ở Lạc Dương (Luoyang). Lạc Dương chính là thành đô của Nữ Hoàng Đế Võ Tắc Thiên khi Bà cầm quyền triều đại Nhà Chu (690-705). Ngoài những vị tăng sĩ được nhắc đến ở trên, lại còn có thêm một nhóm tu sĩ người nước ngoài là những người chịu trách nhiệm phần lớn cho việc quảng bá các yếu tố bí truyền trong Phật giáo vào thời Nhà Đường (đôi khi còn được gọi là “Phật giáo Mật truyền của Võ Nữ Hoàng Đế”). Những vị tu sĩ ngoại quốc này bao gồm ngài Nhất Chiến (Divakara, 613-687 cn) từ Trung Ấn; tu sĩ Manicintana (Baosiwei) (mất năm 721) từ Kashmiri, và một vị khác tên Li Wuchan từ Tây Bắc Ấn. Ngoài ra, cả hai ngài Bồ Đề Lưu Chi lẫn Yijing cũng đều chuyển dịch các bản văn Mật điển, và Nữ Hoàng Đế Võ Tắc Thiên đã rất háo hức ủng hộ những vị Bổn tôn mới mẻ trong các nghi thức và nghi quỹ hành trì Mật điển này. Tất cả những hoạt động này đã dọn đường cho sự chấp nhận Mật tông vào thế kỷ thứ 8 tại Trung Hoa, và như đã sắp xếp sẵn cho sự xuất hiện của ba vị Đạo sư Mật tông là ngài Thiên Vô Úy (Subhakarasimha, 637-735), ngài Kim Cương Bồ Đề (Vajrabodhi, 669-741) và ngài Bất Không Kim Cương (Amoghavajra, 705-774) tại triều đình của Nhà Đường.
Trong khoảng thời gian này, có nhiều hình tượng Mật tông đã xuất hiện tại Long Môn, chẳng hạn như là vị Phật chủ trì ở tại Leigutai, được xem như là đức Tỳ Lô Giá Na Phật, nhưng được tạc theo hình tượng của Mật tông. Rất có thể là bức tượng này mới đây đã được di dời từ Động Leigutai thuộc phía nam tại Long Môn, nhưng nói chung, tôn tượng này được trang nghiêm với một vương miện cao dài, có trang trí bằng vòng đeo cổ và các vòng đeo ở cánh tay, cùng với bàn tay phải trong ấn an địa. Được xem như là một hiện thân của đức Phật Tỳ Lô Giá Na, hình tượng này tương ứng với một đoạn văn mô tả Usnisa tức là đức Phật Đảnh Tôn Thắng trong Tập Hợp Đà La Ni Kinh.
Sự giống nhau giữa Kinh Hoa Nghiêm và Mật tông nằm ở chỗ cả hai đều có cùng một vị Bổn tôn chính yếu, đó là đức Tỳ Lô Giá Na Phật hay Đại Nhật Như Lai (Vairocana). Tôn tượng này được tạc vào khoảng năm 700, là thời điểm trị vì của Nữ Hoàng Đế Võ Tắc Thiên. Có một số ấn bản bằng gỗ của Đà La Ni Mahapratisara về Đại Tùy Cầu Bồ Tát (vị Bồ Tát có 8 tay) đã được ngài Manicintana chuyển dịch vào năm 693, đã được tìm thấy ở Trường An. Các ấn bản bằng gỗ này bao gồm cả Sanskrit (Bắc Phạn ngữ) lẫn Hoa ngữ; có ấn bản đã xuất hiện từ rất sớm, có lẽ từ đầu thế kỷ thứ 8 hoặc thế kỷ thứ 9, và điều này cho thấy Mật tông lúc ấy đang lan truyền tại Trung Hoa.
Điều quan trọng hơn nữa là trong triều đại của Nữ Hoàng Đế Võ Tắc Thiên, chúng ta có thể thấy được sự phát triển rất hưng thịnh của các tôn tượng Quán Thế Âm theo hình tượng Mật tông. Đầu tiên là hình tượng Quán Thế Âm Ekadasamukha, tức Quán Thế Âm Mười Một Đầu (Thập Nhất Diện Quán Thế Âm). Cho dù bản văn đà la ni của vị Bổn tôn này đã được chuyển dịch qua Hoa ngữ lần đầu tiên bởi ngài Yasogupta vào cuối thế kỷ thứ 6, nhưng rõ ràng là chỉ đến khi bản dịch đà la ni của ngài Huyền Trang xuất hiện thì vị Bổn tôn này mới trở nên phổ thông ở tại Trung Hoa, với những tôn tượng tương tự được tìm thấy, trải dài từ Động Đôn Hoàng tới các cố đô khác nhau. Có một bức tượng trong số này được tìm thấy trong Động Đôn Hoàng 321, đã được tạc từ cuối thế kỷ thứ 7 đến đầu thế kỷ thứ 8 là thời gian Nữ Hoàng Đế Võ Tắc Thiên đang trị vì. Vị Bồ Tát của tôn tượng này có 6 cánh tay, và đầu của ngài thì được sắp xếp theo cấu hình 3-5-2-1. Không giống như bức tượng được tìm thấy ở Kanheri, Ấn Độ trước đây, người Trung Hoa sắp xếp đầu của chư tôn trên bức tượng này theo hình nón, thay vì theo hình thẳng đứng. Những bức tranh của Thập Nhất Diện Quán Thế Âm cũng được tô vẽ trên bức tường ở hướng đông (tức là bức tường bên trong cửa vào), ngay phía trên cánh cửa, hoặc ngay bên cạnh lối vào. Vị trí của những bức vẽ này, ngay bên trong phòng thờ của hang động, cho thấy rằng vị Bồ Tát hay vị Bổn tôn này giữ vai trò bảo hộ.
Đối với lại Nữ Hoàng Đế Võ Tắc Thiên, Phật giáo cũng còn là một phương tiện củng cố cho vị thế chính trị của Bà và làm cho thế đứng của Bà trở nên hợp tình hợp lý. Bà khấn thỉnh oai lực của các vị Bổn tôn trong Phật giáo để bảo vệ quốc gia, và chính sự bảo trợ của Bà đã khiến cho đức Thập Nhất Diện Quán Thế Âm mới có thể trở nên quan trọng đến vậy tại Trung Hoa. Lời khấn cầu của ngài Pháp Tạng, thỉnh cầu oai lực của vị Bồ Tát này bảo vệ Nhà Đường khỏi sự xâm lấn của dân tộc du mục Khiết Đan (Khitan) là một sự kiện mà ai cũng biết. Nữ Hoàng Đế Võ Tắc Thiên cũng đã bảo trợ việc xây Tháp Bảy Báu, đặt ở ngay trung tâm của Chùa Guangzhaisi ngay tại Trường An. Khi Tháp này bị đập phá thì người ta tìm thấy khoảng 32 mảnh điêu khắc gồm có 7 hình tượng của đức Thập Nhất Diện Quán Thế Âm, và điều này cho thấy tầm quan trọng của vị Bồ Tát này. […]
Vào thời điểm Vua Đường Thái Tông băng hà (650-683), Nữ Hoàng Đế Võ Tắc Thiên đã bảo trợ một ngàn bức tranh thêu hình Thập Nhất Diện Quán Thế Âm để tưởng nhớ ngài.
Còn có thêm hai vị Quán Thế Âm theo hình tướng Mật tông mà Bà Võ Tắc Thiên đã bảo trợ là Amoghapasa (Bất Không Quảng Đại Minh Vương Quán Thế Âm, hay Bất Không Quảng Địa Vương Quán Thế Âm) và Sahasrabhujarya (Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm). Ngài Huyền Trang trước đó cũng đã chuyển ngữ một văn bản đà la ni về vị Bổn tôn Bất Không Quảng Đại Minh Vương Quán Thế Âm, nhưng trong triều đại của Hoàng Đế Võ Tắc Thiên, có thêm ba bản dịch nữa về ngài Bổn tôn này đã được thực hiện bởi các vị Manicintana, Li Wuchan và Bồ Đề Lưu Chi. Ngài Bồ Đề Lưu Chi sau đó đã dịch một phiên bản dài hơn (gồm 30 tập trong khoảng năm 707-709).
Cho dù hiện nay không có một bức tượng nào của ngài Bất Không Quảng Đại Minh Vương Quán Thế Âm của thời đại đó còn sót lại, nhưng chúng ta có thể tìm thấy thông tin trong một tư liệu được ghi chép lại. Vào năm 693, ngài Huizhi (676-703), một tu sĩ người Ấn, là con trai của một vị đại sứ tại Trung Hoa, thuộc dòng dõi Bà la môn, có viết một bài thơ gọi là “Bài Tán Thán Bồ Tát Quán Thế Âm” sau khi chiêm bái hình ảnh của Bồ Tát được tô vẽ trên bức tường của một tu viện Phật giáo. Ngài Huizhi đã viết bằng Bắc Phạn ngữ Sanskrit, sau đó cũng đã dịch qua Hoa ngữ. Trong bài thơ này, ngài mô tả lại hình ảnh của vị Bồ Tát này, như đã được tô vẽ trên tường, cùng với những đặc điểm hình tượng rất đặc thù để trang nghiêm thân tướng – gồm có, một mảnh da nai màu đen choàng lên vai trái của Bồ Tát, và một con rắn (naga, long vương) quấn quanh cổ như là một vòng đeo cổ, trên có biểu tượng hoàng gia. Do đó chúng ta có thể tin chắc rằng đây chính là hình ảnh đặc thù của vị Bồ Tát này, và đây cũng chính là sự ghi chép đầu tiên về cách thức vị Bồ Tát này được mô tả tại Trung Hoa. Bài thơ này kết thúc bằng một lời dâng tặng lên Nữ Hoàng Đế Võ Tắc Thiên, kết luận rằng Bà là vị Chuyển Luân Thánh Vương đã chuyển được Hoàng Luân. Do bởi ngài Huizhi, người viết bài thơ này, cũng có tham gia chuyển dịch những bản Kinh văn quan trọng (kể cả Đại Thừa Bảo Vân Kinh tức là Ratnamegha-sutra) mà Nữ Hoàng Đế Võ Tắc Thiên bảo trợ để hỗ trợ cho tính cách chính đáng của vai trò chính trị của Bà, cho nên theo như sự nhận định của Antonio Forte, mục tiêu của ngài Huizhi là quảng bá tư tưởng cho rằng đế quốc Trung Hoa mà Bà Võ Tắc Thiên cai trị chính là trung tâm của thế giới Phật giáo. Cho nên sự truyền bá về ngài Bất Không Quảng Đại Minh Vương Quán Thế Âm tại Á Đông đã khởi đầu như là một giáo phái hoàng gia và như là một khái niệm về sự cai trị trong Phật giáo.
Đức Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm cũng có sự liên hệ với Nữ Hoàng Đế họ Võ. Trong lời tựa của bản “Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Đà La Ni Kinh” (do ngài Zhitong chuyển dịch vào thế kỷ thứ 7), có nhắc đến việc một tu sĩ người Ấn tên Foshoujisi đã vẽ một bức tranh của ngài Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm trên một điện thờ và đã dâng tặng họa phẩm này cùng với văn bản đà la ni lên cho Nữ Hoàng Đế Võ Tắc Thiên. Sau đó, Bà Võ Tắc Thiên đã ra lệnh cho các nữ cung nhân và các nghệ nhân tại cung đình phải thêu và họa lại hình ảnh của Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm để quảng bá rộng rãi. […]
Tâm Bảo Đàn kính chuyển Việt ngữ (25.08.2023).
With love always ❤
Zoom Bồ Đề Tâm 4 All
819 5401 9396