Tuesday, February 28, 2017

Chị tôi - Hùynh Mùi























Tôi vừa về Huế đưa chị lên cõi vĩnh hằng. Chị qua đời mấy hôm trước, nhưng cách đây một tháng tôi cũng đã có dịp về Huế gặp lại chị. Chị thọ 96 tuổi. U100 ngày nay còn thuộc lớp người quá hiếm. Các cháu kể Chị ra đi thanh thản, đã nhớ lại từng đứa con trong nhà và dặn dò từng đứa một.

Chị là ngưới chị dâu cả của gia đình tôi. Chị làm dâu khi tôi chưa ở trong bụng mẹ. Ở dưới làng, vườn nhà Chị ở ngay cạnh nhà tôi. Nhưng ký ức với Chị trong những ngày ở dưới làng không có bao nhiêu vì anh chị đã sớm lên phố làm ăn buôn bán. Vào học tiểu học, tôi mới lên ở với anh chị. Hồi đó, ba tôi cũng đã lên ở đây cùng với các anh chị khác, riêng mẹ tôi vẫn ở dưới làng.

Chị sinh ra mười một đứa con, mất ba còn tám. Cả tám đứa đương nhiên nay đều đã lớn hết rồi, tuổi chúng phân đều từ U80 xuống U60. Nuôi một đàn con như thế là cả cuộc đời của Chị. Là dâu trưởng, Chị gánh vác giúp anh tôi chu toàn mọi công chuyện của gia đình và dòng họ. 

Hôm qua, một người cháu trong họ nhận xét: là có một bức tranh chụp năm chị em trong nhà ở trên một con đò. Bốn người kia đều đã qua đời. Trên con đò đó, Chị là người lớn tuổi nhất nhưng là người cuối cùng chia tay với bà con. Quả thật, Chị tôi sống rất khỏe. Chị đã bị tiểu đường từ 29 năm trước. Hằng ngày, Chị đi bộ
rất đều đặn hàng cây số và có lẽ vì vậy Chị sống được lâu. 

Anh tôi qua đời hai mươi bốn năm trước, cũng là vào một năm Quý Dậu như năm nay
Đinh Dậu. Anh rất thích trồng hoa. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mấy hôm nay bạn bè thân hữu của gia đình mang theo những lẵng hoa xinh đẹp đến viếng Chị. Không phải đến để chia buồn mà để chia vui cùng hoan hỉ đưa chị đi sang thế giới bên kia. Theo kinh Phật, như thế là hay. Chị đã sống một cuộc đời viên mãn, nay Chị ra đi không còn chi phải nặng lòng. Quanh linh cửu, cùng với con cháu, hàng ngàn bông hoa đẹp đang tiễn đưa Chị. Nước mắt tuy có chảy dài nhưng vui vẻ tiễn đưa để hương linh thêm thanh thản.

Vì thế, tôi đã chụp những bông hoa trong hằng trăm lẵng hoa đó để kỷ niệm về chị. Anh tôi rất thích trồng hoa giấy. Trong album này, tôi đã xen vào một vài ảnh hoa giấy nhỏ xinh. Cũng vì tôi thương chị vô cùng.


Hùynh Mùi



https://www.facebook.com/huynh.mui.9/media_set?set=a.10155103564632899.1073741975.593017898&type=3 






Chúng cháu kính cám ơn Chú về bài viết này.

Friday, February 17, 2017

Bên mé rừng đã nở rộ hoa mai - Thích Nhất Hạnh


























Thầy đi tìm con
Từ lúc non sông còn tăm tối
Thầy đi tìm con
Khi mọi loài còn chờ đợi ánh dương lên
Thầy đi tìm con
Khi con còn đắm chìm trong một giấc ngủ triền miên
Dù tiếng tù và đã vọng lên từng hồi giục giã
Không rời non xưa
Thầy đưa mắt về phương trời lạ
và nhận ra được trên vạn nẻo đường từng dấu chân của con
Con đi đâu?

Có khi sương mù đã về giăng mắc chốn cô thôn
Mà trên bước phiêu linh con vẫn còn miệt mài nơi viễn xứ
Thầy đã gọi tên con trong từng hơi thở
Tin rằng dù con đang còn lạc loài đi về bên nớ
Con cũng sẽ cuối cùng tìm ra được lối trở về bên ni
Có khi Thầy xuất hiện ngay giữa đường con đi
Nhưng mắt con vẫn nhìn Thầy như nhìn một người xa lạ
Không thấy được mối túc duyên
Không nhớ được lời nguyền xưa vàng đá
Con đã không nhận ra được Thầy
Vì tâm con còn vướng bận những hình bóng xa xôi

Trong kiếp xưa con đã từng nhiều lần nắm tay Thầy rong chơi
Thầy trò ta đã ngồi thật lâu cạnh những gốc thông già trăm tuổi
Đã từng đứng yên cùng lắng nghe tiếng gió thì thào mời gọi
và ngắm nhìn những cụm mây trắng bay
Con đã từng nhặt đưa Thầy những chiếc lá ngô đồng đầu thu đỏ thắm
Thầy đã từng đưa con vượt qua những khu rừng tuyết phủ giá băng
Nhưng đi đâu Thầy trò ta cũng luôn luôn trở về nơi non xưa chốn cũ, để được gần gũi sao trăng
Để được mỗi khuya gióng tiếng chuông đại hồng
cho mọi loài tỉnh thức
Thầy trò ta đã từng ngồi yên trên An Tử Sơn cùng đại sĩ Trúc Lâm
bên những cây đại già nở hoa thơm ngát
Đã từng đưa tàu ra khơi vớt người thuyền nhân phiêu dạt

Đã từng giúp Thiền Sư Vạn Hạnh thiết kế thành Thăng long
Đã từng cùng nhau đánh tranh dựng chiếc thảo am bên sông
và giăng lưới vớt Trạc Tuyền khi Tiền Đường đang đùng đùng dậy sóng
Thầy trò ta đã mở lối bước lên trời ngoại phương lồng lộng
Sau bao tháng ngày công phu chọc thủng lưới thời gian
Đã từng cất giữ được ánh sáng của những vì sao băng
Làm đuốc soi đường cho những ai muốn trở về sau những tháng ngày rong ruổi

Nhưng cũng có khi hạt giống lãng tử trong con bừng sống dậy
Con đã rời bỏ Thầy, rời bỏ huynh đệ một mình thất thểu ra đi…
Thầy nhìn con xót thương
Tuy biết rằng đây không thực sự là một cuộc phân kỳ
Bởi vì con đang có Thầy nơi từng tế bào trong cơ thể
Biết con còn phải thêm một lần đóng vai người cùng tử
Nên Thầy đã nguyện sẽ có mặt đó cho con mỗi lần con gặp bước gian nguy

Có khi con nằm thiếp đi trên cát nóng sa mạc chốn biên thùy
Thầy đã hóa thân làm đám bạch vân đem cho con bóng mát
Đến giữa khuya đám mây đọng lại thành sương, cam lộ rơi từng hạt
để con uống lấy trong cơn mê
Có khi con ngồi dưới vực sâu tăm tối, hoàn toàn cách biệt trời quê
Thầy đã hoá thân thành chiếc thang dài và nhẹ nhàng bắc xuống
Cho con leo lên vùng chan hoà ánh sáng
Để tìm lại được màu trời xanh và tiếng suối tiếng chim
Có lúc Thầy nhận ra được con ở Birmingham
Ở quận Do Linh hay miền Tân Anh Cát Lợi
Có lúc Thầy gặp con ở Hàng Châu, Hạ Môn hay Thượng Hải
Có lúc Thầy tìm được con ở St Peterburg, hoặc ở Tây Bá Linh
Có khi mới lên năm mà thấy con, Thầy cũng nhận được chân hình
Thấy được hạt giống bồ đề nơi con, mang trong trái tim còn niên thiếu
Thấy con, Thầy đã luôn luôn đưa tay lên làm dấu hiệu
Dù nơi gặp con là ở miền Kinh Bắc vùng Bến Nghé hay ở cửa biển Thuận An
Có khi con là trái trăng vàng ửng chín lơ lửng treo trên đỉnh Kim Sơn
Hay là con chim con chiêm chiếp kêu đêm đông bay qua rừng Đại Lão
Rất nhiều khi Thầy thấy được con nhưng con không thấy được Thầy,
dù trên nẻo đường con đi sương chiều đã thấm vào ướt áo
Vậy mà cuối cùng con cũng đã trở về
Con trở về ngồi dưới chân Thầy nơi chốn non xưa
Để rồi tiếng chim kêu tiếng vượn hú lại cùng hòa với tiếng công phu sớm trưa
Con đã về bên Thầy, thực sự muốn chấm dứt cuộc đời lãng tử

Sáng nay chim chóc ca mừng vầng ô lên rạng rỡ
Con có hay
Trên bầu trời xanh mây trắng vẫn còn bay?
Con ở đâu? Cảnh núi xưa còn đó nơi hiện pháp chốn này
Dù đợt sóng bạc đầu vẫn còn đang muốn vươn mình đi về phương lạ
Nhìn lại đi, Thầy đang ở trong con, và trong từng nụ hoa, chiếc lá
Nếu gọi tên Thầy, con sẽ tự khắc thấy Thầy ngay
Con đi đâu? Cây mộc già đã nở hoa, thơm nức sáng nay
Thầy trò ta thật chưa bao giờ từng cách biệt
Xuân đã về, các cội thông đã ra chồi óng biếc
Và bên mé rừng đã nở rộ hoa mai


Nhất Hạnh

Saturday, February 11, 2017

Những Cánh Mai Trong Tách Trà - Trần Mộng Tú



Hà có cái thú thích tìm vào những tiệm bán đồ cũ. Đi tới một thành phố lạ, bao giờ Hà cũng liếc nhìn bên đường xem có tiệm nào kẻ cái bảng Antiques Store là nàng phải tìm thời giờ ghé vào. Nàng thích chạm tay vào những cái chén trà, cái nón vải, cái áo len, cái dây đeo cổ, cái khung hình hay bất cứ một cái gì trong tiệm bán đồ cũ. Đối với Hà mỗi vật thể đó nó cất giấu cả một linh hồn thiêng liêng và bí mật.

Đôi khi cái mùi quần áo đã chạm vào da thịt lâu năm treo trong tiệm, làm nàng bị dị ứng, nhưng Hà cố bỏ nó sang một bên để chỉ nghĩ và tưởng tượng đến những hình hài đã khoác nó lên người. Cũng may, phần đông những tiệm đồ cổ của tư nhân ở những thành phố nhỏ nơi Hà đi du lịch qua họ ít bán quần áo, chỉ những tiệm có tính cách gây quỹ cho một charity nào đó mới có thôi.


Hôm nay đã cận tết lắm rồi, chỉ còn năm hôm nữa tết đến mà hai vợ chồng Hà còn lang thang ngao du ở Coeur d’alene, Idaho cách nhà bảy, tám tiếng lái xe. Hai vợ chồng chắc là phải thay nhau lái một mạch về nhà, dừng lại ăn đường, đổ xăng, thư giãn tay chân thôi, chứ không ngủ qua đêm nữa. Còn về nhà lo dọn dẹp bàn thờ, nhà cửa cho năm mới đang đến.


Hà nói với chồng:

- Em vừa nhìn thấy cái bảng hiệu bán đồ cũ ở góc đường gần tiệm ăn, anh cho em ghé vào xem một chút rồi hãy ra xa lộ.
Đoàn biết ý vợ, cười dễ dãi:
- Em thích thì vào, nhưng xe của mình không có chỗ cho em khênh cái gì to tướng về nhà đâu đấy nhé.
Tuy nói thế nhưng anh dư biết Hà chỉ thích đặt tay lên mấy cái vật cũ kỹ nhỏ bé, cầm lên để xuống, đứng tần ngần một lúc, rồi thôi. Nàng hay mua tách trà nhất, nàng đã có tới gần ba mươi cái tách khác nhau mua ở các tiệm đồ cũ rồi. Cái tủ chén ở nhà đã hết chỗ cho nàng chất thêm. Hà đã hứa nhiều lần sẽ không mua nữa, nhưng vào xem thì nhất định nàng phải vào mới hài lòng.

Hà dặn chồng ngồi ngoài xe đọc sách, “em vào mười lăm phút, ra ngay.” Đoàn vui vẻ, ngả cái ghế thấp ra sau một chút mang mấy cuốn tạp chí ra đọc, đợi vợ.

Cái tiệm Antique này không lớn lắm, nhưng chất khá nhiều hàng. Hà cầm lên bỏ xuống ngắm nghía đủ mọi thứ. Mỗi thứ đẩy trí tưởng tượng nàng đi thật xa hiện tại. Sợi dây đeo cổ này chắc phải thuộc về một phụ nữ giầu có nào từ vài chục năm về trước. Những hạt đá đỏ thẫm lấp lánh được gắn vào sợi dây vàng rất mỹ thuật, tuy cái móc đã mất mà giá khá cao trong một của tiệm như thế này. Hà tưởng tượng ra nó được đeo vào một chiếc cổ mịn màng nõn nà như cổ con thiên nga. Người phụ nữ đó bây giờ ở đâu, nàng còn sống, da mồi, tóc bạc, cổ nhăn nheo và đang ở trong một khu nhà già hay nàng đã nằm ngủ vùi trong lòng đất? Cái khăn quàng cổ bằng nhung lam đã bạc màu, nhưng đường ren gắn ở hai đầu khăn thì không hề mất một sợi chỉ nào. Ai choàng chiếc khăn này trong một buổi dạ vũ nhỉ; đôi giầy bạc kia nữa, chắc nó đi vào một bộ với nhau nên người ta mới bày cạnh nhau. Hà nhìn thấy ngay hình ảnh của người con gái mới lớn, má đỏ môi hồng, đang ngã vào vòng tay người đàn ông nàng yêu trong một vòng luân vũ. Ô, còn những khung hình này nữa, có cái hình đã tháo đi chỉ còn lại khung, cũ kỹ và trầy trụa, có cái còn nguyên hình của một cặp vợ chồng mặc quần áo của thế kỷ có Nã Phá Luân; rồi cái này, hình em bé gái độ lên 10, với chú thích chụp năm 1911.Cả trăm năm rồi cơ à? Sao cái hình lại lưu lạc tới đây. Con cháu không giữ à?
Hà lan man bước len lỏi giữa những kệ hàng, cầm lên, bỏ xuống, thứ này thứ nọ, ngắm nghía và tưỏng tượng. Cuối cùng nàng cũng tới kệ bát đĩa. Chẳng cái nào đủ bộ cả. Bát lớn, bát nhỏ, đĩa và chén, ly thủy tinh nữa, chủ tiệm cứ xếp đầy lên kệ chẳng theo một thứ tự nào cả. Có những cái mới tinh, chẳng có dấu vết gì là đồ cổ Nhưng có những cái trông lạ lắm. Hà cầm lên một cái tách trà nhỏ, có cả đĩa bên dưới. Hà ngắm nghía, lật trước, lật sau, ngẫm nghĩ: “Tách trà này chắc của Trung Quốc hay Việt Nam”, vì Hà tự nhiên thấy nó thân thuộc quá, cả hai đều có men xanh thật nhạt và vẽ một cành mai vàng rất mỹ thuật. Trên tách trà, phía ngoài vẽ nguyên một cành mai thếp vàng, phía trong lòng tách vẽ hai bông mai rơi trong tách, không có lá, nét vẽ tinh xảo trông như hai bông mai đang nổi trên mặt nước. Ở chiếc đĩa nhỏ kèm theo một bông mai lớn trên một cạnh đĩa, đầy đủ năm cánh với những đường gân của cánh hoa. Hà tự nhiên thấy rùng mình vì cái tinh xảo của những cánh mai. Bỗng một giọng đàn ông cất lên sau lưng làm nàng giật mình, tuy giọng nói đó nhẹ nhàng.
- Bà nên mua cái tách này, nó đợi bà đến mang nó về đấy.
Hà quay hẳn người lại. Trước mặt nàng là một người đàn ông Á Châu, mặc dù cách phát âm tiếng Anh của ông khá giống như người bản xứ. Ông trạc ngoài sáu mươi, tóc bạc, hơi gầy, trông khá tươm tất, nhưng buồn buồn ở hai con mắt. Hà chưa kịp nói gì thì ông ta đã nói tiếp:
- Cái tách này ở trong một bộ sáu cái, hai cái lớn, bốn cái nhỏ, có ấm nữa. Nhưng do chiến tranh, cái thì mất, cái thì vỡ, cái ấm thì phải bán lúc cần tiền mua thuốc cho con. Khi hết chiến tranh, hết tù đầy, trở về, chỉ sót lại được có một cái nhỏ, may còn cả đĩa. Chủ nhân quý nó lắm, nhưng khi ông ta mất đi, con cái mang vật dụng của ông đem cho, nó cũng bị vứt chung trong đó. May mà không bị sứt mẻ gì.
Hà lơ đãng không để ý lắm đến lời ông kể lể, nàng còn mải chú ý nhìn giá tiền ghi, thấy hai mươi đồng. Nàng nghĩ thầm, mọi khi mình mua những cái tách lẻ ở tiệm đồ cũ như thế này, thì giá cao lắm cũng chỉ khoảng mười lăm đồng thôi.
Như đoán được ý nghĩ của Hà, người đàn ông nói:
- Tôi biết là giá cao, nhưng tôi cứ để như thế cố ý không muốn ai mua, để chờ bà. Tôi sẽ hạ xuống mười lăm đồng thôi. Bà cứ lấy đi.
Hà vẫn cầm cái tách cái đĩa bằng cả hai tay. Nàng thấy nó đẹp quá, nếu ông chủ tiệm muốn bán hai mươi đồng thì nàng vẫn mua. Nàng nói:
- Cám ơn ông, chắc chắn là tôi mua rồi, Tôi thích sưu tầm tách trà lạ và đẹp. Cái tách trà này tôi nghĩ là đẹp nhất trong số tách tôi có ở nhà.
Người đàn ông mỉm cười, nói xã giao mà như thật:
- Tôi biết hôm nay bà sẽ ghé qua đây, tôi đợi suốt từ sáng đến giờ để trao nó cho bà, vì bà biết nhìn ra cái giá trị của nó. Trao được nó cho bà tôi rất yên tâm.
Người đàn ông nói xong, rút cái bút trên túi áo ra, sửa lại giá tiền của cái chén, rồi lại nói:
- Chắc ông nhà đang chờ bà ngoài xe.Chúc bà về nhà bình an. Bà còn về lo sửa soạn đón năm mới. Năm nay bà có cái tách mai vàng cho chén trà đầu năm, sẽ may mắn nguyên năm.

- Vâng, cám ơn ông, chắc ông cũng ăn Tết phải không? Ông là người Hoa hay người Việt.
Người đàn ông chỉ mỉm cười, không trả lời câu hỏi của Hà, đưa tay chỉ nàng ra chỗ quầy tính tiền.
Hà có cảm tưởng ông chủ tiệm này như một người mà nàng đã biết từ lâu lắm rồi. Nàng cố tìm trong trí nhớ xem ông ta có phải là bạn của cha mẹ mình không? Chắc là không? Vì cha mẹ Hà đã mất trên hai mươi năm rồi và khi mất cũng bằng trạc tuổi ông này bây giờ, thì làm sao mà họ là bạn với nhau được. Còn nữa, ông này chắc gì là người Việt. Cách phát âm tiếng Anh của ông ấy cho Hà biết ông ấy không phải đồng trang lứa với cha mẹ nàng.
Hà đặt chiếc tách trà lên quầy tính tiền, cô thâu ngân tóc vàng nhìn giá tiền trên cái tách trà, hơi cau mày lại. Cô nói trống không:
- Lạ nhỉ, cái tách trà này, ông chủ tôi đề giá là mười lăm đồng, nhưng khi nào tôi ra thu dọn, lau bụi tôi cứ thấy bị sửa lại là hai mươi đồng. Vì giá cao nên chẳng ai mua. Bây giờ bà mang ra đây nó lại trở về giá mười lăm đồng.
Hà cười nói:
- Số tôi may, hôm nay chính ông chủ thấy tôi cũng là người Á Đông nên ông bớt cho tôi năm đồng, ông ấy lấy bút mới sửa tức thì đấy.

Cô thâu ngân tròn mắt:
- Ở đây làm gì có người Á Đông nào. Chủ tiệm là người Mỹ, tôi cũng là người Mỹ, hơn nữa ngày hôm nay chỉ có mình tôi ở đây, ông chủ bận không ra được. Bà có đùa cho vui không đấy?
Hà nghe lạnh buốt sau lưng. Nàng quay đầu lại, cố nhìn về phía kệ để bát đĩa, tuyệt nhiên không có bóng một ai, sát sau lưng kệ là bức tường ngang, chẳng có cánh cửa nào. Thế người đàn ông đó ở đâu ra? Nàng im lặng hấp tấp trả tiền rồi đi như chạy ra xe.
Suốt trên đường về nhà, Đoàn lái xe, ngưng lại, nghỉ giải lao. Hà cứ im lặng, chỉ trả lời những khi Đoàn hỏi làm Đoàn phải ngạc nhiên tưởng Hà bệnh.
- Em sao vậy, em bệnh à?
- Không, em không sao cả.

Hà nói dối. Nàng đang hoang mang không biết cái ông Á Đông nói chuyện về cái tách trà hoa mai ở đâu ra.Tiệm chỉ có bốn bức tường, không phải là một cái nhà ở, nơi đó không có thêm gian nào ngoài gian bán hàng. Mà sao ông ấy lại sửa giá tới, sửa giá lui để chờ nàng tới mua. Sao ông biết nàng sẽ tới.
Bỗng Hà thấy đau quặn ruột, nàng nghĩ ra rồi. Ông ấy là người Việt Nam. Ông ấy đã đi qua chiến tranh, qua mất mát, qua tù đầy, qua Mỹ và qua đời rồi.
Cái tách trà này trước đây là của gia đình ông. Ông muốn trao cho một người biết trân quý nó. Hà ôm chặt cái gói giấy vào lòng, nước mắt ràn rụa.
Nàng đã nói chuyện với một hồn ma, một cái hồn tha hương thất lạc tìm về quá khứ trong những ngày cuối năm.
Đêm ba mươi, Hà thắp nhang, pha trà để lên bàn thờ cha mẹ xong, nàng mang cái tách hoa mai vàng ra, cầm lên ngắm nghía. Hà thấy lòng nàng nao nao xúc động, nghĩ đến người đàn ông Á Đông trong tiệm đồ cũ. Ông có thật hay không? Hay nàng chỉ tưởng tượng ra vào những ngày cuối năm âm lịch, những ngày mà hồn nàng chao đảo nhất.
Nàng xót xa lan man nghĩ tới những người đàn ông Việt Nam đã đi qua chiến tranh, qua tù đầy, qua một nước khác không phải quê hương mình để sống nốt những ngày còn lại rồi qua đời ở quê người. Toàn là những vượt qua thống khổ, ngậm ngùi.
Nàng rót trà vào cái tách hoa mai, cúi xuống, nói nho nhỏ:
- Xin mời ông ngụm trà đầu năm trong cái tách mai vàng gia bảo này.
Hà đợi cho tàn hết một tuần nhang, mở cửa ra trước hiên nhà, cầm tách trà rót xuống mặt đất tân niên.
Những cánh mai trong tách như theo nhau trôi vào lòng đất.

Trần Mộng Tú
Giao Thừa Giáp Ngọ