Mỗi năm, vào rằm tháng bảy, huynh đệ trong chùa tôi đều thành kính đọc Văn Chiêu hồn của cụ Nguyễn Du và khi đem mâm áo giấy đi đốt, nghĩ đến thân phận những cô hồn không người cúng tế, trong lòng càng cảm kích hơn đối với tình thương người của Cụ: "Đàn chẩn tế vâng lời Phật giáo.
Của có chi bát cháo nén nhang.
Gọi là manh áo thoi vàng.
Giúp cho làm của ăn đàng thăng thiên.
Ai đến đó dưới trên ngồi lại.
Của làm duyên chớ ngại bao nhiêu.
Phép thiêng biến ít ra nhiều.
Trên nhờ tôn giả chia đều chúng sinh.
Phật hữu tình từ bi phổ độ.
Chớ ngại rằng có có chăng chăng...".
Tro tiền bay lên, ai nấy cảm nhận như từ trong cõi lạnh vắng các vong hồn đang trở về. Trong sự "cộng tồn" của hai cõi âm - dương, ai không thể sống trọn nghĩa tử nghĩa tận của mình với người đi trước? Huynh đệ tôi, người nghĩ bằng dạ và người nói bằng lời: "Cụ ơi, cụ theo lời văn chiêu hồn về với những tu sĩ vô danh tiểu tốt chúng con Cụ nhé! Lễ bạc lòng thành, chúng con chẳng có gì ngoài manh áo giấy và một ít tiền vàng. Văn ấy là tình thương đời của Cụ, áo ấy là nhớ tưởng của người đời sau chúng con. Chúng con nghĩ Cụ đã siêu việt luân hồi, nhưng giữa cõi sống và cõi chết mong manh như tơ tóc, ở cái kiếp phù sinh như hình bào ảnh này, người đời sau như chúng con vẫn kính nhớ Cụ. Xin Cụ nhận cho chúng con của một chút này cũng chỉ là 'làm duyên' thôi ạ!".
Mùa Vu lan năm nay, tôi có nói với sư đệ: "Đến rằm tháng bảy, nhớ nhắc nhau mua đốt biếu Cụ Nguyễn Du vài bộ khăn đóng áo dài, đừng 'tiền vàng' gì cả". Sư đệ của tôi bảo rằng: "Người ta đang phê phán ầm ầm chuyện đốt vàng mã trên báo chí, rằng cái đó Phật có dạy đâu mà làm...".
Tôi không bàn gì về vấn đề của báo chí nói, mà tôi chỉ nói với sư đệ tôi rằng: "Em đừng coi nhẹ văn hoá, vài bộ áo giấy thôi, nhưng cũng là tấm lòng cả đấy. Cúng đốt như thế nào còn tuỳ theo tâm lý và động cơ của mọi người".
Những năm gần đây, người Việt du nhập và vồ vập với không ít những lễ hội đến từ bên ngoài, mức độ đánh giá về nó cũng khác nhau theo cách cảm nhận riêng. Thiết nghĩ, dân tộc nào đã hình thành quan niệm về hai cõi sống chết, thì với những hiện tượng tín ngưỡng, văn hoá dân gian cũng cần phải được nhìn nhận cho công bằng. Đối với người quá cố, cứ lấy một ví dụ về việc xây mộ to đẹp, chọn đất tốt để táng cho mả phát. Vậy có lời dạy nào của Đức Phật về chuyện này không? Thế mà từ bao đời nay, người ta vẫn xây mộ, thậm chí có nơi xây to như căn nhà thật để dành cho người chết. Nếu không nhìn ở hiện tượng văn hoá chung trên toàn thế giới về tưởng niệm người đã khuất bằng cách xây mộ cho người chết "ở", thì đó cũng là một việc làm "mê tín", lãng phí, khó có thể chấp nhận.
Khách quan mà nói, dịch vụ hàng mã phát đạt trong mấy năm gần đây chính do sự bất thường của việc mở rộng không kiểm soát trong lĩnh vực tín ngưỡng. Từ đó, dẫn đến những hành vi cầu cúng giống như một cách để đổi chác danh lợi với thánh thần, với người đã khuất, chứ bản chất của sự thờ cúng, xét dưới khía cạnh văn hoá cũng là một hình thức trả ơn, là đạo lý. Ngày xưa, các vị vua phong kiến phong sắc cho các vị thiên thần, nhân thần cũng không ngoài việc trả ơn cho họ để người dân thờ cúng quanh năm; tôn vinh công trạng của họ, thần thánh hoá họ cũng không ngoài việc khuyến khích cái trí, cái dũng, cái thiện của người dân.
Người viết bài này không hề có bất cứ ủng hộ nào với việc rải tiền giấy khắp đường khi đưa tang, và cũng không hề cảm tình gì với việc mua sắm đủ thứ vật dụng đồ mã như nhà cửa, xe cộ, máy bay, người hầu... giống như thật để đốt cho người đã khuất. Nhưng tại sao một vài manh áo, một vài thoi vàng, cộng với tấm lòng thành lại không đầy đủ ý nghĩa văn hoá và cả những giá trị nhân văn đằng sau nó?
Thử hình dung, nếu đến dịp tưởng niệm người chết, người ta chỉ chăm chăm với cỗ bàn, bia rượu, đánh chén no say, thậm chí sau khi men rượu ngấm vào còn xảy ra nhiều những tiêu cực, xáo trộn trong gia đình, thử hỏi việc cúng giỗ ấy có còn ý nghĩa tốt đẹp gì không?
Chính bản thân tôi, từng khuyên người thân trong gia đình của mình không nên đốt vàng mã một cách tốn kém trong các dịp cúng giỗ, nhưng tôi không có ý định bảo rằng phải loại bỏ nó ra khỏi đời sống gia đình chỉ vì không có kinh Phật nào dạy như vậy. Mẹ tôi cũng rất ý thức xem lòng thành mới là điều quan trọng, nên sắm lễ rất chừng mực. Có người đã nhầm lẫn, thậm chí vội vàng khi gạt bỏ hiện tượng tín ngưỡng trên ra khỏi văn hoá Phật giáo. Thực tế, đó là những nét tín ngưỡng từ lâu đã gắn kết với văn hoá Phật giáo và hoà hợp với văn hoá Phật giáo.
Không phải bất cứ những gì thuộc về văn hoá Phật giáo đều phải là những điều có trong kinh điển, hay được Đức Phật nói ra. Phật giáo du nhập vào mỗi quốc gia thì chính nó phần nào đã dần tách khỏi những yếu tố gốc ban đầu để dung hội với tín ngưỡng bản địa. Những hình thức Phật giáo quyền năng như xây chùa, tạo tượng, cúng tế, cầu siêu, bạt độ giải oan... đâu hoàn toàn có trong kinh điển Phật giáo.
Tôi có người cậu ruột, cậu tôi rất quan tâm đến việc thờ cúng tổ tiên, ông bà, trong bất cứ dịp cúng giỗ nào, cơm canh có thể thiếu thứ này thứ kia, nhưng đĩa trầu cau, vài xấp quần áo giấy, vài đinh vàng âm phủ, vài bó hương, vài đĩa hoa thì không bao giờ được thiếu. Vì tâm thức luôn coi việc đó là có ý nghĩa với ông bà, nên mỗi khi có giỗ ông bà, cậu mợ tôi đều đi chọn mua một vài bộ quần áo. Cậu tôi cho rằng cái đó mà thiếu trong dịp lễ giỗ là có lỗi, vì cỗ bàn cúng xong, người sống hưởng, người chết "có được gì"?
Sau này cậu tôi mắc bệnh nan y, khi gần mất, có dặn lại mợ tôi đừng làm gì tốn kém, chỉ cần đến ngày giỗ đốt cho một ít quần áo là được rồi. Lúc đó, tôi nghĩ đến câu "nhất thiết duy tâm tạo" trong kinh Hoa Nghiêm, người cậu của tôi đã tạo ra cái tâm cúng ông bà và căn dặn mợ tôi đừng làm gì cầu kỳ, tốn kém chỉ cần đốt cho vài bộ quần áo và ít tiền giấy là được. Chính cái "tâm tạo" ấy mà tôi cho rằng cậu tôi sẽ "nhận" được những gì mà mợ tôi đốt xuống. Ai không có cái tâm tạo ấy thì giấy chỉ là giấy không hơn không kém. Để thì hòn đất mà cất thì thành ông Bụt. Hơn nữa, với cái ân nghĩa vợ chồng bao năm, nay âm dương đôi ngả, việc làm đó không phải không có ý nghĩa.
Sau tôi mới dần hiểu ra, cũng như một số hình thức táng người chết của Tây Tạng, nhiều khi phải phơi xác cho chim ăn, bởi lúc sống họ luôn nghĩ làm vậy thì mới được siêu thoát, vì thế lúc chết, ai không làm như vậy với họ mới chính là không thương họ. Nhưng nếu áp dụng vào văn hoá người Việt thì quả là bất nhẫn. Khó có thể so sánh sự cao thấp văn hóa khi cả hai dân tộc Tạng và Việt đều ảnh hưởng sâu đậm Phật giáo. Các vùng đất giàu truyền thống Phật giáo như Nhật Bản, Tây Tạng, Đài Loan đều có phong tục đốt vàng mã, phong tục này đi song song với việc thờ cúng người quá cố. Các vùng đất ấy đạo Phật phổ biến, nhưng đâu phải ai cũng có đủ bản lĩnh siêu thoát để bước ra khỏi cái nhân gian tình người, luôn lấy "duyên" làm sự bén rễ này. Nhân gian luôn có nhiều gam màu sắc, nhưng thương yêu vẫn là màu đậm nhất để nhận biết sự hơn hẳn của con người.
Hình ảnh mợ tôi cầm vài bộ quần áo giấy, vừa đốt vừa ngùi ngùi thủ thỉ với người cậu đã khuất của tôi, xem như cậu tôi đang còn sống, đã thế còn không quên mua thêm một ít để đốt cho những người không ai thờ cúng, không nơi nương tựa đang "ngụ" ở chung quanh khu đất ấy, thực sự mang đến cho tôi không ít niềm trắc ẩn. Nếu ai đó bảo nén hương là nhịp cầu nối giữa hai cõi âm dương, thì dăm ba manh áo, thoi vàng là sự nhớ nghĩ và quan tâm đến đói lạnh của nhau. Ăn miếng ngon nhớ tới người, mặc cái ấm nhớ tới người, để không quên những lúc đói lòng, những khi giá buốt mà tình chồng nghĩa vợ đã san sẻ cho nhau. Đó là một nét đẹp văn hoá. Chính vì cảm nhận nét đẹp văn hoá ấy, nhìn cảnh người người đổ xô đi mua sắm đồ mã giống như nhà thật, xe thật để phô trương mà càng cảm thấy buồn cho người Việt mình. Ước gì dân mình đều biết nghĩ như cụ Nguyễn Du "Gọi là manh áo thoi vàng, giúp cho làm của ăn đàng thăng thiên".
Sự hoá giải lớn nhất của Phật giáo cho hiện tượng văn hoá "đốt mã" này không đến từ sự lên án, tẩy chay, mà đến từ lời Văn Chiêu hồn của cụ Nguyễn Du. Cụ đã hiểu "phép Phật thần thông quảng đại", nên mới nhắn nhủ các vong linh rằng: "Ai đến đó dưới trên ngồi lại. Của làm duyên chớ ngại bao nhiêu. Phép thiêng biến ít ra nhiều. Trên nhờ tôn giả chia đều chúng sinh". Lời văn ấy đã xoá đi cái ranh giới của thân phận giàu nghèo, xoá đi cái tâm lý giành giật chen trước ngồi trên. Vì đã có phép thiêng biến ít ra nhiều, chia đều một cách bình đẳng, thì còn ngại gì việc mình không có phần, ngại gì mình đến trước đến sau, và người sống cũng còn lý do gì để tranh nhau mua những thứ đồ vàng mã đắt tiền, thực tế chỉ để làm đầy túi người kinh doanh mà thôi.
Có bốn điều mà cá nhân tôi liên tưởng ra trong hành động đốt tiền vàng giấy cho người quá cố (chắc trong dân gian còn có điều thứ năm, thứ sáu... và còn nhiều điều phải tranh luận nữa), đó là: sự lo sợ người thân sẽ phải đói lạnh và mong muốn họ được đầy đủ như mình; gián tiếp tạo nên hay khuyến khích phẩm chất nhớ ơn, biết ơn trong gia đình; hướng đến những ứng xử nhân quả trong việc thờ cúng tổ tiên; biết lo nghĩ đến đói khổ của người khác (dù là người khuất bóng) không kể thân sơ thì cũng làm tăng trưởng lòng từ bi hỷ xả, không bòn xẻn. Bốn điều ấy chắc chắn sẽ tác động không nhỏ vào đời sống thực tiễn hàng ngày.
Văn hoá là như vậy chứ đâu. Sự giao thoa của đạo Phật và văn hoá bản địa cũng có bao giờ đi ra ngoài những ứng xử nhân văn như vậy đâu? Tôi nghĩ, cụ Nguyễn Du đã tận hết sự thương người. Trong tiết tháng bảy mưa rầm sùi sụt, một vài manh áo, thoi vàng được đốt lên, người dưới kia tin chắc lòng sẽ ấm lên nhiều lắm. Xin đừng vội lên tiếng mạt sát, hay chợt nhìn vào một vài sự thái quá của nó mà vội đẩy nó ra khỏi mình, vội xem nó như là cái gì đó mê tín, tệ đoan ghê gớm.
Tình thương người của cụ Nguyễn Du sở dĩ thấu suốt đến nghìn đời, vì Cụ đã nhìn đời bằng con mắt của đời. Ước chi mỗi khi ai đó tưởng nhớ đến người quá cố, xin hãy nghĩ về cái tâm đã tạo của họ mà làm, chứ không phải bằng tâm vị kỷ, bằng sự phô trương cúng lễ để cầu mong sự phù hộ độ trì một cách phù phiếm.
Một năm có vài ba dịp, bỏ ra vài ba đồng tiền thật để mua một chút "của làm duyên", dùng tâm từ mà đốt thì còn ngại gì âm dương cách biệt...
Mong ai đó đừng tiếp tục để sự phô trương núp danh phong tục truyền thống. Cũng mong ai đó đừng vội đuổi nó như đuổi tà, bởi chính cái tâm lý phủi đẩy người khác để đề cao mình mới đáng sợ trong đời sống ứng xử văn hoá, tận diệt văn hoá.
Thích Thanh Thắng