Thursday, June 30, 2016

Tuesday, June 28, 2016

LÒNG TRẮC ẨN VÀ SỰ HỔ THẸN - Hoàng Ngọc Diệp

(Những tâm sự gửi đến các con ruột và con nuôi của bố)

Như những lần trước đây, ở những nơi chốn, diễn đàn khác, bố sẽ tâm sự và gửi gắm tới các con những gì bố ưu tư và đau buồn! Bố đưa lên diễn đàn này không những để các con đọc mà còn để các bạn trẻ khác của bố và của các con cũng chia sẻ. Nhân, con giúp bố dịch cho chị Amy của con nhé!

Một câu chuyện nhỏ về lòng trắc ẩn.

Vào các năm cuối thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, bố có dịp cùng đi hoặc tổ chức đưa các phái đoàn cấp lãnh đạo nhà nước thăm và làm việc ở các nước trong khu vực. Có lần đến Hong Kong cùng một số vị bên Bộ Lao Động và Bộ Kế Hoạch Đầu Tư, bố cố tình sắp xếp để sáng Chủ Nhật, ngày cuối của chuyến đi, đưa họ đi ăn sáng; để đến nhà hàng, mọi người phải đi bộ qua hai công viên nhỏ từ khách sạn.

Khi đi ngang qua hai công viên này, phái đoàn thấy lạ vì sao có quá nhiều phụ nữ da ngâm đen, như họ đến từ Việt Nam hay Philippines, đang tụ tập tại đó với nhau. Phái đoàn dừng lại chụp hình với những người này, hỏi ra thì quả là họ đến từ Philippines để làm người ở đợ (còn gọi một cách nhẹ nhàng là người giúp việc nhà) cho các gia đình tại Hong Kong.

Trong khi ăn sáng, bố kể cho phái đoàn biết hoàn cảnh của những người đi làm người giúp việc nhà này, bố cho biết họ may mắn hơn những phụ nữ Việt Nam đi làm người ở đợ tại các nước khác, vì Hong Kong, qua gần một thế kỷ dưới sự quản lý của Anh Quốc, đã xây dựng được hệ thống theo dõi và quản lý những người giúp việc tại Hong Kong; tất nhiên vẫn xảy ra một số vụ hành hạ và xâm phạm tình dục, nhưng ít hơn rất nhiều so với các nước khác như Hàn Quốc hay Đài Loan. Bố còn cho họ biết, qua nghiên cứu của Hiệp Hội Bảo Vệ Phụ Nữ Thế Giới, thì hầu hết những phụ nữ này sẽ không thể tìm được một gia đình hạnh phúc nếu họ đi ra khỏi nước và trở về khi còn trẻ, và gia đình sẽ đổ vỡ chia ly, hoặc không thể lập gia đình nếu họ đi và về khi ở tuổi trên 30.

Sau đó bố hỏi họ một loạt câu hỏi như “Tại sao chúng ta xuất khẩu những người đi ở đợ mà báo chí ca ngợi các kỷ lục xuất khẩu lao động?, “Quý vị có sẵn sàng đưa chị em gái hay con gái của mình đi làm người giúp việc nhà tại Đài Loan không”, “Nhà nước và quý vị có thấy việc xuất khẩu phụ nữ Việt Nam đi ở đợ là một sự hổ thẹn của đất nước không?” v.v… mọi người đều tỏ ra rất buồn; vài người thì giận dữ với bố vì cho rằng bố không biết gì về hoàn cảnh đất nước và đã xúc phạm họ! Tất nhiên, bữa ăn sáng không còn vui, rồi mọi người ra về trong im lặng.

Mười mấy năm qua, số người đi xuất khẩu lao động theo diện này vẫn cứ tiếp tục, mặc dù những bài báo nói về chuyện này đã giảm, nhưng vẫn chưa có một kế hoạch gì để bảo vệ cho họ; mặc dù như vậy, bố vẫn hằng mong nhà nước sớm xây dựng được các kế hoạch đào tạo và tìm công việc làm cho họ tại chính đất nước Việt Nam mình.

Cho đến nay bố vẫn cứ lo lắng, băn khoăn, thỉnh thoảng mất ngủ về những số phận này! Bố tin chắc trong mấy trăm ngàn người đang đi ở đợ, hay lao động chân tay cấp thấp nhất, ở nước ngoài, phải có những người bà con của bố và của các con trong số này!

Với bố, đây là một trong vô vàn điều trắc ẩn cần phải có trong mỗi công dân Việt Nam, từ cấp lãnh đạo cao nhất xuống tới ngay những người có số phận đen tối này! Các con có lòng trắc ẩn cho những số phận này hay những số phận khác còn đáng thương hơn nữa đang sống ngay tại đất nước mình không? Có đủ lòng trắc ẩn để chuyển nó thành năng lực để nhắc nhở, thúc đẩy các con phát triển và dấn thân mỗi ngày không? Các con phải luôn nhắc nhở bản thân mình nhé!



Một câu chuyện về sự hổ thẹn

Tại các thành phố lớn trên khắp nước, giờ đây, nơi nào cũng nhiều nhà lầu, nhiều chung cư trung bình hay cao cấp; hầu hết các công chức nhà nước từ cấp trưởng phòng trở lên, nhất là các cấp phó giám đốc sở trở lên, đều có nhà riêng, cho con đi du học nước ngoài, có vài cái nhà hay miếng đất thêm để làm của cho con. Trên đường phố thì đầy xe hơi các loại, trong đó có khá nhiều xe vô cùng đắt tiền, nhất là ở Hà Nội, Sài Gòn, và vài thành phố lớn khác. Có luôn cả những chiếc xe mà chính các bạn nước ngoài của bố phải ngạc nhiên là người Việt Nam mình làm sao mua nổi, vì ngay cả chính họ, những doanh nhân triệu phú USD, cũng chưa dám nghĩ tới!

Mỗi ngày chi tiêu của rất nhiều “thiếu gia”, “trung gia” hay “đại gia” thường lên đến vài chục triệu đồng, nhưng hình như họ không phải làm gì vất vả hay nặng nhọc hết!

Quả thật đời sống của người dân nói chung ở chừng mức nào đó rất phát triển, nhất là so với thập niên 1980s hay đầu thập niên 1990s. Còn đời sống của các vị lãnh đạo cấp quốc gia thì khỏi phải bàn! Bố đã gặp nhiều trường hợp kinh lắm. Cái cách họ cho con đi học, cách mua sắm nhà cửa, xe hơi để phục vụ cho các con của họ ở nước ngoài, thì các gia đình trung lưu, và ngay cả thượng lưu từ các nước khác cũng gửi con đi du học cùng trường không thể nào sánh nổi!

Mặt khác, nhìn chung xã hội Việt Nam mình thì những người nghèo lại còn quá nhiều! Sự cách biệt giữa những gia đình giàu có, chức quyền và đại đa số người dân còn lại càng ngày càng xa! Chỉ cần một trong những chiếc xe hơi của một gia đình giàu có là dư sức để cho cả một đại gia đình nghèo đang sống trong cùng thành phố có thể có nhà ở và con cái được đi học cả đời! Các con có bao giờ thắc mắc về điều này không? Các con có nhìn thấy sự vô tâm hay vô tình và bất bình đẳng của tầng lớp cao, tầng lớp lãnh đạo, đối với đa số nhân dân không?

Điều làm cho bố hổ thẹn nhất, phẫn nộ nhất, đó là chuyện xảy ra cách đây vài ngày!

Khi có những dấu hiệu thế giới sẽ đưa Việt Nam mình ra khỏi danh sách các nước nghèo, thì ngay lập tức lãnh đạo nhà nước, ông Thủ tướng, đã phát biểu, giải thích với thế giới rằng “Việt Nam vẫn còn là nước nghèo”,[*] nhằm để thế giới tiếp tục giữ nước mình trong danh sách các nước nghèo.

Lý do là vì họ muốn vẫn tiếp tục được nhận viện trợ!

Hình như họ cho rằng Việt Nam mình làm ăn mày thế giới là chuyện tốt chăng? Trời ạ, hay còn tệ hơn nữa, có khi họ cho việc cố gắng thuyết phục thế giới để Việt Nam mình nằm trong danh sách các nước ăn mày là một công lao lớn của họ đối với đất nước?

Các con hãy cùng bố thử đánh giá đất nước mình vào thời điểm 2011 này nhé:

Việt Nam đã thống nhất hơn 36 năm, không còn phân tranh, chia rẽ, nội chiến hay bị xâm lược nữa nhé, ngoại trừ một cuộc chiến nhỏ ngắn ngày với Trung Quốc (cái đất nước láng giềng mà ngày nay người ta còn gọi một cách giễu cợt, để cười ra nước mắt, là Nước Lạ) vào năm 1979, nhưng cuộc chiến đó cũng đã 32 năm rồi. Như thế không thể lấy mãi lý do vì chiến tranh mà nước mình nghèo đói, phải không nào?

Việt Nam hiện là một trong vài nước xuất khẩu nông thuỷ sản dẫn đầu thế giới. Việt Nam còn có các nguồn tài nguyên quan trọng khác đang được khai thác. Như vậy, trên nguyên tắc Việt Nam không thể đói và nghèo được!

Ai cũng biết chúng ta có rất nhiều người tài giỏi trong gần 90 triệu người Việt ở trong nước và ở nước ngoài, từ chiến lược gia cho EU, các khoa học gia trong gần như mọi lĩnh vực làm việc tại các trung tâm khoa học thế giới, các nhà quản trị, kinh tế, giáo sư đại học, bác sĩ, luật sư… v.v…, nhiều vô số kể. Như vậy, trên nguyên tắc, không thể bảo Việt Nam không có nguồn nhân lực nòng cốt để tiếp tục nằm trong tình trạng lạc hậu và quản lý quốc gia yếu kém nữa.

Như vậy tại sao Việt Nam mình vẫn còn lạc hậu, vẫn còn có thể — theo lời ông Thủ tướng — được chứng minh là nghèo đói?

Vì tham nhũng chăng?

Đúng!

Nhưng gốc của tham nhũng từ đâu ra?

Do trời sinh, do người dân thiếu lòng tự trọng và tham lam, hay do tính đặc quyền từ một lối “cơ cấu” và “cơ chế” bởi guồng máy quyền lực?

Đừng đổ cho ông Trời nhé! Cũng đừng đổ cho nhân dân, vì người dân của hầu hết mọi quốc gia đều rất đơn giản, họ chỉ làm theo những gì guồng máy lãnh đạo làm và chính quyền cho phép hay lỏng lẻo trong quản lý mà thôi!

Thế thì còn lại là vấn đề “cơ cấu” và “cơ chế” của guồng máy lãnh đạo!

Vì thiếu nhân tài chăng?

Sai, nhưng thực tế thì Đúng!

Sai là vì mình có rất nhiều nhân tài, nhưng Đúng trên thực tế vì guồng máy lãnh đạo chỉ sử dụng những người trong “cơ cấu” cho dù họ yếu kém, bất tài hơn những người bên ngoài cơ cấu!

Phải chăng guồng máy quyền lực hiện nay không có ý định thay đổi để tận dụng nguồn lực bên ngoài này cho dù họ đã cho thấy sự bất lực của “cơ cấu” mà họ tạo ra?

Vì thiếu sản phẩm sản xuất trong nước chăng?

Sai, nhưng thực tế thì có khác! Sai vì mình là một trong vài nước dẫn đầu sản xuất và xuất khẩu nông thuỷ sản và nhiều mặt hàng khác, nhưng trên thực tế hầu hết đều chỉ là cung cấp ở mức nguyên liệu thô hay gia công với giá thành thấp nhất!

Phải chăng là vì các công ty không có khả năng? Hay guồng máy nhà nước không biết quản lý để giúp họ khắc phục và nâng cao giá trị sản phẩm?

Như vậy, nếu ta nghiêm túc đặt Việt Nam mình là nước nghèo đói và lạc hậu, thì phải tự mình nghiêm túc tìm hiểu tạo sao và tự khắc phục nó!

Ngay sau khi chiến tranh, thế giới cho nước mình là nghèo đói thì có thể chấp nhận được. Nhưng sau mấy chục năm thống nhất, khi thế giới dự tính đưa nước mình ra khỏi danh sách các nước nghèo đói, thì lãnh đạo nước lại đại diện cho đất nước tự biện giải để tiếp tục nằm trong danh sách các nước nghèo đói, hầu tiếp tục làm một đất nước ăn mày!

Như vậy thì làm sao công dân Việt Nam mình có thể có một niềm tự tin, niềm hãnh diện để góp sức và tận lực phát triển?

Đúng ra, khi nhận được dự tính đưa nước mình ra khỏi danh sách các nước nghèo đói, chúng ta nên xem nó là một tin vui; mọi người dân Việt Nam mình phải hoan nghênh và hãnh diện về khả năng tự phát triển thoát nghèo để tiếp tục thay đổi, tiếp tục chuyển mình! Như vậy mới là một quốc gia có danh dự, có lòng tự trọng và có khả năng tự lực phát triển, phải không nào?

Trong lịch sử nước Việt Nam mình đã có nhiều lần chịu nhục! Nhưng những lần đó đều là vì sự áp chế của bọn xâm lăng nước ngoài.

Nhưng lần này thì khác, các con nhớ dùm bố, đây sẽ là lần nhục nhã nhất trong lịch sử của Việt Nam!

Vì lãnh đạo nước mình tự nguyện chịu nhục với thế giới bằng cách tự nguyện xin làm một đất nước ăn mày, một dân tộc ăn mày, chứ không chịu chấp nhận sự kiện Việt Nam đã có khả năng thoát nghèo đói, hay chấp nhận sự kiện guồng máy lãnh đạo yếu kém trong khả năng lãnh đạo đất nước!

Họ đã chứng tỏ rằng họ không còn lòng tự trọng để là những đại diện và lãnh đạo đất nước Việt Nam mình!

Và bố, thế nào đi nữa, bố vẫn xem mình là một người Việt Nam, một con dân của dân tộc Việt Nam trong huyết thống, thì bố đau khổ và nhục nhã quá!

Nay bố già rồi, không còn nhiều sức lực và thời gian nữa; bố cũng không còn là công dân Việt Nam về mặt pháp lý, để đóng góp nhiều như mong muốn và khả năng cho phép, nhưng các con là công dân Việt Nam, các con còn cả một tương lai lâu dài, các con phải hứa với bố là khi trưởng thành các con sẽ luôn có lòng trắc ẩn cho những người dân đen, và đóng góp hết sức mình làm thay đổi guồng máy đần độn, thối nát và vô liêm sỉ này, để Việt Nam mình không còn là dân tộc ăn mày thế giới nữa nhé!

Bố thương các con lắm!

Hoàng Ngọc Diệp

Saturday, June 25, 2016

Friday, June 24, 2016

Hoa sen nơi cỏ lạ - Trần Đan Hà



Hoa sen nơi cõi lạ. Vẫn sống đời thong dong. Vì cội nguồn nhân quả. Ẩn một hồn phương đông. Lá tròn như cánh lộng. Búp nở nụ cười hoa. Hạt sương mai rất mỏng. Rơi rụng đọng trên tòa. Bóng như lai thị hiện. Qua tâm cảnh nên thơ. Nở nụ cười thánh thiện. Đẹp như lòng bé thơ. Mặt hồ im ngái ngủ. Làn gió lay màn xanh. Làm lung linh bóng rủ. Chút nắng vàng long lanh. Hoa sen nơi cõi lạ. Vẫn sống đời như nhiên. Búp hồng bên cánh lá. Đứng mĩm nụ cười hiền. Giọt nước trong như ngọc. Gió rung lòng ngất ngây. Khi mặt trời mới mọc. Hoa lồng bóng hiện bày. Lá xanh bông trắng hồng. Búp xinh như nhật nguyệt. Gối nghiêng đầu hư không. Mĩm nụ cười diễm tuyệt…

Nhớ lại những mùa hè năm xưa mỗi lần về làng, tôi hay ra ngồi bên hồ sen. Ngắm những búp sen vừa nhú lên khỏi mặt nước, cạnh những chiếc lá tròn trỉn như lòng chảo đang ngửa lên đón nắng gió của buổi sớm mai. Trên lòng những chiếc lá đang chứa những giọt sương đêm còn đọng lại. Màu xanh của lá, màu trắng của những hạt sương và mỗi khi làn gió thổi qua làm chao lượn những giọt sương lăn qua lăn lại trong lòng lá sen màu xanh non ấy, lấp lánh dưới ánh bình minh như những hạt kim cương trông thật đẹp.
Xen lẫn giữa những tàn lá sum suê, là những búp hoa sen mới vươn lên khỏi mặt nước, với màu sắc hồng nhạt, đang đong đưa trước gió như những chiếc lồng đèn con. Mủm mĩm như nụ cười e ấp của những thiếu nữ xuân thì. Khung cảnh ấy thật yên bình, khiến lòng tôi cảm thấy bâng khuâng, như quên đi cảnh sống bon chen của hiện tại. Những giây phút ấy đến bây giờ mỗi khi nhớ lại thấy thương nhớ làm sao.
Trong phút giây, cảm thấy lòng mình như đang gặp cõi an lạc nào. Dưới ao sen, những lá sen, những búp hoa như đang nở nụ cười, như đang chan hòa một niềm vui vì không còn cảm thấy lạc loài nguồn cội, không bị cô đơn nơi cõi lạ. Vì bây giờ đã có người nhìn ngắm, đã có những người bạn đồng hành trên bước đường lưu lạc. Đang san sẻ cho nhau nỗi nhớ niềm thương, để cùng cảm thông trên bước muôn trùng.
Ở làng Mai xóm nào cũng có hồ sen, xóm thượng, xóm hạ, xóm mới và gần đây có thêm xóm Sơn Hạ với cảnh trí thật nên thơ. Có hồ nước lớn, có bóng liểu rủ và có những con đường nho nhỏ đi quanh rất xinh xắn. Không gian ở đây thật rộng khoáng mát và yên tĩnh đang trải dài theo những vườn nho bạt ngàn, những đồng hoa hướng dương khoe sắc đang vươn vai ra ngoài vô tận. Trải dài thêm những nương bắp đậu xanh tươi, nhà cửa thưa thớt, người dân hiền hòa, thật là một cảnh thanh bình. Thật là một khung trời mơ ước cho những ai đã trải qua bao cảnh thăng trầm, long đong của một quê hương chìm ngập trong tang thương, ly tán... Khung cảnh đã vậy thêm nếp sống con người cũng hồn nhiên như cây cỏ. Những Tăng Ni sinh đang tu tập tại đây cũng mang một sắc màu thanh tịnh. Phần đông tuổi còn rất trẻ, đang sống một cuộc sống lý tưởng là đem tình yêu thương để ban phát muôn phương.

Hoa Sen người Tàu gọi là Liên Hoa, còn nhiều tên nữa như Hà Hoa (Hà trì là đầm sen hay ao sen). Tây gọi là Lotus. Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, là bậc nhất trong các Kinh Pháp khác mà Phật đã thuyết, cũng ví như hoa sen.
Vì hoa sen sánh với hoa khác có 5 điều đặc biệt:
1) Có hoa là có gương: nhân quả đồng thời.
2) Mọc trong bùn lầy mà vẫn trong sạch thơm tho.
3) Cọng hoa từ gốc tách riêng không chung cành với lá.
4) Ong và bướm không bu đậu.
5) Không bị người dùng làm trang điểm
(xưa đàn bà Ấn Độ quen dùng hoa kết thành tràng để đeo). (thích nghĩa của dịch giả Thích Trí Tịnh).
Hoa sen có xuất xứ từ bên Thiên Trúc, bây giờ là Ấn Độ gồm có 4 loại: Loại mang tên Ưu-bát-la có hoa màu xanh. Loại Câu-vật-đầu hoa màu vàng. Loại Ba-đầu-ma hoa màu đỏ. Loại Phân-đà-lỵ hoa màu trắng.
Trong Tứ Thập Nhị Chương kinh, Đức Phật Thích Ca có dạy rằng: Bực Sa-Môn sấn mình vào cõi ô trược nầy, phải gìn giữ thân ý như hoa sen mọc dưới bùn mà chẳng dính nhơ. Đối với hàng phụ nữ, phải có tư tưởng đứng đắn nầy: Già thì coi như mẹ, lớn tuổi hơn thì coi như chị ruột, nhỏ tuổi hơn thì coi như con gái mình. Bởi hoa sen là hoa chẳng nhiễm trược, cho nên Đức Phật lấy đó mà làm biểu hiệu. (Sa-Môn theo âm Phạn là Sa-môn-na (Sramana) có nhiều nghĩa: Căn giả là người luôn làm điều thiện. Tức giả là người dứt bỏ các nghiệp ác. Bần giả là người chịu thiếu, chịu nghèo, chẳng có của cải, chẳng có gì gọi là của mình. Sa-Môn là tiếng gọi những người xuất gia theo đạo Phật.)
Tịnh độ tông cũng lấy hoa sen biểu hiệu cho nơi chốn thanh tịnh trang nghiêm. Trong ao Thất Bảo ở cõi Cực lạc cũng có đủ 4 loại hoa sen ấy, mỗi loại đều tỏa ra hào quang với màu sắc tuyệt đẹp. Mùi hương thơm dịu và tinh khiết.
Trên bàn thờ Phật, dùng hình tròn bằng phẳng của hoa sen, trên ấy có tượng Phật, tượng Bồ Tát gọi là Liên Đài (Đài Sen, Tòa Sen) (theo Tự điển Phật Học của Đoàn Trung Còn).

Trong thập chủng đại nguyện của Ngài Phổ Hiền Bồ Tát, nguyện hồi hướng cho chúng sinh cũng có đoạn:
Nguyện sanh Tây phương Tịnh độ trung,
Cửu phẩm Liên hoa vi phụ mẫu,
Hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh,
Bất thối Bồ tát vi bạn lữ ...
Vào thời cuối nhà Đường, nhà sư Lục Quy Mông diễn tả nét đẹp của hoa sen qua bài thơ Bạch Liên, có những câu như :
Cố vỉ da mông biệt diễm khi
Thử hoa đoan hợp tại Dao Trì...
(Đừng nên xem thường hoa trắng, che lấp nét đẹp đặc biệt. Hoa nầy kết hợp đầu tiên tại cõi Dao Trì (chú thích HTL)
Dùng hoa sen để diễn tả cảnh vô thường trước vạn vật, chỉ thời gian thấm thoắt thoi đưa, Nguyễn Du cũng đề cập trong Truyện Kiều:
Sen tàn, cúc lại nở hoa
Sầu dài, ngày vắn, đông đà sang xuân...
Trong Gia đình Phật tử Việt Nam, dùng hoa sen để làm huy hiệu, với tám cánh, năm cánh trên tượng trưng cho các hạnh: Tinh tấn, Hỷ xã, Thanh tịnh, Trí huệ và Từ bi và ba cánh dưới chỉ Phật, Pháp, Tăng (tức là Tam Bảo). Với bài ca của Gia đình: Kìa xem đóa sen trắng thơm. Nghìn hào quang chiếu sáng trên bùn. Hình dung Bổn sư chúng ta, lòng từ bi, trí giác vô cùng. Đồng thệ nguyện một dạ theo Phật. Nguyện sửa mình ngày thêm tinh khiết. Đến bao giờ được tày sen ngát, tỏa hương thơm Từ Bi tận cùng.
Trong các đoàn đội của Gia đình, cũng lấy hoa sen đặt tên hiệu. Như Đoàn Sen Trắng, Đội Sen Vàng ...
Hay bài hát Em Đến Chùa :
Một hôm mồng một đến chùa.
Em đi với mẹ mua vài hoa sen.
Đến chùa dâng cả hồn em.
Lên trên Đức Phật lòng em kính thành...
Ôi đẹp làm sao, một tâm hồn son trẻ trinh trắng, như đóa hoa sen kia em dâng lên lời nguyện. Em nguyện cho tâm hồn trinh nguyên nầy, được mãi mãi trong trắng tinh khôi, như hoa sen kia để được sống một cuộc đời vô nhiễm. Vẫn vươn mình lên khỏi chốn bùn nhơ nước đọng, để còn thấy rằng cuộc đời còn mãi đẹp, cuộc đời là quà tặng. Trân quý và săn sóc thân ý luôn tươi mát và thánh thiện, cũng là một phương cách tự mình tìm về nẻo Đạo rồi vậy.

Theo văn học dân gian, hoa sen cũng là một biểu tượng cao quý và đẹp đẽ:
Trong đầm gì đẹp bằng sen.
Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng.
Nhụy vàng bông trắng lá xanh.
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Tinh thần vô nhiễm của hoa sen theo quan niệm nhân gian, cũng không khác gì trong nhà Phật bao nhiêu, nên người đời cũng lấy hạnh của hoa sen để khuyên bảo người sau...
Theo truyền thuyết trong tình tự dân gian, chuyện một chàng trai trẻ xa xưa nào đó, một hôm tát nước đầu đình, làm bộ bỏ quên chiếc áo để may ra có người nhặt được, đem về nhà làm của tin:
Hôm qua tát nước đầu đình.
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen.
Em được thì cho anh xin.
Hay là em để làm tin trong nhà.
Áo anh sứt chỉ đường tà.
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu.
Áo anh sứt chỉ đã lâu.
Mai mượn cô ấy vào khâu cho cùng.
Khâu rồi anh sẽ trả công.
Mai mốt lấy chồng anh sẽ giúp cho.
Giúp cho một thúng xôi vò.
Một con heo béo, một vò rượu tăm.
Giúp cô đôi chiếu cô nằm.
Đôi chăn cô đắp, đôi tằm cô đeo.
Giúp cô quan tám tiền cheo.
Một con heo béo lại đèo buồng cau ...
Thì ra cái anh chàng nầy làm bộ bỏ quên chiếc áo nơi đây để mong người nhặt được, để có cơ hội tỏ tình. Chứ thật sự thì chuyện đâu có dễ dàng như vậy? Nội việc bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen, thấy cũng đã không ổn rồi, vì cành hoa sen thì mỏng mãnh yếu đuối, nằm sát trên mặt nước, chỉ đụng nhẹ là cành sen đã chắm nước rồi, làm sao mà chịu đựng với chiếc áo vải thô của anh? Nhưng ý tưởng thì nghe ra rất chi là thâm thúy! Lối tỏ tình kín đáo nầy, cũng rất thơ mộng biết bao. Vì áo rách nhờ khâu rồi trả công bằng quà cưới, thấy tuyệt vời vô cùng. Cho dù có đối tượng hay không, chuyện đó không thành vấn đề, khi mơ thì cứ để cho lòng nó mơ cái đã. Kết quả ra sao thì chỉ biết lạy trời cho giấc mơ của con chóng thành sự thật! Nên khi nghe qua chắc lòng ai đó không nở chối từ. Vì lời tỏ tình tuy hơi kín đáo, nhưng trong lòng thì tha thiết biết bao! Nên mỗi khi nhắc nhở đến, chắc ai cũng muốn trở về tát nước đầu đình, để bỏ quên chiếc áo...!

Hoa sen cũng dùng làm thực phẩm và dược phẩm, như ngó sen dùng làm gỏi hay các món xào nấu cũng "dzách lầu" lắm. Hạt sen dùng để nấu chè:
Thương chồng nấu cháo hạt kê
Nấu canh bông lý, nấu chè hạt sen
Mấy nhà trưởng giả thì lấy tim sen ướp trà, uống trà sen cũng giúp cho việc điều hòa tim mạch và cơ quan tiêu hóa.
Mấy lần ghé vào tiệm thực phẩm Việt Nam mua một gói trà sen, hay mua một ít hạt sen về nấu chè, lòng tôi thấy nhớ quê hương vô cùng. Cái nhớ như quay quắt, như xót đau vì những gì tôi đã sống qua, đã cảm nhận chỉ còn lại một chút kỷ niệm nhạt nhòa ở trong lòng, mà ngỡ tưởng không bao giờ có thể thấy lại. Tất cả đều như mất hút, ngàn trùng.
Cách đây mấy năm, nhân dịp đi nghỉ hè vùng biển La Grande Motte, tôi có ghé xem khu rừng được trồng hàng trăm loại tre trúc, cùng với một số cây cối miền nhiệt đới. Cảnh nơi đây trông giống như một làng quê ở vùng cao nguyên Việt Nam, có mấy nóc nhà sàn ẩn sau mấy bụi chuối, lùm tre, đặc biệt cũng có hồ sen, ao cá. Nhưng sao thấy sen nơi nầy nó không làm tôi xao xuyến, bâng khuâng mỗi khi nhìn ngắm. Có lẽ sen nó qua Pháp không mấy đặc biệt, hay trái lại tôi nghĩ ngày trước họ qua đô hộ nước ta, rồi đem giống về trồng như một tước đoạt của cải người khác, hay là chủ nhân không tha thiết gì với sen. Chẳng qua, họ trồng để làm cảnh lạ cho khách du lịch, vậy thôi. Cho nên thấy sen mà cứ dửng dưng với lòng, thấy cảnh của quê hương mà không có chút nhớ nhung! Âu cũng là cái duyên gặp gỡ mỗi lúc mỗi khác, mỗi hoàn cảnh với sự cảm nhận không giống nhau ấy, mới gọi là "duyên lành".

Một lần khác sang Ý cũng được nhìn khung cảnh hồ sen ao cá, có nương lúa rẫy bắp, có những căn nhà thưa thớt, mà cảm nhận như đây là quê nhà! Một quê nhà trong tâm cảnh, nhưng cũng an ủi được niềm xa. Nhất là gặp lại những đồng hương và bây giờ thêm tình đồng đạo. Có lẽ hoa sen đến nơi đây, tuy tình cờ nhưng đặc biệt, giản dị nhưng thiện ý của chủ nhân lại có tấm lòng yêu mến. Và đồng hương nơi đây cũng đã ẩn tàng một tấm lòng thiện lành, nên khi xa họ vẫn nuôi dưỡng và chăm bón những tinh hoa, duy trì những nguồn suối mát muôn đời tắm gội, cho hạt giống Từ Bi vẫn còn kết trái đơm hoa. Hay tiếp nối truyền thống muôn đời của tiền nhân, đang dìu nhau hướng về chân thiện mỹ.
Thời gian chỉ vỏn vẹn có mấy ngày, nhưng tôi đã gặp, đã nhận nhiều bài học quý báu, nhất là được học hạnh của hoa sen: Vẫn sống đời như nhiên. Không sạch nhơ đọng lắng. Không phân biệt sang hèn... ! Xin cám ơn những bàn tay, đã xây dựng một chốn Đạo tràng để đón tiếp những người đồng đạo. Cũng như chủ nhân ao sen kia, đã ra công chăm bón cho những đóa sen hồng nầy còn mãi dâng hương sắc cho cuộc đời.
Nhìn ao sen, từng cánh sen đang đong đưa trong gió sớm, nhìn cảnh thanh bình của xứ sở nầy, gặp những đồng hương mà lòng tôi thấy một nguồn an lạc. Nên khi về tôi mang theo về nhiều lắm, những kỷ niệm khó quên.

Tuesday, June 21, 2016